Phú quý vinh hoa, vàng bạc vạn quan, ngôi cao chức lớn… là những thứ người đời đều mong mỏi. Tuy nhiên, người ta chí hướng khác nhau, ở cảnh giới khác nhau lại có truy cầu hoàn toàn khác nhau, thậm chí người khác không thể nào hiểu nổi…
Trang Tử từ chối làm quan
Trang Tử câu cá bên bờ sông Bộc Thủy. Sở Trang Vương nghe nói Trang Tử là một ẩn sỹ trí tuệ, có nhiều tài hoa, nên đã nghĩ cách để mời ông xuất sơn phò tá vua trị sửa nước Sở. Thế là vua Sở sai hai sứ giả đem theo lễ vật hậu hĩnh đi tìm Trang Tử. Sứ giả đi dọc theo bờ sông tìm đã nhiều ngày, cuối cùng tìm được ông ở một khúc cong bên sông Bộc Thủy.
Trang Tử ngồi bên bờ sông, đầu đội cái mũ cỏ, mắt chăm chăm nhìn mặt sông. Hai sứ giả không dám kinh động Trang Tử, đành nhẹ nhàng bước lên phía trước và nói với ông rằng: “Quốc vương chúng ta biết đại danh ngài, muốn mời ngài đến nước Sở làm tướng quốc, giúp vua Sở lo liệu quốc sự, do đó sai chúng tôi đến mời ngài”.
Trang Tử tay cầm cần câu, không hề nhúc nhích, giống như là không nghe thấy. Hai sứ giả chẳng biết làm thế nào, đành nói lại một lần nữa.
Đợi mãi, Trang Tử mới quay đầu lại nhìn hai sứ giả và nói: “Tôi nghe nói nước Sở có một con rùa Thần, đã chết được 3000 năm rồi. Vua Sở đem nó bỏ vào chiếc hộp quý, thờ cúng nó trong miếu đường, có phải là như thế không?“
Hai vị sứ giả vội gật đầu nói: “Đúng thế, đúng thế!“
Trang Tử lại nói: “Vậy xin hỏi hai vị, con rùa Thần này tình nguyện chết, để lại mai và xương để được người khác tôn thờ hay là nó muốn sống, kéo lê cái đuôi bò trong bùn lầy?“
Hai vị sứ giả không hiểu dụng ý của Trang Tử, lập tức trả lời: “Việc này đâu cần phải nói. Tục ngữ có câu: ‘chết hay không bằng sống dở‘, đương nhiên là thà kéo lê cái đuôi bò trong bùn lầy mà sống còn hơn”.
Trang Tử nghe xong cười ha hả khiến hai sứ giả không hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Đột nhiên Trang Tử ngưng bặt, rồi nói với sứ giả rằng: “Hai ông đi về đi. Hãy nói với vua Sở rằng, tôi thà giống như con rùa kéo lê cái đuôi bò trong bùn lầy chứ không muốn được thờ cúng trên điện đường”.
Lúc này sứ giả mới hiểu ý tứ của Trang Tử, họ lại khuyên rằng: “Sở Vương tặng ngài ngàn lạng vàng, hứa đểngài làm tướng quốc, ngài vẫn cứ đi nhậm chức thì hơn”.
Trang Tử nói: “Ngàn vàng là món lợi lớn, tướng quốc là ngôi vị cao, nhưng các vị chưa trông thấy con bò tế lễ đó sao. Nuôi dưỡng nó lớn lên béo tốt, sau đó mặc cho nó y phục gấm thêu hoa rồi dắt vào thái miếu, sau đó giết nó làm vật cúng tế. Lúc này nó muốn làm một con lợn con côi cút cũng chẳng làm nổi nữa rồi. Các vị đi đi, đừng làm tôi ô nhục, tôi không muốn bị quốc sự trói buộc. Tôi quyết cả đời này không làm quan để thỏa chí hướng mình”.
Hai vị sứ giả không còn cách nào khác, đành phải lủi thủi trở về.
Loài chim sẻ sao có thể biết được chí chim bằng
Khổng Tử nói: “Đạo bất đồng bất tương vi mưu” (Không cùng đạo thì không thể mưu sự cùng nhau được).
Đó là nói về con người trong xã hội có những mục tiêu truy cầu khác nhau, chí hướng khác nhau thì không thể hiểu và không thể mưu sự cùng nhau được.
Đến như Khổng Tử, sau khi gặp Lão Tử còn phải thốt lên: “Ta đã gặp Lão Tử, thấy cảnh giới tư tưởng ông như rồng ngao du trong thái hư huyền ảo, khiến ta cứ há miệng mãi mà không nói ra lời, lưỡi thè ra cũng không thu lại được, khiến cho ta tâm thần bất định, chẳng biết ông rốt cuộc là người hay là Thần nữa”.
Bởi vì Khổng Tử tuy là bậc Thánh nhân nhưng đạo Khổng Mạnh là nhập thế, cũng chỉ bàn về các cảnh giới tầng thứ khác nhau của con người trong thế tục. Còn Đạo Lão Trang lại là xuất thế, vượt siêu xuất cảnh giới của người thường.
Cảnh giới của người tu Đạo được Lý Bạch, thi Tiên, cũng là người tu Đạo đời Đường viết trong bài phú: “Chim bằng gặp chim hiếm” của ông như sau:
Côn hóa thành Đại Bằng, bản thể ngưng kết thành phôi thai hỗn độn. Thoán rụng vây trên hải đảo, trước cổng trời giương cánh, Bột Hải trỗi vạn dặm sóng xuân, bay về phía đông nơi triều dương ấm áp. Lừng lẫy vũ trụ, bay vút cao vượt Côn Luân. Mỗi lần vỗ cánh, khói mây mù mịt, đất cát mịt mù. Ngũ Nhạc vì thế mà rung chuyển, trăng sông vì vậy mà sạt trôi.
Đạp đất vút lên, xông thẳng thiên không, xuyên chín tầng mây, vượt qua trùng dương, bắn ra ba ngàn con sóng lớn, bay vọt chín vạn tầng trời xanh. Sống lưng như dãy núi nguy nga, đôi cánh như mây dài ngang dọc. Lắc lư xoay tròn, khuấy đảo, bỗng chốc sáng rực, đột ngột tối mù.
Thân thể cường tráng bay xuyên các tầng trời, bay đến cổng trời cao vòi vọi. Làm chấn động thiên giới hỗn nguyên, bùng lên vạn sấm sét lôi đình. Tinh tú dịch chuyển, thiên thượng động, núi cao rung động, biển lớn lộn nhào. Nổi giận, chẳng ai dám đánh nhau với nó. Xưng hùng, chẳng ai dám cùng nó cạnh tranh. Phảng phất có thể thấy khí thế và dáng vẻ oai hùng của nó.
Chân có cầu vồng bao quanh, mắt sáng như nhật nguyệt. Bay lượn xoay tròn, vun vút như chớp nhoáng. Phun khí, bốn phương rực sáng mây màu. Rũ lông, ngàn dặm tuyết hoa bay. Từ nơi hoang sơ cực bắc, bay đến cực nam. Hoặc vung cánh xoay tròn, hoặc cưỡi gió bay thẳng. Bắc cực Chúc Long ngậm Hỏa Tinh chiếu sáng cho nó, Thần phóng điện vung roi dài vì nó mở đường.
Ba trái núi chỉ là mấy hòn đất, ngũ hồ chỉ như mấy bát nước. Nó động thì có Thần hưởng ứng, nó đi thì có Đạo tùy tùng. Nhiệm Công Tử nhìn thấy chẳng buông câu, Hữu Cùng Thị không dám giương cung bắn tiễn, ném cần câu, vứt cung tên, chỉ biết ngửa mặt lên trời kêu kinh ngạc.
Dáng nó oai hùng hoành tráng, che cả đất trời. Trên chạm trời xanh, dưới trùm mặt đất. Bàn Cổ khai thiên nhìn mà cũng chẳng biết làm sao, Hy Hòa dựa mặt trời chỉ biết nhìn than thở. Tám phương trời cảm thọ khí thế ngút trời, tứ hải quá nửa bị che khuất.
Ngực nó chắn mặt trời như màn đêm che phủ, mịt mù như lúc trời đất chửa khai thiên. Đột nhiên thân thể lật nghiêng quay tròn bay, lập tức thấy ráng chiều phổ chiếu, mây khói tiêu tan.
Sau bay tận 6 tháng chỉ nghỉ có 1 lần, hạ xuống bờ biển. Bỗng bay ngang che kín mặt trời, bỗng từ trên trời lao thẳng xuống. Hơi thở khắp vô biên đồng nội, mỏ mổ giữa hồ lớn mênh mông.
Nó bay dũng mãnh, gió lốc nổi lên, biển xanh gào thét, núi biếc đổi màu. Thủy thần Thiên Ngô kinh hoàng kiếp sợ, Đông Hải Thần run sợ bất an. Cự Ngao đội núi còn giấu đầu tháo chạy, Trường Kình nhào lộn cũng ẩn dưới biển sâu. Ngao co đầu, Kình giấu râu, chỉ nhìn còn không dám. Tôi cũng chẳng ngờ nó lại thần kỳ quái dị như thế này, đó là Tạo Hóa làm ra vậy!
Đại Bằng đâu sánh cùng Hoàng Hộc đảo Bồng Lai, khoe xiêm y vàng bạc với cúc vàng? Đại Bằng cũng thẹn thấy Phượng Hoàng Thương Ngô, khoe bộ lông rực rỡ hoa vân. Những loài chim này, đã bị Thần Tiên sai khiến, đã thuần phục trong lồng cả rồi.
Tinh Vệ cần cù ngậm cành lấp biển, Viên Cư bi sầu chẳng uống ăn. Thiên Kê trên cây bàn đào báo sáng, Kim Ô phát sáng giữa mặt trời. Chẳng thể khoáng đạt thỏa thích, lại câu nệ thủ thường thế này? Đều chẳng được như Đại Bằng tiêu dao, chẳng có loài nào sánh nổi với Đại Bằng.
Đại Bằng chẳng kiêu căng hung bạo, luôn luôn thuận thời ứng thế. Tham ngộ Đại Đạo, trường thọ diên niên, uống no nguyên khí của trời đất. Ở Dương Cốc nơi mặt trời mọc đùa giỡn bồi hồi, du ngoạn Viêm Châu nơi Nam Hải, thỏa sức vẫy vùng.
Chẳng bao lâu, con Chim Hiếm gặp Đại Bằng, nói: “Đại Bằng vĩ đại thay! Thật là thỏa chí. Cánh phải của tôi che kín cực Tây, cánh trái phủ kín cõi Đông, vượt qua đất lớn, bay lượn vòm trời, lấy mơ màng làm tổ, lấy hư vô làm chỗ chơi. Tôi mời anh du ngoạn, tôi với anh cùng bay”.
Đại Bằng đồng ý, vui vẻ đi cùng. Hai con chim khổng lồ này đã bay vào thiên không bát ngát, mà mấy con chim sâu nhỏ bé lại đứng bên bờ giậu cười chê”.
Nguồn: ntdvn (Trung Hòa)