Lịch sử

Biết kính Thần mới có tương lai tốt đẹp – bài học trong thời Hùng Vương thứ sáu

Quốc gia gặp nạn vì quân vương mất đức, như Hùng Huy Vương là lười nhác chính sự, lại thiếu tôn kính với Thần Phật, thể hiện trong khi tế lễ. Nhưng khi quân vương thể hiện hành động sám hối, thì Thần tích xuất hiện. Ở thời Hùng Huy Vương, không chỉ xuất hiện Thánh Gióng cứu nước, còn có Lang Liêu được Thần báo mộng để làm ra bánh chưng bánh giầy, và Thiều Hoa công chúa nhờ Thần thông mà phát minh ra nghề tơ lụa.

Thời đại Hùng Vương thứ sáu (tức Hùng Huy Vương) là một thời kỳ quốc gia Văn Lang có nhiều biến động. Kể từ khi quốc tổ Lạc Long Quân dựng nước, sự nghiệp truyền xuống các vua Hùng, thì đây là thời điểm đầu tiên người phương Bắc xâm lược Văn Lang. Từ “Ngọc phả Hùng vương”, ta biết được nguyên nhân của sự kiện này là do Hùng Huy Vương bất kính Thần. Sự sám hối của ông khiến Thiên thượng cử xuống người anh hùng vệ quốc Thánh Gióng, và không chỉ có vậy, sau đó là nhiều Thần tích đầy ý nghĩa và thú vị.

Hùng Huy Vương bất kính Thần, Trời giáng họa ngoại xâm

Sự đời thịnh cực ắt suy, trong thời đại văn minh kéo dài hơn 26 thế kỷ của Hùng triều cũng có những thời điểm quốc gia Văn Lang lâm nguy. Người xưa cho rằng khi quốc gia suy bại, quân vương là người chịu trách nhiệm lớn nhất, sự việc bắt đầu từ khi Hùng Huy Vương khởi tâm bất kính Thần.

“Ngọc phả Hùng vương” ghi lại câu chuyện sau:

Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!

Huy vương lên ngôi, noi theo quy chế của tiền vương, cũng có chí chăm việc nuôi dân. Nhưng kế thừa nền thái bình đã lâu, ngòi rãnh dễ tràn, cam chịu yến tiệc yên vui, không chịu khó nghĩ suy chính sự. Bấy giờ có Bà mo (vu nữ) tinh thông địa lý thông hiểu thiên văn, thường đem bí pháp thần cơ tâu vua, tự xưng là Tiên nhân, xin cho vào hầu trong cung để thưa đáp khi vua cần hỏi đến. Ngày sau đình thần có vị quan tâu rằng:

– Bà mo ấy mù tịt về mo sử, xem ra chỉ là một mụ đàn bà bình thường thôi! Chỉ giỏi bàn luận vu vơ, thực chẳng biết trời đất thiên địa. Sao vua lại cho mụ ta hầu cận, bàn nói chuyện hoang đường? Bọn thần cho rằng bệ hạ đã bị mụ ta làm mê hoặc.

Vua cho là phải, bèn sai bắt bà mo giam trong cung. Sau đó vua sai lập một đàn tế khác, cũng làm giả các voi trắng không ngà, voi đen ba chân, ngựa đỏ năm chân để cầu đảo với Thiên vương. Vua bảo đình thần:

– Trẫm dùng kế ấy để xem người bà mo có biết giả trá hay không?

Hoàng thiên tuy cao, nhưng nghe xong tỏ ý không bằng lòng, xem đến các đồ lễ thì hoàn toàn không linh ứng. Hoàng thiên bèn giáng tai ương để cảnh báo nhân quân không có đức.

ntdvn thien tai di tuong so so neu khong hoi cai doi cho nan to 1024x576 1
Hoàng thiên bèn giáng tai ương để cảnh báo nhân quân không có đức. (Ảnh: Tổng hợp)

Bấy giờ Hùng Huy vương mới nghiệm biết đạo Trời báo ứng ngay trước mắt. Bấy giờ vua cho đưa bà mo đến bảo: ”Ngươi biết dò xét huyền cơ, nay trong nước có triệu chẳng lành, ngươi có thể bay lên trời tìm hỏi xem lý do thế nào?

