Mọi người đều đã từng nghe đến việc Phật sống chuyển sinh, nhưng phân thân chuyển sinh thì quả là rất hiếm thấy.
Bồ Tát chuyển sinh?
Châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư ở Tứ Xuyên Trung Quốc có huyện Đức Cách, tương truyền là nơi Cách Tát Nhĩ Vương sinh ra. Bởi vì Cách Tát Nhĩ Vương sinh ra trong một gia tộc họ Lâm, do đó người Tạng cũng gọi ông là Lâm Cách Tát.
Ngày 13 tháng 6 năm 1924, một phụ nữ sắp đến kỳ sinh nở bước đi nặng nề vào sống trong một ngôi lều thô sơ ở bên sông Kim Sa để chờ đón đứa trẻ chào đời. Bà là Cách Tang Thu Đăng, và chồng là Sách Vượng Ổn Trúc – con trai của Đức Cách Thổ ty. Thổ ty là chức quan đứng đầu khu vực miền núi dân tộc thiểu số, cha truyền con nối.
Đức Cách Thổ ty là 1 trong Tứ Đại Thổ ty của Khang Khu, cũng là một Thổ ty lâu đời nhất. Người địa phương không gọi họ là Thổ ty, mà gọi là Đức Cách Giáp ba, ý nghĩa là Đức Cách Vương. Bởi vì trong lịch sử, khu vực Đức Cách này ban đầu là một quốc gia. Từ triều Nguyên đến Minh, có lúc họ liên minh với các bộ lạc Mông Cổ, có lúc thần phục triều đình, đều không cố định.
Tuy nhiên từ năm Khang Hy thứ 59, Đức Cách đã quy thuận chính quyền trung ương. Từ Đức Cách Vương đời thứ 12 đến vị Đức Cách Vương cuối cùng đời thứ 23 đều chấp nhận danh xưng Thổ ty mà chính quyền trung ương trao cho. Do đó con trai của Thổ ty tương đương với Đức Cách Vương tử.
Vậy tại sao Vương phi Cách Tang Thu Đăng của Đức Cách lại đến ngôi lều để sinh đẻ? Đó là vì mấy vị cao tăng của Đức Cách đều nói với Cách Tang Thu Đăng rằng, đứa trẻ mà bà sắp sinh chính là một vị Đại Bồ Tát chuyển sinh, do đó Cách Tang Thu Đăng quyết định rời xa trần tục, tìm một nơi thanh tĩnh để sinh đẻ.
Ban đầu chồng bà không đồng ý để bà đi ra ngoài sinh nở, nhưng không thuyết phục được, đành phái người đi tìm một nơi cảnh đẹp và làm cái nhà lều, và sai người hầu đi theo.
Cách Tang Thu Đăng tìm được nơi dựa núi bên sông, phía trước là sông Kim Sa, phía sau là trái núi nhỏ. Quan trọng nhất là trên núi có một hang động, đó là một Thánh địa – Đại sư Liên Hoa Sinh đã từng bế quan tu hành trong hang động này.
Vào ngày thứ 3 sau khi Cách Tang Thu Đăng vào ở trong ngôi lều này thì bà sinh ra một bé trai mạnh khỏe. Trong tâm bà càng tin rằng con trai bà chính là Đại Bồ Tát chuyển sinh mà các cao tăng nói đến. Bởi vì khi bà sinh con thì loáng thoáng nghe bên tai âm thanh tụng niệm chú đại minh 6 chữ “Oṃ maṇi padme hum”.
Sau khi sinh, Cách Tang Thu Đăng đem con trai trở về nhà. Người chồng thấy bé trai mập mạp, ăn ngon ngủ ngon, không phải trên đầu phát sáng hay 3 đầu 6 tay gì, chỉ thấy là một đứa trẻ bình thường, nên ông không tin lời vợ nói. Thế nhưng lúc này có một câu chuyện được lan truyền khắp khu vực người Tạng, rằng vị Cát Mã Ba (Karmapa) đời thứ 16 đã giáng sinh rồi.
Cát Mã Ba (Karmapa) là ai? Để hiểu rõ điều này, chúng ta cùng tìm hiểu những tông phái chính của Phật giáo Tạng truyền.
Phật giáo Tạng truyền
Trước thế kỷ thứ 8, Tây Tạng dưới sự cai quản của Vương triều Thổ Phồn, tín ngưỡng phổ biến nhất là Bôn giáo. Đây là tôn giáo từ Shaman giáo nguyên thủy phát triển thành, tin rằng vạn vật hữu linh.
Giữa thế kỷ thứ 8, Tán Phổ Thổ Phồn, tức là vua Thổ Phồn Xích Tùng Đức Tán (Trisong Detsen), đã mời cao tăng Ấn Độ là Liên Hoa Đại sĩ đến Tây Tạng để hoằng dương Phật Pháp.
Đại sĩ Liên Hoa Sinh khi đấu Pháp đã đánh bại người đứng đầu Bôn giáo, khiến người Tạng chấn động. Từ đó Phật giáo dần dần thay thế Bôn giáo, trở thành tín ngưỡng chính của người Tạng.
Tuy nhiên cảnh đẹp không lâu dài, một thế kỷ sau, tức giữa thế kỷ thứ 9, một vị Tán Phổ khác là Lãng Đạt Mã (Langdarma) lên ngôi, ông luôn thấy Phật giáo không vừa mắt, và đã tiêu diệt Phật giáo ở trong biên giới Thổ Phồn, phục hưng Bôn giáo, sử sách gọi là Lãng Đạt Mã diệt Phật.
Hơn trăm năm sau khi Lãng Đạt Mã diệt Phật, Phật giáo lại dần dần phục hưng ở Tây Tạng. Lúc này Phật giáo phân chia nhiều tông phái, chủ yếu là 4 tông phái lớn là Ninh Mã (nyingma, còn gọi là Hồng giáo), Tát Ca (sa skya, Hoa giáo), Cát Cử (Kagyu, cũng gọi là Ca Nhĩ Cư, Bạch giáo) và Cách Lỗ (gelug, Hoàng giáo).
Vì các tăng lữ của Phật giáo Tạng truyền mặc trang phục điển hình đều là áo đỏ, nên mọi người thường dùng sự khác nhau về trang phục của 4 tông phái này để gọi tên. Ví dụ, tăng nhân phái Ninh Mã đều đội mũ đỏ nên gọi là Hồng giáo. Trên tường tu viện phái Tát Ca dùng 3 màu sắc đỏ, trắng, lam để trang trí, nên gọi là Hoa giáo. Tăng nhân phái Cát Cử mặc áo ngoài màu trắng nên gọi là Bạch giáo. Tăng nhân phái Cách Lỗ đầu đội mũ màu vàng, nên gọi là Hoàng giáo.
Cho dù các tông phái này có sự khác nhau về giáo nghĩa, nhưng họ đều có đặc điểm chung, đó là đều có ‘Phật sống’. Đây là phiên dịch từ tiếng Tạng sang chữ Hán rồi dịch Hán sang Việt, thực ra cách phiên dịch này không đúng. Tiếng Tạng gọi những cao tăng này là “Sprul-pavi-sku” (sprul sku), nghĩa là “Biến hóa thân” (cũng gọi là Hóa thân – cao tăng chuyển sinh được chứng nhận).
Những cao tăng này nếu 1 đời tu không viên mãn thì sẽ liên tiếp luân hồi để tiếp tục tu hành, cho đến khi viên mãn. Do đó mới có việc đi tìm linh đồng chuyển thế.
