Vào thời nhà Thanh, có người tên là Chu Bách Lư, cả đời hành thiện tích đức, phẩm hạnh đoan chính, không khinh khi lừa dối một ai. Mọi người rất khâm phục nhân phẩm của ông. Thần xem ông là một người chính trực, nên nhiều lần được Diêm Vương mới đến Âm Phủ giúp thẩm tra xử lý các vụ án.
Mỗi lần xử án Chu Bách Lư đều trong trạng thái mông lung thiếp đi. Sau đó ông thấy nhiều người mang kiệu đến trước cửa đón đi, đi đến một nha môn lớn, có đại sảnh nguy nga. Ông nhìn lại bản thân thì thấy lúc này đang mặc áo bào, 2 bên có sai dịch hầu hạ. Một vị quan trình lên hồ sơ các vụ án để ông thẩm tra xử lý. Sau khi tỉnh lại ông hiếm khi tiết lộ cho người khác biết.
Một buổi sáng, sau khi thức dậy, Chu Bách Lư liên tục gọi tên ai đó thật đáng thương, đó là một người mà ông đã quen biết từ trước. Học trò của ông hỏi: “Người đàn ông này bây giờ là một quan chức ở đâu đó, nghe nói rằng nơi đó đang xảy ra nạn đói, anh ta đã kiếm được rất nhiều tiền từ ngân sách triều đình hỗ trợ nạn đói, hiện tại đang rất đắc ý. Tại sao ngài lại nói anh ta đáng thương?” Chu Bách Lư nói: “Chính vì việc này nên không lâu nữa anh ta sẽ gặp họa diệt môn”.
Học trò thắc mắc: “Vì sao lại như vậy?” Chu Bách Lư đáp: “Ngươi nghĩ đi, trăm họ gặp điều bất hạnh, lênh đênh khốn khổ. Triều đình lệnh phát gạo cứu đói, quan địa phương thật tâm thi hành, một nhà mấy nhân khẩu được lãnh 1, 2 đấu gạo, như thế sẽ kéo dài mạng sống được 3 đến 5 ngày, không phải chết vì đói.
Bấy giờ anh ta làm trái lương tâm, chỉ biết đến bản thân, nên cho 2 đấu gạo thì anh ta khấu trừ đi chỉ còn 1 đấu; nên được nhận 1 thạch gạo thì bây giờ chỉ còn một nửa; Lập xưởng nấu cháo, bắt các gia đình giàu quyên góp gạo, tiền bạc để khỏi dùng phần của triều đình. Cháo được nấu bằng nước lạnh và vôi, giới hạn mỗi người một bát. Cũng có những người đến muộn, không ăn được, uổng công đến nơi rồi ra về vô ích, khiến người chết vô số. Quan phủ không hề quan tâm, chỉ mong người chết càng nhiều, thì số lương thực tiền bạc sẽ kiếm được càng nhiều.
Tội lỗi này làm sao mà không nghiêm trọng được chứ? Tối hôm qua ta đã nhìn thấy một hồ sơ vụ án trong giấc mơ, viên quan âm phủ yêu cầu ta phán định đồng ý để nộp lên Thiên Tào. Ta đọc kỹ hồ sơ thì đó chính là tội ‘quan lại cướp của cứu tế’. Mức độ nghiêm trọng của tội, tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt. Người tội nhẹ thì nổ chết, người tội nặng diệt môn, cách chức đọa vào địa ngục, đầu thai làm trâu bò, heo chó.
Tội của anh ta hôm nay rất nặng, dù người thân, bạn bè có gánh tội bớt cũng không thể miễn. Không lâu báo ứng sẽ đến, vì vậy ta mới thở dài. Ở Địa Phủ có một bộ câu đối, vế trước ghi: ‘Dương gian ba đời, thương thiên hại lý đều do ngươi’; vế sau ghi: ‘Âm tào địa phủ, từ cổ chí kim bỏ qua cho ai’; trên bức hoành phi ghi: ‘Ngươi đã tới rồi’. Ta e rằng gia đình của anh ta sẽ có việc chẳng lành”.
Quả nhiên, sau hơn 1 tháng, một bức thư đến, nói rằng gia đình của anh ta bị nhiễm bệnh dịch, chỉ trong mấy ngày từng thành viên trong gia đình lần lượt chết. Lúc này người học trò mới thở dài rằng những lời của Chu Bách Lư là sự thật.
Lý của thể gian là ‘có vay có trả’, người thường vì không thấy được chân tướng mới bất chấp làm việc xấu, làm nhiều ‘quen tay’ thời gian lâu xem đó như việc đương nhiên. Luật pháp của xã hội nhân loại có thể bỏ lọt người xấu, nhưng đạo Trời công bằng, ‘lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt’, muốn không hoàn trả cũng không được.
Nguồn: tinhhoa