Bà mo bèn nằm thiếp trong khoảng ba canh rồi nói lảm nhảm như người đang chiêm bao. Ba ta nói mình đã đến trước cửa khuyết Thiên đình, tâu rằng: “Tôi vâng mệnh quốc vương lên tâu thiên đình: Nay trần thế đang có tai ương, chưa biết nguyên do nào gây nên như thế? Ngọc Hoàng phán:

– Ngươi mau trở về báo cho vua ngươi biết: Lưới trời lồng lộng, thưa mà không thể lọt. Trần hoàn lóc lóc , có cầu có nguyện tất được tòng tâm. Hùng Huy vương mù quáng kiêu căng, rông càn làm lễ vật giả dối. Đó là do Trời báo phạt, không chỉ giáng bấy nhiêu tai ương mà thôi. Ba năm sau [nếu không sửa chữa] tất sẽ có nạn giặc lớn!

Nghe phán xong, bà mo liền tỉnh lại. Bà mo tâu lại mọi chuyện với vua. Huy vương nghe nói cả kinh, vẫn cho bà mo ở lại trong cung để nghiệm xem lời nói của bà ta có nghiệm hay không.”

Đạo lý “Quân quyền Thần thụ – quyền lực của quân vương là do Trời ban” là thuộc về mạch nguồn của văn hóa Á Đông. Từ quốc tổ Lạc Long Quân lần ngược lên hầu hết là người tu Đạo thành Thần, mà tổ của họ – Viêm đế Thần Nông chính là một vị Thần, đều chịu mệnh Trời để giáo hóa, dẫn dắt dân chúng. Rốt cuộc, Hùng Huy Vương cũng hiểu ra cái tâm giải đãi khinh nhờn của mình chính là lý do khiến Văn Lang gặp họa, ông kịp thời tỏ lòng sám hối:

“Huy vương lại sai triều quan dựng đàn ở Trung Đô, các lễ vật như voi ngựa vàng bạc đều dùng đồ vật thật ở trung cung. Khi lễ nghi đã đầy đủ, vua thân lên đàn đọc văn khấn tế:

– Ngu si lầm lỗi, đem vật uế dâng lễ Hoàng thiên. Sự hãy nhãn tiền, xét xem đủ thấy. Cúi xin Thượng đế chuyển họa làm lành, đội ơn vạn hạnh. Ngu si cúi ngước, cậy nhờ ơn đức Hồng quân!

Vua khấn xong, bỗng thấy mây cuồn gió cuộn nổi lên, trời mung lung chuyển sắc. Khói hương trên đàn tế bay lên hòa sắc cùng mây lành đang toả xuống.

Hùng Huy vương thảng thốt kinh sợ, khấu đầu lạy tạ rồi lên xe về cung. Vua lại sai bà mo lên thiên đình xin Hoàng thiên tha tội để nước nhà được yên. Bà mo trở về tâu với Huy vương:

– Vua biết hối lỗi, đã được Hoàng thiên xét soi. Tuy năm sau có giặc xâm lăng, nhưng trời cho nhân tài sinh ra để giúp nước, vua khỏi phải lo nghĩ nhiều!”

Ba năm sau, giặc Ân phương Bắc quả nhiên xâm phạm bờ cõi. Hùng Huy Vương tổ chức tế lễ, cầu đảo Thần, được đức Lạc Long Quân hiển thân mách rằng hãy tìm người tài trong nước. Chính là ứng vào Thánh Gióng – vị tướng nhà Trời đã được cử xuống từ ba năm trước để giúp nước Văn Lang đánh giặc, một sự an bài của Thượng Thiên sau khi Hùng Huy Vương sám hối.

Trong danh tác Tây Du Ký, hồi 87 “Quận Phượng Tiên khinh Trời bị hạn. Tôn Đại Thánh khuyến thiện làm mưa” có một câu chuyện tương tự. Quận Phượng Tiên mấy năm liền hạn hán, đời sống hết sức cực khổ. Tôn Đại Thánh lên Thiên Đình hỏi nguyên nhân, được dẫn đi xem gà ăn núi gạo, chó liếm núi bột, đèn đốt cần khóa trong điện Phi Hương, bao giờ những việc ấy xong thì quận Phượng Tiên mới có mưa, cứ theo lẽ thường mà suy thì thiên nan vạn nan. Hóa ra mấy năm trước, Quận hầu Thượng Quan của quận Phượng Tiên khi cúng Trời đất giận quá mất khôn, quẳng đồ cúng cho chó ăn nên mới có nạn ấy. Sau đó ông ta lòng thành sám hối dựng đạo tràng, quận hầu đích thân làm lễ cúng Trời, nhận hết lỗi lầm, đồng thời khuyến cáo người dân trong quận thắp hương niệm Phật. Lúc này trên Thiên đình, núi bột, núi gạo phút chốc hết sạch, cần khóa cũng đứt rời, và quận Phượng Tiên được Trời giáng mưa ngọt cứu vớt muôn dân.

Quốc gia gặp nạn vì quân vương mất đức, như Hùng Huy Vương là lười nhác chính sự, lại thiếu tôn kính với Thần Phật, thể hiện trong khi tế lễ. Nhưng khi quân vương thể hiện hành động sám hối, thì Thần tích xuất hiện. Ở thời Hùng Huy Vương, không chỉ xuất hiện Thánh Gióng cứu nước, còn có Lang Liêu được Thần báo mộng để làm ra bánh chưng bánh giầy, và Thiều Hoa công chúa nhờ Thần thông mà phát minh ra nghề tơ lụa.

banh chung banh day lang lieu notzip
Lang Liêu được Thần báo mộng để làm ra bánh chưng bánh giầy. (Minh hoạ: Đại Kỷ Nguyên)

Một lý giải khác về việc Lang Liêu được truyền ngôi

Sử cũ chép, sau khi đánh thắng giặc Ân, Hùng Vương thứ 6 họp các con lại, thông báo ý định truyền ngôi. Ngài phán: “Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay mang trân cam mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi.” (1)

Các hoàng tử đua nhau sai người đi tìm của ngon vật lạ. Riêng có Lang Liêu thân cô thế cô, xem ra không có cơ hội gì đáp ứng được yêu cầu của vua cha nên đêm ngày lo lắng. Một đêm, chàng mộng thấy có thần nhân tới nói rằng: “Các vật trên trời đất và mọi của quý của người không gì bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bao giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình trời đất rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ”. Lang Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ mà nói rằng: “Thần nhân giúp ta vậy!” (2). Kết quả, bánh chưng bánh giầy của Lang Liêu được lựa chọn, cũng như chàng được lựa chọn làm người nối ngôi, trở thành Hùng Vương thứ 7 – Hùng Chiêu Vương.

Trong sự kiện này có nhiều đạo lý thú vị.

Bánh chưng, bánh giầy được lựa chọn, phải chăng vì đạt điều kiện “trân cam mỹ vị”? Dường như không phải, vì dù chúng ngon miệng và lạ miệng, cũng không thể vượt trội về mùi vị so với những kỳ trân dị bảo mà các hoàng tử còn lại mang về.

Vả lại, ngon miệng mới là điều kiện cần mà thôi.

Cứ như ý của Hùng Huy Vương, ngài muốn một món ăn ngon miệng nhưng phải mang một ý nghĩa, nội hàm sâu, giá trị tinh thần lớn “để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu”.

Mà bánh chưng bánh giầy thì gạo nếp đùm bọc đậu xanh, thịt lợn; lại có lá dong bọc ngoài cùng, như tinh thần đùm bọc của người Việt xưa nay vẫn trọng tình cảm, lại như công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ấy là chữ hiếu mà Hùng Huy Vương yêu cầu.

Điều thứ hai, bánh chưng hình vuông, là tượng của đất; bánh giầy hình tròn, là tượng của Trời. Vuông hay tròn không phải là hình dạng, hình thể, nội hàm của nó sâu xa hơn. Vuông là tĩnh, là âm, là đặc tính của đất – thế giới loài người. Tròn là động, là dương, là đặc tính của Trời – thế giới cao tầng của các Thần Phật. Đó là vũ trụ quan của người Việt cổ, cho thấy nền văn minh Văn Lang là một nền văn minh huy hoàng, có hiểu biết sâu về vũ trụ.

Thứ ba, không giống như những lễ vật đắt tiền khó kiếm của các hoàng tử khác, bánh chưng bánh giầy của Lang Liêu được làm từ sản vật nông nghiệp: gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn… từ vua đến dân, ai cũng dễ dàng làm được, đó là thứ Trời ban, Thần dạy, giống như vai trò của Thần Nông, Hậu Tắc trong văn hóa nông nghiệp. Người ở ngôi cao biết trọng lúa gạo tức là biết ơn Trời, trọng sức dân, khiêm tốn giản dị, không dễ ăn chơi xa xỉ, làm hại cho xã tắc.

Thứ tư, là một yếu tố cực kỳ quan trọng.

Hùng Huy Vương ân hận vì chểnh mảng việc nước, lại buông tâm khinh nhờn trong tế lễ Hoàng thiên, đến nỗi xã tắc gặp họa ngoại xâm. Giặc dẹp xong, nhưng chính nhà vua có lẽ vẫn còn mang mặc cảm, bèn muốn tìm một người thay thế xứng đáng hơn. Lang Liêu tỏ ra xứng đáng với nguyện vọng ấy vì lễ tiết chu đáo, hiếu thuận, lại được Thần chứng giám, giúp đỡ, tức là Thần lựa chọn. Vậy còn lý do gì để không chọn Lang Liêu?

Sau khi nối ngôi, Lang Liêu tức Hùng Chiêu Vương cho thấy ngài chính là lựa chọn sáng suốt của vua cha. “Ngọc phả Hùng vương” chép rằng:

“Thái tử là Chiêu vương nối ngôi kế thừa đại thống. Vua cố gắng chuyên tinh chính trị, sau khi được kế thừa thanh thế đánh giặc vang lừng của vua cha bèn cho cất cung khóa giáp, tỏ ý không dùng binh nữa, chỉ lo an dưỡng muôn dân, sửa sang giáo hoá. Rồi đó lấy chuyện trước làm răn, không dám làm càn dâng lễ uế tạp khiến cho hoàng thiên giận giáng tai ương, giặc ngoài biên mấy lần xâm phạm, sáu đời thừa hưởng thái bình bỗng trở thành thời loạn. Từ đó vua kính sùng thiên đạo, kính thờ quỷ thần, phàm các nơi trên núi dưới biển ở đâu có hiển ứng linh thiêng đều sai trăm quan văn võ đến xây cất miếu điện, hoạ vẽ thánh tượng, thành tâm phụng thờ.

Vua bèn ngự điện Kính Thiên, cho xây cất Dao đài ngọc khuyết, tô vẽ cung tường, trang hoàng miếu vũ, bố trí nghi vệ nhất nhất trang nghiêm. Các đồ tế khí cũng đều cho vẽ rồng mây, ngày đêm đèn hương không ngớt. Hàng tháng cứ ngày sóc (mồng một) vọng (rằm) vua đều trai giới lên ngự điện coi chầu.”

Sau sự xuất hiện của Thánh Gióng và sự kiện bánh chưng bánh giầy, thời Hùng Vương thứ 6 vẫn còn một Thần tích khác ít được nhắc đến hơn, nhưng không kém phần quan trọng, đó là phát minh ra lụa tơ tằm của công chúa Thiều Hoa.

Thiều Hoa – bà tổ nghề dệt lụa nước Nam

Thiều Hoa là con gái của Hùng Huy Vương, tức là chị em với Lang Liêu.

Chuyện kể rằng công chúa là người hiền lành, xinh đẹp nhưng vì không chịu lấy chồng, nên không sống ở gần vua cha. Nàng là người sống hòa nhập với thiên nhiên, có biệt tài nói chuyện với chim và bướm. Một lần nói chuyện với bướm nâu, nàng mới biết bướm nâu chỉ ăn một thứ lá dâu để đẻ ra trứng rồi nở thành sâu, nhả ra sợi vàng. Bướm đưa Thiều Hoa ra bãi dâu ven sông thấy hàng ngàn con sâu đang làm kén. Thiều Hoa xin bướm giống trứng và sâu ấy cũng như hỏi bướm cách kéo tơ rồi tìm cách đan chúng thành những mảnh, tấm nõn nà vàng tươi. Nàng đặt tên cho những tấm sợi ấy là lụa. Từ đó con bướm còn được gọi là “ngài”, giống sâu cho sợi được gọi là “tằm”, chính là cái tên mà Thiều Hoa đặt cho vậy.

Sau Thần tích ấy Thiều Hoa truyền dạy cho dân cách trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi, dệt lụa. Tấm lụa đầu tiên nàng đem tặng Vua cha. Hùng Huy Vương khen ngợi con gái yêu và khuyến khích dân học dệt lụa. Dân làng Cổ Đô, Vân Sa…rất nổi tiếng về nghề dệt lụa và nhiều làng tôn Thiều Hoa làm tổ sư nghề dệt lụa, làm thành hoàng làng của mình. Rồi theo thời gian, nghề dệt lụa lan ra khắp các địa phương trong nước.

Sử cũ cho rằng, trước khi có lụa tơ tằm, dân ta phải lấy vỏ cây làm áo mặc. Dù việc ấy xác thực đến đâu thì đều có thể nói rằng, phát minh ra lụa tơ tằm là một bước tiến cực lớn về văn hóa, văn minh. Phát minh ấy là một Thần tích, có từ khả năng nói chuyện với các sinh vật của công chúa Thiều Hoa – một dạng Thần thông của người tu Đạo.

Ghi nhớ bài học của cha ông: Thần là nguồn gốc của đạo đức và văn minh con người

Văn hóa Thần truyền là văn hóa do Thần đặt định, truyền dạy cho con người, cốt yếu là để duy trì những giá trị đạo đức từ đó bảo vệ được nền văn minh con người. Con người tự thân không thể sáng tạo nền văn hóa đó nếu không có Thần.

Thời đại các vua Hùng, đặc biệt trong thời Hùng Huy Vương đầy ắp những Thần tích. Từ Hoàng thiên báo họa ngoại xâm; Quốc tổ Lạc Long quân chỉ giáo cho vua nơi tìm được người tài cứu nước; Tướng Trời Thánh Gióng giúp dân dẹp tan quân xâm lược; Lang Liêu được Thần dạy làm bánh chưng bánh giầy; Công chúa Thiều Hoa nhờ Thần thông mà phát minh ra nghề dệt lụa… từ dựng nước, giữ nước, dạy cho đạo đức, lễ nghi, đến lo cái ăn, cái mặc, đặt định nghề truyền thống, đâu đâu cũng có dấu ấn của Thần.

Khi nhân tâm khinh nhờn, phủ nhận Thần, con người sẽ mất đi nguồn gốc của đạo đức, trí tuệ, sức mạnh; chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh ùa đến, nền văn minh sẽ lụi tàn, dân tộc sẽ diệt vong. Chỉ có kính Thần, con người mới có trí huệ, phúc báo, biết phân biệt tốt – xấu, thiện – ác, văn minh nhân loại mới trường tồn. Hùng Huy Vương dạy con chữ hiếu, phải biết dâng cúng nhớ ơn tiên vương tức là các vua đời trước, mà từ các tiên vương lần ngược lên là quốc tổ Lạc Long Quân và các vị Thần. Văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt, chính là nhớ đến nguồn gốc Thần thánh “con Rồng cháu Tiên” của mình, để mỗi người Việt hôm nay sống sao cho xứng đáng.

Những Thần tích thời Hùng Huy Vương để lại cho các thế hệ người Việt ngày nay những bài học thật đáng suy ngẫm.

Nguồn: ntdvn (Nguyên Phong)

Chú thích:

(1), (2): Trích “Lĩnh Nam chích quái” của Trần Thế Pháp

Xem thêm

About Đào Thanh Mai

Với niềm đam mê mãnh liệt với phong thủy và các vật phẩm phong thủy thủ công, tôi luôn tin rằng không gian sống có thể được cải thiện để mang lại sự thịnh vượng và may mắn cho gia chủ. Tại Honngoc.vn, tôi không chỉ đơn thuần là người kinh doanh mà còn là người truyền tải những giá trị văn hóa và tâm linh thông qua từng sản phẩm. Mỗi vật phẩm phong thủy mà chúng tôi cung cấp đều được chế tác tỉ mỉ bởi các nghệ nhân tài hoa của Hải Phòng, chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc và năng lượng tích cực. Cùng với niềm đam mê phong thủy, tôi luôn tìm kiếm và chia sẻ những kiến thức quý báu về cách cải tạo không gian sống, giúp gia chủ không chỉ đón nhận tài lộc mà còn tạo dựng được sự hài hòa và bình an trong cuộc sống hàng ngày.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *