Mới sáng bảnh mắt cô nhân viên tòa án đã thấy hai vợ chồng ngoài 60 dắt nhau vô phòng. Cô nhắc nhở
– Cô chú ơi! cô chú vô nhầm phòng rồi, đây là nơi nhận đơn ly hôn.
Bà vợ nói ngay
– Thì chúng tôi nộp đơn ly hôn mà.
Cô nhân viên tò mò nhìn kĩ hai ông bà. Bà lớn tuổi rồi nhưng nhìn người phúc hậu, đẹp lão lắm. Còn ông thì vẫn chỉn chu quần áo ủi thẳng nếp, chứng tỏ bà chăm sóc ông chu đáo. Cô hỏi
– Nguyên nhân gì cô chú ly hôn ạ…
Trong khi ông chồng ngơ ngác nhìn vợ thì bà vợ trả lời chắc nịch.
– Vì ông ấy ngáy to như bò rống ấy. Suốt 38 năm nay không đêm nào tôi ngủ đủ giấc cả.
Nghĩ rằng đây không phải lý do chính đáng, cô mời ông ra ngoài một lúc để cô tâm sự với bà.
Ông vừa khuất sau cánh cửa là nước mắt bà thi nhau rơi xuống. Bà kể:
Trước khi lấy tui, ông ấy đã thề non hẹn bể với người khác rồi và cùng rủ nhau vượt biên nhưng chỉ cô kia đi trót lọt. Ông ấy đau khổ vật vã mấy năm rồi mới chịu cưới vợ, là ba mẹ ông ấy cưới tui về, họ là bạn của ba mẹ tui.
Tui đã chăm lo gia đình hết sức chu đáo, sanh cho ông ấy hai đứa con mà ông ấy lúc nào cũng hững hờ. Hồi còn trẻ ông ấy khen tui mặc áo bà ba đẹp, thế là tui may một loạt ngày nào cũng mặc, cho đến khi nhỏ em ông ấy nói rằng chị ấy chỉ thích mặc đồ bà ba không à, là tui đem quăng hết vô tủ.
Mấy năm nay ông ấy lẫn lắm rồi, kính để trong túi quần, chìa khoá cầm trên tay mà cứ đi loanh quanh tìm suốt trong nhà. Bữa cơm nào cũng ăn hơn một tiếng, chuyện gì tui nhờ thì nghe xong quên liền nhưng cứ đến bữa cơm là lại ngồi kể cái vụ đi vượt biên hụt kia không biết chán.
Tối thì hát karaoke độc một bài NGÀY ẤY TRÊN CHIẾC CẦU không mỏi mệt, nào là “ngày ấy trên chiếc cầu em nhớ chăng” nào là “Ra đi anh mang theo một mối tình…” Tui chán chường lắm rồi.
Tuần trước có người họ hàng ghé nhà nói cô kia chồng mới mất ở bên Mỹ, giờ tui muốn ly hôn phứt cho ông ấy toại nguyện, khỏi phải nhớ với thương.
Cô nhân viên nín cười
Cô ơi ba con ở nhà cũng quên nhớ hoài y như chú vậy. Chuyện từ năm Thìn bão lụt ngày kể đi kể lại cả chục lần, vậy mà cứ bước chân ra khỏi nhà là lại quay vào vì sợ chưa khóa cửa. Con thấy cô giận lẫy chú thôi chứ cô thương chú lắm mà.
Cô mời ông vào và để trước mặt hai người cây bút và xấp giấy trắng.
Giờ con phải đi họp một chút, cô chú viết ra đây cho con những kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của cô chú, khoảng 10 cái thôi, con về sẽ hướng dẫn tỉ mỉ cô chú viết đơn ly hôn nhé!
Còn lại hai người bà nhấm nhẳng
– Sống với tôi thì ông làm gì có kỉ niệm.
Ông vội vã nói
– Bà nhớ hồi mình mới cưới nhau, tôi đưa bà đi Hà Tiên chơi không? Bà bị té tôi phải cõng bà mấy cây số mới về đến nhà trọ.
Bà cười mắt sáng trưng. Rồi bà một câu, ông một câu cùng nhau nhắc lại những ngày tháng gian khó nuôi chim cút, nuôi heo. Nhớ nhất ngày bà sanh đứa con đầu lòng bị băng huyết tưởng chết, ông đã khóc ròng bên giường bệnh mấy ngày.
Nhớ niềm vui sướng tột cùng ngày 2 vợ chồng và các con dọn vào căn nhà cấp 4 xây trên mảnh đất cha mẹ chồng cho. Xấp giấy chẳng mấy chốc mà kín chữ. Ông cầm tay bà ngậm ngùi:
– Vợ chồng sống bên nhau thấm thoắt đã 38 năm rồi. Tôi vẫn luôn biết ơn ba mẹ đã cưới bà về cho tôi. Tuổi già tôi có gì không phải bà đừng giận nhé! Tôi chỉ muốn sống cùng bà đến cuối đời thôi.
Bà vừa cười vừa khóc với ông
Khi cô nhân viên đẩy cửa vào ông vui vẻ nói
– Con nói cô chú viết ra 10 kỉ niệm nhưng mà nhiều quá, hết cả xấp giấy rồi!
Rồi ông cười láu lỉnh
– Thôi cô chú về đây
À! Chú quên là đến gặp con để làm gì rồi.
Sưu tầm.