Blog
Câu chuyện tâm linh hơn 300 năm do một học giả thời nhà Thanh kể lại
Tài tử Viên Mai thời nhà Thanh từng nghe được một câu chuyện kỳ lạ từ học giả Tiền Đại Hân. Tiền Đại Hân là người ở Gia Định, Tô Châu. Câu chuyện kỳ lạ này xảy ra ở Thượng Ngu, Thiệu Hưng, Chiết Giang, quê hương của ông.
Tiền Đại Hân là tiến sĩ thời Càn Long (1728-1804), ông là sử học gia có nhiều thành tựu vào thế kỷ 18. Tiền Đại Hân đã khảo đính các tác phẩm như “Tống sử”, “Nguyên sử”… Ngoài ra, ông cũng có nhiều đóng góp về kim thạch học, văn tự âm vận học. Ông còn tinh thông thiên văn, lịch pháp, và số học. Học giả Tiền Đại Hân từng kể cho tú tài Viên Mai nghe một câu chuyện ở linh giới. Viên Mai đem nó chép lại trong cuốn sách “Tử bất ngữ”.
Học giả họ Tiền kể rằng có một ngôi mộ cổ ở hậu viện của công sở quan huyện Thượng Ngu, Thiệu Hưng. Tương truyền, khi một vị huyện lệnh mới nhậm chức ở đây, trước tiên người đó phải đến miếu Thành Hoàng bái tế Thần Thành Hoàng, sau đó đến trước ngôi cổ mộ này bái tế. Tục lệ này đã được truyền lại mấy trăm năm.
Vào thời Càn Long, có huyện lệnh họ Nhiễm đến Thượng Ngu nhậm chức. Lúc ông ấy vừa đến, vị quan phụ trách nghi lễ của huyện nha cũng mời ông đến tế bái ngôi mộ cổ theo tục lệ. Huyện lệnh họ Nhiễm ngạc nhiên hỏi: “Các huyện lệnh trước đây khi đến nhậm chức, có ai không đi tế bái không?” Viên quan phụ trách nghi lễ thành thật trả lời: “Chỉ có Trương lão gia tính cách quật cường, không đi tế bái mộ cổ. Hiện giờ, ông ấy đang giữ chức Bố chánh sứ Hồ Bắc!” Huyện lệnh họ Nhiễm nghe xong liền nói: “Thế thì tôi cũng học hỏi Trương lão gia vậy!”
Ông ấy không đến tế bái mộ cổ, trong tâm cũng không lưu ý việc này. Một ngày nọ, khi huyện lệnh họ Nhiễm đang thẩm lý vụ án trên công đường, đột nhiên, có một người mặc y phục cổ, đội mũ cổ ngồi trên xe ngựa đến, nghênh ngang bước vào công đường. Huyện lệnh lớn tiếng khiển trách tiểu lại có khách đến mà không thông báo.
Lời ông nói còn chưa dứt, vị khách lạ đã tiến tới thư phòng của huyện lệnh. Trong thư phòng truyền ra tiếng nói chuyện ồn ào không ngớt, nhưng không thể nghe rõ là đang nói chuyện gì, chỉ tựa hồ như hai người đang tranh cãi. Một lúc sau, nha lại phát hiện ra rằng vị khách đã đột ngột biến mất, còn huyện lệnh họ Nhiễm đang hôn mê trên mặt đất, bất tỉnh nhân sự.
Lúc này, quỷ hồn đang nhập vào cơ thể huyện lệnh lên tiếng: “Ta họ Tô tên Tùng, vốn là một tiến sĩ vào cuối thời Nguyên, từng nhậm chức huyện lệnh Thượng Ngu. Sau đó ta qua đời trong chiến loạn và được chôn cất ở đây. Đến cả người danh tiếng hiển hách như Lưu Bá Ôn (Lưu Bá Ôn tên Cơ, tự Bá Ôn, sinh năm 1311) còn là hậu bối của ta! Ngươi thật to gan lớn mật, đến đây nhậm chức mà dám không đến tế bái ta!”
Có người nhắc đến việc Trương huyện lệnh trước đây khi đến nhậm chức cũng không đến tế bái mộ cổ mà không bị quỷ hồn tra vấn. Quỷ hồn liền nói: “Lộc vị của họ Trương kia còn rất thịnh, ta không cách nào động đến ông ta. Nhưng giờ vận khí của ông ta sắp hết rồi, đến lúc đó ta sẽ móc nhãn cầu của ông ta!”
Người nhà họ Nhiễm nghe thấy đều bị dọa sợ, liền run rẩy quỳ xuống cầu xin quỷ hồn khai ân, và hứa sẽ chuẩn bị nhiều sính lễ để tế tự cho quỷ hồn. Một lúc sau, huyện lệnh họ Nhiễm mới tỉnh lại. Sau khi tỉnh dậy, ông ấy cảm thấy sợ hãi nên đã mặc quan phục đi lễ bái trước mộ cổ. Không lâu sau, ông ấy quả nhiên được bình an vô sự.
Còn Trương huyện lệnh tiền nhiệm không đi tế bái mộ cổ, khi đang giữ chức Bố chánh sứ Hồ Bắc vì bị người ta lừa gạt mà phạm sai lầm. Ông ấy bị cách chức, sau đó hai mắt cũng dần mất đi ánh sáng.
Quý vị thử nghĩ xem, đây có phải là một con quỷ do người ta vái lạy mà sinh ra không?
Nguồn: epochtimesviet