Ở Trung Quốc cổ đại, bên cạnh “tứ đại mỹ nhân”, còn có “tứ đại yêu cơ” – tức là bốn con yêu tinh phá hoại đại nghiệp của các quân vương. Đó là Muội Hỷ, người dẫn đến sự sụp đổ của nhà Hạ; là Tô Đát Kỷ, người khiến vua Trụ mất nước; là Bao Tự người khiến nhà Tây Chu diệt vong và Ly Cơ người dẫn đến sự sụp đổ của nhà Tấn.
Là hình tượng đại yêu nữ xuất hiện sớm nhất, Muội Hỷ thường được xưng là “thiên cổ đệ nhất Hồ ly tinh” trong văn hóa Trung Hoa. Ả nổi tiếng vì khiến vua Hạ Kiệt trở nên vì hoang dâm mà tàn bạo, làm ra những trò hưởng thụ quái dị, trong đó có “tửu trì”, tức là “ao rượu”. Các chuyên gia nhận định rằng, so về mặt yêu tính cuồng loạn thì Đát Kỷ không thể sánh bằng Muội Hỷ.
Muội Hỷ
Muội Hỷ là con gái vua Hữu Thi, là thiếu nữ xinh đẹp nhất bộ tộc và là hoàng hậu của vị vua thứ 17 của nhà Hạ. Để tránh chiến tranh với Hạ, Hữu Thi đã dâng con gái cùng nhiều gia súc cho Hạ Kiệt.
Có câu khen ngợi vẻ đẹp của Muội Hỷ thế này: “Muội Hỷ có mắt mày thanh tú, trang điểm với nhiều màu sắc và xiêm y duyên dáng. Dáng vẻ nhỏ nhắn, xinh xắn thướt tha như mưa và sương trong suốt khiến mọi người đều thương xót”.
Để lấy lòng Muội Hỷ, Hạ Kiệt đã xây dựng ngọc đài, giường ngọc và hành lang hình con voi. Vua cho người xây cung điện xa hoa bằng ngọc thạch, suốt ngày ăn chơi, thỏa mãn ái dục với Muội Hỷ, không màng chính sự. Muội Hỷ cũng lại dùng sắc đẹp tuyệt thế của mình để can thiệp vào việc triều chính.
Truyền rằng, Muội Hỷ có ba sở thích: thứ nhất, ả thích chèo thuyền trong ao rượu ngắm trai gái uống rượu; thứ hai là thích nghe âm thanh xé lụa; thứ ba thích mặc trang phục và đội mũ của nam giới.
Cuốn “Thông giám ngoại hỷ” do Lưu Thứ đời Bắc Tống có viết: “Ao rượu là nơi ngươi đắm mình trong thú vui xa hoa, ba nghìn người sau khi nghe tiếng trống có thể uống rượu.”
Ao rượu rộng lớn đến mức phải dùng thuyền để ngắm cảnh. Bã rượu dùng để đắp một con đê bao quanh có chu vi 10 dặm. Trên đê có khoảng 3000 trai gái đứng chầu chực sẵn sàng đợi lệnh. Hạ Kiệt xuống lệnh, tiếng trống vang trời, 3000 người theo tiếng trống lệnh, nhoài người ra, chổng mông lên trời, thò cổ chúc đầu xuống ao uống rượu như kiểu trâu uống nước. Uống đến khi nào nặng trĩu rồi rơi xuống ao chết đuối.
Cảnh tượng đó khiến Muội Hỉ và Hạ Kiệt rất hả hê. Nhận thấy sự thác loạn, quan đại thần Quan Long Bàng ngăn cản đã bị Hạ Kiệt xử tử.
Trong cuốn “Đế vương thế kỷ” của Hoàng Phủ Mật của triều đại Tây Tấn ghi lại rằng: “Hạ Kiệt ngày đêm uống rượu với Muội Hỷ và các cung nữ, thường đặt Muội Hỷ ngồi trên đầu gối của mình. Muội Hỷ thích nghe tiếng xé lụa, hễ nghe thấy tiếng xé lụa là sẽ cười”.
Hạ Kiệt say mê nụ cười của mỹ nhân, liền lệnh cho các cung nhân ngày đêm ở trước cửa điện. Bên thì dệt khăn tay, một bên thì xé, tạo nên một cảnh tượng lạ lùng và xa hoa cực độ. Khi ấy là thời cổ đại, Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ nông nghiệp, tơ lụa là một trong những mặt hàng quý giá và công phu nhất thiên hạ. Việc làm này chẳng khác gì phung phí xây cung vàng điện ngọc.
Trong “Liệt nữ truyện” của Lưu Tương thời Tây Hán có nhận xét về Muội Hỷ: “Phi tần của Hạ Kiệt là Hỷ Muội, sắc đẹp, nhưng không có đức hạnh, loạn nghiệt vô đạo. Phụ nữ nhưng thích đeo kiếm và đội mũ như nam giới. Khiến Hạ Kiệt từ bỏ lễ nghĩa để dâm ô với đàn bà”.
Mỗi khi Hạ Kiệt lâm triều ông đặt Hỷ Muội ngồi lên đùi của mình để cùng ông dự chầu. Mỗi quyết định của Hạ Kiệt đều nghe theo Muội Hỷ thủ thỉ bên tai.
Cuối cùng, do sự sủng ái Muội Hỉ, Hạ Kiệt thường đưa ra những quyết định kiêu ngạo, ngông cuồng, đối với lễ nghĩa thì buông thả khiến các chư hầu bất bình.
Trong thơ có bài nói: Kiệtkết đôi với Muội Hỷ, trở nên bất lương kiêu ngạo, hoang dâm, độc ác, không tôn trọng pháp quyền, tập chung vào tàn phá đất nước.
Cuối cùng trong “Sử ký chính nghĩa” trích “Hoài Nam Tử” viết: “Hạ Kiệt bị Thành Thang dẫn quân đánh đuổi, nhà Hạ diệt vong. Muội Hỷ và Hạ Kiệt chạy đến Nam Sào và cùng chết đói trong núi”.
Người đời nói rằng, Muội Hỷ là điển hình cho câu nói “hồng nhan họa thủy” và là ví dụ đầu tiên về thảm họa do sắc đẹp phụ nữ gây ra cho vua chúa ở các thế hệ sau. Sau đó mới đến lần lượt Đát Kỷ ở triều đại nhà Thương, Bao Tử ở nhà Tây Chu và Ly Cơ ở thời Xuân Thu.
Đát Kỷ
Theo ghi chép lịch sử, Đát Kỷ họ Tô, là con gái của chư hầu Tô Hộ, chỉ là người bình thường, nhưng trên đường dâng nạp cho Trụ Vương đã bị hồ ly tinh nhập xác để thực hiện nhiệm vụ của Nữ Oa- là làm cho Trụ Vương mê muội và làm nhà Thương sụp đổ, tạo điều kiện cho nhà Chu thu phục thiên hạ.
Đát Kỷ nhan sắc diễm lệ đến nỗi ngay cả khi ả nổi giận cũng khiến Trụ Vương mê hồn. Trụ Vương cùng Đát Kỷ ngày đêm hoang lạc đến nỗi không màng tảo triều. Khi ấy, quyền hành của Đát Kỷ rất lớn, chính là vì hễ ả thích ai thì Trụ Vương sẽ quý trọng người đó, còn ả ghét ai thì người đó chắc chắn sẽ có kết cuộc thê thảm.
“Sử Ký Tập 3” viết Trụ Vương “bắt các bậc thầy âm nhạc tạo ra những âm thanh tục tĩu, bắt vũ công nhảy múa những vũ điệu ma mị đầy lạc thú”.
Tương truyền, trong cung Thương có một nơi dành riêng cho Trụ Vương vui chơi. Ông thường cùng Đát Kỷ say mê hưởng hết các trò khoái lạc. Họ ra lệnh dùng roi đánh khắp người các con vật thật đau, để hằn lên vết đỏ, rướm máu, rồi mang nướng lên để thưởng thức, đem thịt treo thành rừng, gọi là nhục lâm, tức là rừng thịt.
Nơi này được thiết kế với những hồ nhỏ, Trụ Vương cho đổ rượu vào đầy hồ, gọi là tửu trì (ao rượu), rồi cùng Đát Kỷ và các mỹ nhân xuống tắm rượu. Trụ Vương còn cho xây Lộc Đài vuông mỗi bên 3 dặm, cao ngàn thước, quy mô lớn chưa từng thấy, phải dùng đến hàng vạn thợ xây, xây trong 7 năm mới xong.
Về sau có thêm một cô con gái xinh đẹp của Cửu Hầu được triệu vào cung. Vì cô ngoan hiền nên được lòng Trụ Vương. Điều này khiến Đát Kỷ ghen tị giết chết “bằng cách băm nhỏ” và chặt thành bột nhão phân phát cho các chư hầu.
“Sử ký” viết: “Cửu Hầu có một cô con gái ngoan, vào tay Trụ. Con gái của Cửu Hầu không thích thú vui dâm đãng khiến Trụ tức giận giết chết”. Sự đồi trụy của Trụ Vương đã khơi dậy sự phẫn nộ của dân chúng và các chư hầu.
Một lần, Tỷ Can – một cận thần của Trụ Vương vì không thể chịu được hành vi của Đát Kỷ, khẳng khái trước mặt Trụ Vương nói thẳng: “Không nghe theo điển phạm của đời trước, lại chỉ chăm chăm nghe theo ý kiến của một mụ đàn bà, ngày rước họa không còn xa nữa!”
Thấy vậy Đát Kỷ nghĩ kế triệt hạ Tỷ Can, ả nói với Trụ Vương: “Nghe nói trái tim của vị thánh có bảy lỗ…” Trụ Vương nghe vậy liền ra lệnh cho người “moi tim Tỷ Can ra xem xét”. Tỷ Can đã chết theo cách dã man như vậy.
“Lã Thị Xuân Thu” viết: “Vua nhà Thương đại loạn, hoang dâm vô đức hạnh. Để Đát Kỷ cai quản chính quyền, thưởng phạt không phân minh”
Những hành vi tàn ác này của Trụ Vương khiến lòng dân phẫn nộ, chư hầu và các tướng dần dần xa lánh dẫn đến sự suy yếu của triều đại. Về sau, bá hầu Cơ Phát cùng 11 tiểu quốc chư hầu mang quân đi đánh Thương. Trụ Vương hốt hoảng, rút về Triều Ca, lên Lộc Đài tự thiêu. Triều Thương chính thức bị diệt vong
Bao Tự
Bao Tự là Vương hậu thứ hai của Chu U vương, vị vua cuối cùng của giai đoạn Tây Chu trong lịch sử Trung Quốc.
Sử sách viết, vào thời nhà Hạ suy vi, có hai con rồng thần vào sân đình của vua tự xưng là vua nước Bao. Triều đình bèn tế lễ, rồng thần nhả lại dãi và được lưu vào hộp gỗ. Từ đời nhà Hạ qua đời nhà Thương không ai dám mở hộp dãi rồng. Đến thời Chu Lệ vương mở hộp ra xem, nước dãi biến thành con thằn lằn đen chạy vào hậu cung, làm một cung nữ 12 tuổi mang thai.
Sau 38 năm, người cung nữ đó sinh ra một bé gái đẹp như thiên thần. Nhưng vì không chồng mà chửa nên sợ đứa bé là quái thai nên cung nữ đó vứt nó xuống sông Thanh Thủy.
