Ngoài Gia Cát Lượng còn có Tào Tháo và 6 người dùng ‘Không thành kế’, kết quả ra sao?
Nói đến ‘Không thành kế’, người ta thường nghĩ ngay đến câu chuyện được nhiều người biết là “Tam quốc diễn nghĩa”, Gia Cát Lượng ‘Không thành thoái địch’. Kỳ thực, trong lịch sử quân sự cổ kim, ‘Không thành kế’ được nhiều lần áp dụng, dưới đây liệt kê ra vài câu chuyện lịch sử chân thực về ‘Không thành kế’.
‘Không thành kế’ là kế thứ 32 trong 36 kế của binh pháp, là một loại chiến thuật tâm lý. Khi lâm nguy, lấy hành vi mạo hiểm can đảm làm cho quân địch phán đoán sai lầm, để đạt được mục đích giải nguy. Tư tưởng mưu lược hàm chứa trong đó, cổ nhân không chỉ dùng để thủ thành, mà còn dùng cả trong trường hợp lấy ít địch nhiều.
Đó không phải là dùng thực lực chiến thắng địch nhân, mà là thông qua nghiên cứu hoạt động tâm lý của chủ soái để lập mưu thắng địch, dọa lui quân địch. Khi sử dụng, nhất định cần có đủ can đảm.
Theo ghi chép của sử thư, các vị Ngu Hủ, Triệu Vân, Tào Tháo, Tổ Đĩnh, Gia Cát Lượng, đều từng dùng kế này.
‘Không thành kế’ xuất hiện sớm nhất
Theo chính sử, lần xuất hiện ‘Không thành kế’ sớm nhất là vào thời Xuân Thu. Lệnh Doãn nước Sở là Tử Nguyên dẫn quân cùng 600 cỗ xe tấn công nước Trịnh, tới chân thành nước Trịnh, quan đại phu nước Trịnh là Thúc Chiêm cam đảm dùng ‘Không thành kế’, quân đội nước Sở thấy cổng thành mở toang, nghị luận một hồi rồi rút quân.
Theo lời kể, mùa thu năm thứ 28 Lỗ Trang Công (666 TCN), Đại tướng, Lệnh doãn nước Sở là Tử Nguyên suất lĩnh 600 cỗ xe cùng binh lực hùng hậu tiến công Trịnh quốc.
Nước Trịnh quốc lực yếu nhược, trong thành binh lực thưa thớt, không thể chống đỡ nổi quân Sở, quân Sở dễ dàng chiếm thành Cát Trật nơi biên ải, rất nhanh sau đó 600 cỗ xe cùng quân binh khí thế như vũ bão đánh tới nơi đồn trú ngoài thành, chiếm được đường lớn dẫn vào thành. Trịnh quốc chỉ còn lại một lớp phòng tuyến mong manh chưa bị phá vỡ.
Trịnh quốc lâm nguy, quần thần hoảng loạn, có người chủ trương cống nộp cầu hòa, có vị chủ trương liều chết đánh một trận, có vị chủ trương cố thủ đợi viện binh. Nhưng các phương cách ấy khó cứu được quốc gia.
Thượng khanh Thúc Chiêm nhận định, cầu hòa hoặc quyết chiến đều không phải là thượng sách. Cố thủ đợi viện binh lại là phương án khả dụng. Nước Trịnh và nước Tề có giao ước kết minh, nay Trịnh quốc lâm nguy, nước Tề sẽ xuất binh tương trợ. Nhưng chỉ luận đàm cố thủ suông thì cũng khó lòng giữ nổi.
Thế là Trịnh Văn Công bất đắc dĩ đành phải chấp thuận kế sách của Thúc Chiêm, mệnh lệnh tất cả binh sĩ vào vị trí mai phục, không để quân địch trông thấy một ai, hàng quán mở cửa, dân chúng đi lại như thường, không để lộ ra chút gì là hoảng loạn. Cổng thành rộng mở, cầu treo hạ xuống, bày ra cảnh tượng không có chút gì là phòng bị cả.
Quân tiên phong nước Sở tới gần thành, thấy cảnh tượng như vậy, không dám hành động liều lĩnh, dừng lại đóng quân chờ Lệnh doãn Tử Nguyên. Khi quân của Tử Nguyên áp sát thành, cũng cảm thấy kỳ quái, ông lệnh cho các tướng đi tới một ngọn núi gần đó để từ xa quan sát trong thành, thấy trong thành quả thực trống không, nhưng lại thấy thấp thoáng quân sĩ và tinh kỳ Trịnh quốc.
Cảm thấy nhất định có điều gì đó lừa dối, Tử Nguyên không dám liều lĩnh tấn công, thế nên quyết định án binh bất động, điều gian tế vào thành dò xét, mấy ngày cứ thế trôi qua.
Lúc này, Tề quốc đã nhận được thư cầu viện của Trịnh quốc, liền liên hiệp với hai nước Lỗ và Tống phát binh cứu Trịnh. Tử Nguyên nhận được tin báo quân ba nước kéo tới, quân Sở khó lòng thủ thắng, thế là hạ lệnh lui quân, hỏa tốc hành quân suốt đêm.
Tử Nguyên sợ rằng khi rút lui, quân Trịnh sẽ đuổi theo truy kích, nên khi rút quân thì binh ngậm tăm, mã bọc vó, không gây ra tiếng động. Không tháo dỡ doanh trại, cờ quạt để nguyên như cũ.
Sáng sớm hôm sau, Thúc Chiêm lên thành nhìn ra, rồi nói: “Quân Sở đã rút sạch rồi”.
Quân tướng nhìn thấy cờ xí doanh trại vẫn còn đó, nên không tin là quân Sở đã lui, Thúc Chiêm bảo: “Nếu trong doanh trại còn người, thì sao lại có chim chóc bay vòng lên xuống? Họ cũng dùng không thành kế lừa ta, rồi vội vàng lui quân rồi. Trong chiến dịch này, hai bên đều dùng ‘Không thành kế’ đó”.
Thời Tam Quốc, Tào Tháo sử dụng ‘Không thành kế’
Năm Hưng Bình thứ hai thời Hán Hiến Đế (năm 195), có một lần quân đội Tào Tháo ra ngoài thành để thu hoạch lúa mì, đột nhiên quân của Lã Bố kéo tới. Tào Tháo thấy nguy cấp quá, liền huy động tất cả gia nhân quyến thuộc của quân binh lên trên mặt thành, đợi quân Lã Bố tới thì ca múa líu lo, hết sức nhộn nhịp.
Lã Bố lại thấy ngoài thành có một khu rừng rậm, chắc chắn Tào Tháo xảo quyệt đã cho đặt phục binh, liền cho lui quân. Sau khi rời đi, lại thấy áy náy không yên, hôm sau lại kéo quân tới, lần này thì đúng là có quân mai phục, Tào Tháo đã kịp đặt mai phục trong rừng.
Triệu Vân dùng ‘Không thành kế’ đánh bại đại quân Tào Ngụy
Triệu Vân khi xưa thành công vận dụng ‘Không thành kế’ đẩy lùi đại quân Tào Ngụy, mà đoạn truyện này cũng được các học giả về sau cho là gốc của câu chuyện ‘Không thành kế’ mà La Quán Trung phóng tác gán cho Gia Cát Lượng ở Dương Bình Quan.
Bắt đầu vào năm Kiến An thứ 23 Đông Hán (năm 218), Lưu Bị và Tào Tháo triển khai đại chiến tranh đoạt Hán Trung, quân Thục chiếm lĩnh Hán Trung, do Triệu Vân và Hoàng Trung cùng vài nghìn quân đồn trú. Vào một ngày Xuân hai năm sau, Tào Tháo không chịu ngồi yên, đích thân dẫn đại quân xuất phát từ Trường An, qua Tà Cốc, áp sát Hán Trung, nhằm đoạt lại địa điểm chiến lược này.
Triệu Vân và Hoàng Trung thấy quân Tào thế mạnh người đông, nên không muốn giao chiến, cố thủ nơi hiểm yếu. Tào Tháo cho quân vây thành mấy chục ngày, không hạ nổi thành, đành lùi ra xa vài chục dặm, chỉnh đốn quân đội chờ tiếp lương thảo.
