Lịch sử

Bí ẩn nàng Mạnh Khương Nữ khóc thương chồng khiến Vạn Lý Trường thành sụp đổ? 300 năm sau mới được hé lộ

Sau khi chinh phạt sáu nước, thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng vì để giữ thiên hạ thái bình mà đánh dẹp Hung Nô, tu sửa Trường Thành.

Vạn Lý Trường Thành

Trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước là những năm chiến loạn liên miên kéo dài gần 550 năm, gọi chung là thời kỳ Xuân thu – Chiến quốc. Lúc ấy, chư hầu hỗn chiến không ngừng, còn bách tính muôn dân thì vì sinh tồn mà lưu lạc tứ phương, bơ vơ trôi dạt. Người không có nơi quay về, đất đai cằn cỗi, hoa màu bị phá hoại nặng nề, rất nhiều ruộng đồng bị bỏ phế, hoang vu.

Nhưng sau khi sáu nước bình định, thiên hạ thống nhất, chiến tranh vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Lúc ấy phương bắc là nơi các bộ tộc Hung Nô cư trú. Người Hung Nô hoạt động ở khu vực rộng lớn từ Âm Sơn phía nam đến hồ Baikal phía bắc, nhanh chóng phát triển thành dân tộc du mục hùng mạnh nhất phương bắc.

Thuận theo quá trình phát triển, người Hung Nô bắt đầu tiến xuống phía nam và thâm nhập vào Trung Nguyên, thường xuyên động binh quấy nhiễu và cướp bóc.

Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!

Sau khi Tần thống nhất chư hầu, Hung Nô trở thành mối uy hiếp lớn nhất. Tần Thủy Hoàng luôn muốn bình định Hung Nô, trừ khử hiểm họa tiềm tàng, nhưng các đại thần mỗi người một ý, mãi vẫn chưa tìm được phương kế thống nhất. Một ngày, có người mang đến tờ sấm thư, trên đó viết: “Vong Tần giả Hồ dã” (người diệt Tần là Hồ). Điều này càng tăng thêm quyết tâm chinh phạt Hung Nô của Tần Thủy Hoàng.

“Sử Ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ” chép:

Người nước Yên là Lô Sinh được sai đi vào biển vừa về kể chuyện quỷ thần, giúp nhà Tần chép sách bói, có chép: “Vong Tần giả Hồ dã” (Tập giải: Trịnh Huyền nói: “Hồ là Hồ Hợi, tên của Nhị Thế nhà Tần. Vua Tần thấy sách bói, không đấy là tên người, trái lại ngăn rợ Hồ.)

Thủy Hoàng bèn sai tướng quân là Mông Điềm phát ba chục vạn quân lên phía bắc đánh rợ Hồ, cuớp lấy đất phía nam sông Hà. (Chính nghĩa: Là các châu Linh, Hạ, Thắng ngày nay) – (Theo “Sử Ký”, Tư Mã Thiên, bản dịch của Nhữ Thành).

Tần Thủy Hoàng (Trang: Winnie Wang - Secretchina)
Tần Thủy Hoàng (Trang: Winnie Wang – Secretchina)

Năm 218 TCN, Tần Thủy Hoàng phái đại tướng Mông Điềm thống lĩnh 30 vạn đại quân hướng về Hà Sáo để chinh phạt Hung Nô. Mông Điềm chia quân làm hai ngả, một nhánh là quân chủ lực do ông đích thân chỉ huy, từ phía bắc Thượng Quân ra khỏi Trường Thành, tấn công vào phía đông; một nhánh khác đi qua Nghĩa Cừ, Tiêu Quan và đánh vào phía tây, mở trận chiến đánh bên bờ sông Hoàng Hà, thu được đất Hà Nam.

Năm sau, Mông Điềm lại dẫn đại quân từ phía bắc vượt qua sông Hoàng Hà, đánh thẳng vào Âm Sơn, Hạ Lan Sơn, khiến quân Hung Nô hoảng loạn bỏ chạy, cách xa sa mạc 700 dặm về phía bắc, không dám bén mảng xuống phía nam nữa. Tất cả các vùng đất bị chiếm lĩnh của Tần, Yên, Triệu nhanh chóng được thu hồi. Ở địa khu này vốn đã thiết lập 44 huyện, nay lại thiết lập thêm quận Cửu Nguyên.

