12 bài học cuộc sống ẩn chứa sự khôn ngoan, chưa một ai từng dạy bạn
Nhiều trải nghiệm và bài học trong cuộc sống không được dạy trên lớp, cũng không tìm thấy trong sách, chúng ẩn chứa trong những trải nghiệm và thử thách cuộc sống, đòi hỏi người có nhận thức sáng suốt mới có thể hiểu được.
Will Rogers từng nói: “Chúng ta không học hỏi từ các sự kiện, mà từ sự suy ngẫm và trải nghiệm về các sự kiện”. Mỗi trải nghiệm, mỗi cuộc gặp gỡ đều để lại dấu ấn sâu sắc, định hình cách chúng ta suy nghĩ và hành xử.
Vì vậy, trong bài viết này, tôi đặc biệt chia sẻ với các bạn 12 kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống. Có lẽ cả đời này chưa một ai nói cho bạn nghe những điều này.
Bài học số 1: Bạn không mong manh như bạn nghĩ
Những tai nạn hay trải nghiệm cuộc sống, sự chia ly và thất bại sẽ không hủy diệt bạn dễ dàng như bạn tưởng tượng.
Triết gia Marcus Aurelius đã nói: “Tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, tất cả chúng ta đều sẽ trải qua những tình huống tuyệt vọng, nhưng đó không phải là ngày tận thế”. Sau khi được tôi luyện và thử thách, mọi người đều có thể suy nghĩ tích cực hơn khi đối diện với nghịch cảnh.
Đôi khi, bạn chỉ cần nghỉ ngơi, trò chuyện hoặc tìm một cơ hội để bắt đầu lại, lấy lại quỹ đạo của chính mình. Điều quan trọng không phải là điều gì đã xảy ra mà là cách chúng ta đối mặt và phản ứng với nó.
Khi cảm thấy khó khăn trước thử thách của cuộc sống, bạn hãy nhớ nhắc nhở bản thân: “Tôi có thể làm được”, “tôi sẽ làm tốt hơn như thế”, “tôi không bỏ cuộc”, v.v. Con người kiên cường và mạnh mẽ hơn những gì chúng ta tưởng tượng. Những thăng trầm của cuộc đời không phải để đánh gục bạn mà để rèn dũa bạn. Vì vậy, đừng ngại đối mặt với những thử thách và những tình huống khó xử, vì chúng chỉ là phép thử cho sức mạnh nội tâm. Trong giông bão của cuộc đời, bạn sẽ khám phá ra, bản thân vốn rất kiên cường.
Bài học số 2: Không cần đến 10.000 giờ để trở thành một chuyên gia
Hầu hết mọi kỹ năng cần khoảng thời gian học tập rất ngắn. Như câu nói: “Phải mất 10.000 giờ để thành thạo một kỹ năng”, điều này có thể đúng. Tuy nhiên không nhất định mọi công việc đều như vậy.
Có những thiên tài bạn biết đấy, khi 10 tuổi họ đã có thể làm toán của người học bậc trung học. Hay như những người có năng khiếu bẩm sinh, có đam mê, v.v. Mọi thứ chỉ mang tính chất tương đối vì thế bạn không cần lo sợ mình không đủ thời gian.
Trên thực tế, lộ trình học tập không quá dài, điều đó có nghĩa là bạn có thể thành thạo nó tương đối nhanh chóng. Ví dụ như khi học lái xe, việc trở thành một tay đua chuyên nghiệp đòi hỏi phải luyện tập liên tục trong nhiều năm. Tuy nhiên, học cách đi từ điểm A đến điểm B an toàn không hề khó.
Nhận ra rằng việc học hầu hết các kỹ năng mới không mất nhiều thời gian có thể giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi, dũng cảm thử sức và khám phá các lĩnh vực khác nhau.
Bất kể phát triển nghề nghiệp hay theo đuổi sở thích, miễn là bạn sẵn sàng và chăm chỉ, bạn có thể đạt được kết quả lý tưởng trong thời gian ngắn, phát triển kỹ năng, cũng như mở rộng kho tàng kiến thức của mình.
Bài học số 3: Từ bỏ không có nghĩa là thất bại
Cuộc sống có một số việc diễn ra không như ý. Đôi khi, chúng ta vì quá tâm huyết và kiên trì với một việc, như thể đó là toàn bộ ý nghĩa cuộc đời mình. Tuy nhiên, cuộc sống có rất nhiều biến động, và dù bạn có cố gắng thế nào đi chăng nữa thì vẫn có những lĩnh vực không phù hợp để bạn tiếp tục theo đuổi.
Ông trời có thể an bài cho bạn một công việc khác, phù hợp hơn mà trước đó bạn không nhận ra.
Có thể công việc bạn đang làm đó hơi sai thời điểm, có thể bạn chưa thực sự sẵn sàng, có thể đó không phải là thứ phù hợp với bạn và cũng có thể là vì bạn đã luôn tự lừa dối chính mình.
Có ước mơ là điều tuyệt vời, nhưng điều quan trọng hơn là bạn phải hiểu khi nào cần điều chỉnh hướng đi, đánh giá lại tính hợp lý của mục tiêu và học cách điều chỉnh, thích nghi.
Tương tự như vậy, thay vì bám vào những mục tiêu không thể đạt được, bạn hãy suy ngẫm và trưởng thành từ những thất bại của mình để có thể đưa ra những quyết định phù hợp hơn trong tương lai. Những thất bại có thể giúp chúng ta xem xét lại khả năng thực của mình.
Thành công không phải lúc nào cũng có nghĩa là đạt được mục tiêu. Thành công còn có nghĩa là bạn ngày càng khôn ngoan hơn và trưởng thành hơn trong hành trình cuộc sống. Thành công cũng nằm ở việc bạn trở thành người tốt đẹp hơn.
Từ bỏ không có nghĩa là thất bại mà là cho bản thân một cơ hội để bắt đầu lại. Chỉ bằng cách giải phóng quá khứ, chúng ta mới có thể thực sự nắm lấy tương lai.
Bài học số 4: Cân bằng rủi ro và phần thưởng, không chấp nhận quá nhiều rủi ro
Đôi khi, những cuộc phiêu lưu có thể thành công. Ví dụ, người sáng lập FedEx Fred Smith đã từng đặt cược 5.000 đô la cuối cùng của công ty vào trò chơi Blackjack và giành được 27.000 đô la, cứu công ty khỏi phá sản vào phút cuối.
Nhưng bạn đã nghe nói về Lorenzo Ferdinand chưa? Ông từng là Giám đốc điều hành của Continental Airlines và đã thực hiện những bước đi mạo hiểm để cứu công ty. Ông sử dụng hết số tiền còn lại của mình để đầu cơ trên thị trường dầu mỏ. Kể từ đó, không ai còn nghe thấy tên của ông ta nữa.
Mọi người đều thích chuyện cổ tích nơi những cuộc phiêu lưu mạo hiểm mang lại tài sản triệu đô. Nhưng đối với những người bình thường, tương lai đầy rẫy những điều không chắc chắn và những chiến lược hiếm khi hiệu quả, chúng ta nên chọn phương án an toàn.
Eugene O’Neill từng nói: “Cơ hội thường ngụy trang thành vấn đề khó, còn rủi ro lại ngụy trang thành cơ hội”. Vì vậy, hãy cân nhắc sự cân bằng giữa rủi ro và phần thưởng. Dựa trên thông tin và dữ liệu, hãy tránh những thất bại tiềm ẩn một cách thông minh và hành động trong phạm vi rủi ro có thể kiểm soát được.
Vô số bài học đã chỉ ra rằng, thận trọng tốt hơn là vội vàng chấp nhận rủi ro. Và việc lập kế hoạch dài hạn cũng như nỗ lực bền bỉ thường đáng tin cậy hơn mù quáng theo đuổi những tiềm năng.
Mặc dù có một số câu chuyện đầy cảm hứng, đầy phiêu lưu nhưng không phải ai cũng gặp may như vậy.
Bài học số 5: Đừng để xung đột tích tụ
Hãy khắc phục những gì đang khiến bạn phiền lòng. Dù là mối quan hệ tình cảm hay môi trường làm việc, nếu có một tình huống nào đó khiến bạn phiền lòng nhưng không được giải quyết kịp thời sẽ gây ra những hậu quả khó lường.
Chịu đựng trạng thái bất mãn trong thời gian dài không phải là dũng cảm mà là tự hành hạ bản thân. Nếu bạn đã cảm thấy bản thân rõ ràng đang khó chịu, bạn có thể nghĩ xem mình có thể chủ động làm gì đó để cải thiện tình hình. Nếu bạn nhận ra vấn đề và giải quyết nó kịp thời thì nó thường có thể được giải quyết dễ dàng. Nếu để vấn đề tích tụ lâu ngày thì cuối cùng sẽ gây ra những vấn đề khó giải quyết.
Bước đầu tiên để giải quyết vấn đề thường là giao tiếp cởi mở và bày tỏ cảm xúc cũng như nhu cầu. Sau đó tích cực trao đổi, chủ động tìm giải pháp, coi vấn đề là cơ hội để cải thiện mối quan hệ.
Hãy đối mặt trực tiếp với vấn đề của bạn và cố gắng giải quyết chúng, đừng để chúng lớn dần trong bạn.
Chỉ bằng cách giải quyết các vấn đề từ trong trứng nước, chúng ta mới có thể thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá nhân và đồng thời có thể đương đầu với những thách thức của cuộc sống một cách dễ dàng.
Bài học số 6: Sức khỏe đòi hỏi nỗ lực không ngừng
Khi còn trẻ, chúng ta cảm thấy mình không thể bị đánh gục. Chúng ta thường thức khuya để ăn đồ ăn nhanh, ngày và đêm bị đảo ngược. Nhưng cuộc sống của bạn không gặp vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng sau 30 tuổi, tình thế bắt đầu thay đổi, thay đổi nhanh đến mức gần như bạn không có sự chuẩn bị, gần như chỉ sau một đêm, các tình trạng rệu rã bắt đầu xuất hiện ở khắp các bộ phận trong cơ thể.
Sức khỏe thể chất và tinh thần là một trong những điều không là vấn đề cho đến khi nó đột nhiên trở thành vấn đề lớn.
Để có đời sống khỏe mạnh bền vững, bạn cần có trách nhiệm với sức khỏe của mình. Tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh và kiểm soát căng thẳng đều có thể giúp chúng ta đủ khỏe mạnh để tận hưởng cuộc sống.
Sức khỏe là một quá trình tích lũy đòi hỏi thời gian và hành động nghiêm túc. Hãy coi sức khỏe của bạn như một khoản đầu tư lâu dài thay vì chờ đợi vấn đề phát sinh.
Bài học số 7: Bạn không cần phải đánh giá quá cao nỗi sợ hãi của mình
Trong cuộc sống, chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao nỗi sợ hãi và thường tưởng tượng ra tình huống xấu nhất. Nhưng hầu hết những điều có vẻ đáng sợ thực ra không tệ đến thế. Nghiên cứu tâm lý cho thấy, nỗi sợ hãi mà chúng ta cảm thấy khi phải đối mặt với những điều chưa biết bắt nguồn từ sự nhạy cảm của bộ não trước các mối đe dọa tiềm ẩn. Sự nhạy cảm quá mức này đã phóng đại những rủi ro.
Chúng ta tập trung quá nhiều vào những kết quả tiêu cực có thể xảy ra mà đánh mất tiềm năng mang lại những kết quả tích cực. Vì vậy, hãy có chút niềm tin vào bản thân và để nỗi sợ hãi đóng vai trò như một lời nhắc nhở về rủi ro và không để cảm xúc lấn át bạn.
Triết gia Emerson từng nói: “Can đảm không phải là không sợ hãi mà là tiến về phía trước bất chấp nỗi sợ hãi.” Điều đó có nghĩa là chúng ta nên mở rộng ranh giới của sự thoải mái một cách thích hợp để trải nghiệm các thử thách.
Sợ hãi là một cơ chế bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm, nỗi sợ hãi không phải để chúng ta chùn bước mà là để chúng ta kiên cường hơn. Thay vì để bản thân sa lầy vào những cảm xúc tiêu cực, hãy suy nghĩ tích cực.
Khi bạn có thể vượt qua nỗi sợ hãi bên trong và học cách tiến về phía trước, bạn là đang nắm giữ chìa khóa mở ra tiềm năng của mình.
Bài học số 8: Đừng theo đuổi giấc mơ của người khác
Cần có thời gian để bạn phát hiện ra con người thật của mình. Trước đó, suy nghĩ và cuộc sống của bạn được xác định bởi môi trường xung quanh. Bạn và những người cùng trang lứa tham gia những khóa học giống nhau và thường có những ước mơ tương tự nhau về cùng một công việc tốt và mức lương cao. Các bạn đã quen với việc lựa chọn dựa trên những giá trị trần tục và rơi vào tình trạng tầm thường.
