Trí huệ cổ nhân: vì sao người xưa lại thường gõ chuông báo canh vào ban đêm? Liệu có làm phiền giấc ngủ của mọi người không?
“Thời tiết hanh khô, cẩn thận củi lửa”. Nếu ai từng xem những bộ phim cổ trang chắc hẳn quen với hình ảnh giữa đêm khuya thanh vắng có người đàn ông đánh kẻng, miệng hô câu này. Mục đích của họ là để báo canh, người báo canh được gọi là canh phu. Thực tế đây là một nghề có vai trò khá quan trọng ở xã hội xưa và được lịch sử ghi nhận. Vậy tại sao lại có nghề này, việc đánh chuông giữa đêm có ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người không?
Quá trình hình thành nghề canh phu
Vào thời xưa, canh phu là một nghề rất quan trọng. Nghề này xuất hiện sớm nhất ở thời nhà Tần, nhưng đến nhà Hán mới trở thành một nghề chính thức và phổ biến trong dân gian.
Canh phu thường là một nhóm hai người, làm việc vào giữa đêm. Họ phối hợp với nhau, vừa tăng cường hiệu suất làm việc vừa có thể hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, một người cầm đèn soi đường, một người cầm kẻng hoặc ống trúc, hai người vừa đi vừa hô.
Bởi vì những canh phu đều được quan phủ địa phương tuyển chọn nên có thể coi họ là những “nhân viên công vụ” thời kỳ đầu. Do phải làm việc vào ban đêm nên người đánh chuông thường là những nam thanh niên khỏe mạnh, càng trẻ càng được ưu tiên.
Họ sẽ đánh chuông 5 lần trong một đêm, mỗi lần cách nhau 2 giờ đồng hồ. Khác với cách đo thời gian hiện đại, người xưa sử dụng hệ thống đo thời gian theo 12 thời thần. Vì vậy, 1 thời thần tương đương với 2 giờ của chúng ta hiện nay.
Sau khi mặt trời xuống núi, canh phu sẽ bắt đầu làm việc, 7 giờ tối là canh đầu tiên. Đối với con người hiện đại chúng ta, 7 giờ tối mới chỉ là lúc bắt đầu ăn tối, còn lâu lắm mới đến thời điểm bắt đầu cuộc sống về đêm. Nhưng đối với người xưa, khi trời tối là lúc đi ngủ. Họ không có cuộc sống về đêm, mỗi ngày sau khi ăn tối là thời điểm đi ngủ, và giọng nói lớn của người canh phu lúc này chính là để nhắc nhở họ nên đi ngủ.
Nhưng vai trò của canh phu không chỉ là để báo giờ, mỗi lần đánh chuông của họ đều mang lại ý nghĩa quan trọng.
Canh thứ nhất, cẩn thận củi lửa
Đối với bách tính mà nói, hỏa hoạn không phải là trò đùa, canh đánh chuông đầu tiên thường bắt đầu sau khi mọi người ăn tối xong. Lúc này, lửa trên bếp và đèn đuốc đều cần phải tắt. Tuy nhiên, thường có người quên mất điều này, cuối cùng dẫn đến thảm họa, vì vậy âm thanh của người canh phu lúc này trở nên vô cùng quan trọng.
Người dân thời xưa chủ yếu làm nông, sau một ngày làm việc mệt mỏi, đôi khi do quá mệt nên họ có thể quên kiểm tra nguồn lửa. Khi nghe thấy âm thanh của người đánh chuông truyền đến, họ biết rằng đã đến lúc kiểm tra lửa trên bếp. Điều này đã giúp tránh được nhiều hỏa hoạn, vì những ngôi nhà thời xưa hầu như đều được xây bằng gỗ và rơm, rất dễ bắt lửa. Nếu để lửa bén lên mất kiểm soát thì sẽ gây ra hậu quả khôn lường, có thể lan ra cả một khu vực rộng lớn.
Canh thứ hai, mau chóng đi ngủ
Canh đánh chuông thứ hai được bắt đầu vào lúc 9 giờ tối. Lúc này, nhiều người dân đã gần như chìm vào giấc ngủ. Nhưng thời nào cũng vậy, đều có những người cố thức đêm, hay còn gọi là “cú đêm”. Một số người vẫn làm việc vào giữa đêm, chủ yếu là những người phụ nữ dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, nấu ăn, may vá, chăm con,… chăm chú luôn tay bên ánh nến lập loè, thời gian trôi qua lúc nào không hay. Nghe hồi canh thứ hai họ mới giật mình dừng lại, chuẩn bị lên giường đi ngủ.
