Đại Đạo vô địch, thiên địa duy chỉ có một người. Ông chính là Thiên cổ Chân nhân Trương Tam Phong.
Ông đắc được huyền cơ của tạo hoá, thoắt đến thoắt đi. Ông lĩnh ngộ được sự huyền diệu của càn khôn, lúc ẩn lúc hiện. Ông giảng rõ chân cơ của Tam giáo Nho – Phật – Đạo, thức tỉnh ức vạn người trầm mê. Ông ẩn cư trên núi Võ Đang, khai mở Đạo tràng ngàn thu. Ông sáng tạo ra Thái Cực Thần Quyền, tiếp duyên hàng ức vạn người đời sau tập luyện. Đại đạo vô địch, thiên địa duy chỉ có một người. Ông chính là Thiên cổ Chân nhân Trương Tam Phong.
Trong thiên mở đầu bài “Cửu Canh Đạo Tình”, Trương Tam Phong từng trải lòng về nguồn gốc sinh mệnh của bản thân:
Tạm dịch:
“Cửa sinh ta là đường ta tử
Mấy ai tỉnh táo, mấy người ngộ ra
Đêm khuya Thiết Hán tự nghĩ suy
Trường sinh bất tử bởi do người
Trong canh một,
Hồi tâm hướng thiện
Vì sống chết kỳ thực gian nan.
Từ lúc rời khỏi Linh Sơn cổ
Hỗn độn phân chia xuống thế gian
Tây phương có cội
Trút bỏ căn nguyên
Đến vùng Đông thổ
Tính mệnh đọa cõi phàm
Mê mất rồi,
Lão mẫu đời trước khi mẹ sinh”.
Cổ Linh Sơn
Tương truyền, trước khi trời đất phân chia, thế giới vẫn còn hỗn độn sơ khai, bên ngoài vũ trụ có một tòa Linh Sơn cổ. Chính tại nơi đây từng có một vị Thần vĩ đại, một sinh mệnh cao tầng siêu việt khỏi không gian thời gian của vũ trụ. Sinh mệnh cao tầng ấy đã lựa chọn phương Đông, giáng hạ xuống nơi Đông Thổ Thần Châu, tiến nhập vào cõi mê Tam giới.
Vào giờ Tý ngày 4 tháng 9 năm Đinh Mùi 1247, tức năm Nguyên Định Tông thứ hai, trong gia đình họ Trương ở Ý Châu, Liêu Dương, phu nhân Lâm Thị đang trở dạ sinh con. Trong lúc mơ màng bà nhìn thấy nữ Thần Đẩu Mẫu Nguyên Quân phái một con Tiên hạc giáng hạ xuống nhà họ Trương. Đẩu Mẫu Nguyên Quân là vương mẫu của các vì sao Bắc Đẩu. Con hạc ấy vừa đến liền kêu lên ba tiếng, khiến Lâm Thị đột ngột bừng tỉnh dậy. Không lâu sau một bé trai cất tiếng khóc chào đời, bé trai ấy chính là Trương Tam Phong.
Tổ phụ của Trương Tam Phong là Dụ Hiền Công, là hậu duệ của Trương Đạo Lăng (Trương Thiên Sư) – vị tổ sư sáng lập giáo phái Chính Nhất Đạo trong Đạo giáo. Dụ Hiền Công không chỉ có phẩm hạnh cao thượng và học thức uyên bác, mà còn là bậc thượng thừa về thuật chiêm bốc và quan sát thiên tượng.
Vào những năm cuối thời Nam Tống, Dụ Hiền Công thông qua quan sát thiên tượng biết được rằng ở phương bắc vương khí đang lên, long mạch cũng hưng thịnh lạ thường. Ông liền đưa cả gia quyến chuyển về phương bắc, đến nơi mà sao Bắc Cực ám chỉ là mảnh đất hưng vượng. Ông đã lựa chọn Ý Châu, một trấn quan trọng của hai triều Liêu và Kim để làm nơi định cư.
Sau khi nhà Nguyên thống nhất Trung thổ, Ý Châu trở thành khu trị sở của Liêu Dương, rất được triều đình nhà Nguyên coi trọng. Ý Châu có điều kiện giao thông thuận lợi hơn so với triều Kim, công nghiệp và thương mại vô cùng phát triển, nhân khẩu cũng ngày càng đông đúc. Gia đình Dụ Hiền Công nhờ đó mà được hưởng cuộc sống an định thái bình.
Vào thời Nguyên Thái Tông Oa Khoát Đài, cha của Trương Tam Phong là Trương Xương, tự Tử An, từng lên kinh ứng thí và đỗ tiến sĩ. Nhưng Trương Xương vốn coi nhẹ danh lợi, ưa cuộc sống đạm bạc, thay vì ra làm quan ông lại chọn ở ẩn chốn thôn quê, không màng đến công danh lợi lộc.
Mẹ của Trương Tam Phong là Lâm Thị, xuất thân từ dòng dõi thư hương. Bà từng sinh bốn người con trai là Trương Yêu, Trương Du, Trương Tiêu và Trương Diêu, nhưng cả bốn công tử đều đau ốm rồi qua đời khi còn quá trẻ. Vì thế, khi Trương Tam Phong chào đời, ông Trương Tử An liền đặt tên cho con trai là “Toàn Nhất” với ý nghĩa ‘hoàn toàn viên mãn trọn vẹn’, lại lấy tên tự là “Quân Bảo” với hy vọng con sẽ là bậc quân tử thản đãng, đầu đội trời chân đạp đất, hiên ngang giữa núi sông.
Trương Tam Phong từ nhỏ đã bộc lộ tư chất thiên phú, thông minh lanh lợi, có tài nghệ xuất chúng. Cả Trương lão gia và phu nhân đều đặt nhiều kỳ vọng vào cậu bé, hy vọng sau này con trai sẽ có ngày “cá chép hóa rồng”.
Nhưng trời có gió mây bất trắc, người có họa phúc sớm chiều. Vừa lên 5 tuổi, Trương Tam Phong mắc bệnh về mắt, suýt chút nữa trở thành khiếm thị. Nhà họ Trương đã đi khắp nơi tìm thầy hỏi thuốc, tìm mọi cách chữa trị nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Một ngày, có vị Đạo sĩ đến trước cửa nhà họ Trương, tự xưng là Đạo trưởng ở cung Bích Lạc, tên gọi Trương Vân Am, hiệu là Bạch Vân Thiền Lão. Đạo trưởng nói với cha mẹ Trương Tam Phong rằng: “Tiểu công tử có Tiên phong Đạo cốt, khí chất phi phàm, nhưng đôi mắt lại phải chịu ma chướng, cần phải làm đệ tử của bần Đạo mới có thể thoát khỏi bụi trần. Đợi khi mắt sáng bần Đạo sẽ lại đưa tiểu công tử trở về nhà”.
Vì muốn con trai sớm lành bệnh nên Trương lão gia và phu nhân đành rơi lệ, chấp nhận giao đứa con còn nhỏ dại cho Đạo trưởng rời đi.
Hết duyên trần
Toàn Chân giáo được Vương Trùng Dương sáng lập vào đầu triều Kim, đến thời nhà Nguyên thì vô cùng hưng thịnh. Cung Bích Lạc của Trương Vân Am chính là một Đạo quán của Toàn Chân giáo.
Trương Tam Phong theo sư phụ tịnh tâm tu hành trong Đạo quán, chỉ trong nửa năm thị lực đã phục hồi như một kỳ tích. Nhưng Trương Tam Phong vẫn chưa muốn về nhà ngay, mà nguyện ở lại theo Đạo trưởng tu hành.
Vân Am Đạo trưởng liền giảng giải cho tiểu đệ tử các kinh thư điển tịch của giáo phái Toàn Chân, đồng thời còn truyền thụ võ thuật để rèn luyện thân thể. Trương Tam Phong thông tuệ hơn người, sách vở chỉ xem qua liền thuộc, những lời dạy của sư phụ chỉ cần nghe một lần là thông tỏ. Các điển tịch cả Nho giáo và Phật giáo Trương Tam Phong thường chỉ đọc lướt qua, nhưng không chỗ nào là không thông hiểu. Vân Am Đạo trưởng vô cùng hài lòng về tiểu đệ tử thông minh sáng dạ này.
Chớp mắt đã bảy năm trôi qua, Trương Tam Phong theo sư phụ tu luyện trong cung Bích Lạc cũng được 12 năm rồi. Nghe nói mẫu thân quá thương nhớ con trai, vì lâu ngày u sầu mà sinh bệnh, Trương Tam Phong bèn xin sư phụ cho phép về nhà thăm cha mẹ. Vân Am Đạo trưởng biết rằng duyên phận với đồ nhi đã hết, ông liền thực hiện lời hứa năm xưa.
Lâm Thị được gặp lại đứa con trai mà bà ngày đêm mong nhớ, trong tâm vui mừng đến mức chỉ trong vài ngày, bệnh tình không cần thuốc thang mà tự khỏi. Từ ngày về nhà bái kiến song thân, Trương Tam Phong lại nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, ngày đêm vùi đầu vào trang sách, đồng thời học tập cả Nho, Phật, Đạo, nhờ đó mà học vấn ngày càng tinh thâm uyên bác.
Nguyên Trung Thống năm thứ nhất (năm 1260), Trương Tam Phong đỗ tú tài khi mới 13 tuổi. Mặc dù được triều đình tuyển chọn và trọng dụng, nhưng Trương Tam Phong cũng giống như cha mình, hoàn toàn không có hứng thú làm quan mà chỉ muốn được trở về cố hương.
Đến năm đầu Chí Nguyên (năm 1264), Trương Tam Phong 17 tuổi bắt đầu hành trình du ngoạn tứ phương. Ở Đại Đô, cũng chính là Bắc Kinh ngày nay, Trương Tam Phong đã kết bạn với Liêm Hy Hiến, khi ấy đang giữ chức Đại Nguyên Bình chương Chánh sự. Hai người vừa quen biết đã như bạn cũ lâu ngày gặp lại, đôi bên ý hợp tâm đầu, nhanh chóng kết thành bạn vong niên.
Liêm Hy Hiến thấy Trương Tam Phong cử chỉ nhã nhặn, nói năng ôn hòa, lại có học thức uyên thâm thì vô cùng thán phục. Ông cho rằng thiên hạ khó có được người nào như vậy, vì thế ông liền viết tấu thư lên triều đình, tiến cử Trương Tam Phong. Bởi Liêm Hy Hiến có sức ảnh hưởng rất lớn nên triều đình cũng đặc biệt coi trọng, rất nhanh đã bổ nhiệm Trương Tam Phong làm huyện lệnh Bác Lăng ở Trung Sơn.
Khi mới nhậm chức, Trương Tam Phong từng kỳ vọng sẽ có thể chăm lo cho bách tính, tạo phúc một phương. Nhưng chưa tới hai năm, Trương Tam Phong cảm nhận sâu sắc rằng việc thế tục khó có thể vẹn toàn, vinh diệu thế gian không thể giúp bản thân thỏa mãn hùng tâm tráng chí, ngược lại còn khiến người trong cuộc cô đơn vô cùng. Trương Tam Phong ôm ấp hoài bão lớn, khát khao vượt ra ngoài cõi thế gian, nhưng tiếc là tri âm khó gặp, “cao xứ bất thắng hàn”, càng lên cao lại càng lạnh lẽo, cô đơn. Vì thế Trương Tam Phong quyết chí từ quan, giã từ việc chính sự, không còn lụy vào công danh lợi lộc.
Một lần, Trương Tam Phong ngao du đến núi Cát Hồng, đây là nơi tiên sinh Cát Hồng tu Đạo vào thời nhà Tấn. Cả một vùng non xanh nước biếc, đâu đâu cũng là phúc địa động thiên, Trương Tam Phong tức cảnh sinh tình liền viết một bài thơ:
“Mao Nghĩa tòng tưẩn,
Cát Hồng khởi luyến quan
Dục tầm Lý Thái Bạch,
Đồng thuyết đại hoàn đan” – (“Hữu cảm”)
Tạm dịch:
“Mao Nghĩa từ nay quy ẩn,
Cát Hồng há lại thích quan!
Muốn tìm Lý Thái Bạch,
Cùng luận Đạo luyện đan”
Hồi tưởng lại năm ấy, “Thi tiên” Lý Bạch đã từng ngâm thơ múa kiếm, tiêu dao sơn hà, lòng chỉ hận không thể cùng Lý Bạch sướng ẩm luận Đạo, trong tâm hy vọng sớm kết thúc duyên trần, vào núi tu Đạo.
Lúc này, Liêm Hy Hiến lại tiến cử Trương Tam Phong với Lưu Bỉnh Trung, vị tể tướng khai quốc triều Nguyên. Lưu Bỉnh Trung vừa gặp Trương Tam Phong liền kinh ngạc thốt lên: “Quả là một bậc Tiên tài!”, trong lòng ông không khỏi hối tiếc vì gặp được tri âm quá muộn màng. Ông có ý đề bạt Trương Tam Phong, nhưng đúng lúc này Trương Tam Phong lại nhận được thư nhà báo tin phụ thân bệnh tình nguy kịch, chỉ mong gặp mặt con trai trước lúc lìa đời.
Năm Chí Nguyên thứ ba (năm 1266), Trương Tam Phong khi ấy 19 tuổi vội vã trở về nhà. Trương lão gia đã qua đời, còn phu nhân Lâm Thị cũng đau ốm triền miên, bệnh tật quấn thân, tóc lại thêm nhiều sợi bạc. Mấy ngày sau, bà vì quá thương lòng mà nhắm mắt xuôi tay. Chỉ trong vỏn vẹn vài ngày Trương Tam Phong đã mất đi hai người thân yêu nhất, nước mắt lưng tròng, trong lòng đau đớn như không còn thiết sống nữa.
Sau khi an táng cha mẹ, Trương Tam Phong đóng cửa ở trong phòng, ngày ngày tụng đọc kinh thư. Thân nhân lần lượt qua đời khiến ông ngộ ra: Vinh hoa phú quý nơi thế gian chẳng qua cũng chỉ là hư ảo, trong khi sinh mệnh lại lập lòe như tia chớp, chỉ nháy mắt đã lìa đời. Trương Tam Phong biết rằng trần duyên đã hết, chỉ cần đợi kỳ hạn ba năm tang hiếu kết thúc, ông quyết sẽ xuất gia tu Đạo.
Lúc này, Trương Tam Phong nhận được lá thư của Lưu Bỉnh Trung, ông viết thư hồi đáp và để lại bài thơ “Tam Thập Nhị Tuế Bắc Du” (32 tuổi du ngoạn về phương bắc), biểu đạt Đạo tâm kiên định, quyết chí dạ chẳng sờn:
“U Ký trùng lai cảm khái vong
Ô sa cải tác Đạo nhân trang
Minh triêu bội kiếm huề cầm khứ
Khước thượng Tây Sơn vọng Thái Hàng”
Tạm dịch:
Từ U châu, Ký châu trở về, cảm khái đã lãng quên
Cởi mũ quan, khoác áo Đạo
Sáng mai đeo kiếm ôm đàn mà đi
Lại lên Tây Sơn ngắm Thái Hàng.
Non sông cầu Đạo
Trương Tam Phong định bụng an táng xong song thân sẽ đi thăm Lưu Bỉnh Trung, nhưng nào ngờ Lưu Bỉnh Trung cũng sớm qua đời. Trương Tam Phong vạn phần cảm khái, liền viết bài thơ phúng viếng từ xa để biểu đạt ơn tri ngộ:
“Bác học kỳ dư sự
Kim chi cổ đại thần
Đạm nhiên vong thị dục
Cao hỹ thoát phong trần
Cử thế thùy tri ngã
Đăng triều lũ tiến nhân
Bát bàn tha nhật quá
Thanh tửu điện công thần”
Tạm dịch:
“Học rộng hành đại sự
Bậc đại thần cổ kim
Thanh đạm quên ham dục
Cao khiết thoát phong trần
Thế nhân đều biết tiếng
Lên triều tiến cử hiền
Sau này đến Bát Bàn
Rượu nhạt tế tiên sinh.”
Sau ba năm tang hiếu, Trương Tam Phong có duyên gặp một vị Đạo nhân họ Khâu, hai người cùng luận đàm Đạo pháp. Nhiều năm sau Trương Tam Phong lại cùng Khâu đạo nhân lên Tây Sơn du ngoạn, đến lúc này ông mới biết Đạo nhân chính là tổ sư Khâu Xử Cơ của phái Long Môn thuộc Toàn Chân Đạo.
Trương Tam Phong cảm thấy trần duyên đã đoạn, không còn gì phải bận lòng nữa. Ông bèn thu xếp ổn thỏa cho vợ con rồi xuất gia, chính thức đặt chân trên con đường cầu Đạo. Đúng như điều ông viết trong “Tam Thập Nhị Tuế Bắc Du”: Trương Tam Phong đeo kiếm bên hông, mang theo cây đàn cầm mà đi, phía tây lên Thái Hàng, Hằng Sơn, phía đông đến Lao Sơn, Thái Sơn, phía nam du Tung Sơn, Vương Ốc Sơn. Ông không ngại lao thân mệt nhọc, chỉ hy vọng có thể gặp được bậc minh sư, nhập Đạo tu luyện.
Đến năm đầu Diên Hựu (năm 1314), Trương Tam Phong đã 67 tuổi, hơn ba mươi năm qua vẫn không ngừng lặn lội tìm cầu Tiên Đạo. Ông đã “đi mòn giày sắt”, tìm khắp các danh sơn đền cổ, lòng ngậm ngùi vì thân thể ngày một già đi mà càn khôn vẫn mịt mùng, trong tâm luôn đau đáu tự hỏi: Đại Đạo chân tu ở phương nào?
Trong “Vãn Bộ Hàm Dương” ông bày tỏ: Chuyện quá khứ như mây khói, các bậc khanh tướng vương hầu ngày xưa đến nay đều khuất núi. Cho dù thế gian có biến đổi ra sao, biển cả dẫu hóa thành nương dâu, thì chỉ có Tiên giới mới thực là vĩnh hằng. Ông viết:
“Thiên biên phi nhạn bài vân biểu
Ngã diệc trường ngâm Hàm Dương đạo
Hàm Dương cổ đạo thảo mê ly
Bách đại vương hầu tận khô cảo
Tây hành vạn lý đa hoài cảm
Nhân sinh khởi nhược Thần Tiên hảo!
Nhậm tha thương hải tang điền,
Hạc mạo tùng thế trường bất lão”
Tạm dịch:
“Chân trời nhạn bay thành hàng ngang tầm mây,
Ta cũng ngâm dài trên con đường tới Hàm Dương.
Đường cổ Hàm Dương cỏ chập chờn,
Làm vương hầu trăm đời rồi cũng tàn úa.
Tây hành vạn lý lòng đầy hoài cảm,
Đời người sao được như Thần Tiên?
Mặc kệ thế gian bãi bể nương dâu thế nào,
Thì Thần vẫn mang dáng tùng mạo hạc mãi không già.”
Tu thành Đại Đạo
Một ngày, Trương Tam Phong thắp hương thành tâm cầu Thần khai thị, hương trầm liền chỉ dẫn cho ông lên núi Chung Nam. Trương Tam Phong leo lên núi Chung Nam, thấy trước mắt là một vị Đạo nhân tóc trắng như hạc, nét mặt hồng hào, phong tư thoát tục đang đứng đó đợi chờ ông.
Trương Tam Phong nhất thời bối rối, trong lòng biết bao cảm xúc đan xen, đôi mắt rưng rưng đôi dòng lệ. Vị Đạo nhân này là Hỏa Long Chân nhân, không ai biết danh tính và lai lịch của ông, chỉ biết ông từng lưu lại bài thơ hé mở xuất thân nguồn cội của mình:
“Đạo hiệu ngẫu đồng Trịnh Hỏa Long
Tính danh ẩn tại thái hư trung
Tự tòng độ đắc Tam Phong hậu
Quy đáo Bồng Lai Nhược Thủy đông”.
Tạm dịch:
Đạo hiệu ngẫu cùng Trịnh Hỏa Long
Danh tính ẩn trong cõi hư không
Sau khi độ được Tam Phong ấy
Trở về Bồng Lai ngoài biển Đông
Thì ra Hỏa Long Chân nhân đến từ Bồng Lai Tiên cảnh, đến đây truyền thụ cho Trương Tam Phong chân Pháp tu luyện. Nhưng việc ẩn cư tu Đạo nơi núi rừng không hề lãng mạn như miêu tả trên phim ảnh, người tu luyện phải đối mặt với trăm ngàn cái khổ vì thiếu thốn vật chất, vì tịch mịch cô đơn. Trương Tam Phong có Đạo tâm kiên định, bền gan bền chí và nghị lực phi thường nên có thể vượt qua tất cả, ông hồi tưởng lại “bốn năm trong núi” mà “bất giác lệ rơi”. Quả thực, cái khổ tu hành không phải là điều mà người bình thường có thể tưởng tượng được.
Bốn năm sau, Hỏa Long Chân nhân lại truyền cho Trương Tam Phong đan sa và khẩu quyết, lệnh cho ông hãy xuống núi vân du. Trương Tam Phong 71 tuổi lại lần nữa rơi lệ từ biệt ân sư. Rời khỏi núi Chung Nam, ông phải đối mặt với đủ mọi can nhiễu và khảo nghiệm nhân tâm. Một mình vân du nơi thế tục, cái ăn cái mặc đều thiếu thốn, ông đi đến đâu thì ngủ ở đó, được cho gì thì ăn nấy. Người đời thấy bộ dạng lôi thôi rách rưới của ông liền gọi ông là Trương Tam Phong “Lạp Thác” (nhếch nhác). Biệt danh “Lạp Thác” cũng ra đời từ đây.
“Liệt Truyện Kiến Vi Dị Lục” chép rằng, cho dù trời lạnh hay trời nóng, Trương Tam Phong đều chỉ mặc một chiếc áo nạp, đội một chiếc nón lá. Ông không màng tục sự, đối với việc thế gian ông chỉ nhắm mắt làm ngơ. Nhưng hễ gặp được bạn tri âm, ông sẽ lại thao thao bất tuyệt, dốc bầu tâm sự, luận đàm Đạo Pháp. Ông không biết no đói, có lúc mấy ngày liền không ăn, thậm chí mấy tháng trời không có một hạt cơm vào bụng, nhưng khi nhận được cúng dường, ông lại có thể ăn cả đấu gạo cơm.
“Minh Sử” chép rằng, Trương Tam Phong có vóc người cao lớn, vạm vỡ, tai to, mắt tròn, cử chỉ Tiên phong Đạo cốt.
Năm 1324, Trương Tam Phong 77 tuổi, kết thúc hành trình vân du gian khổ. Ông đến núi Võ Đang, dựng một túp lều tranh để làm nơi tĩnh tọa. Trải qua sáu năm ma luyện trong trần thế, Trương Tam Phong đã đạt được thăng hoa cả về tâm pháp và Đạo pháp. Ông gột sạch mọi ràng buộc về phú quý vinh hoa, đã có được giác ngộ về Đại Đạo. Ở núi Võ Đang, ông bắt đầu quay mặt vào vách tu luyện liên tục chín năm ròng.
Sau nhiều năm đằng đẵng khổ tu, đến mùa xuân năm Thái Định (năm Giáp Tý 1324), Trương Tam Phong cuối cùng cũng tu thành đắc Đạo. Đúng như những gì ông viết trong “Huyền Yếu Thiên – Tự Tự”: “Chín năm đối diện với bức vách, cùng Đạo hợp chân, cưỡi hạc thấy trời xanh như con đường lớn, mặc cho biển xanh thành ruộng dâu…”
Nhớ lại xưa kia Đạt Ma Tổ sư chín năm đối mặt với bức vách mà ngộ Đạo, sau đó đại hiển thần thông, có thể “nhất căn vĩ độ giang” (một cọng lau vượt sông). Thế nhưng người đời nào đâu biết chín năm quay mặt vào vách ấy là biết bao tịch mịch, biết bao khổ tâm? Đó không phải là điều mà người bình thường có thể tưởng tượng, có thể cảm thụ được. Điều khó nhẫn chịu nhất trên thế gian chính là nỗi khổ vì cô đơn tịch mịch. Loại đau khổ này có thể hủy diệt con người, nhưng cũng có thể thành tựu một người.
Trương Tam Phong từng viết hai bài thơ về chín năm quay mặt vào vách tĩnh tu, gọi là “Thái Hòa Sơn khẩu chiêm nhị tuyệt”.
Bài thứ nhất là:
“Thái Hòa sơn thượng bạch vân oa
Diện bích công thâm tự Đạt Ma
Kim nhật Đạo thành đàm Đạo diệu
Thuyết lai bất cập tố lai đa”
Tạm dịch:
Núi Thái Hòa mây trắng cuộn quanh
Quay mặt vào vách, công phu thâm hậu như Đạt Ma
Ngày nay thành Đạo, bàn luận đạo lý huyền diệu
Nói ra không kịp, làm ra mới nhiều.
Bài thứ hai là:
Cửu niên vô sự diệc vô thi
Mặc mặc hôn hôn bất tự tri
Thiên hạ hữu nhân năng tự ngã
Nguyện niêm đan quyết tận truyền chi.
Tạm dịch:
Chín năm chẳng việc cũng chẳng thơ
Lặng lẽ mơ hồ nào biết chi
Ai người thiên hạ giống như ta
Nguyện đem đan quyết tận truyền cho.
Khi Trương Tam Phong đắc Đạo thì đã là cuối thời Nguyên đầu thời Minh. Lúc ấy ông đã 86 tuổi rồi, có thể nói là “đại khí vãn thành” (bậc đại căn khí nhưng lại thành tựu muộn).
Sau này khi ở núi Võ Đang, ông đã sáng tạo ra Nội gia Thái Cực Quyền độc nhất vô nhị trong thiên hạ, mở đầu cho trường phái Nội gia công phu, mang đến nội hàm văn hóa độc đáo và đặc biệt cho võ thuật Trung Hoa.
Tuy nói rằng Trương Tam Phong là bậc “nhất đại tông sư” văn võ song toàn, võ công cái thế, danh tiếng lừng lẫy khắp cổ kim, nhưng cho đến nay thân thế và thọ mệnh của ông vẫn luôn là bí ẩn lịch sử. Trương Tam Phong đã trải qua ba triều đại Tống, Nguyên, Minh, thân pháp phi phàm, hành tung bất định, đến hay đi đều thoắt ẩn thoắt hiện. Trong văn hóa các triều đại đều có ghi chép về ông, nhưng thân thế và xuất sinh của ông vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, khó có thể đưa ra kết luận nhất trí.
Bí ẩn sinh tử
Mặc dù các nhà sử học chưa thống nhất về ngày sinh và tuổi đời của Trương Tam Phong, nhưng qua bút tích của ông trong “Vân Thủy Tập – Du Du Ca” chúng ta có thể tìm ra manh mối. Thơ rằng:
“Du du ca, du du ca, tứ thập bát tuế không tiêu ma
Nhân sinh thọ mệnh năng cơ hà
Chu thủ Hằng Sơn thập lục tải
Yến triệu vãng lai thành thệ ba
Đáo bất như huề cầm kiếm
Chỉnh lạp thoa,
Đông tẩu Bồng Lai xướng Đạo ca”.
Tạm dịch:
“Du du ca, du du ca,
Bốn mươi tám tuổi chưa tìm ra,
Thọ mệnh kiếp người được bao xa?
Mười sáu năm ròng Hằng Sơn ấy,
Chim én đến đi như làn sóng.
Chi bằng mang theo đàn cùng kiếm,
Đội nón lá mặc áo tơi,
Về núi Bồng Lai hát Đạo ca”.
Đây là bài thơ “Vân Thủy Tập – Du Du Ca” do chính Trương Tam Phong sáng tác, bên dưới bài thơ đề dòng chữ: “Viết tại Bắc Nhạc, năm Chí Nguyên thứ 31 Giáp Tý”. Năm Chí Nguyên thứ 31 là năm 1294, nếu tính ngược lại 48 năm thì là năm 1247. Như vậy có thể suy đoán rằng Trương Tam Phong chào đời năm 1247, đúng vào năm Thuần Hỗ thứ bảy thời Hoàng đế Lý Tông nhà Nam Tống, tức 12 năm sau khi triều Kim đã diệt vong. Điều ấy cũng có nghĩa là, Trương Tam Phong sinh ra vào những năm cuối thời Nam Tống. Cuốn “Tam Phong tiên sinh bản truyện” do Đạo nhân Uông Tích Linh thời Thanh viết cũng cho rằng Trương Tam Phong xuất sinh vào cuối thời Nam Tống.
Mùa xuân năm 1324, Trương Tam Phong 86 tuổi đã tu luyện đắc Đạo, trở thành Chân nhân, đã có thể siêu phàm nhập Thánh.
Đến năm 1368, Chu Nguyên Chương kiến lập triều Minh, xây dựng kinh đô ở Nam Kinh. Lúc này Trương Tam Phong đã 121 tuổi, ông kiến lập phái Võ Đang trên núi Võ Đang. Trải qua chiến tranh loạn lạc, các Đạo quán trên núi Võ Đang như Ngũ Long cung, Nam Nham cung và Tử Tiêu cung đều lần lượt bị phá hủy. Trương Tam Phong liền dẫn theo đồ đệ đi khai sơn lập giáo, cả sư đồ đều vượt mọi chông gai, trải qua biết bao gian khổ, quét sạch đám tro tàn, dọn sạch đống đổ nát, cuối cùng dựng tạm mái nhà tranh và đặt tên là Ngộ Chân cung.
Vào năm Hồng Vũ thứ 17, tức năm 1384, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương vì mến danh mộ Đạo nên đã xin cầu kiến Trương Tam Phong. Nhưng Trương Tam Phong hành tung bất định, Chu Nguyên Chương muốn gặp mà không sao gặp được. Tới năm Hồng Vũ thứ 24, tức năm 1391, Minh Thái Tổ lại phái người đi khắp nơi tìm cầu Trương Tam Phong nhưng bất thành. Lúc này, Trương Tam Phong đã 144 tuổi rồi.
Sau này Minh Thành Tổ Chu Đệ lại nhiều lần phái sứ thần đến núi Võ Đang nhưng không gặp được Chân nhân. Năm Vĩnh Lạc thứ tư, tức năm 1416, Minh Thành Tổ Chu Đệ phong cho Trương Tam Phong làm Võ Đang Chân nhân. Lúc này, Trương Tam Phong đã 169 tuổi rồi.
“Minh Sử” chép rằng, vào năm Thiên Thuận thứ ba, tức năm 1459, Minh Anh Tông ban chiếu chỉ “Ngự tứ Trương Tam Phong đồng bi”, chiếu phong Trương Tam Phong làm “Thông vi Hiển hóa Chân nhân”. Khi ấy ông cũng đã 212 tuổi rồi.
Trương Tam Phong coi các giá trị nhân nghĩa mà Nho gia đề xướng tương đương với Duyên Hống trong luyện đan của Đạo gia, gọi là “Tiên gia duyên hống tức nhân nghĩa đích chủng tử” (Duyên hống của Tiên gia là hạt giống nhân nghĩa). Ông cho rằng Ngũ hành của Âm Dương gia “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ” đối ứng với Ngũ đức của Nho gia “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” và Ngũ kinh của thân thể con người “Can (gan), phế (phổi), tâm (tim), tì (lá lách), thận (quả thận)”.
Trương Tam Phong cũng từng nói: “Huyền học lấy công đức làm thể, kim đan làm dụng, sau đó mới có thể thành Tiên”.
Lịch sử xoay vần, nhà Minh suy tàn, triều Thanh hưng khởi. Đến những năm Đạo Quang (1821-1850) thời nhà Thanh có một người tên là Lý Hàm Hư, trong lúc tình cờ đã gặp được Trương Tam Phong trên núi Nga My, được Chân nhân chỉ dẫn cho con đường tu hành. Nếu đó là điều chân thật, thì rất có thể khi ấy Trương Tam Phong đã 603 tuổi rồi.
Bởi vì Trương Tam Phong đã đắc Đạo thành Tiên, hành tung bất định, biến hóa khôn lường, vậy nên người đời sau vĩnh viễn không biết được rốt cuộc ông đạt được bao nhiêu năm thọ mệnh.
Vậy nên khi nghĩ về Trương Tam Phong, hậu thế vẫn không ngừng cảm khái: Ông là bậc chân Tiên hành tung thần bí, thiên địa tiêu dao, năm sinh là bí ẩn, thọ mệnh là truyền kỳ…
Nguồn: ntdvn (Minh Hạnh biên dịch)