Người vợ thấy chồng tham lam của cải nên biết tai họa đang đến gần; nàng quyết định làm trái lễ bế con bỏ đi để duy trì cốt nhục, nói dõi tông đường.
Bên cạnh những giai thoại về ngũ đức nhân-lễ-nghĩa-trí-tín của các nam tử hán đại trượng phu, người Trung Hoa cổ đại cũng tuyên dương tầm nhìn và đạo đức cao thượng của những người phụ nữ trong bộ “Hiền Minh truyện” – nơi ghi danh những người phụ nữ hiểu rõ đạo lý, ngay thẳng,liêm chính, hành động có chừng mực, cư xử theo phép tắc nên trọn đời không gặp tai họa.
Dưới đây là câu chuyện về người vợ của Đào Đáp Tử, nàng bỏ đạo thờ chồng, ôm con lánh về quê ngoại. Xét theo tam cương, ngũ thường thì rõ ràng nàng ấy trái đạo. Tuy nhiên, nếu nhìn phẩm hạnh của người chồng và hoàn cảnh gia đình, về lâu dài, lối hành xử của nàng k những có thể bảo toàn được tính mạng của bản thân mà còn duy trì cốt nhục nhà chồng. Về sau, người đời chẳng những không xem thường mà còn viết truyện, làm thơ ca tụng, lưu truyền về người phụ nữ thà chịu cảnh chia ly cũng nhất quyết bảo vệ đạo nghĩa.
Gia cảnh giàu có, vợ của Đào Đáp Tử vẫn than khóc bỏ đi
Đào Đáp Tử làm quan lớn nước Đào, chỉ sau ba năm, gia cảnh đã trở nên giàu có hơn rất nhiều; nhưng thanh danh lại không lấy gì làm vẻ vang. Vợ của ông nhiều lần khuyên can chồng nên hành thiện tích đức, ông đều không nghe.
Ở nước Đào được năm năm, Đào Đáp Tử xin nghỉ phép về thăm gia quyến. Ông trở về mang theo tùy tùng ngựa xe có đến hàng trăm cỗ. Người trong gia tộc đều hoan hỷ, chúc mừng; riêng vợ của ông thì lánh mặt trong phòng, ôm con mà khóc. Mẹ chồng nàng thấy vậy vô cùng tức giận, trách: “Sao con lại không thức thời như vậy?”.
Vợ Đào Đáp Tử nước mắt đầm đìa, thưa:
“Năng lực của chồng con không nhiều mà lại giữ chức quan lớn, như vậy sẽ gây tai họa. Không có công lao gì mà gia tộc hưng vượng, chính là đang tích lũy tai ương. Ngày xưa lệnh doãn (tức Hoàng hậu) nước Sở là Tử Văn trị quốc, nhà nghèo mà nước giàu, Quốc Vương kính trọng, bách tính yêu mến, cho nên để lại phúc cho con cháu, danh tiếng tốt truyền lại đời sau.
Hiện nay, chồng của con lại không như vậy. Chàng ham muốn vinh hoa phú quý, mưu cầu quan chức, bất chấp sau này có gây ra tai họa hay không. Con nghe nói núi Nam Sơn có con báo đen, khi trời mưa mù thì bảy ngày không ăn. Tại sao phải như vậy? Trong mưa mù làm mượt bộ lông để nó càng đẹp hơn, cho nên có thể ẩn nấp để tránh xa tai họa. Nhưng loài chó, lợn không có bản năng đó, chúng chỉ muốn tìm kiếm thức ăn, chỉ nghĩ cách vỗ béo bản thân. Đây chẳng qua là ngồi đợi chết mà thôi.
Chồng con làm quan nước Đào, nhà thì ngày một giàu, nhưng đất nước vẫn rất nghèo, Quốc Vương không tôn trọng, trăm họ không yêu mến, điềm báo bại vong ở ngay trước mắt. Bây giờ, con cầu xin mẹ cho con cùng với con nhỏ đi khỏi nhà”.
Mẹ chồng nàng nghe xong liền đuổi con dâu ra khỏi nhà. Nàng than khóc một hồi rồi ôm con trở về quê ngoại.
Tai hoạ giấng xuống
Một năm sau, Đào Đáp Tử quả nhiên bị quy tội tham ô, lệnh ban xuống tru di cả gia tộc. Chỉ còn mẹ của Đáp Tử do đã già nên được miễn tội chết. Sự việc lắng xuống, lúc này, vợ của Đào Đáp Tử mới đem con trở về nhà chồng, phụng dưỡng mẹ già, nuôi dưỡng con nhỏ cho đến khi bà qua đời.
Bậc quân tử đương thời hết lời ca ngợi vợ của Đào Đáp Tử trọng nghĩa khinh tài. Tuy làm trái lễ, dám thỉnh cầu cho rời khỏi nhà chồng. Nhưng chỉ làm như vậy, vợ của Đào Đáp Tử mới có thể giữ được mạng sống, chu toàn lễ nghĩa với mẹ chồng, duy trì cốt nhục Đào gia. Có thể nói nàng vừa là người có đạo nghĩa lại có học thức nên tầm nhìn xa.
Trong Kinh Thi có câu: “Đại phu quân tử/ Vô ngã hữu vưu/ Bách nhĩ sở tư/ Bất như ngã sở chi” (đại ý là bậc quân tử sẽ không cho là ta có lỗi. Trăm phương kế của các ngươi lo nghĩ chỉ vì bản thân mình, cũng không bằng ta tận tâm mà làm). Vợ của Đào Đáp Tử khuyên can chồng không được buộc lòng phải mang tiếng vô lễ, nhưng cái kết sau cùng không ai không bội phục.
Nguồn: Truyền Thống