Khi phê bình con, nhất định phải ghi nhớ “định luật 2-8”, đơn giản nhưng rất hiệu quả
Có rất nhiều trường hợp, khi người lớn răn dạy trẻ nhỏ, chúng không những không nghe lời mà còn trở nên lầm lì và nổi loạn hơn. Có thể là do phương pháp dạy của bạn đã sai rồi.
Cuối tuần, con trai tôi đang học bài một mình trong phòng, khi tôi mở cửa bước vào, tình cờ bắt gặp cháu đang hoảng hốt đóng giao diện trò chơi lại.
Tôi đi lên và trách phạt:
“Sao con lại mê muội thế này? Cô giáo nói gì trong lớp vậy? Con có hiểu không? Con có ghi chép không? Con có làm bài tập không? Ngày nào giáo viên cũng dặn, sao còn dám chơi game…”
Tôi chưa kịp nói xong thì con trai đã đẩy tôi ra khỏi cửa, tôi tức giận đến mức mắng nó mấy câu.
Kết quả là con trai tôi còn tức giận hơn cả tôi, nó hét lên: “Mẹ muốn gì! Muốn lấy mạng sống của con, thì mẹ mới được thỏa mãn sao?”
Ánh mắt lạnh lùng, những lời nói gai góc và thái độ chối bỏ tôi của con trai khiến tôi rùng mình: Đây có còn là đứa con ngoan ngoãn và hiểu chuyện của mẹ nữa không?
Tôi không hiểu tại sao thằng bé lại nhất quyết đối đầu với tôi khi tôi trách mắng có vài câu? Tại sao con trai tôi lại coi tôi là “kẻ thù” dù tôi đã hy sinh rất nhiều?
Sau khi nghe tôi khóc lóc kể lể, người bạn làm cố vấn tâm lý, chẳng những không có an ủi tôi, mà ngược lại hỏi vặn tôi một cách vô tình:
“Bạn cư xử như một người mẹ thế nào? Bạn chỉ phàn nàn về các vấn đề? Bạn không biết cách quản lý cảm xúc của mình? Bạn không biết cách sử dụng kỷ luật tích cực? Bạn không biết cách thảo luận về mọi việc khi chúng xảy ra?”
Thấy tôi ngơ ngác, bạn tôi giải thích:
“Thế nào? Bạn thấy khó chịu phải không? Giờ thì bạn đã hiểu cảm giác của đứa trẻ lúc đó rồi chứ?.
Phê bình là có thể, nhưng nó không nên là vũ khí để bạn ép buộc những cảm xúc tiêu cực và hủy hoại tâm hồn của con mình.
Mục đích của phê bình là truyền tải các giá trị, truyền cảm hứng hơn là làm nản lòng, khích lệ mà không đả kích, là đánh thức mà không phải gây áp bức”.
Giác ngộ:
Trong cùng một lời phê bình, một số trẻ sẽ sửa sai và tiến bộ, trong khi những trẻ khác lại muốn bỏ nhà ra đi hoặc thậm chí xúc động mà nhảy lầu.
Cuối cùng, chính cách phê bình khác nhau của cha mẹ đã tạo ra những hướng đi khác nhau cho cuộc sống của con cái mình.
1. Khi giáo dục trẻ em, về cơ bản tâm lý của người nói và người nghe là hoàn toàn khác nhau
Trước đó, Lý Chính Vũ, một cậu bé 16 tuổi đến từ Giang Tây đã biến mất khiến vô số cư dân mạng hoang mang.
Vào ngày 11 tháng 11, Lý Chính Vũ bị đuổi học vì thành tích học tập kém.
Mẹ cậu nhịn không được mà chỉ trích cậu vài lần trên đường về nhà.
Lý Chính Vũ vốn tâm tình không tốt, nhưng mẹ cậu vẫn dội gáo nước lạnh vào trong lòng cậu.
Trong cơn tức giận, Lý Chính Vũ bước đi nhanh hơn, rồi bỏ rơi mẹ mình khi đi ngang qua một ngã tư đường.
Sau đó, không còn dấu vết nào nữa.
Điện thoại không liên lạc được, người thân và bạn học cũng không tìm thấy, gia đình cậu nhanh chóng gọi cảnh sát và dán thông báo tìm người mất tích ở khắp nơi.
Nhưng vẫn chưa có tin tức gì cả.
Phải đến chín ngày sau, người ta mới phát hiện ra Lý Chính Vũ ở trường trung học cơ sở nơi cậu theo học ban đầu.
Thì ra mấy ngày nay cậu trốn trong nhà kho của sân bóng rổ, lúc đói bụng lẻn vào các phòng học để tìm một chút đồ ăn vặt khi xung quanh không có ai.
Thật khó để tưởng tượng Lý Chính Vũ đã tuyệt vọng đến mức nào khi cậu thà ở một mình trong môi trường lạnh lẽo, bẩn thỉu như vậy hơn là về nhà.
Điều càng làm cho người ta khiếp sợ hơn nữa là khi gặp lại mẹ mình, cậu đã đẩy bà ra, và nói một câu “tôi không muốn nói chuyện với bà”, rồi phớt lờ đi, không bao giờ để ý tới người mẹ nữa.
Tôi chỉ phê bình con mấy lần thôi, sao con có thể quyết đoán như vậy?
Khi cha mẹ trách móc, chỉ trích con cái, tâm lý sẽ là: Con là con của mẹ, mẹ có mắng con thế nào cũng đều là vì muốn tốt cho con.
Trong tiềm thức, chúng ta nghĩ đây là một biểu hiện của tình yêu.
Nhưng con cái thì khác, cảm xúc của chúng thường do thái độ của cha mẹ quyết định.
Khi những lời chỉ trích đầy đòn roi, đả kích, phủ nhận, chối bỏ và công kích nhân cách, điều đó sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, thay vì ngoan ngoãn thì trẻ sẽ nổi loạn, không chịu nghe lời và tiếp tục làm những hành vi không tốt.
Tôi nhớ đến một cuộc khảo sát trực tuyến về thanh thiếu niên bị trầm cảm, hầu hết những thống khổ mà chúng phải gánh chịu, phần lớn đều đến từ những lời chỉ trích tổn thương từ cha mẹ:
“Con là phế vật ư?”
“Nuôi dưỡng một con chó còn hữu ích hơn con”.
“Con mất trí rồi à?”
Cư dân mạng @婷婷 đã nói: “Mỗi lần bị bố mắng, tôi không khỏi nghi ngờ bản thân. Tôi cảm thấy mình như một thứ rác rưởi, tôi sống để làm gì?”
Phê bình không phải là nguồn gốc của tội lỗi, mà chính là đòn đánh và sự xúc phạm đằng sau nó.
Trên thực tế, mọi lời nói gây tổn thương chưa bao giờ có thể trở thành động lực, vì bản chất của nó chính là hủy hoại, hủy hoại phẩm giá, sự tự tin của trẻ, liên tục nhắc nhở trẻ rằng bản thân chúng tồi tệ đến mức nào.
2. Mục đích của phê bình là để hướng dẫn, động viên, giúp trẻ “ngẩng cao đầu” thay vì “cúi đầu”
Nhà tâm lý học Qian Zhiliang từng nói:
“Khi một đứa trẻ mắc lỗi, đó không phải là lỗi về việc vượt trội. Thay vì trách móc và chỉ trích trẻ, chúng ta nên hoàn toàn tôn trọng trẻ, dùng những phương pháp thông minh hơn để hướng dẫn trẻ tự phản ánh, đánh thức khả năng tự kiểm điểm bên trong của trẻ”.
Nhà triết học Lương Thấu Minh đã viết trong cuốn tự truyện của mình, rằng cha của ông ấy là Lương Tế đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời ông.
Năm 9 tuổi, chuỗi tiền đồng mà ông dày công tích góp bỗng nhiên biến mất, cho dù tìm ở đâu cũng không thấy, nên ông đã bật khóc lớn.
Ngày hôm sau, người cha vô tình tìm thấy chuỗi tiền đồng trên cây đào trong sân, ông biết rằng con trai mình đã để quên chúng ở đây vì ham chơi.
Nhưng ông không trách con mà chỉ viết cho con một tờ giấy: “Có một đứa trẻ tự mình treo tiền lên cây nhưng lại đi tìm khắp nơi và rồi không ngừng làm ầm ĩ lên, thật là vô lý”.
Cầm tờ giấy trên tay, và tìm thấy chuỗi tiền đồng mà mình đã bỏ quên, Lương Thấu Minh cảm thấy thật xấu hổ.
Trước giờ, bất kể Lương Thấu Minh mắc lỗi gì, cha cũng chưa bao giờ khiển trách ông quá gay gắt, ngược lại Lương Tế chỉ dùng các phương pháp như nhắc nhở và gợi ý để giúp Lương Thấu Minh suy nghĩ và tự kiểm điểm.
Sự giáo dục tài tình của người cha đã nuôi dưỡng ý thức tự kiểm điểm của Lương Thấu Minh. Muốn con cái hiểu đúng lỗi lầm của mình thì trước tiên chúng ta phải bỏ đi những định kiến, phán xét để nhìn nhận và cảm thông cho con cái.
Như “Hiệu ứng phương Nam” chỉ ra:
Bạn càng phán xét hoặc lên án trẻ thì điều đó sẽ càng khiến trẻ khó chịu và chỉ kích thích tâm trạng nổi loạn của trẻ.
Chỉ khi có sự hướng dẫn nhiệt tình, trẻ mới sẵn sàng mở lòng và lắng nghe những lời dạy, góp ý của cha mẹ.
Thái độ kiên quyết và những lời nói dịu dàng của cha mẹ chính là nguồn sức mạnh để con thay đổi.
3. Những lời phê bình chỉ có lợi khi chúng mang tính xây dựng
Trong cộng đồng giáo dục Hoa Kỳ, lời phê bình được định nghĩa là “constructive feedback”, được dịch là “phản hồi mang tính xây dựng”.
Nói cách khác, phê bình là một loại phản hồi, phản hồi đối với hành vi và thành tích của trẻ.
Những lời phê bình đúng đắn phải mang tính xây dựng và phải hữu ích, có lợi cho trẻ.
Nếu cha mẹ muốn con mình nhận thức được vấn đề và sửa chữa kịp thời, có thể áp dụng “định luật 2-8” này:
2 phần đạo lý, 8 phần cảm thông:
Nhà giáo dục Jia Rongtao đã chia sẻ một kinh nghiệm.
Con trai ông đang đạp xe tông vào một đứa trẻ, dù chỉ là vết thương ngoài da, không nghiêm trọng nhưng cũng khiến ông phải tốn hàng nghìn USD tiền khám và chi phí y tế.
Khi đó cậu con trai không dám về nhà vì sợ hãi.
Jia Rongtao không vội chỉ trích hay lên tiếng mà trước tiên tỏ ra thông cảm với con trai mình:
“Cha rất hiểu tâm trạng bây giờ của con, cha biết con không cố ý. Ai lại muốn đi chuốc phiền phức về cho gia đình chứ, có đúng không?”
Sau đó, ông còn giúp con trai mình sửa xe đạp. Thấy cha rất hiểu và cảm thông cho mình, cậu con trai bắt đầu ngẫm lại lỗi lầm của mình: “Nếu mình đi chậm hơn, mình đã có thể tránh được tai nạn này.”
Lúc này Jia Rongtao mới bắt đầu nói ra những lời răn dạy của mình, nói cho con trai đủ thứ kiến thức về an toàn giao thông, lần này cậu con trai rất chăm chú lắng nghe.
Trong nhiều trường hợp, không phải trẻ không nghe lời mà là chúng ta cần cho trẻ sự đồng cảm nhiều hơn trước khi phê bình.
Lời nói gay gắt, sắc bén không thể giải quyết được vấn đề, chỉ có lời nói nhẹ nhàng mới có thể đưa lời nói vào trái tim trẻ thơ.
2 phần phê bình, 8 phần khẳng định
Có một bé gái, do phần lớn thời gian đều tập trung vào phương diện làm đẹp, ăn mặc nên thành tích học tập đã sa sút, khiến cho người mẹ rất lo lắng.
Một ngày nọ, người mẹ thấy con gái mình mất nửa tiếng để chọn quần áo mặc, nên bà đã nói: “Mỗi ngày chuẩn bị thật xinh xắn để đi đến trường, tâm trạng cũng tốt hơn nhiều có đúng không!”
Cô con gái nghe vậy rất vui, mẹ nói tiếp: “Nếu con có thể hoàn thành bài tập mỗi ngày thì lại càng tốt hơn. Mẹ tin rằng điều này sẽ không làm khó được con, phải không?”
Cô con gái sẵn sàng đồng ý ngay mà không hề do dự, và kể từ ngày đó, cô con gái đã chăm chỉ học hành hơn xưa.
Phương pháp được người mẹ này sử dụng chính là “hiệu ứng Sandwich” trong tâm lý học:
Đầu tiên là đánh giá cao, khẳng định và quan tâm đến điểm mạnh của đối phương, sau đó đưa ra những góp ý, phê bình hoặc quan điểm khác nhau, cuối cùng là đưa ra sự tin tưởng, ủng hộ và giúp đỡ.
Khi đưa ra ý kiến dựa trên lời khen ngợi, trẻ sẽ cảm thấy mình có thiện ý, sẵn sàng tiếp thu những lời phê bình và sửa chữa những thiếu sót của bản thân hơn.
2 phần khuyên răn, 8 phần chia sẻ:
Cố vấn cấp cao về gia đình Liu Chenglian đã chia sẻ câu chuyện của một người bạn.
Một người bạn tình cờ phát hiện ra trong tủ của con trai mình có rất nhiều “bức thư tình nho nhỏ” bày tỏ tình cảm.
Vấn đề là cậu con trai chỉ mới học lớp 5 tiểu học, cho nên người cha đương nhiên rất sốc. Nhưng ông cũng không vạch trần con trai mình ngay.
Thay vào đó, ông ấy chọn thời điểm mà cả gia đình đều đang quây quần vui vẻ để chia sẻ với con về câu chuyện tình yêu gà bông của chính ông khi nhỏ.
Ông ấy nói rằng ông từng yêu một cô gái khi còn rất nhỏ, nhưng vì lúc đó ông ấy không có khả năng vun vén đoạn tình cảm này, nên ông đã âm thầm giữ tình cảm này trong lòng.
Mãi cho đến khi đỗ vào một trường đại học tốt, lên kế hoạch cho tương lai, có thể chịu trách nhiệm với cô gái ấy thì ông mới bắt đầu tỏ tình và kết hôn với cô. Và đó chính là mẹ cậu bé bây giờ.
Từ đầu đến cuối, người cha không hề nhắc một lời nào về bức thư tình trong tủ của con trai mà khéo léo đưa ra lời khuyên cho con trai cách giải quyết sự việc.
Sau ngày thứ hai, những bức thư tình đó thực sự không còn xuất hiện nữa.
Chia sẻ kinh nghiệm của chính bạn với con cái, chính là chìa khóa để mở rộng trái tim chúng.
Bởi vì trẻ em rất khó để nghe theo những mệnh lệnh hoặc gợi ý thẳng thừng, nên những câu chuyện uyển chuyển sẽ góp phần tốt hơn trong việc hướng dẫn và chỉ cho trẻ đi đúng hướng.
4. Làm cha mẹ thực ra là một cuộc tu hành, bạn đang nuôi dạy con cái và bạn cũng đang tu dưỡng bản thân
Trong quá trình trưởng thành của trẻ, không thể tránh khỏi những lúc mắc sai lầm và cư xử không đúng.
Điều chúng ta cần làm không phải là dùng những lời lẽ gay gắt để buộc trẻ thừa nhận lỗi lầm của mình mà hãy để trẻ học cách biết tự kiểm điểm.
Để trẻ chủ động, tự giác thay đổi sẽ triệt để và hiệu quả hơn những lời cha mẹ nói dù có lý đến mấy.
Vì vậy, bất cứ lúc nào cũng đừng để những lời chỉ trích làm mất đi cái tình của cha mẹ và con cái. Hãy để sự giáo dục là hơi ấm, ôm ấp con phát triển tối ưu.
Chỉ một đứa trẻ được tắm trong tình yêu và sự thấu hiểu mới có thể tạo ra sức mạnh và lòng can đảm vô hạn trong trái tim, và khi lớn lên trong mắt chúng sẽ có một loại ánh sáng của hy vọng tích cực, lạc quan bước đi trên đường đời.
Kỳ Mai biên dịch
Tống Vân – aboluowang