Một ngày, Triệu Vân mang theo vài chục kỵ binh ra ngoài trinh thám tình hình quân địch, gặp ngay phải đại quân của Tào Tháo, đường hẹp khó tránh.
Triệu Vân biết mình thế cô lực mỏng, không phải đối thủ của quân Tào, lại thêm thực lực trong doanh trại không dư, khó lòng cầm cự quân Tào. Thế là, ông chủ động hạ lệnh đánh thẳng vào quân Tào, sau đó vừa đánh vừa lùi.
Tào Tháo dẫn đại quân truy đuổi đến trước cửa doanh trại của Triệu Vân, thấy lính gác đứng canh người ngay như tượng gỗ, trong doanh lặng như tờ, không thấy bóng dáng quân binh.
Tào Tháo là người luôn cẩn thận, nghi ngờ xung quanh nhất định có phục binh, thế là lập tức hạ lệnh lui quân. Khi quân Tào thoái lui, đội hình trở lên hỗn loạn. Triệu Vân thừa dịp, lệnh quân binh nổi trống hò la! Sát thanh chấn động đất trời, mưa tên nhắm hướng quân Tào bắn tới.
Gặp công kích đột ngột, quân Tào cả kinh! Tranh nhau mà chạy, giẫm đạp lên nhau, rơi xuống sông tử thương vô số. Lưu Bị khen Triệu Vân: “Tử Long nhất thân thị đảm dã!” (Triệu Tử Long thật là đảm lược), đồng thời phong ông làm Hổ Uy Tướng Quân.
Chu Hằng dùng ‘Không thành kế’ đánh bại Tào Nhân
“Tam quốc chí – Chu Hằng truyện” có ghi, đại tướng nước Ngô là Chu Hằng cũng dùng kế tương tự như ‘Không thành kế’ để đánh bại quân binh nước Ngụy do Tào Nhân cầm đầu.
Sự việc phát sinh vào năm Ngô Hoàng Vũ thứ nhất và thứ 2 (năm 222, 223). Sau trận chiến Di Lăng, tướng Ngụy là Tào Nhân dẫn mấy vạn binh mã ập đến Nhu Tu (nay là phía bắc huyện thành Vô Vi tỉnh An Huy), dương đông kích tây, làm như đánh về phía đông Diên Khê. Tướng nước Ngô trấn thủ Nhu Tu là Chu Hằng vội chia quân ứng phó Diên Khê.
Chu Hằng vừa phái quân đội đi thì nhận tin tình báo, rằng đại quân Tào Nhân đang tiến đến rất gần Nhu Tu, chỉ còn cách đó 70 dặm. Ông liền phái người đi gọi quân đội quay lại, nhưng quân đội chưa về tới thì quân Tào Nhân đã ập đến rồi. Khi ấy Chu Hằng trong tay vỏn vẹn 5000 quân.
Thuộc hạ hoang mang không biết làm sao, nhưng Chu Hằng lại hết sức trầm tĩnh, ông phân tích rõ năng lực chiến đấu của mình và Tào Nhân, cùng binh pháp chế địch, cổ vũ sĩ khí, đồng thời lệnh thu cờ tắt trống, ‘Làm ra vẻ bề ngoài hư nhược, để đánh lừa Tào Nhân’.
Tào Nhân quả nhiên bị mê hoặc. Chu Hằng không chỉ chuyển nguy thành an, mà còn nhanh chóng nắm cơ hội phản kích khi quân đội phái đi đã quay trở về, đánh bại quân Tào, chém Thường Điêu, bắt sống Vương Song, giết hơn nghìn quân địch.
Tướng Ngụy là Văn Sính dùng ‘Không thành kế’ đẩy lùi Tôn Quyền
Trong “Ngụy lược” có ghi lại câu chuyện vị tướng nước Ngụy, Văn Sính dùng ‘Không thành kế’ đánh lui Tôn Quyền. Tiên sinh Trần Thọ có chú dẫn trong “Tam quốc chí – Văn Sính truyện”.
Sự kiện phát sinh vào thời Tào Phi tại vị, năm thứ 7 Ngụy Hoàng (năm 226), đại tướng Văn Sính trấn thủ dải Giang Hạ. Một lần, Tôn Quyền dẫn đại quân 5 vạn người tập kích cứ điểm của Văn Sính ở Thạch Dương (nay là tây nam huyện Hiếu Cảm tỉnh Hồ Bắc).
