Sau khi bị ngọn lửa thiêu cháy, thi thể của mẹ con Giới Tử Thôi được chôn ngay dưới gốc cây liễu. Để tỏ lòng thương nhớ và tưởng niệm ông, người dân khắp vùng núi Giới Sơn – Miên Thượng không gia đình nào đun lửa hay bắc bếp vào ngày hôm đó. Hàng năm, cứ vào ngày mẹ con Giới Tử Thôi chết – tức ngày mùng 3 – tháng 3 theo Hoàng lịch, người dân chỉ ăn đồ nguội vốn đã được chuẩn bị sẵn từ ngày hôm trước…
Quý độc giả thân mến! Nhắc tới ngày tết Thanh minh, người Việt Nam ta không ai là không liên tưởng tới những hình ảnh thanh bình, trong trẻo từng được khắc họa trong hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Thanh minh trong tiết tháng ba// Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”... bởi vậy tết Thanh minh cũng thường gắn liền với phong tục tảo mộ và nghi thức dâng cúng bánh trôi bánh chay lên ông bà tổ tiên của người Việt, tuy nhiên còn có một câu chuyện vô cùng cảm động đằng sau ngày tết Thanh minh mà thiết nghĩ không phải ai cũng biết, ngay sau đây chúng tôi xin kính mời quý vị cùng theo dõi sự tích đầy ly kỳ và bi thương này nhé!
Nguồn gốc tết Thanh minh và câu chuyện xúc động không phải ai cũng biết…
Tên gọi “tết Thanh minh” và phong tục tảo mộ – tức thăm viếng phần mộ của những người thân đã khuất, được bắt nguồn từ khá xa xưa trong văn hóa Á Đông, và có lẽ nó gắn liền với tích truyện về vua Tấn Văn Công và trung thần Giới Tử Thôi, tình tiết câu chuyện vắn tắt như sau:
Sách “Đông Chu liệt quốc” và “Tả truyện” đều có kể rằng: Tấn Văn Công – tên thật là công tử Trùng Nhĩ, là bậc đế vương anh minh lỗi lạc của nước Tấn thời Xuân Thu. Ông là hoàng tử của vua Tấn Hiến Công, từ nhỏ đã luôn tôn kính mến kẻ sĩ, coi trọng bậc hiền tài, nên được nhiều cận thần quý mến. Khi lớn lên, ông vì bị ái phi Ly Cơ của vua cha gièm pha, nên phải bỏ trốn khỏi hoàng cung, lưu lạc khắp bốn phương trời, bôn ba khắp các nước.
Trong những năm lưu vong, công tử Trùng Nhĩ phải sống cảnh hàn vi khổ cực, không chốn nương thân, đồ ăn thức uống cũng vô cùng thiếu thốn, cuộc sống đứng bên bờ vực thẳm. Có lần trong cơn đói tưởng như sắp chết, Trùng Nhĩ đã ngất đi, nằm lịm trên mặt đất. Các cận thần bên cạnh ông phải đi ròng rã cả buổi mà không tìm được một miếng ăn. Lo lắng không còn cách nào khác, một cận thần là Giới Tử Thôi đã cắt thịt trên đùi mình, nấu chín dâng lên cho chủ công.
Khi Trùng Nhĩ tỉnh dậy, ông đã vô cùng cảm động trước tấm lòng trung thành của Giới Tử Thôi và nước mắt không ngừng tuôn rơi.
Sau gần 2 thập kỷ lưu vong, dưới sự hậu thuẫn của nước Tần, công tử Trùng Nhĩ đã khởi binh quay trở về nước Tấn và giành được giang sơn, ông lên ngôi vua, lấy hiệu là Tấn Văn Công.
Ổn định triều chính xong, Tấn Văn Công bèn lập tức ban thưởng hậu hĩnh cho những công thần từng phò tá mình trong suốt thời gian mười mấy năm trước. Tuy nhiên, ông lại bỏ quên mất trung thần Giới Tử Thôi, người từng 18 năm tận tụy cùng ông nếm mật nằm gai, long đong khổ cực thậm chí có lần từng cắt thịt đùi mình nấu cho vua ăn khi khốn quẫn.
Vốn xem thường những kẻ khoe công để nhận thưởng, phò chủ để cầu vinh, Giới Tử Thôi không muốn mình giống họ, nên lúc Tấn Văn Công vừa mới lên ngôi, ông chỉ vào chúc mừng duy nhất một lần rồi cáo ốm về nhà, yên phận nghèo khổ, dựa vào nghề khâu giày thuê để nuôi mẹ già và sống tạm qua ngày.
Lại nói, khi Tấn Văn Công ban thưởng cho các công thần, do Giới Tử Thôi không có mặt nên vua cũng quên quên đi mất, không hỏi han gì đến.
Người láng giềng của Giới Tử Thôi là Giải Trương, khi ấy thấy trên cổng thành có yết một tờ chiếu nói : “Nếu người nào có công lao mà chưa được trọng thưởng thì cho phép tới tìm vua để bẩm báo” bèn vội vàng trở về báo tin cho Giới Tử Thôi, nhưng ông chỉ mỉm cười không nói gì. Bà mẹ ở dưới bếp nghe tiếng, bảo:
– Con khó nhọc phò chúa trong 18 năm trời, từng cắt thịt đùi để dâng lên chúa công, sao bây giờ không nói ra mà lĩnh thưởng, họa may được một vài chung thóc, chẳng hơn đi khâu giày thuê hay sao?
Giới Tử Thôi đáp rằng:
– Trong các con của tiên vương, Tấn Văn Công hiền đức hơn cả nên trời để ngôi cho. Những người theo hầu không biết ý trời, dám tự nhận là công mình, con nghĩ lấy làm xấu hổ lắm, chẳng thà đi khâu giày mà kiếm sống còn hơn.
Bà mẹ lại nói:
– Con dẫu không muốn làm quan cũng nên vào cung yết kiến một lần, để khỏi uổng cái công lao cắt thịt đùi dâng vua ngày trước.
Giới Tử Thôi đáp:
– Con đã không muốn làm quan thì còn vào cung yết kiến làm gì? Chỉ muốn nay mai tìm một nơi thanh tĩnh, ẩn cư lánh đời là vui vậy.
Người mẹ nghe vậy mừng lắm, nói:
– Lời con chính hợp ý ta! Thật là không uổng công mẹ đã sinh ra con vậy! Nói đoạn bèn khuyên con tìm nơi rừng núi ẩn thân…
Giới Tử Thôi bèn đưa mẹ đến đất Miên Thượng vốn là nơi thanh u tĩnh mịch có núi cao hang sâu. Hai mẹ con làm nhà trong hang mà ở. Sự việc này duy nhất chỉ có người hàng xóm tốt bụng là Giải Trương mới biết.
Giải Trương vì nghĩ thương cho mẹ con Giới Tử Thôi mà không cam lòng, vậy là đang đêm chàng viết vội một bức thư mang treo ở cổng thành. Thư viết:
“Có một con rồng nọ, khi còn hoạn nạn cô thế, đem đàn rắn đi theo phò trợ, bôn ba thiên hạ. Rồng không có ăn, một rắn cắt thịt đùi dâng cứu, nay rồng trở về đã được yên vị, đàn rắn theo vào đều sung sướng cả, chỉ có một con, chẳng ai hỏi đến!…”.
Tấn Văn Công đọc được bức thư giật mình, nói:
– Đây là Giới Tử thôi oán giận ta đó? Khi trước ta qua nước Vệ không có ăn, Giới Tử Thôi cắt thịt đùi để dâng ta, nay ta ban thưởng cho khắp công thần mà quên mất Giới Tử Thôi, ấy là một điều lỗi của ta vậy.
Vua bèn sai đi triệu Giới Tử Thôi, nhưng người đã đi mất. Tấn Văn Công truyền gọi các láng giềng của Giới Tử Thôi tới để hỏi, lại thông báo: nếu ai biết được mẹ con Giới Tử Thôi đang ở nơi đâu mà chỉ dẫn thì thưởng cho làm quan.
Giải Trương bèn tâu với Tấn Văn Công rằng:
– Bức thư ấy không phải là của Giới Tử Thôi, chính là của tôi làm thay đó! Giới Tử Thôi không muốn cầu thưởng, đã cõng mẹ vào ẩn trong hang núi ở đất Miên Thượng rồi!
Tấn Văn Công liền phong cho Giải Trương làm chức Hạ đại phu, ra lệnh đưa đường cho mình vào Miên Thượng tìm Giới Tử Thôi, nhưng tìm mãi không thấy đâu. Một người làm ruộng cho biết:
– Mấy hôm trước, chúng tôi có trông thấy một người cõng một bà cụ già ngồi nghỉ ở núi này, vốc nước suối cho bà cụ uống, xong lại cõng bà cụ trèo lên trên núi, rồi sau không biết đi đâu!
Sau mấy ngày tìm kiếm khắp núi không được, Tấn Văn Công có sắc giận trên mặt, bảo với Giải Trương:
– Sao Giới Tử Thôi giận ta đến thế? Ta nghe nói Tử Thôi là người chí hiếu, nếu ta đốt khu rừng này thì y tất phải cõng mẹ chạy ra.
Vậy là nhà vua xuống lệnh phóng hỏa khắp ba phía núi rừng!…
Tuy nhiên, mặc cho lửa đốt trụi cả khu rừng, Giới Tử Thôi vẫn không ra. Cuối cùng, đoàn tùy tùng của Tấn Văn Công tìm thấy thi thể Giới Tử Thôi đang cõng mẹ ngồi tựa vào một gốc cây dương liễu vẫn còn đang cháy dở. Trong hốc của thân cây đã cháy một nửa, người ta tìm thấy di cảo của Giới Tử Thôi được viết bằng máu, rằng:
Nước mắt lăn dài trên má, trong lòng Tấn Văn Công là một nỗi tiếc nhớ và ân hận khôn nguôi. Ông nâng niu cất giữ mảnh di cảo của người cận thần, thề rằng từ nay sẽ làm một vị vua anh minh sáng suốt, tạo phúc cho muôn dân.
Sau đó, thi thể mẹ con Giới Tử Thôi được chôn ngay dưới gốc cây liễu. Để tỏ lòng thương nhớ và tưởng niệm ông, người dân khắp vùng núi Giới Sơn – Miên Thượng không gia đình nào đun lửa hay bắc bếp vào ngày hôm đó. Hàng năm, cứ vào ngày mẹ con Giới Tử Thôi chết – tức ngày mùng 3 – tháng 3 theo Hoàng lịch, người dân chỉ ăn đồ nguội vốn đã được chuẩn bị sẵn từ ngày hôm trước. Cũng bởi vậy, người ta gọi ngày này là ngày lễ “Hàn thực”.
Lại nói, một năm qua đi, khi Tấn Văn Công cùng quần thần đến thăm mộ Giới Tử Thôi, họ ngạc nhiên khi thấy gốc liễu cháy dang dở khi xưa, giờ mọc lên xanh tươi đầy sức sống, cành lá sum sê mơn mởn. Dưới gốc liễu, mẹ con Giới Tử Thôi có lẽ cũng đang mỉm cười với nhà vua, gợi ông nhớ về hai chữ “Thanh minh” ngày nào. Thấy vậy, Tấn Văn Công bèn đặt tên cho cây liễu là “Thanh minh liễu”, đồng thời đặt tên cho ngày ngay sau lễ Hàn thực, gọi là tết Thanh minh.
Về sau, tết Hàn thực và tết “Thanh minh” được dân gian tiến hành phổ biến khắp cả Trung Quốc, đồng thời truyền thống tốt đẹp này cũng ảnh hưởng và lan tỏa rộng ra nhiều nước khác. Tuy nhiên, người Việt Nam ta thì thường không gọi ngày mùng 3 tháng 3 hàng năm là tết Hàn thực, mà thường hay gọi là tết “Thanh minh”, phong tục, lễ nghi cũng được thay đổi theo cách riêng để phù hợp hơn với văn hóa bản địa. Theo đó, vào ngày tết Thanh minh, người Việt thường có nghi thức làm bánh trôi, bánh chay dâng cúng lên ông bà tổ tiên, và cũng có phong tục tảo mộ – tức thăm viếng phần mộ của những người thân đã khuất vào dịp tết Thanh minh này.
6 kiểu người không nên đi tảo mộ vào dịp tết Thanh minh?…
Như trên đã nói, Tết Thanh minh mặc dù gắn với những sự tích đầy nhân văn và cảm động, cũng là một trong những phong tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp được lan tỏa khắp cộng đồng các dân tộc Á Đông… Tuy nhiên, quan niệm của người xưa cho rằng, có 6 kiểu người sau đây cần kiêng kỵ và không nên đi thăm viếng, tảo mộ những người thân đã khuất vào dịp tết Thanh minh:
1. Người ốm
Người đang đau ốm, đặc biệt là những ai đang đang phải đối diện với căn bệnh ung thư, sức khỏe của họ tương đối yếu, nếu đi tảo mộ sẽ dễ hấp thụ phải trường khí xấu, làm bệnh nặng thêm.
2. Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai không nên đi tảo mộ, vì dễ tiếp thu phải trường khí bất tịnh, ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Đồng thời phụ nữ khi đang mang thai dễ bị nhiễm lạnh; hoặc không nên đi tới những nơi như vậy, tránh bị té ngã.
3. Những người đang tranh giành tài sản của gia đình
Những người đang tranh giành tài sản trong gia đình nên tránh đi tảo mộ, để tránh tổ tiên vì phật ý mà nổi giận. Quan niệm dân gian cho rằng: những người đang tranh giành tài sản, xung quanh thường có một trường khí đen, do đó dễ bị thu hút những từ trường âm khí mạnh hơn, sau này dễ mắc bệnh trầm cảm.
4. Những người tuổi tác cao niên
Những người tuổi tác cao niên, năng lượng và từ trường thường là tương đối yếu, sau khi đi tảo mộ dễ có cảm giác không khỏe hoặc cảm lạnh.
5. Trẻ em dưới ba tuổi
Trẻ từ 0 đến 3 tuổi có trường khí yếu và dễ hấp thu những từ trường xấu ở nghĩa địa, một số trẻ em rất mẫn cảm, chúng có thể nhìn thấy “một số thứ” mà mắt của người lớn thường không thể nhìn thấy! Và điều này dễ khiến chúng ám ảnh, sợ hãi.
6. Những người sắp kết hôn hoặc mới kết hôn
Quan niệm dân gian cũng cho rằng, Người sắp kết hôn hoặc mới kết hôn không nên đi tảo mộ, vì phúc khí thuộc dương, đi tảo mộ là thuộc trường khí âm, nếu không tình cảm trong giai đoạn này sẽ dễ bị va chạm, tổn thương.
Đường Phong
– Tổng hợp từ nhiều nguồn.