Thời điểm đó, một đôi vợ chồng không biết có lệnh cấm bán gỗ dâu và gỗ cơ, mang ra chợ bán liền bị triều đình truy bắt. Họ chạy trốn giữa đường thì gặp đứa trẻ bị thả trôi sông, bèn ôm mang theo đến nước Bao. Khi người nước Bao có tội, bèn lấy một cô gái dâng hiến cho Chu U vương chuộc tội. Cô bé đó chính là Bao Tự nhập cung khi tròn 13 tuổi.
Chu U vương rất sủng ái Bảo Tự, về sau Bảo Tự sinh được một người con trai đặt tên là Cơ Bá Phục.
Theo “Sử ký”, Bao Tử rất xinh đẹp, quyến rũ nhưng tính cách lạnh lùng như băng, thỉnh thoảng mới nở một nụ cười rạng rỡ. Vì say mê nụ cười Bao Tự, Chu U vương tìm mọi cách để nàng cười, thậm chí dùng nghìn lượng vàng để thưởng ai có thể khiến nàng cười.
Chu vương nghe Thạc Phụ nước Quắc hiến kế là đốt tháp dầu đùa giỡn với chư hầu để Bao Tự cười.
Khi có giặc kéo đến thì mới đốt các cột lửa để báo hiệu cho chư hầu tiếp viện. Nhưng Chu U vương đốt lửa tháp chỉ để cho Bao Tự cười. Quân chư hầu mấy nước lân cận trông thấy các cột lửa cháy, ngỡ là có giặc bèn hớt hải mang quân đến cứu. Đến kinh thành, thấy mọi người vẫn đi lại bình thường, không có giặc giã thì ngơ ngác nhìn nhau. Bao Tự ở trên đài trông thấy liền bật lên tiếng cười khúc khích; khiến Chu U vương rất mãn nguyện.
Một thời gian sau, ông ta lại sai đốt lửa lần nữa và các chư hầu lại bị lừa để Bao Tự có được tiếng cười. Đến khi Thân hầu liên hợp nước Tằng cùng Khuyển Nhung tiến đánh, Chu U vương vội đốt lửa gọi chư hầu, song các chư hầu nghĩ đó là màn trêu chọc của Chu U vương nên không đến. Nhà Chu do đó bị tiêu diệt.
Các thế hệ sau tin rằng sự sủng ái mờ mắt của Chu U vương đối với Bao Tự là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của nhà Tây Chu.
Ly Cơ
Ly Cơ là sủng phi của Tấn Hiến Công thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Ly Cơ bi gọi là một hồng nhan họa thủy và được cho là nguyên nhân dẫn đến cuộc tranh giành ngôi vị quân chủ nước Tấn sau khi Hiến công qua đời. Sự kiện này sử sách gọi là Ly Cơ chi loạn.
Ly Cơ vốn là công chúa của nước Ly Nhung. Năm 672 TCN, Tấn Hiến Công đem quân đánh nước Ly Nhung, vua nước này xin giảng hòa và dâng con gái là Ly Cơ cho Tấn Hiến Công. Ly Cơ nhan sắc mỹ miều, thân hình tuyệt đẹp khiến Tấn Hiến Công say mê, ít khi rời khỏi, còn cho mỹ nhân dự bàn việc nước. Hơn một năm sau, Ly Cơ sinh con trai đặt tên là Cơ Hề Tề.
Tấn Hiến Công có nhiều con trai đã lớn, trong số đó có ba người tài giỏi và có đức hạnh nhất là Thái tử Cơ Thân Sinh, Công tử Cơ Trùng Nhĩ và Cơ Di Ngô. Nhưng vì yêu Ly Cơ, Tấn Hiến Công muốn phế Thân Sinh để lập Hề Tề làm Thái tử. Tuy nhiên Thân Sinh là trưởng tử nên được các đại thần hết lòng ủng hộ.
Ly Cơ muốn hại Thân Sinh để giành ngôi thái tử cho con mình, bèn gièm pha Thân Sinh với Hiến Công, bịa chuyện Thân Sinh có ý sàm sỡ, còn buông lời xằng bậy coi thường vua cha nhưng Tấn Hiến Công chưa tin lắm.