Gặp lúc mưa lớn, công sự phòng ngự của thành Thạch Dương hỏng cả, tu sửa không kịp; tráng đinh thì đang lao động ngoài đồng, quay về không kịp.
Văn Sính nghe thấy cấp báo quân Tôn Quyền đến, ban đầu cũng không biết làm thế nào, xuất binh ứng chiến thì không được, tử thủ giữ thành cũng không xong. Ông trầm ngâm suy nghĩ và nghĩ ra một kế nghi binh. Ông mệnh lệnh tất cả người trong thành ẩn nấp hết, còn mình nằm dài trên giường không dậy.
Tôn Quyền cẩn thận xem xét, thấy rất khả nghi, nói với bộ tướng: “Người này là tướng lĩnh được Tào Tháo tin dùng, là trung thần của họ Tào, nên mới được giao cho trọng trách trấn thủ thành này, tất nhiên không phải hạng tầm thường. Nay biết ta đánh đến, mà không thấy có động tĩnh gì, nhất định bên trong có mưu sâu kế hiểm, có lẽ đã đặt quân mai phục bên ngoài. Thôi cứ lui là hơn.”
Thế là quân Ngô không dám đánh vào, dẫn binh quay về.
Nam triều dùng ‘Không thành kế’ đẩy lùi đại quân Bắc Ngụy
Câu chuyện này được ghi trong “Tư trị thông giám – Tống kỷ”. Có người nói, có lẽ Tiêu Thừa Chi đã xem qua ‘Không thành kế’ của Quách Xung viết, cũng có lẽ Tiêu Thừa Chi cũng từ những câu chuyện của Tào Tháo, Triệu Vân, Chu Hằng, Văn Sính mà có chỗ tham khảo.
Chuyện kể rằng vào thời Nam Bắc triều, Tống Văn Đế Lưu Nghĩa Long tại vị, năm Nguyên Gia thứ 7 (năm 430). Khi đó, chiếm cứ phương bắc là quý tộc bắc Ngụy, phương nam là triều Tống do Lưu Dụ kiến lập. Nay là phía bắc tỉnh Sơn Đông, dọc theo Hoàng Hà, là biên giới hai nước, bờ nam Hoàng Hà, quận Tể Nam là địa điểm chiến lược nơi biên ải.
Năm ấy, Bắc Ngụy đột ngột xuất binh đánh Tể Nam, Thái thú Tể Nam là Tiêu Thừa Chi trong tay chỉ có vài trăm binh sĩ, do quân địch đến bất ngờ, nên cầu viện binh cũng không kịp. Tiêu Thừa Chi bỗng nghĩ ra một kế, ông cho mở toang cổng thành, binh sĩ ẩn nấp đi, cố ý làm ra một không khí thần bí. Trong thành có người hỏi: “Quân giặc thế mạnh, quân ta ít binh, sao dám khinh địch vậy?”
Tiêu Thừa Chi trả lời: “Một tòa thành đơn độc, binh sĩ ít ỏi, khó lòng cự địch. Giả sử để địch nhân thấy được sự yếu nhược của ta, thì hậu quả sẽ thê thảm; chỉ còn cách làm quân địch nghi ngờ mai phục, không dám tiến công, đó mới là thượng sách.”
Quả nhiên khi quân Ngụy tới, thấy hình trạng như vậy, rất lấy làm nghi hoặc, nên cho lui quân.
Thứ sử bắc Tề dùng ‘Không thành kế’ bảo vệ thành Từ Châu
Câu chuyện này được ghi trong “Bắc Tề thư – Tổ Đĩnh truyện”. Trọng thần bắc Tề là Tổ Đĩnh bị biếm chức xuống làm Thứ sử Từ Châu, đã khéo dùng ‘Không thành kế’ đẩy lui giặc Nam Trần xâm phạm, làm lên câu chuyện bảo vệ thành Từ Châu rung động lòng người.