Đa phần người xưa không có thói quen ngủ nướng trên giường. Họ thường thức dậy rất sớm nên việc ngủ sớm sẽ đảm bảo chất lượng giấc ngủ mỗi ngày. Vì vậy, khi nghe thấy âm thanh của canh chuông thứ hai, những người chưa đi ngủ biết rằng đã đến lúc đi ngủ.
Canh thứ ba, xua đuổi trộm cướp
Lúc này đã là 11 giờ tối, đêm khuya tĩnh lặng, mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, rất lý tưởng để bọn trộm cướp hành sự. Lúc này, âm thanh của canh phu cũng trở thành phòng tuyến ngăn cản bọn trộm, đe dọa những kẻ có ý định xấu. Bọn trộm nghe hồi chuông vang vọng này ít nhiều cũng cảm thấy sợ hãi.
Canh phu sẽ đi khắp con đường ngõ hẻm, cũng xem như thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Đa phần bọn trộm sẽ cố gắng lẩn trốn để không bị canh phu bắt gặp vì họ vốn dĩ cũng là “nhân viên” của quan phủ.
Vì vậy, canh chuông thứ ba trở nên đặc biệt quan trọng, những kẻ trộm cướp sẽ không dám hành động, người dân có thể yên tâm ngon giấc.
Canh thứ tư, đề phòng khó lạnh
Hồi chuông thứ tư vang lên lúc 1 giờ sáng, cũng là thời điểm nhiệt độ xuống thấp nhất. Canh phu sẽ hô: “Giờ Sửu, trời đất lạnh giá”. Điều này nhằm nhắc nhở mọi người chú ý nhiệt độ, kiểm tra lại cửa có đóng chặt hay chưa để tránh gió lạnh độc hại lùa vào.
Giờ Sửu là thời gian từ 1 – 3 giờ sáng. Lúc này, công việc của canh phu đã gần như hoàn thành. Vì vậy, mặc dù canh chuông thứ tư lạnh lẽo nhưng cũng không còn khó khăn nữa, đêm dài sắp kết thúc, người canh phu ngay lập tức trở nên tràn đầy năng lượng.
Canh thứ năm, nhiệm vụ hoàn tất
Hồi chuông thứ năm vang lên cũng là lúc trời bắt đầu sáng. Lúc này canh phu sẽ hô: “Giờ Dần canh năm, ngủ sớm dậy sớm, giữ gìn sức khoẻ”. Đây cũng chính là “âm thanh báo thức” để người dân thức dậy rời giường, bắt đầu ngày mới. Đồng thời, canh phu cũng kết thúc công việc của họ sau một đêm dài. Đối với họ, một đêm không có sự cố xảy ra là điều hài lòng nhất.
Tầm quan trọng của nghề canh phu
Thời xưa, sự tồn tại của nghề canh phu rất quan trọng. Trong thời kỳ không có đồng hồ và điện thoại di động, việc nhận biết thời gian là rất khó khăn. Ban ngày, người dân thường nhìn mặt trời, bóng vật để ước lượng thời gian. Ban đêm muốn biết mấy giờ thì khó vô cùng, vì vậy mà phiên làm việc của canh phu cũng tựa như chiếc đồng hồ giúp người dân nắm rõ thời gian.
Bên cạnh đó, canh phu còn có nhiệm vụ tuần tra, giữ an ninh trật tự trong khu vực. Không chỉ đuổi trộm bắt cướp, họ còn nhắc nhở những thanh niên lêu lổng ngoài đường giữa khuya. Vì thời cổ đại có chế độ giới nghiêm vào ban đêm, nếu có người lảng vảng trên đường, khả năng cao sẽ bị canh phu bắt gặp, nhẹ thì bị nhắc nhở, nặng thì có thể bắt nhốt vào nhà giam nếu người này làm chuyện quá đáng, không hợp tác.
Vì vậy, vai trò của người canh phu như một “công chức” trong thời cổ đại, sự đóng góp của họ đã giúp người dân có một giấc ngủ yên bình.
Lan Chi biên dịch
Nguồn: Aboluowang (Triệu Lệ)