Sau khi xua đuổi Hung Nô về phía bắc, tướng Mông Điềm phụng lệnh Hoàng đế, trấn thủ biên cương, thống lĩnh 30 vạn hùng binh xây dựng Trường Thành để ngăn chặn giặc phương bắc. Vì để củng cố biên phòng, Tần Thủy Hoàng quyết định nối liền các bức tường thành khác nhau đã được ba nước Tần, Triệu, Yên xây dựng qua các triều đại trong quá khứ.

Mông Điềm dẫn đầu 30 vạn đại quân, vừa đồn trú, vừa xây tường thành khởi đầu từ Lâm Thao ở phía tây (nay là huyện Mân, tỉnh Cam Túc), một mạch kéo dài về phía đông đến Kiệt Thạch, Liêu Đông.

Bức Trường Thành khởi tác dụng trọng yếu trong việc chế ngự Hung Nô, bảo vệ cho nhân dân yên ổn sinh sống và sản xuất. Nhưng không chỉ dùng để phòng ngự, Mông Điềm còn cải tiến Trường Thành để có thể tiến công vào những địa điểm chiến lược. Người đời sau gọi đó là Vạn Lý Trường Thành. Có thể nói, Vạn Lý Trường Thành là công trình quân sự đồ sộ hiếm thấy trong lịch sử nhân loại.

“Sử Ký – Hung Nô liệt truyện” chép:

Sau này người Tần diệt sáu nước, mà Thủy Hoàng Đế sai Mông Điềm đem hàng chục vạn người lên phía bắc đánh rợ Hồ, thu hết đất phía nam sông Hà. Dựa vào sông Hà làm rào ngăn, đắp thành ở bốn mươi bốn huyện gần sông Hà, dời lính thú đến ở đấy.

Lại mở đường thẳng từ huyện Cửu Nguyên đến huyện Vân Dương men theo hang hốc trũng núi hiểm có thể sửa chữa được mà đắp thành, từ huyện Lâm Thao đến quận Liêu Đông dài hơn vạn dặm. – (Theo “Sử Ký”, Tư Mã Thiên, bản dịch của Tích Dã).

Nhận xét về công trình Trường Thành vạn lý của Thủy Hoàng Đế, Tôn Trung Sơn từng nói: “Trường Thành có công với hậu thế, cũng giống như Đại Vũ khi trị thủy vậy”. Ngày nay, Trường Thành vẫn là công trình phòng ngự ban sơ nhất, trở thành biểu tượng cho tinh thần của dân tộc Trung Hoa, được liệt vào một trong bảy kỳ tích lớn trên thế giới.

Về sau, Tần Thủy Hoàng ra lệnh di dời hơn ba vạn hộ dân đến khu vực Bắc Hà, Du Trung (hiện nay là phía bắc Y Kim Hoắc Lạc Kỳ, tức Ejin Horo, thuộc nội Mông Cổ) để khai khẩn ruộng điền và sản xuất, mở mang biên cương bờ cõi, khiến địa khu biên cảnh phát triển rực rỡ.

Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành
Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành – Ảnh: Internet

Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành

Nhắc đến Vạn Lý Trường Thành, rất nhiều người đều liên tưởng tới câu chuyện “Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành”.

Vậy Mạnh Khương Nữ là ai, và sự việc ấy đã diễn ra như thế nào?

Nhân vật nữ Mạnh Khương không phải họ Mạnh, mà là một cách đặt tên phổ biến thời Tiên Tần. Nàng ta mang họ Khương, một họ phổ biến của các quân chủ nước Tề và dòng dõi tông thất, và từ Mạnh để chỉ người con trưởng nhất của người vợ lẽ.

Nguyên mẫu sớm nhất của câu chuyện này đến từ “Tả truyện – Tương Công nhị thập tam niên”, vốn là sự việc xảy ra trước thời đại của Tần Thủy Hoàng hơn 300 năm.

Kể rằng, một bậc võ tướng nước Tề tên là Kỷ Lương đã vì nước nhà mà hy sinh trong trận chiến. Vợ chàng là nàng Mạnh Khương đến nghênh tiếp linh cữu chồng. Tề Trang Công ở ngoại thành lễ tế vong linh Kỷ Lương, nhưng vợ chàng từ chối vì cho rằng làm như thế là không hợp lễ nghi, cũng không đủ tôn trọng vong linh người đã khuất.

Nàng Mạnh Khương yêu cầu nhà vua phải phúng viếng Kỷ Lương trong tông thất nhà Tề. Trong những ghi chép thời ấy không có chi tiết ‘khóc’, cũng không nhắc đến ‘Trường Thành’ hay là ‘tường thành’, lại càng không có tình tiết ‘tường thành sụp đổ’.

Sau này, trong cuốn sách “Lễ Ký – Đàn cung”, Tăng Tử cũng nhắc đến cố sự này và thêm vào tình tiết nàng Mạnh Khương khóc chồng. Về sau, trong cuốn sách của Lưu Hướng tên là “Thuyết Uyển – Thiện Thuyết thiên”, tác giả lại thêm vào nội dung người vợ khóc chồng khiến tường thành sụp đổ. Cứ như vậy, câu chuyện nàng Mạnh Khương thời nhà Tề dần dần diễn biến thành “thê tử khóc trượng phu, tường thành Tề sụp đổ”.

Câu chuyện trên dù đã thêm thắt ít nhiều tình tiết, nhưng vẫn chỉ nói đến tường thành của nước Tề. Sau này, có người vì muốn vu cáo vị Hoàng đế nhà Tần tàn bạo như thế nào, nên đã gán lên đầu Tần Thủy Hoàng vốn ra đời sau đó hơn 300 năm. Đến thời nhà Minh, tác giả Phùng Mộng Long đã làm sáng tỏ điều này trong tác phẩm “Đông Chu Liệt Quốc Chí”.

Ông nói, hậu thế truyền rằng người Tần là Phạm Kỷ Lương vì xây Trường Thành mà chết, vợ anh ta là Mạnh Khương Nữ khóc làm đổ Trường Thành. Đây vốn là sự việc của tướng Kỷ Lương nước Tề, mà truyền sai đi như vậy.

Chính là nói, trên cơ sở câu chuyện xảy ra ở nước Tề, nhưng người ta đã thêm thắt rồi lưu truyền thành sự việc thời nhà Tần, từ đó vô duyên vô cớ khiến Tần Thủy Hoàng mang trên lưng tiếng xấu suốt 2000 năm.

Chúng ta cũng biết rằng, rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay đều vì để vừa lòng thị hiếu của khán giả và phù hợp với trí tưởng tượng của người đời mà biên soạn ra, chứ không hoàn toàn phản ánh chân thực lịch sử.

Câu chuyện “Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành” hoặc là xuất phát từ cách nghĩ của cá nhân người đương thời đối với Tần Thủy Hoàng, hoặc là xuất phát từ nhu cầu ‘mượn xưa giễu nay’ mà gia công biên tạo ra, chụp lên đầu Tần Thủy Hoàng. Dùng lời của người thời ngày nay mà nói, điều ấy cũng giống như một bản án oan mấy ngàn năm…

Nguyệt Hòa biên tập
Theo NTDVN

Xem thêm

About Đào Thanh Mai

Với niềm đam mê mãnh liệt với phong thủy và các vật phẩm phong thủy thủ công, tôi luôn tin rằng không gian sống có thể được cải thiện để mang lại sự thịnh vượng và may mắn cho gia chủ. Tại Honngoc.vn, tôi không chỉ đơn thuần là người kinh doanh mà còn là người truyền tải những giá trị văn hóa và tâm linh thông qua từng sản phẩm. Mỗi vật phẩm phong thủy mà chúng tôi cung cấp đều được chế tác tỉ mỉ bởi các nghệ nhân tài hoa của Hải Phòng, chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc và năng lượng tích cực. Cùng với niềm đam mê phong thủy, tôi luôn tìm kiếm và chia sẻ những kiến thức quý báu về cách cải tạo không gian sống, giúp gia chủ không chỉ đón nhận tài lộc mà còn tạo dựng được sự hài hòa và bình an trong cuộc sống hàng ngày.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *