Ngày xưa, Minh học giỏi và lanh lợi nên năm 18 tuổi, tìm được học bổng toàn phần đến Úc. Xong ĐH, Minh ở lại làm việc, đưa cô em gái sang học rồi cùng định cư luôn, sau đó Minh và em gái lấy quốc tịch, lập gia đình.
Ba mẹ Minh, cô Xuân và chú Tiến là giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam, đến khi nghỉ hưu thì bán nhà sang Úc ở với con. Trong khu dân cư Minh đang ở, người già làm quen với nhau thành một hội nhỏ, cô chú cũng góp mặt, không mấy khó khăn vì tiếng Anh tốt, chỉ có khó trong việc tham dự các lần đi chơi với bạn già.
Người già ở khu cô chú ở, họ đạp xe đi công viên mỗi ngày, thỉnh thoảng lại đi sang Bali, đi các nước khác du lịch, leo núi và chèo thuyền, tích luỹ được nhiêu thì ráng tiêu xài trước khi chết chứ không có để lại cho con cháu nhiều.
Cô Xuân nói cái này thì cô chú chịu, tiền thì có nhưng đi không nổi. Sao họ bằng tuổi mình, thậm chí lớn hơn tuổi mình mà khoẻ thế không biết. Những người trên 80 tuổi, vẫn đạp xe băng băng trong rừng, vẫn vác ba lô đi khắp nơi.
Sinh viên các ĐH ở nước ngoài, họ một buổi học, 1 buổi chạy rầm rập quanh campus hay các ký túc xá hay tự ở trong phòng, cũng tập luyện khí thế. Trong ba lô của họ luôn có 1 bộ đồ thể thao và 1 cái khăn lau mồ hôi.
Thanh niên đi du lịch vòng quanh thế giới với cái ba lô to đùng trên lưng. Có lẽ vì thế nên tuồi già của họ rất chất lượng. Học sinh Nhật Bản hay Hàn Quốc học rất nhiều nhưng vận động cũng nhiều, ngày nào cũng có giờ vận động cân bằng giữa thể chất và trí lực. Thanh niên họ dáng cao ráo, lưng thẳng, nhìn ngon lành lắm.
Cô Xuân chú Tiến cuối cùng chỉ muốn ở nhà, thụ động ngồi chờ con cháu về. Mà công việc xứ người, chỗ ở luôn tách lập với khu chỗ làm, lái xe trên đường rất lâu. Cô nấu cơm xong, ngồi lướt mạng mỏi mắt vợ chồng Minh mới về, cả nhà ăn xong thì ngủ chứ không kịp trò chuyện.
Sau có em bé, Minh dọn đi chỗ khác, cuối tuần chở con cái sang chơi. Trong tuần, cô Xuân nói, từ thứ 2 đến thứ sáu là ngồi trên ghế salon đếm thời gian, coi tin tức ở VN, chỉ vui được 2 ngày thứ 7 chủ nhật.
Lễ nào tụi nó đi du lịch thì thôi luôn, chỉ ngồi buồn, ra vô không biết làm gì. Cô chú không đi du lịch vì đau người, khó ngủ, ngồi máy bay lâu mệt. Mình hỏi ủa phía sau cũng có cái vườn nhỏ nè, sao cô chú không trồng cái gì cho vui mà chỉ để cỏ, chú Tiến nói thôi mỏi, trồng phải chăm phải tưới.
Từ nhỏ cô chú sống ở thị trấn, học hành vô cùng chăm chỉ, chữ nghĩa rất ham, nhưng cái gì vận động đau cơ nhức gân là từ chối tham gia. Chỉ có ăn thì cô chú thấy thoải mái, chú Tiến hóm hỉnh kể vậy. Tủ lạnh đầy ắp thức ăn, bạn bè tụ tập là ăn, gia đình gặp nhau là ăn, là cụng dzô dzô.
Rồi cô chú trổ bệnh. Sáng đau trưa đau chiều nhức tối nhức. Thẻ xanh quốc tịch, nhà biệt thự gì cũng hết ham. Kiến thức, bài học làm người làm giàu gì cũng không muốn đọc nữa. Tiền bạc tích luỹ dùng để đi bác sĩ miết, Minh và cô em ban đầu xin nghỉ phép để đưa đi, sau hết phép nên cô chú tự xoay sở.
Rồi giận rồi hờn, rồi xích mích. Mấy lần cô định về VN, nhưng sợ về thì nhớ con nhớ cháu bên này. Cả ngày cô chú sống trong phiền muộn.
Bạn bè của cô Xuân và chú Tiến ở Việt Nam, những người đồng trang lứa từng kèn cựa với nhau, sáng tối chỉ biết ngồi cắm mặt học để tranh suất vào ĐH khi xưa, giờ gọi điện với nhau kể lể, toàn nói chuyện bệnh và thuốc, bác sĩ và bệnh viện, bày mẹo này mẹo kia để bớt đau.
Tuổi trẻ ngại vận động, sợ đau cơ mỏi gân, thì tuổi già đau đớn. Lúc nhấc tay nhấc chân lên không nổi thì mới tiếc, mới nghĩ “giá như…”. Nhưng đã muộn rồi.
Những người còn trẻ, ngay bây giờ, hãy chuẩn bị cho tuổi già. Chuẩn bị cái gì thì tự hiểu. Tầm nhìn 100 năm, 50 năm, 30 năm….cho cá nhân mình. Sao để mình già, tự do độc lập, không phụ thuộc ai. 90 tuổi vẫn đi nhảy đầm ầm ầm.
Nguồn: Ăn trưa cùng Tony