Các tông phái đều phải tìm được linh đồng chuyển thế của nhân vật lãnh đạo tông phái mình, thế nên nhiều nhất cũng chỉ có vài vị này. Bởi vì các tăng nhân bình thường chuyển sinh bao nhiêu đời, thì cũng chỉ là tự mình tu hành tự giải thoát, chứ không có trách nhiệm khác. Tuy nhiên nhân vật lãnh đạo tông phái thì khác, họ gánh vác trách nhiệm để giáo phái tiếp tục phát triển.
Do đó sau khi những nhân vật lãnh đạo này viên tịch, thì việc lớn nhất của tông phái là tìm linh đồng chuyển thế của họ. Thời gian tìm từ vài tháng đến vài năm.
Lãnh đạo của Hoàng giáo (Cách Lỗ) chính là Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma mà mọi người đã quen thuộc. Lãnh đạo của phái Tát Ca (Hoa giáo) gọi là Tát Ca Pháp Vương (Sakya Trizin), còn lãnh đạo phái Cát Cử (Bạch giáo) gọi là Cát Mã Ba (Karmapa).
Cát Mã Ba đời thứ nhất là Đỗ Tùng Kiền Ba (Düsum Khyenpa) sống vào thế kỷ 12, cho đến Cát Mã Ba đời thứ 15 là Ca Kháp Đa Kiệt (Khakyab Dorje) đều đã từ trần. Điều này có nghĩa là Cát Mã Ba đã liên tiếp chuyển sinh hơn 10 lần trong nhân gian rồi, đã tu luyện gần 800 năm rồi, hơn nữa vẫn còn phải tiếp tục tu luyện, do đó phải tìm được vị Cát Mã Ba đời thứ 16.
Năm 1922, Cát Mã Ba đời thứ 15 Ca Kháp Đa Kiệt viên tịch ở chùa Sở Phố ở gần Lhasa. Trước khi viên tịch, ngài để lại bức thư được niêm phong kín cho các đệ tử. Đây là truyền thống của các vị Cát Mã Ba các thế hệ. Trong bức thư có căn dặn các đệ tử những việc cần chú ý, và phương vị cũng như thời gian mà ngài sẽ chuyển sinh.
Bức thư có đoạn viết rằng: Phía đông của Sở Phố, gần con sông, nơi này thuộc về Lâm Cách Tát, bên ngoài ngôi nhà đất ở trên núi Ba Nhĩ có 2 chữ A Đột, đây là một gia đình vương tộc. Ngày chào đời là 15 tháng 6 năm Tý, tức ngày 15/6/1924.
Và thế là có sự kiện ở đầu bài viết. Cát Mã Ba thứ 16 đã giáng sinh, do đó 3 đệ tử của Cát Mã Ba thứ 15 cũng chính thức xuất phát từ chùa Sở Phố, đi về phía đông để tìm linh đồng chuyển thế của sư phụ.
Quả thực, ở khu vực cai quản của Đức Cách Thổ ty, các đệ tử đã tìm được một quả núi tên là núi Ba Nhĩ. Trên núi quả thực có một cung điện, trên cổng cung điện có chữ khắc “A Đột cung”.
Gõ cổng để mở cổng, các đệ tử mới biết, thì ra đây là nhà của Sách Vượng Ổn Trúc – Vương tử Đức Cách. Sau khi các đệ tử nói rõ lý do đến, Sách Vượng Ổn Trúc mở to mắt ngạc nhiên: “Sao? Con trai tôi là linh đồng chuyển thế của Phật sống ư? Làm sao có thể như thếđược!”
Mặc dù ông không tình nguyện, nhưng vẫn sai người hầu bế con trai 3 tuổi ra. Cậu bé vừa mới ngủ dậy, mắt vẫn còn lim dim, nhưng thật kỳ lạ là, vừa nhìn thấy những vị khách này, cậu bé lập tức mở to mắt, giọng non nớt gọi tên và biệt danh từng người.
Việc này khiến tất cả mọi người đều kinh ngạc, người cha như hóa đá, các đệ tử biết rõ cậu bé trước mặt chính là thượng sư chuyển sinh. Tuy nhiên, các đệ tử vẫn rất nghiêm khắc cẩn trọng, thực hiện toàn bộ thủ tục chứng nhận phức tạp, cuối cùng mới chính thức tuyên bố, con trai của Sách Vượng Ổn Trúc chính là linh đồng chuyển thế của Cát Mã Ba thứ 15.
Đợi đến khi linh đồng 7 tuổi, mấy vị Nhân Ba Thiết (Rinpoche, nghĩa là trưởng lão, cao tăng) của Bạch giáo chính thức đến nhà Sách Vượng Ổn Trúc xuống tóc cho linh đồng.
Nhân Ba Thiết chính là nhân vật cấp trưởng lão trong giáo phái, trong số họ cũng có nhiều người là “Sprul-pavi-sku”, cũng nghĩa là không ngừng chuyển thế tu hành. Các Nhân Ba Thiết lấy Pháp hiệu mà Cát Mã Ba đời thứ 15 đã tự đặt hiệu cho đời sau của ngài là Nhượng Quỳnh Lập Bội Đa Kiệt (Rangjung Rigpe Dorje), chính thức trao cho linh đồng.
Sau đó, Lập Bội Đa Kiệt đã cử hành đại lễ thăng tọa ở chùa Bát Bang ở Đức Cách, chính thức trở thành Cát Mã Ba đời thứ 16 của phái Cát Cử (Bạch giáo), đội chiếc mũ đen Cát Mã Ba truyền thừa qua các đời.
Sau khi thăng tọa kế vị, Cát Mã Ba nhỏ tuổi được đưa đến tu viện chính của Bạch giáo là chùa Sở Phố để học tập Mật pháp của phái Cát Cử. Bởi vì Cát Mã Ba tuy là linh đồng chuyển thế, nhưng tất cả tri thức Phật giáo vẫn phải học tập lại từ đầu, chỉ là tốc độ học tập của cậu nhanh hơn người bình thường. Nói một cách chính xác là, thông qua học tập tốc độ nhanh, mở ra ký ức tích lũy các đời trước.
Chớp mắt đến một ngày năm 1944, Cát Mã Ba luôn ở chùa Sở Phố bế quan không ra ngoài bỗng nhiên xuất quan. Ông tuyên bố với các đệ tử rằng: “Tôi muốn đến Nepal, Ấn Độ và Bhutan để thăm bái các Thánh tích”.
Mọi người đều không hiểu tại sao Cát Mã Ba mới 20 tuổi lại muốn xuất ngoại du hành, lẽ nào kinh thư trong chùa không đủ cho ngài tu tập, phải đi Tây phương lấy kinh chăng? Hay là đây là biểu hiện tâm tính của thiếu niên, thế giới rộng lớn như thế này, muốn đi ngao du thăm thú?
Phải mấy năm sau đó thì những câu hỏi này mới được giải đáp. Nhưng khi đó Cát Mã Ba đã nói rồi, nên các đệ tử chỉ chiểu theo mà làm thôi. Rất nhanh chóng, Cát Mã Ba dẫn một đội ngũ người ngựa xuất ngoại.
Sau này họ lại lục tục đi mấy lần đến Ấn Độ, Srilanca, xây dựng mối liên hệ với lãnh đạo các nước.
Năm 1958, Cát Mã Ba đột nhiên bảo các đệ tử đặt làm một loạt hòm gỗ chắc chắn, sau có căn dặn đem những kinh thư, phục Tạng quan trọng nhất của Cát Mã Ba, và những Pháp khí quan trọng đã lưu truyền mấy trăm năm, tất cả bỏ vào hòm gỗ.
Mấy tháng sau, một ngày nọ, Cát Mã Ba triệu tập tất cả các đệ tử lại, ngài mỉm cười và nói với mọi người rằng: “Mấy trăm năm trước, Đại sĩ Liên Hoa Sinh đã có dự ngôn rằng, khi chim sắt bay trên bầu trời, ngựa sắt chạy trên mặt đất, người Tạng sẽ như con giun cái kiến, phân tán khắp thế giới, thìđó chính là thời kỳ mạt Pháp. Hiện nay, thời kỳđóđãđến rồi, nếu các trò nguyện ý, thì hãy theo ta rời đi. Người không nguyện ý thì không miễn cưỡng”.
Các đệ tử tới tấp bày tỏ nguyện ý đi theo sư phụ.
Tháng 2 năm 1959, Cát Mã Ba dẫn theo 160 tăng nhân xuất phát từ chùa Sở Phố. Do chuẩn bị đầy đủ, nên chỉ 3 tuần, họ đã vượt qua dãy Himalaya đến Bhutan. Lúc này, những mối quan hệ mà Cát Mã Ba đã tích lũy được trong mấy năm trời đã khởi tác dụng. Hoàng gia Bhutan đã nghênh đón cả đoàn. Quốc vương Srilanka nghe tin cũng vội vàng đến, còn xây chùa Long Đức làm chốn an thân cho họ.
Cát Mã Ba thứ 16 rời khỏi Tây Tạng, chỉ 1 tháng sau, tức tháng 3 năm 1959, biến cố Lhasa nổ ra (khởi nghĩa Tây Tạng) khiến khoảng 89.000 thương vong, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chạy đến Ấn Độ, toàn bộ Tây Tạng rơi vào sự kiểm soát trực tiếp của ĐCSTQ.
Biến cố Lhasa năm 1959 là sự kiện có tiền nhân hậu quả vô cùng phức tạp. Biến cố dẫn đến việc Đạt Lai Lạt Ma lưu vong Ấn Độ.
Năm 1951, “Hiệp nghị hòa bình 17 điểm” mà Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ Cát Hạ làm việc theo ý chỉ của ngài, ký với ĐCSTQ, đã hoàn toàn bị vứt bỏ, Tây Tạng hoàn toàn mất địa vị tự trị. ĐCSTQ đã phá hủy trên 90% chùa chiền Tây Tạng, thiêu hủy kinh điển đã được bảo quản hàng trăm năm, cưỡng ép đại bộ phận tăng ni hoàn tục, nếu không phục tùng thì kết cục chỉ có 1 chữ “Chết”.
Từ năm 1958 đến 1961, trong trong vòng 3 năm ngắn ngủi, dân số khu vực người Tạng đã giảm 1/3, rất nhiều nơi xuất hiện thôn không người và thôn quả phụ.
Tuy nhiên, thật trớ trêu là, Đàm Quan Tam – Chính ủy Quân khu Tây Tạng, năm đó kiên quyết chấp hành mệnh lệnh của Mao Trạch Đông, không vì nghe lời Mao Chủ tịch mà có được vận tốt, mà bị trừng trị chết đi sống lại trong Cách mạng Văn hóa.
Sau khi biến cố Lhasa nổ ra, các đệ tử của Cát Mã Ba mới thấy được tầm nhìn xa trông rộng của thượng sư. Sau này, Cát Mã Ba giảng Pháp truyền đạo ở Ấn Độ, Nepal, Bhutan.
Thời gian thấm thoắt, lại 20 năm trôi qua. Năm 1981, Cát Mã Ba 58 tuổi được phát hiện ra bị ung thư, khi đó ngài đang ở Mỹ. Thế là các đệ tử thúc giục ngài mau chóng đến bệnh viện chữa trị, nhưng Cát Mã Ba lại cười và nói: “Công việc đời này của ta đã hoàn thành rồi, có đi bệnh viện hay không thì cũng không có gì khác biệt. Các trò đã muốn ta đi thì ta sẽ thuận theo ý kiến các trò”.
Quả nhiên, lời tiên tri của Cát Mã Ba về vận mệnh của mình “có đi bệnh viện hay không cũng không có gì khác biệt” đã ứng nghiệm. Mấy ngày sau, Cát Mã Ba thứ 16 đã viên tịch. Các đệ tử chuyển di thể của ngài về chùa Long Đức cử hành đại lễ đồ tỳ (cũng gọi là trà tỳ, jhāpita, tức hỏa táng). Ngài đã để lại vô số viên xá lợi. Những xá lợi này được thờ cúng ở trong một tháp Phật lớn màu vàng kim trong chùa Long Đức.
Nhưng điều khiến các đệ tử cảm thấy khó xử là, trong bức mật thư mà Cát Mã Ba thứ 16 để lại, lại không nói rõ phương vị chuyển thế, thậm chí cả việc chuyển thế cũng không nói đến, như vậy làm thế nào để các đệ tử tìm được Cát Mã Ba đời thứ 17 đây?
Phân thân chuyển thế?
Đúng lúc mọi người không biết làm thế nào thì có tin tức truyền đến, một vị Nhân Ba Thiết phái Cát Cử ở Tây Tạng đã tìm được linh đồng chuyển thế của Cát Mã Ba. Ông ấy là Đại Tư Đồ Nhân Ba Thiết (Tai Situpa Rinpoche), là một nhân vật lãnh đạo quan trọng của phái Cát Cử, là đệ tử thân truyền của Cát Mã Ba đời thứ 5, trong nhân thế, tính đến nay cũng đã luân hồi khoảng 600 năm rồi.
Đại Tư Đồ Nhân Ba Thiết tìm được linh đồng chuyển thế là Đa Kiệt (Ogyen Trinlay Dorje), chào đời năm 1985 ở Xương Đô, Tây Tạng, được mấy vị Nhân Ba Thiết chứng nhận, đồng thời được Đạt Lai Lạt Ma chứng nhận. Hơn nữa, điều thú vị là vị Đa Kiệt này được chính quyền ĐCSTQ chứng nhận.
Xưa nay, các tín đồ Phật giáo Tạng truyền vẫn luôn lo lắng, một khi ĐCSTQ tham dự vào trình tự xác nhận linh đồng chuyển thế, họ sẽ sắp đặt bù nhìn, đưa người mà họ nhận định là linh đồng làm công cụ khống chế dân Tạng. Ví như quá trình tìm linh đồng chuyển thế của Ban Thiền Đạt Ma thứ 10 (Choekyi Gyaltsen), đã xảy ra tranh cãi như vậy.
Linh đồng chuyển thế của Ban Thiền được Đại Lai Lạt Ma ở Ấn Độ chứng nhận (Gedhun Choekyi Nyima), thì chính quyền ĐCSTQ không thừa nhận. Chính quyền Trung Quốc đưa ra Ban Thiền mới do họ chứng nhận (Gyaincain Norbu).
Tuy nhiên, về việc tìm linh đồng chuyển thế của Cát Mã Ba thứ 16, thì cả Đạt Lai Lạt Ma và nhà cầm quyền Bắc Kinh đều không có ý kiến bất đồng.
Năm 1992, Đa Kiệt được Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn, chính thức thăng tọa chùa Sở Phố, trở thành Cát Mã Ba thứ 17, và trụ trì chùa Sở Phố. Cậu cũng là Cát Mã Ba đầu tiên được Bắc Kinh phê chuẩn.
Lúc này, ý kiến phản đối lại từ trong nội bộ phái Cát Cử. Một vị Nhân Ba Thiết của phái Cát Cử là Hạ Mã Ba nói rằng, ông đã tìm được linh đồng chuyển thế của Cát Mã Ba.
Hạ Mã Ba là ai? Ông cũng là một nhân vật quan trọng trong phái Cát Cử. Ý kiến của ông quan trọng bởi vì ông cũng là một vị sprul sku, giữa ông và Cát Mã Ba có truyền thống xác định linh đồng chuyển thế lẫn nhau. Vị linh đồng chuyển thế mà Hạ Mã Ba xác nhận cũng tên là Đa Kiệt (Trinley Thaye Dorje), chỉ có điều là Đa Kiệt sinh ra ở Lhasa. Vị Đa Kiệt trước đó sinh ra ở Xương Đô.
Đa Kiệt Lhasa được Hạ Mã Ba và mấy vị Nhân Ba Thiết khác ủng hộ, cũng chính thức thăng tọa trở thành Cát Mã Ba đời thứ 17. Thế là đồng thời có 2 vị Cát Mã Ba, hơn nữa cả 2 vị này đều cho rằng mình là chính thống. Việc này quả là quá khó xử. Ai mới là người có lý? Thế thì phải xem quá trình đi tìm linh đồng chuyển thế của 2 người.
Nhưng đáng tiếc là, quá trình tìm được 2 vị linh đồng như thế nào thì người ngoài đều không được biết chi tiết. Quá trình chứng nhận linh đồng chuyển thế rất phức tạp, thông thường là đầu tiên do đệ tự ở bên Phật sống đời trước tìm mấy người có khả năng là linh đồng chuyển thế. Sau đó các trưởng lão trong tông phái thông qua các loại dấu hiệu để xác nhận.
Ví dụ, bức mật thư mà Phật sống đời trước để lại, khi viên tịch quay về hướng nào, những dấu hiệu đặc điểm khi linh đồng chào đời, và lời nói, hành vi của linh đồng… Sau khi các trưởng lão quan sát kỹ nhiều lần và sẽ chọn ra một vị trong số đó. Nếu vẫn chưa đủ chắc chắn thì sẽ nhờ đến xem bói, và các dấu hiệu điềm báo đặc biệt trong các nghi thức tôn giáo độc đáo.
Cũng có khi, 2 nhân vật quan trong trong tông phái còn có ước hẹn từ khi còn sống rằng, 1 người sẽ rời đi trước, còn vị tại thế kia sẽ chịu trách nhiệm xác định linh đồng chuyển thế. Khi mọi người vẫn còn hoài nghi, do dự chưa quyết định được, thì sẽ do vị tại thế đó quyết định.
Do đó việc xác nhận linh đồng chuyển thế là kết quả của việc thảo luận chung hỗn hợp, mọi người bàn bạc thống nhất tìm ra 1 vị linh đồng mà mọi người đều chấp nhận. Tuy có vẻ giống như việc hội đồng quản trị bỏ phiếu, nhưng nó rốt cuộc là sự việc của tăng đoàn, nên có những yếu tố tu luyện trong đó, nên vẫn khác với các việc thế tục.
Linh đồng chuyển thế có thể nhớ lại chính xác những ghi chép của mình đời trước, cũng là việc thường thấy. Ví dụ những sự tích thần kỳ của Cát Mã Ba thứ 16 chính là những bằng chứng xác thực đáng tin cậy về việc luân hồi chuyển thế.
Vậy 2 vị Cát Mã Ba kia thì thế nào?
Cả 2 vị đều có những bằng chứng rất mạnh mẽ. Nếu nói 1 vị là giả mạo, thì cũng đồng nghĩa với việc nói rằng cả đám đông người tham gia bịa đặt tin đồn, đều tổn thương đến tình cảm của lượng lớn tín đồ. Vậy có khả năng là cả 2 vị Cát Mã ba đều là thật không?
Thực sự đã từng xảy ra câu chuyện như vậy. 2 người cùng có chung ký ức đời trước. Việc này được chứng thực trong một nghiên cứu của một trường đại học Mỹ.
Đại học Virginia có một trung tâm nghiên cứu tri giác, người sáng lập là Ian Stevenson, cả cuộc đời ông đã nghiên cứu về luân hồi chuyển thế, đích thân chứng thực khoảng hơn 1000 trường hợp luân hồi chuyển thế.
Sau khi Stevenson nghỉ hưu, học trò của ông là Jim B. Tucker đã tiếp nhận công việc của ông. Vì trung tâm nghiên cứu (Division of Perceptual Studies) đã có danh tiếng trên thế giới, nên ngày nào cũng nhận được thư từ các nơi trên thế giới, nói rằng con của họ có ký ức luân hồi chuyển thế. Hằng ngày, Tucker đều đọc kỹ từng bức thư, chọn ra những trường hợp đáng tin cậy nhất, sau đó đích thân đi xác minh.
Tuy nhiên mỗi năm, số người trường hợp được ông xác thực rất ít, chỉ khoảng 1 phần vạn (0,001%) được chứng thực thành công.
Một ngày năm 1988, Tucker theo thường lệ mở một bức thư từ London, Anh ra, một bà mẹ viết rằng, con gái cô là Sophia mới 4 tuổi, nhưng lại luôn nói với cô rằng, bé đã từng có râu quai nón, lái xe tăng đánh quân địch. Trong thư còn kèm theo một bức ảnh chiếc xe tăng, là loại model xe tăng mà con gái cô đã chỉ ra là đã từng lái.
Tucker chăm chú xem, đây là chiếc xe tăng T-72 của Liên Xô cũ chế tạo, nổi tiếng trong cuộc chiến Iran – Iraq. Tucker rất kinh ngạc, bởi vì 2 năm trước, ông đã chứng thực một cậu bé người Mỹ 5 tuổi tên là Wayne, nói rằng đời trước của cậu cũng ở chiến tranh Iran – Iraq, cũng lái chiếc xe tăng như thế.
Chiến tranh Iran – Iraq nổ ra năm 1980, đời trước của Wayne đã chết trong năm đầu tiên của cuộc chiến. Lẽ nào Wayne và Sophia đã từng là đối thủ trong chiến tranh Iran – Iraq?
Việc này khiến Tucker hứng thú, ông lập tức bay đến London thăm nhà Sophia. Chuyến thăm này khiến đầu não Tucker như bị vạn cú đánh, vì những việc của đời trước mà Sophia nhớ lại được hoàn toàn giống hệt với Wayne, cậu bé người Mỹ kia. Cả hai đều là lính Iraq, đều có một người vợ tên là Disan, đều có 3 con, 1 trai 2 gái, hơn nữa phương thức mà cả 2 tử vong đều giống hệt nhau, đều là lái xe tăng T-72 tấn công, bị trúng đạn pháo của Iran, bị chết cháy trong xe tăng, hơn nữa, trong xe tăng khi đó còn có 2 đồng đội khác.
Điều khiến Tucker càng kinh ngạc hơn là, trên đùi phải của cả Sophia và Wayne đều có vết bớt đen rất rõ ràng, cả 2 đều nói, khi đó bị một viên đạn bắn trúng đùi phải.
Câu chuyện này cực kỳ hiếm gặp trong sự nghiệp nghiên cứu luân hồi chuyển thế của Tucker. Sau này Tucker đưa tư liệu của Sophia và Wayne vào cùng nhau, trên trang bìa có viết “2 người có chung ký ức kiếp trước”.
Vậy hai vị Cát Mã Ba đời thứ 17 này liệu có phải giống như Sophia và Wayne, là 2 người có chung ký ức kiếp trước không không? Hoặc là nói, đó là các phân thân của cùng một người chuyển thế chăng? Đó cũng là khả năng không thể loại trừ. Nhưng trong truyền thống chuyển thế của Phật giáo Tạng truyền, thì chưa từng xảy ra, do đó sự nghi ngờ trong tâm các tín đồ Phật giáo Tạng truyền vẫn không thể gỡ bỏ đi được, đến nay vẫn là một công án chưa có lời giải.
Nguồn: ntdvn (Trung Hòa biên dịch)