Anh vốn là một doanh nhân thành đạt, còn chị làm giáo viên dạy toán của một trường chuyên trong thành phố. So với anh, lương của chị không thấm vào đâu, nhưng cũng là niềm mơ ước của bao cử nhân sư phạm mới ra trường. Thế nhưng, từ ngày chị sinh bé Bông,theo yêu cầu của anh, chị nghỉ hẳn công việc mơ ước để ở nhà chăm con.
Thời gian đầu chị thấy quyết định của mình là sáng suốt khi chị toàn tâm, toàn ý lo cho chồng con,không phải vất vả soạn giáo án nữa. Nhưng chừng vài tháng qua đi, chị mới thấy lựa chọn của mình quá vội vã. Tiền anh đưa chị không thiếu, chỉ thấy thiếu vắng sự chia sẻ và quan tâm của chồng.
Anh chỉ biết buổi sáng ngủ dậy có sẵn tô phở ngon do tay chị nấu đặt sẵn trên bàn, tối về có chậu nước thảo dược còn nóng để anh ngâm chân. Không cần biết hôm ấy chị buồn hay vui,có mệt hay không. Nhưng từ chuyện to đến chuyện bé trong nhà, hễ chị góp ý là anh gạt phắt đi, cả việc cho bé Bông học ở trường nào đều do anh quyết định.
Anh bảo đàn bà chỉ nói chuyện trong xó cửa, còn trong gia đình, quyền quyết định phải là người trụ cột, mà nhân vật trụ cột đó phải là anh.
Một lần, chị gọi bà đồng nát vào bán giấy vụn vô tình anh ngang qua, chẳng cần hỏi han, anh buông một câu đầy hàm ý ” người ta vất vả thế đấy, đi trẹo cả chân mà mỗi ngày cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn tiền lời. Còn em, chỉ có mỗi việc ở nhà, tiền tiêu chồng đưa không thiếu thế mà còn không biết đường để sướng ”
Chị choáng váng trước những lời nói phũ phàng thốt ra từ miệng chồng. Nhưng sợ mọi người bàn ra tán vào, chị im lặng chịu đựng để làm người vợ chỉnh chu của một ông chồng thành đạt. Chị cun cút nghe theo lời anh, không dám ho he nửa lời. Tưởng chỉ cần chu cấp tiền cho chị là đủ,anh mặc sức thế hiện cái tôi của mình.
Có những lúc quá mệt mỏi, chị muốn vứt tung đống tiền chồng đưa ra cửa sổ. Chị chỉ cần bờ vai của chồng để có thể ngả đầu cho vơi bớt lo toan, cần những lời nói quan tâm của anh, nhưng với chị đó là điều xa xỉ.
Nhưng rồi, chịu đựng chán cũng khiến cho bản năng tự vệ trong chị trỗi dậy. Chị bắt đầu ” bật ” lại những yêu cầu trái khoáy của anh. Anh không ngờ người đàn bà an phận như chị lại dám ” hỗn ” cả với chồng. Nhưng chị đâu có an phận, đến lúc chị tỏ ý sống ly thân, anh cười khẩy tỏ vẻ thách đố.
Trong đầu anh luôn mặc định rằng mình là cây đại thụ, chị chỉ là thân tầm gửi mà thôi, rời anh ra, chị chỉ có nước đứng đường. Bởi vậy chuyện chị nói, anh coi là tầm phào, giống như người lớn vẫn lấy ông ngáo ộp ra dọa trẻ con.
Lần này thì chị không đùa, hơn tháng sau anh nhận được lá đơn ly hôn từ chị. Đến lúc ấy anh vẫn không tin,anh vẫn còn niềm tin vững chắc để đắc thắng, đó chính là bé Bông. Bé là niềm tự hào và an ủi lớn nhất của chị, chị không thể sống xa con dù chỉ một ngày.
Nhưng nếu ly hôn, quyền nuôi dưỡng con chắc chắn sẽ thuộc về anh. Anh vẫn đinh ninh, bước ra khỏi ngôi nhà của anh, chị sẽ thành người vô gia cư ,thu nhập không có, chỗ ở cũng không, lấy gì để đảm bảo cho tương lai của con.
Nhưng chị vẫn quyết tâm ra toà. Trái với dự đoán của anh. Hội đồng xét xử đã cho chị được quyền nuôi con và nguyện vọng của bé Bông cũng muốn được ở bên mẹ. Nghe toà tuyên bố, anh như chết đứng khi biết chị đã âm thầm từ lúc nào chẳng biết xin được trở lại trường dạy học.
Còn nơi ở,dù chị chưa có nhà lầu xe hơi như anh, nhưng nhà trường cũng bố trí cho mẹ con chị một căn hộ tập thể hơn hai chục mét vuông khá thoáng mát.
Thất thểu ra về sau phiên toà, anh mới chua xót nhận ra mình đã mất tất cả chỉ vì sự quá tự tin và coi thường vai trò của vợ. Thì ra những cục tiền mà anh đem về cũng không thể giữ chân người vợ vẫn được coi là nhẫn nhục trong xó cửa…
TG: Hiếu Phạm