Nhưng đến một lúc nào đó, bạn sẽ nảy ra ý muốn thoát khỏi cuộc sống giả định này. Bạn bắt đầu đặt câu hỏi về các tiêu chuẩn xã hội và tự nhủ: “Thực ra, mình muốn…”
Bạn cần phải có can đảm để khám phá con đường của riêng mình. Điều này có thể sẽ đi ngược lại xu hướng chủ đạo của cộng đồng và bạn sẽ bị chất vấn, nghi ngờ, phán xét. Nhưng nó cũng cho chúng ta cơ hội khám phá tiềm năng của mình, tìm ra sứ mệnh của mình, cũng như giá trị đích thực của chính mình.
Mỗi người đều có những tài năng, niềm đam mê và mục tiêu riêng. Bí quyết thành công là tìm ra tài năng của bạn và triển khai nó trong thực tế. Mặc dù điều này cần có lòng can đảm và sự kiên trì nhưng phần thưởng là vô giá.
Chỉ khi tìm được chính mình và dũng cảm theo đuổi ước mơ, bạn mới được sống cuộc sống của chính mình và gặt hái thành công.
Bài học số 9: Hiện tại không phải là bước đệm cho tương lai
Chúng ta thường tự nhủ: “Khi một thời điểm nào đó đến, mình sẽ có thể thực sự tận hưởng cuộc sống”. Nhưng thực tế có phải như vậy không? Mỗi khoảnh khắc trải nghiệm đều định hình cuộc sống của bạn. Nếu bạn có thói quen gác niềm vui lại thì ngay cả khi bạn gặt hái được thành quả nào đó, bạn cũng khó lòng dành thời gian để tận hưởng.
Cuộc sống không phải là chờ đợi một thời điểm cụ thể có ý nghĩa.
Thứ nhất, luôn có một quá trình dài trước khi bạn gặt hái được kết quả. Nếu đến ngày có kết quả bạn mới vui sống thì chẳng phải, bạn đã lựa chọn tận hưởng quá ít hay sao? Điều đó giống như 30 ngày đến công ty, nhưng đến ngày nhận lương bạn mới vui vẻ đi làm. Thậm chí có những người nhận lương chỉ vui trong 3 phút sau đó họ lại đau khổ vì nghĩ rằng lương quá ít.
Bạn hãy tận hưởng những trải nghiệm và những niềm vui khác nhau trong cuộc sống ở mọi thời điểm, đồng thời trân trọng giá trị của từng khoảnh khắc, thay vì coi hiện tại chỉ là bước đệm cho tương lai. Cuộc sống của bạn vẫn tiếp diễn và mọi khoảnh khắc đều đáng được trân trọng. Việc theo đuổi tương lai không nên trở thành cái cớ để chúng ta bỏ qua hiện tại. Do đó, bạn hãy sống trọn từng khoảnh khắc, thời gian sẽ không chờ đợi ai cả.
Bài học số 10: Danh hiệu không phải là vĩnh viễn
Trong cuộc đời, chúng ta sẽ nhận được những danh hiệu khác nhau. Đó có thể là một nhạc sĩ, kỹ sư, người làm truyền thông, doanh nhân hay người sáng tạo nội dung, v.v.
Danh hiệu phản ánh bản sắc và vai trò của bạn trong xã hội. Ai cũng có một chức danh nhất định nói lên lĩnh vực chuyên môn, trách nhiệm và cam kết nghề nghiệp của họ. Nếu bạn không nỗ lực để giữ vững danh hiệu đó thì chúng có thể sẽ biến mất.
Ví dụ: bạn đã từng là một vận động viên bóng rổ cừ khôi nhưng vì hết tuổi thi đấu, bạn quay về cuộc sống bình thường và mở một phòng tập gym. Như vậy, bây giờ bạn không thể tự xưng mình là một vận động viên được nữa.
Danh hiệu không phải là thứ đến một lần và mãi mãi, nó luôn đòi hỏi sự nỗ lực và duy trì liên tục. Cho dù bạn đã là chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định, bạn vẫn phải tiếp tục học hỏi và phát triển để duy trì chức danh của mình.
Danh hiệu không cố định mà thay đổi theo thời gian và trải nghiệm. Tương tự như thế, chúng ta phải điều chỉnh “danh phận” của mình cho phù hợp với công việc.
Mỗi giai đoạn của cuộc sống, bạn có những danh vị riêng, có trách nhiệm riêng, giá trị riêng. Bạn phải điều chỉnh bản thân cho phù hợp với danh hiệu. Ví dụ, khi bắt đầu làm bố, bạn có một danh hiệu mới, bạn cần phải sống như một người cha mẫu mực và thực hiện các trách nhiệm của một người làm cha.
Chúng ta không thể dựa vào những danh hiệu trong quá khứ để đề cao bản, bất kể trong cuộc sống hay sự nghiệp. Đúng hơn là danh hiệu đòi hỏi sự tự hoàn thiện liên tục để thực nghĩa vụ, mang lại các giá trị và ý nghĩa cho cuộc sống thông qua danh hiệu đó.
Bài học số 11: Kỷ luật tự giác có lẽ là đặc điểm quý giá nhất
Kỷ luật tự giác bao gồm sự tự chủ, kiên trì và tự quản lý, đồng thời liên quan đến hành vi tự chủ và đưa ra quyết định hợp lý để đạt được mục tiêu và các giá trị. Kỷ luật tự giác là một trong những phẩm chất quý giá nhất để đạt được nguyện vọng và sứ mệnh của một người.
Bạn cần xác định rõ ràng mục tiêu và thực hiện các hành động để hoàn thành mục tiêu, kiềm chế những ham muốn trước mắt, chống lại sự cám dỗ, vượt qua sự trì hoãn, duy trì niềm tin khi đối mặt với những thất bại và thử thách.
Khi chúng ta thực sự có thể kiểm soát được cuộc sống của mình thì việc hoàn thành mục tiêu chúng ta đặt ra chỉ còn là vấn đề thời gian.
Kỷ luật đại diện cho ý chí và sự quyết tâm bên trong, có thể đưa chúng ta đến một cuộc sống có chiều sâu và mãn nguyện hơn. Vì vậy, kỷ luật tự giác không chỉ để đạt được mục tiêu mà còn là một triết lý sống có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời một người. Bạn càng kỷ luật thì cuộc sống của bạn sẽ càng dễ dàng hơn.
Bài học số 12: Tìm một triết lý sống nào đó
Mark Twain từng nói: “Hai ngày quan trọng nhất trong cuộc đời là ngày bạn sinh ra và ngày bạn khám phá ra lý do mình sống”. Mỗi người đều có triết lý sống của riêng họ. Chẳng hạn triết lý sống của một số người xuất phát từ đức tin. Đức tin hướng dẫn họ đưa ra các quyết định, hướng dẫn họ xác định mục tiêu họ cần theo đuổi và hướng dẫn họ hành động.
Những người thiếu triết lý sống thường đưa ra quyết định chỉ dựa trên sự thôi thúc và cảm tính.
Nếu bạn coi trọng sức khỏe, hãy tiếp tục tập thể dục và ăn một chế độ ăn uống hợp lý; nếu bạn quan tâm đến các mối quan hệ, bạn hãy học cách xử lý cảm xúc; nếu bạn coi trọng cảm giác thành tựu mà sự nghiệp mang lại, bạn hãy thỏa hiệp và sắp xếp gọn gàng cuộc sống cá nhân của bạn lại. Cuộc sống thì ngắn ngủi và năng lượng thì có hạn. Bạn hãy tìm cho mình triết lý sống và mục tiêu hướng đến, chỉ khi đó bạn mới hết chênh vênh và dần có được sự ổn định.
Cách duy nhất để đạt được tự do và có một cuộc sống không hối tiếc là làm rõ những giá trị quan trọng nhất đối với bạn, phân biệt việc gì cần được ưu tiên phát triển và nhận biết nhược điểm để khắc phục. Đồng thời dốc hết sức, quyết tâm thực hiện các mục tiêu.
Một cuộc sống hoàn hảo không có nghĩa là bạn nỗ lực ôm đồm mọi thứ, mà là sự lựa chọn và trân trọng đúng thứ bạn cần trân trọng. Hãy tập trung thời gian và sức lực có hạn của bạn vào những việc quan trọng nhất và đáng giá nhất. Chúc bạn sớm tìm thấy sứ mệnh của đời mình và sống một cuộc sống thật ý nghĩa.
Nguồn: Aboluowang (Triệu Lệ).
Minh Nguyệt biên dịch.