Tổ Đĩnh nguyên là một trọng thần của hậu chủ Cao Vĩ nước Bắc Tề thời nam bắc triều, được tôn xưng là ‘Quốc sư’, ‘Quốc bảo’, Thượng Thư Tả Bộc Xạ, Giám Quốc Sứ.
Sau do bảo mẫu của Hậu chủ là Lục Linh Huyên và con trai là Mục Đề Bà làm loạn triều chính, nên bị Tổ Đĩnh đẩy về bắc Từ Châu tiếp giáp với nước Nam Trần (nay là đông bắc Phong Dương An Huy), đảm nhiệm chức Thứ sử. Mẹ con Lục Linh Huyên muốn mượn chiến trận ở Nam Trần mà trừ khử ông.
Năm Vũ Bình thứ 4 triều Bắc Tề (năm 573), Tổ Đĩnh vừa mới đến nhận nhiệm vụ, quân đội nước Trần đột nhiên tiến đánh. Mục Đề Bà muốn Từ Châu bị vây hãm mà giết Tổ Đĩnh, nên biết Từ Châu gặp nguy nhưng không cho quân cứu viện.
Tổ Đĩnh cũng biết điều đó, thế là ông cho mở cổng thành, lệnh quân binh xuống thành tĩnh tọa, đường xá cấm người đi lại, không tiếng gà gáy chó kêu. Quân Trần thấy tình hình như vậy, không đoán ra được là gì, nghi là người đã đi hết, bỏ lại thành không, nên chẳng phòng bị gì cả.
Đến đêm, Tổ Đĩnh lệnh tấn công, trống trận rầm trời. Quân Trần kinh hoảng chạy loạn lên, sau đó hoàn hồn tụ tập lại công thành, Tổ Đĩnh cưỡi ngựa xông pha, đích thân vào trận.
Trước kia, quân Trần nghe nói Tổ Đĩnh là người mù, nên sẽ không kháng cự nổi, nay lại thấy ông chiến đấu tại sa trường, lại còn giương cung bắn tiễn! thấy sợ hãi mà lui binh, Tổ Đĩnh vừa thủ vừa đánh, giằng co hơn 10 ngày, quân Trần cuối cùng thoái lui, Từ Châu được an toàn. Sau này Tổ Đĩnh về già qua đời ở Từ Châu.
Tướng lĩnh biên ải nhà Đường dùng ‘Không thành kế’ đánh lui quân Thổ Phồn
Câu chuyện này được ghi trong “Cựu Đường thư – Trương Thủ Khuê truyện”.
Trương Thủ Khuê là vị tướng trấn thủ vùng biên nổi danh thời Đường Huyền Tông. Ông trường kỳ canh giữ nơi biên ải, một đời chinh chiến, nhiều lần giao tranh với các tộc dân xâm lấn như Đột Quyết, Khiết Đan, Thổ Phồn, lập nhiều chiến công, được xưng tụng là: “Lập công biên thành, vi thế hổ thần” (Lập công lớn nơi biên ải, là hổ tướng một thời).
Năm Khai Nguyên thứ 15 (năm 727), quân Thổ Phồn tấn công Qua Châu (nay là tây nam An Tây, Cam Túc), tướng thủ thành là Vương Quân Hoán tử trận, Trương Thủ Khuê được phái đến Qua Châu nhậm chức Thứ sử.
Nhậm chức xong, ông liền tổ chức tướng sĩ cùng bách tính củng cố thành trì, để đề phòng quân địch xâm lăng. Nhưng chưa tu bổ xong thì quân Thổ Phồn đã kéo tới. Mọi người kinh hoàng thất sắc, nhưng Trương Thủ Khuê rất điềm tĩnh, gặp khó ló khôn, nói: “Địch nhiều ta ít, không thể dùng tên nhọn, đá to để đối kháng, phải dùng mưu kế đánh lui”.
Thế là ông bước lên trên lầu thành, cho bày tiệc rượu, bảo nhạc công gảy đàn thổi sáo, tướng sĩ nói cười.
Quân Thổ Phồn thấy vậy nghi trong thành có đặt sẵn mai phục, không đánh mà tự lui, Trương Thủ Khuê chớp thời cơ xuất binh truy kích, quân Thổ Phồn đại bại.
Theo NTDVN