Người sống khôn ngoan là thực hành được 4 giá trị này
Người khác nhau sẽ có lý giải khác nhau. Người sống khôn ngoan chính là thấu hiểu người khác, từ việc đối đãi với người một cách chân thật mà nhìn rõ cuộc đời.
Có một câu nói rất hay thế này, “sống phải hiểu người, dựa vào cách này con người mới có thể hòa nhập vào cuộc sống”. Vậy những người sống khôn ngoan sẽ tìm hiểu điều gì? Dưới đây là câu chuyện ngắn giúp chúng ta nhìn rõ điều ấy.
Hỏi đáp
Có người hỏi Đạt Ma :
“Làm thế nào mới có thể khiến bản thân hạnh phúc và mang lại niềm vui cho người khác?”
Đạt Ma mỉm cười đáp:
“Vô ngã; từ bi; trí tuệ; tự tại”.
“Vô ngã” là gì?
“Vô ngã” có nghĩa là coi bản thân như người khác.
“Từ bi” là gì?
“Từ bi” có nghĩa là đối đãi với người khác như chính mình.
“Trí tuệ” là gì?
“Trí tuệ” là coi người khác như người khác.
“Tự tại” là gì?
“Tự tại” có nghĩa là sống là chính mình.
“Coi bản thân như người khác”
Chúng ta thường cho rằng yếu tố thành công là đến từ bên trong, ví như làm việc chăm chỉ, sự thông minh của bản thân, trong khi đó lại cho rằng thất bại là do yếu tố bên ngoài gây ra như vận khí kém may mắn.
Khi hoàn thành tốt công việc và được ông chủ khen ngợi, bạn liền nghĩ: “Người làm việc chăm chỉ giống như tôi hiện chẳng có mấy người”. Khi đồng nghiệp làm xong việc thì bạn liền nghĩ: “Liệu có phải là do họ nịnh nọt cấp trên mà đạt được không?”
Trong những mối quan hệ thân thiết cũng vậy, chúng ta luôn dễ dàng nhìn thấy những nỗ lực của bản thân và ghi nhớ những gì mình đã làm nhưng lại thường bỏ qua công sức của người khác.
Vì vậy, khi cãi nhau, chúng ta sẽ nói: “Tôi đã làm nhiều việc cho anh như vậy, anh đã làm được gì cho tôi chứ?” “Từ đầu đến cuối chỉ có mình anh làm việc còn em chỉ biết hưởng thụ mà!”
Trong cuộc sống sinh hoạt, chúng ta thường gặp rất nhiều mâu thuẫn mà nguyên nhân đều bởi sự thiên vị bản thân gây ra.
“Coi bản thân như một người khác” có nghĩa là nỗ lực khắc phục sự thiên vị bản thân, nhìn nhận sự việc từ góc độ công bằng và chính trực, nhìn lại bản thân và kiểm tra chính mình, tìm ra những thiếu sót của tự thân từ đó bù đắp những khuyết điểm, sửa chữa lỗi lầm.
Nhà giáo dục Suhomlinsky đã nói rất hay: “Giáo dục chân chính là dạy bảo chính mình”.
“Đối đãi với người khác như đối đãi với chính mình”
Điều này có nghĩa là chúng ta cần học được cách đặt mình vào vị trí của người khác để suy xét, đối đãi với người khác tốt giống như đối đãi với chính mình.
Có một người mù được bạn của mình mời đến dự tiệc. Sau khi ăn xong, người mù nói: “Khuya lắm rồi, mình phải về đây!” Chủ nhà liền đem một chiếc đèn lồng đến rồi đưa cho người mù này. Người mù vừa nghe thấy đèn lồng liền nổi giận nói: “Mình vốn không nhìn thấy gì, bạn đưa mình đèn lồng thế này chẳng phải là đang cười nhạo mình sao?”
Người bạn kia nói: “Mình đưa đèn lồng cho bạn là vì sợ rằng người khác đi đường không nhìn thấy mà đụng vào bạn”.
Một người chăn nuôi ở Italia đem bắt con heo ra khỏi chuồng. Con heo thét lớn, liều mình phản kháng. Cừu và bò sữa nhìn thấy thế thì khinh thường nói: “Khi bị đưa ra khỏi chuồng, chúng tôi không gào thét lớn như thế”. Heo đáp lời: “Ông chủ bắt các người ra ngoài là muốn lấy lông và sữa, còn bắt tôi ra ngoài là muốn lấy mạng tôi”.
Qua hai câu chuyện này có thể thấy, người sống trên đời đều có cuộc sống và hoàn cảnh riêng. Mỗi người ở vị trí khác nhau sẽ có cách nhìn khác nhau, nhìn nhận sự việc cũng không giống nhau. Do đó chúng ta cần phải đứng ở vị trí của người khác để suy nghĩ.
Trong cuộc sống, tại sao một số người có trí tuệ cảm xúc đặc biệt cao? Thực tế không phải do họ thông minh, mà bởi vì họ dễ dàng có thể đứng ở vị trí của người khác để suy xét vấn đề. Trí tuệ cảm xúc cao không nằm ở việc nói giỏi mà là ở khả năng lý giải, có thể đứng ở vị trí của người khác để nhìn xét vấn đề.
Cho nên Trương Ái Linh nói: “Bởi vì hiểu được cho nên mới từ bi”.
“Coi người khác như người khác”
Tôn trọng ý kiến riêng của người khác, không áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác.
Trong cuộc sống chúng ta thường nghe câu như: “Chúng ta đều là người một nhà cả, không cần phân biệt anh em”, hay “chúng ta đều là anh em, sao phải khách sáo”, “Khách khí quá người ta sẽ nghĩ chúng ta là người xa lạ” …
Trưởng thành trong môi trường như vậy, bất tri bất giác chúng ta mắc phải một loại bệnh gọi là bệnh lý cộng sinh (tức là bệnh sống dựa dẫm).
“Trong tôi có bạn, trong bạn có tôi, tôi chính là bạn, bạn chính là tôi”. Đây là một loại quan niệm sinh ra bệnh cộng sinh, trong các mối quan hệ không phân biệt được khái niệm bản thân và người khác.
Điều đáng cười nhất là, người mắc phải loại bệnh này còn đem việc của mình ép người khác làm thay, ép người khác vượt qua ranh giới của họ. Họ nói kiểu như: “Bạn học tiếng Anh, hãy giúp tôi dịch bài viết này”. “Bạn là nhà thiết kế à, giúp tôi thiết kế một cái logo đi”.
Thêm nữa, khi nói chuyện còn khoa tay múa chân, mạnh mẽ bước vào giới hạn của người khác. Chỉ cần đối phương từ chối thì họ sẽ phàn nàn, tức giận tố cáo: “Chúng ta còn là bạn bè không, ngay cả việc nhỏ nhặt thế này mà cũng không giúp”.
Thậm chí còn lấy danh nghĩa người yêu mà bắt cóc người. Thậm chí họ còn nghĩ rằng: “Tôi làm việc này là vì tốt cho bạn”, “Bạn đúng là đồ không có lương tâm”.
Trong tất cả các mối quan hệ, nếu không có một giới hạn nhất định thì sẽ khiến đối phương chịu tổn thương.
Đối với mỗi mối quan hệ tốt chính là luôn tồn tại một khoảng cách vàng.
Cho dù mối quan hệ đó tốt đến đâu nhưng nếu ranh giới khoảng cách bị đánh mất thì cuối cùng người trong đó sẽ tự làm tổn thương nhau. 80% nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa con người với nhau là do thiếu “ý thức về ranh giới”.
Do đó, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến việc ‘đối xử với người khác như người khác”. Coi người khác như một người độc lập ngoài bản thân.
Biết thứ nào thuộc về mình và thứ nào thuộc về người khác, không đem ý nguyện của mình áp đặt lên người khác, cũng chớ mạnh bạo bước vào giới hạn của người khác.
“Cần đối xử với bản thân như chính mình”
Điều này có nghĩa là chúng ta nên sống thật với nội tâm của mình. Nếu được hỏi: “Bạn có yêu chính mình không?” Bạn nhất định sẽ nói: “Đó là đương nhiên”. Kỳ thực không đúng như vậy.
Các nhà tâm lý học đã làm một thực nghiệm. Thực nghiệm rất đơn giản, đó là cho một nhóm người nhìn vào gương và nói “Tôi rất yêu bản thân mình” 20 lần, nếu như sau khi nói xong mà người đó có thể nở nụ cười từ tận đáy lòng thì chứng tỏ người này thực sự biết yêu bản thân. Nếu như bạn vừa khóc vừa nói thì chứng tỏ bạn chưa yêu bản thân mình đủ nhiều.
Kết quả thực nghiệm khiến nhiều người ngạc nhiên. Lần đầu tiên câu nói này được thốt lên, nhiều người tỏ ra xấu hổ, khó chịu, thậm chí không thể mở miệng tiếp. Lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 4 … đến lần thứ 7 và thứ 8 cho thấy trong nội tâm có suy nghĩ có nên nói câu này hay không.
Thanh âm của nhiều người bắt đầu dao động ngày càng lớn. Đến lần thứ 15 và 16, rất nhiều người bắt đầu khóc trước gương.
Chúng ta luôn nghĩ mình yêu bản thân nhưng thực ra chúng ta không thực sự yêu chính mình. Do vậy, chúng ta cần nên giữ trong tâm một ý niệm, vì bản thân mà sống.
Người cảm thấy cuộc sống này hạnh phúc là bởi họ đã biết coi bản thân là chính mình.
Chỉ khi đem mình làm người khác thì mới đạt được “Vô ngã”.
Đối xử với người khác như đối xử với chính mình thì mới có thể đạt được ‘Từ bi”.
Có thể coi người khác là người khác thì mới đắc được “Trí tuệ”.
Chỉ khi đối xử với bản thân như chính mình thì bạn mới có thể đạt được “Tự tại”.
Nhiều người sống trên đời nhờ hiểu được 4 điều này mà cảm thấy hạnh phúc tự do tự tại. Họ thường không hoang mang trước nghịch cảnh cuộc đời, không bị những cám dỗ làm mờ mắt, trong tâm luôn sáng tỏ bản thân cần gì, có thể cầm lên và cũng có thể buông xuống.
Nguồn: dkn