Ly Cơ thấy vậy bèn bày kế, ả lấy mật bôi vào bông hoa làm cho ong bướm đậu kín vào hoa rồi lại như vô tình gặp Thân Sinh trong vườn hoa, Ly Cơ thấy ong bướm đậu trên bông hoa thì giả vờ sợ sệt rồi đưa tay xua đuổi nhưng càng đuổi ong bướm bay càng nhiều bèn kêu ré lên.
Thân Sinh thấy vậy bèn tiến lại gần đưa tay đuổi giúp. Lúc ấy, Hiến Công trên đài tưởng Thân Sinh có ý sàm sỡ rất tức giận nhưng có quần thần khuyên can nên đành nuốt giận. Từ đấy Hiếu Công có ý muốn phế thái tử.
Đến năm 655 TCN, Ly Cơ nói với Thân Sinh rằng Hiến Công mộng thấy mẹ Thân Sinh là Tề Khương và giục con trai cúng lễ cho mẹ. Thân Sinh bèn làm lễ cúng mẹ mình rồi sai người dâng thịt cúng về cho Tấn Hiến Công.
Lúc thịt dâng đến, Tấn Hiến Công đang đi săn, Ly Cơ bèn bỏ thuốc độc vào. Khi Hiến Công trở về định ăn thì Ly Cơ khuyên nên thử trước. Hiến Công cho chó và viên quan nhỏ ăn thử. Cả chó và người đều chết. Hiến công nổi giận sai người giết Thân Sinh.
Thân Sinh nghe lệnh bị truy nã phải bỏ trốn đến Tân Thành. Tấn Hiến công bèn bắt giết thái phó của thái tử là Đỗ Nguyên Khoản. Thân Sinh biết cha không dung bèn tự sát ở Tân Thành. Tấn Hiến công chính thức lập Hề Tề – con trai của Ly Cơ làm thái tử.
Lúc sinh thời Tấn Hiến Công rất thích ca vũ nên rất yêu mến một nhạc công giỏi tên là Ưu Thi. Ưu Thi không chỉ hát hay, đánh biên khánh giỏi mà còn rất khôi ngô tuấn tú khiến cho Ly Cơ say đắm. Hai người này đã tư thông với nhau. Ly Cơ cùng với Ưu Thi trước mặt vua kẻ tung người hứng khiến vua càng đắc ý muốn lập Hề Tề lên ngôi vua sau này.
Đến năm 651 TCN, Hề Tề lên 15 tuổi. Tháng 9 năm đó, Tấn Hiến Công qua đời. Trước khi mất, Hiến Công ủy thác Hề Tề cho Tuân Tức. Hề Tề trở thành Quốc chủ nước Tấn. Tuy nhiên, các quan đại thần chỉ ủng hộ công tử Trùng Nhĩ và Di Ngô không đồng tình lập Hề Tề.
Trong lúc chưa chôn cất Tấn Hiến công, Hề Tề vẫn mặc áo tang ra trông coi thi hài cha. Tháng 10 năm đó, đại phu Lý Khắc mang quân đánh vào nhà để tang giết chết Hề Tề. Ly Cơ được tin chạy vào vườn hoa đâm đầu xuống giếng tự vẫn. Lý Khắc sai vớt lên rồi xả thịt thành từng miếng nhỏ quăng đi.
Đã là “yêu cơ” thì dã tâm còn hơn loài lang sói. Dẫu xinh đẹp mỹ miều nhưng vô nhân tính nên không có đức hạnh, được gọi chung là hồng nhan thủy. Sự xuất hiện của yêu nghiệt đều liên hệ đến sự sụp đổ của một triều đại; trong đó quân vương đều hoang dâm tàn độc, vì sắc mà coi thường thiên mệnh nên bị trừng phạt. Trong số đó Hỷ Muội là yêu cơ xuất hiện đầu tiên để kết thúc triều đại nhà Hạ sau đó đến Đát Kỷ, Bao Tự và Ly Cơ cũng tương tự như vậy.
Nguồn: Secretchina