Cảm ngộ nhân sinh

Trí tuệ cổ nhân: “Làm người phải ẩn tâm, làm việc phải lưu tâm”

Trang tử từng nói: “Phu tử đức ngang với trời đất mà còn dùng những lời cực thâm thúy để tu tâm, bậc quân tử thời xưa đâu có ai thoát khỏi cách đó?”

Có câu nói rằng: “Quân tử muốn tu thân, trước tiên phải tu tâm”. Áo mũ chỉnh tề, tiến thoái tri lễ đó là tu thân tại ngoại. Tương giao với những người tu thân tại ngoại giống như là gió mát thổi qua mặt, gặp nhau cảm thấy thoải mái dễ chịu.

“Ngôn chi hữu vật, hành chi hữu độ”. Nói năng rõ ràng, hành động chừng mực, đó là tu thân tại nội. Tương giao với những người tu thân tại nội giống như là trà xanh thấm họng, thơm răng thơm miệng, dư vị nồng nàn.

Tu tâm nhất đạo tuyệt đối không phải là chuyện dễ. Sự kỳ diệu của nó nằm giữa ẩn và giữ.

Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!

1. Ẩn tâm kiêu ngạo

Người xưa nói: “Hư kỷ giả, tiến đức chi cơ”. Khiêm tốn làm người ta tiến bộ, kiêu ngạo khiến người ta lạc hậu, giậm chân tại chỗ, thậm chí là thụt lùi.

Bởi vậy mà Chu Thuấn Thủy tha thiết nhắc nhở người đời: “Làm gì có ai tự mãn mà không gục ngã đâu? Phải thận trọng! Phải thận trọng!”

Trong “Tả Truyện” có ghi chép lại một câu chuyện: Thời Xuân Thu, nước Sở có một vị tướng quân tên là Khuất Hà, vì từng đánh thắng trận nên dương dương tự đắc. Ngày nọ, ông phụng mệnh dẫn quân tiến đánh La Quốc, đại thần Đấu Bá Tỷ đến tiễn đưa.

Trên đường trở về, Đấu Bá Tỷ nói với phu xe: “Khuất tướng quân lần này ra trận chắc chắn sẽ thua, bởi ông ấy bước chân kiêu ngạo, trong lòng có chút ngạo mạn”.

Đấu Bá Tỷ nói xong liền đi gặp Sở Vương, nói rõ sự quan sát của mình đồng thời thỉnh cầu Sở Vương phái thêm chi viện. Nhưng đợi đến khi Sở Vương phái quân chi viện đã không kịp đuổi theo đội quân của Khuất Hà.

Khuất Hà quả nhiên vì khinh địch liều lĩnh tiến công nên bị kẻ địch phản công quyết liệt. Kết quả quân Sở thua to, Khuất Hà bỏ mạng tại thung lũng hoang.

Xe đầy thì lật, làm người mà quá kiêu ngạo thì 10 việc hỏng 9. Trong lòng sản sinh kiêu ngạo, giống như dây leo sinh trưởng trong bóng tối, lặng lẽ nuốt chửng con tim chính trực, che lấp ánh mắt thông suốt khi nhìn nhận bản thân và ánh mắt khiêm tốn khi nhìn nhận thế giới.

Vì thắng mà kiêu, nên sau đó khó mà thắng lại; Vì tiến mà ngạo, nên sau đó khó lòng tiến thêm nửa bước. Ẩn tâm kiêu ngạo, thay thế bằng tâm khiêm tốn mới có thể tiến đến tận cùng.

2. Ẩn tâm nghi kỵ

Cổ nhân có câu: “Dụng nhân bất nghi, nghi nhân bất dụng”. Đã dùng thì không được hoài nghi, đã hoài nghi thì không dùng.

Đây là lời khuyến cáo cho những người nắm quyền, cũng là lời cảnh tỉnh cho những người bình thường như chúng ta.

Âu Dương Tu từng nói: “Đạo dùng người cốt ở bất nghi. Thà vất vả trong việc chọn người, cũng không tùy tiện dùng người mà không tin tưởng”.

Nói về việc nghi kỵ gây hiểu nhầm với người khác, không thể không nhắc tới Tôn Quyền. Tôn Quyền thời còn trẻ từng được bốn phương ca ngợi. Tào Tháo từng mong ước “sinh con được như Tôn Quyền”, Chu Du cũng từng khen Tôn Quyền là “thần võ hùng tài”.

Nhưng đến khi về già, Tôn Quyền lại không anh minh như thời trẻ. Tính tình ngày càng nóng nảy, hay đa nghi, nghi kỵ quần thần.

Đối với quan võ tướng lĩnh, nếu họ xuất quân đánh trận, sẽ bắt cả nhà họ làm con tin. Đối với quan văn triều thần, bí mật cắt cử người giám sát nhất cử nhất động của họ.

Trong đó có một người, từng được Tôn Quyền trọng dụng, nhưng cuối cùng lại chết trong thất vọng vì sự nghi kỵ của Tôn Quyền, người đó chính là Lục Tốn.

Lục Tốn mưu trí hơn người, lại trung thành cương trực, lập công lớn cho Giang Đông. Thế nhưng, một người có đức hạnh và tài năng như vậy, lại bị Tôn Quyền nhiều lần nghi kỵ. Cuối cùng, ông ôm hận qua đời sau nhiều lần bị Tôn Quyền quở mắng và trách móc. 

Lục Tốn một lòng một dạ với Tôn Quyền, hết sức chân thành, cúc cung tận tụy, vất vả cả đời vì Đông Ngô. Hành động của Tôn Quyền không những mất đi một vị hiền thần, còn khiến quần thần thất vọng. Tôn Quyền vì vậy mà bị người đời chỉ trích, mang tiếng xấu “đa nghi”.

Sự nghi kỵ đối với người khác giống như một chiếc gai độc, một khi cắm vào lòng người sẽ để lại sẹo khó lành.

Đáng sợ hơn cả, chiếc gai độc ấy không chỉ hại người mà còn hại mình. Tâm nghi kỵ không đoạn tuyệt với người ngoài mà còn đẩy mình vào thế cô lập.

Bởi vậy, ẩn tâm nghi kỵ thay bằng sự chân thành mới biến mình thành cái đích mà mọi người muốn cùng hướng tới.

3. Giữ tâm hiểu chính mình

Lã Thị Xuân Thu từng nói: “Muốn chế ngự được người khác đầu tiên phải chế ngự được bản thân mình; Muốn đánh giá được người khác đầu tiên phải đánh giá được chính mình; Muốn hiểu được người khác đầu tiên phải tự hiểu được chính mình”.

Những người có thể “nhận biết” được chính mình mới là người sáng suốt. Bởi vì “nhận biết” được chính mình nên mới không tự ti và cũng không tự cao tự đại. Bởi vì “nhận biết” được chính mình nên mới biết được ưu điểm của mình và cũng hiểu rõ được nhược điểm của mình.

Trong cuốn “Hàn Phi Tử” có ghi chép lại một câu chuyện thiếu chút nữa thì thất bại vì việc không tự hiểu chính mình như sau: Một lần, Sở Trang Vương muốn xuất quân tiến đánh nước Việt.

Đại thần Đỗ Tử hỏi: “Tại sao Đại Vương lại muốn thảo phạt nước Việt?”

Sở Trang Vương có chút tự đắc đáp: “Bởi nước Việt chính sự hỗn loạn, quân đội cũng không mạnh”.

Đỗ Tử nói: “Trí tuệ của Đại Vương giống như con mắt, có thể nhìn thấy những thứ bên ngoài những lại không nhìn thấy lông mi của mình. Quân đội của Đại Vương từ sau khi bị nước Tần, nước Tấn đánh bại, bị mất hàng trăm dặm đất. Điều này chỉ rõ lực lượng của quân Sở mỏng manh. Có kẻ làm loạn trong chính nước Sở nhưng người làm quan lại không thể ngăn cản. Điều này nói rõ chính sự nước Sở hỗn loạn. Nước Sở quân yếu chính loạn, cũng chẳng kém nước Việt là mấy”.

Sở Trang Vương nghe xong tỉnh ngộ, lập tức vứt bỏ suy nghĩ tiến đánh nước Việt, tránh được một trận chiến rất có thể sẽ bị thất bại.

“Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Trước khi biết địch nên phải biết ta, đó mới là mấu chốt của thành công.

Người quý là bởi tự biết mình. Chỉ khi hiểu được chính mình mới có thể nhìn rõ thế đạo lòng người. Chỉ khi biết mình, biết rõ điểm mạnh yếu thì mới có thể quan sát và nhìn nhận mọi thứ xung quanh một cách chuẩn xác. 

4. Giữ tâm biến hóa linh hoạt

Vạn vật biến đổi khôn lường, con người quý ở tư duy linh hoạt. Tư Mã Thiên từng vận dụng điển cố “Siết chặt khóa đàn” trong “Sử Ký”. Phía sau điển cố này là một câu chuyện: Ngày nọ, có một người nước Tề nghe thấy một người nước Triệu gảy đàn. Tiếng đàn văng vẳng bên tai nhiều ngày không dứt, vô cùng hay và dễ chịu.

Thế vậy người nước Tề quyết tâm xin học đàn từ người nước Triệu. Người nước Tề muốn biết làm thế nào mới có được tiếng đàn hay và diệu kỳ đến vậy.

Người nước Triệu trước tiên chỉnh lại dây đàn, người nước Tề trông thấy vậy liền dùng keo gắn chặt những dây đàn mà người nước Triệu vừa chỉnh, rồi vui vẻ cầm đàn về nhà.

Sau khi về tới nhà, người nước Tề vùi đầu vào gẩy đàn. Nhưng khổ luyện suốt 3 năm mà tiếng đàn không có chút tiến bộ nào.

Người nước Tề vô cùng thất vọng, oán trách người nước Triệu: “Ông ta dạy quá tồi, tôi không có chút tiến bộ nào, vẫn là người không biết gẩy đàn”.

Có người học nghệ từ người nước Triệu nghe thấy vậy liền cảm thấy vô cùng hiếu kỳ. Tìm người nước Tề hỏi: “Tại sao ông lại nói như vậy?”

Người nước Tề lôi cây đàn đã được dùng keo gắn chặt rồi kể khổ. Mọi người nghe xong chỉ thấy dở khóc dở cười, thi nhau chế giễu người nước Tề ngu dốt không biết biến hóa linh hoạt.

Nghệ thuật học đàn trăm biến vạn hóa. Muốn học đàn hay mà chỉ dùng keo dính chặt dây đàn thực sự khiến người khác phải cười ra nước mắt.

Học cách biến hóa linh hoạt, tức là học cách nhìn vạn vật bằng con mắt thông thấu và xử lý vạn vật bằng phương thức linh hoạt.

Giữ tâm biến hóa linh hoạt, tùy cơ ứng biến mới có thể đối ứng trôi chảy trước mọi vật mọi việc.

Vương Dương Minh có câu: “Tâm như là lý, trên đời này làm gì có việc nào ngoài tâm, lý nào ngoài tâm”.

Tâm chân chính hành động cũng chân chính, tâm lương thiện hành động cũng lương thiện. Con người sống ở đời, làm người làm việc nên lấy tu tâm làm gốc.

Làm người phải biết ẩn tâm: Ẩn tâm tự mãn mở rộng thước đo tiền đồ; Ẩn tâm nghi kỵ, lấy chân thành đổi chân thành.

Làm việc phải giữ tâm: Giữ tâm hiểu chính mình để ngày một hoàn thiện tốt hơn; Giữ tâm biến hóa linh hoạt để ứng phó với sự đời vạn biến.

Chỉ khi có được cái tâm biết ẩn biết giữ mới có thể quan sát vạn vật, không đẩy mình vào thế bất lợi. Mong rằng, chúng ta đều có đôi mắt và tâm hồn chân thành, thiện lương để thấu hiểu cuộc đời và sống hạnh phúc.

Nguồn: cafef

Xem thêm

About Đào Thanh Mai

Với niềm đam mê mãnh liệt với phong thủy và các vật phẩm phong thủy thủ công, tôi luôn tin rằng không gian sống có thể được cải thiện để mang lại sự thịnh vượng và may mắn cho gia chủ. Tại Honngoc.vn, tôi không chỉ đơn thuần là người kinh doanh mà còn là người truyền tải những giá trị văn hóa và tâm linh thông qua từng sản phẩm. Mỗi vật phẩm phong thủy mà chúng tôi cung cấp đều được chế tác tỉ mỉ bởi các nghệ nhân tài hoa của Hải Phòng, chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc và năng lượng tích cực. Cùng với niềm đam mê phong thủy, tôi luôn tìm kiếm và chia sẻ những kiến thức quý báu về cách cải tạo không gian sống, giúp gia chủ không chỉ đón nhận tài lộc mà còn tạo dựng được sự hài hòa và bình an trong cuộc sống hàng ngày.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *