23 vạn quân bị 3 vạn quân Chu Du đánh cho tan tác, vì sao Tào Tháo nói: “Ta thua cũng không mất mặt”?
Ngay cả một người rất ít bại trận như Tào Tháo, sau khi đại bại ở Xích Bích trở về Hứa Đô, cũng phải than rằng: “Ta thua cũng không mất mặt!” Điều này đủ để thấy nội tâm của Tào Tháo cũng tán thán đối với mưu lược của Chu Du như thế nào.
Có lẽ do ảnh hưởng của “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, rất nhiều người cho rằng Chu Du là người có nhiều tính xấu như “tâm địa hẹp hòi”, “ghen ghét người tài”, nhưng điều đó hoàn toàn trái ngược với lịch sử chân thật. Chu Du không chỉ có dung mạo tuấn tú, ôn hòa nho nhã, học đủ thi thư, tinh thông binh pháp, am hiểu âm luật, hơn nữa lại độ lượng rộng rãi, tuổi còn rất trẻ đã có hùng tài đại lược, vì thế mới được Lưu Bị gọi là “Tài năng trên muôn người”.
Khí chất phi phàm, cao cả độ lượng
Trong “Tam Quốc Chí” ghi chép, Chu Du sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc ở huyện Thư thuộc Lư Giang (chính là tỉnh An Huy ngày nay), ông nội là Chu Cảnh, bác là Chu Trung đều đã từng làm Thái Úy thời Đông Hán (một trong chín chức khanh), phụ thân Chu Dị thì từng làm huyện lệnh Lạc Dương, có thể nói là môn đình hiển hách.
Trong sử có ghi chép, Chu Du thuở thiếu thời đã tinh thông âm luật, ông gảy đàn rất hay, cho dù sau khi đã uống ba chung rượu, người đánh đàn chỉ cần sai một nốt nhạc thì ông đều có thể nhận ra được, cũng sẽ lập tức quay đầu chỉ điểm cho người ta. Bởi vì Chu Du có tướng mạo anh tuấn, nên những cô gái đánh đàn vì muốn được ông để mắt đến, thường cố ý đánh sai nốt nhạc. Dân gian bởi vậy lưu truyền câu “Khúc hữu ngộ, Chu Lang cố” (khúc nhạc nhầm, Chu Lang nhìn).
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Chu Du được miêu tả thành một con người có lòng dạ hẹp hòi, luôn đố kỵ với Gia Cát Lượng, nhiều lần muốn hãm hại Khổng Minh vào chỗ chết. Tuy nhiên, sự thật lịch sử là, những cái gọi là Chu Du đố kỵ Không Minh, Khổng Minh ba lần chọc tức Chu Du, dẫn đến Chu Du trước khi chết phải thốt lên “Đã sinh Du, sao còn sinh Lượng”…, tất cả đều là hư cấu. Chu Du thật sự là một con người có khí chất phi phàm, lòng dạ rộng lớn, cao cả độ lượng.
“Tam Quốc Chí” ca ngợi Chu Du “khí chất phóng khoáng, là người xuất sắc… thực sự kỳ tài.” Ông chiêu hiền đãi sĩ,được mọi người vô cùng yêu mến. Và câu chuyện về Chu Du và đại tướng Trình Phổ được ghi chép trong “Giang Biểu truyện” càng nói rõ hơn về điều này.
Trình Phổ là lão thần Đông Ngô, từng theo Tôn Kiên vào sinh ra tử, lập được nhiều chiến công hiển hách. Ông nhìn thấy Chu Du trẻ tuổi xuất thân gia thế hiển hách và đắc chí, cho nên trong lòng cảm thấy khó chịu, cho rằng Chu Du chỉ dựa vào cái bóng của tiền nhân. Vì thế, ông thường thể hiện vẻ mặt hung hăng khó chịu trước mặt Chu Du, cũng nhiều lần hạ nhục Chu Du. Chu Du hoàn toàn không để bụng, ngược lại càng thể hiện cung kính đối đãi với Trình Phổ, vì lợi ích của quốc gia dân tộc mà hết mực nhường nhịn. Vì vậy, Trình Phổ sinh lòng cảm động, càng tỏ ra kính trọng đối với Chu Du, cũng nói với mọi người xung quanh rằng: “Cùng Chu Công Cẩn kết giao, giống như là uống rượu ngon vậy, không biết là mình đã say mê hắn từ khi nào.”
Có thể để cho một lão thần tâm khí cao ngạo như Trình Phổ tin phục ca ngợi, đủ thấy được tấm lòng rộng rãi và nhân cách cao thượng của Chu Du. Một người như vậy, làm sao có thể ghen ghét đố kỵ với Gia Cát Lượng?
Trong sử còn ghi chép chuyện Tưởng Cán đi du thuyết Giang Đông nhưng không thể thuyết phục được Chu Du, bèn trở về bẩm báo với Tào Tháo, nói rằng Chu Du “độ lượng cao thượng, không phải chỗ nói chơi được”. Còn khi Lưu Bị đến Kinh Khẩu mượn Kinh Châu, từng nói với Tôn Quyền về Chu Du, nói rằng ông “văn võ song toàn, là tinh anh của muôn người”. Ngoài ra, Chu Du từng cho Lưu Bị mượn hai nghìn quân, đây cũng không phải là việc mà một người có lòng dạ hẹp hòi có thể làm được.
Trong “Dung Trai tùy bút” của Hồng Mại thời Nam Tống nói rằng, những tướng soái cầm quân từ xưa đến nay, có rất ít người không tự cao tự đại, không đố kỵ người hơn mình, nhưng “Tứ anh tướng của Tôn Ngô”, tức Chu Du, Lỗ Túc, Lữ Mông và Lục Tốn, đều không phải là người như thế; Chu Du cực lực đề cử Lỗ Túc chính là một ví dụ điển hình. Ngoài ra, từ những ca từ của đại văn học gia Tô Thức được trích dẫn ở phần mở đầu, có thể khẳng định rằng, ít nhất là cho đến đời Tống, hình tượng Chu Du vẫn vô cùng chính diện; thế nhưng bắt đầu từ triều Nguyên, hình tượng Chu Du đã bị bóp méo, ảnh hưởng tới người đời sau.
Đại chiến Xích Bích – Chu Du oai hùng
Trận đại chiến Xích Bích nổi tiếng trong lịch sử về việc lấy ít địch nhiều, tài năng quân sự của Chu Du được đẩy lên một đại vũ đài mới, cũng khiến cho tên tuổi của ông lưu truyền hậu thế. Nguyên do là vì trận chiến Xích Bích này là trận chiến có tính quyết định dẫn đến việc hình thành thế chân vạc của Tam quốc. Không có Chu Du, trận chiến Xích Bích không thể thắng lợi, thậm chí sẽ không có trận Xích Bích trong lịch sử. Bởi vì khi đó quân của Lưu Bị căn bản là không có thực lực để có thể chiến thắng quân Tào.
Mùa xuân năm 208, Chu Du thống lĩnh đại quân chiếm lĩnh được Giang Hạ. Tháng 9, đại quân của Tào Tháo cũng chiếm được Kinh Châu. Quân Đông Ngô và quân Tào một bên dàn quân ở phía Nam sông Trường Giang, một bên dàn quân ở phía Bắc sông Trường Giang, cuộc chiến hết sức cam go căng thẳng. Tào Tháo mang theo chí lớn muốn nhất thống thiên hạ với hơn 23 vạn thủy và lục quân, ý đồ muốn thôn tính Đông Ngô.
Đối diện sự áp sát của đại quân Tào Tháo, nội bộ Đông Ngô xuất hiện hai phái, chủ chiến và chủ hòa. Phái chủ hòa cho rằng Tào Tháo danh chính ngôn thuận, hơn nữa lực lượng quân sự hùng mạnh, Đông Ngô không đỡ nổi một kích; nhưng Chu Du, người được Tôn Quyền triệu hồi thì chủ trương ra sức chống Tào. Khác với trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” từng miêu tả Gia Cát Lượng khẩu chiến đám nho sinh và kích tướng khiến Chu Du trúng kế; trong chính sử ghi chép rằng Chu Du ra sức dẹp bỏ nghị luận của mọi người, đồng thời có những phân tích sắc sảo.
Đầu tiên, Chu Du nói với Tôn Quyền: “Tướng quân với uy vũ oai phong, cộng thêm sự trung liệt của cha và anh. Cát cứ Giang Đông, nơi đây đất đai mấy nghìn dặm, binh tinh đủ dùng, anh hùng lạc nghiệp, còn đang tung hoành thiên hạ.” Tiến đến, lại chỉ ra rằng quân Tào không quen thủy chiến, hơn nữa mùa đông giá rét, ngựa không đủ cỏ, binh sĩ lặn lội đường xa không quen thủy thổ, nhất định sẽ sinh bệnh, mà đây là điều đại kỵ trong việc dùng binh.
Chu Du ước tính rằng Tào Tháo mang 15 đến 16 vạn quân từ phía bắc và thu được 7 đến 8 vạn quân từ Kinh Châu, tổng cộng hơn 23 vạn quân, 80 vạn là không thể Chu Du xin lệnh Tôn Quyền khiêu chiến, cho rằng đội quân tinh nhuệ gồm 5 vạn quân có thể chống lại quân Tào.
Tôn Quyền nghe xong rất vui mừng, ông nói: “Năm vạn binh nhất thời khó tập hợp đủ, hiện tại tuyển chọn trước 3 vạn đã, để huynh và Tử Kính, Trình Công đi nghênh địch trước”. Chu Du liền nhậm chức Chủ soái tả đô đốc, đem quân ngược Trường Giang lên phía Tây, cùng với quân của Lưu Bị hội hợp, cùng nhau đối phó quân Tào.
Cuộc chiến sau đó cũng đã chứng minh được tài năng quân sự trác việt, con mắt tinh tường và mưu lược dũng cảm của Chu Du. Chu Du lĩnh ba vạn thủy quân một mình đối mặt 15 vạn đại quân của Tào Tháo, lấy một chọi năm, đúng là giữa lúc nói cười, khiến quân địch “tan thành mây khói”.
Sử ghi chép, sau khi liên quân Tôn-Lưu hội hợp, đã gặp quân tinh nhuệ của Tào Tháo tại Xích Bích. Bởi vì Chu Du chỉ huy rất thoả đáng, thêm nữa binh sĩ quân Tào không hợp phong thổ, lại không quen thủy chiến, cho nên liên quân Tôn-Lưu đã giành được thắng lợi. Quân Tào tạm thời lui về. Sau đó, quân Tào một mặt huấn luyện thuỷ quân, mặt khác để giải quyết vấn đề lục quân phương Bắc không quen thuỷ chiến, Tào Tháo hạ lệnh đem dây xích liên kết toàn bộ tàu chiến thành một khối.
Hoàng Cái liền đề nghị với Chu Du: “Hiện nay quân tào dùng xích sắt liên kết tàu chiến lại với nhau, chúng ta có thể dùng hỏa công để đối phó bọn họ.” Chu Du cho rằng kế này rất hay, liền để Hoàng Cái viết thư cho Tào Tháo giả hàng, cũng ước định thời gian đầu hàng cẩn thận. Tào Tháo sau khi xem thư xong, cho rằng ngay cả lão thần Hoàng Cái cũng muốn đầu hàng như vậy, Tôn Quyền sắp tới có thể phá rồi.
Sau đó, Chu Du chuẩn bị cho Hoàng Cái mười chiến thuyền con, bên trong chất đầy lưu huỳnh và cỏ khô lau sậy đã tẩm qua dầu mỡ, phía trên dùng vải dầu phủ kín, đằng sau mỗi chiếc chiến thuyền lại buộc thêm một chiếc thuyền nhẹ. Đến buổi đêm hẹn trá hàng đó, lại có ông trời trợ giúp, trời bỗng nhiên nổi lên gió Đông Nam.
Khi thuyền trá hàng chạy tới cách doanh trại quân Tào chừng hai dặm, Hoàng Cái hạ lệnh các thuyền đồng thời châm lửa, sau đó tất cả nhảy lên chiếc thuyền phía sau, chặt đứt dây thừng nối với thuyền lửa. Cuối cùng quân Tào đại bại, chết và bị thương hơn phân nửa.
Chu Du, vị tổng chỉ huy đại chiến Xích Bích, oai hùng dũng mãnh, đã giành được chiến thắng quan trọng, danh chấn Tam quốc. Ngay cả một người rất ít bại trận là Tào Tháo sau khi trở về Hứa Đô, cũng phải than rằng: “Ta thua cũng không mất mặt!” Đủ để thấy nội tâm của Tào Tháo cũng tán thán đối với mưu lược của Chu Du. Còn chuyện Gia Cát Lượng “thuyền cỏ mượn tên”, “đăng đàn mượn gió Đông” trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, trong chính sử là hoàn toàn không có.
Sau đại chiến Xích Bích, Lưu Bị thừa dịp Chu Du và Tào Nhân đang giằng co tại Giang Lăng, đã giành được 4 quận phía nam của Kinh Châu. Vì để tăng cường liên minh Tôn-Lưu, Tôn Quyền đem em gái của mình gả cho Lưu Bị. Chu Du đã liệu trước Lưu Bị ngày sau tất thành đại sự, liền khuyên Tôn Quyền giữ Lưu Bị ở lại Đông Ngô, nhưng Tôn Quyền không nghe theo.
Về sau, Chu Du lại đề nghị Tôn Quyền tranh thủ thời cơ Tào Tháo mới bị bại trận để tiến công Ích Châu giành lấy Ba Thục, lại cùng liên minh với Tây Lương Mã Siêu để đoạt lấy Tương Dương, rồi tấn công Tào Tháo; Tào Tháo một khi bị phá, đối với Lưu Bị sẽ không có gì phải lo lắng. Suy nghĩ này không bàn mà hợp ý với Gia Cát Lượng. Tôn Quyền cảm thấy chủ ý này không tệ, liền để Chu Du về Giang Lăng chỉnh đốn binh mã.
Năm 210, Chu Du trên đường trở về Giang Lăng thì mắc bệnh nặng, nhưng ông vẫn hết sức gắng gượng đi tới Ba Khâu để chỉnh đốn quân đội. Sau đó đại quân Đông Ngô xuất phát, nhưng không lâu thì Chu Du qua đời vì bệnh, khi đó ông mới có 36 tuổi.
Tôn Quyền nghe tin Chu Du qua đời thì vô cùng đau khổ, khóc nói: “Công Cẩn có tài phò Vương, lại đột nhiên đoản mệnh mà chết, về sau ta biết dựa vào ai?” Ông đích thân mặc đồ trắng cử hành tang lễ cho Chu Du, cũng đến Vu Hồ đón linh cữu Chu Du về an táng trên đất Ngô.
Năm 229, Tôn Quyền xưng Đế. Sau khi xưng Đế, Tôn Quyền lại nói với các quần thần: “Cô phi Chu Công Cẩn, bất đế hĩ.” Ý là nếu như không có Chu Du, thì ông không lên ngôi Hoàng đế được.
Trong “Tam quốc danh thần tán tự”, Viên Hồng triều Đông Tấn đã viết rằng: “Công Cẩn anh đạt, lãng tâm độc kiến”, “Trác trác nhược nhân, diệu kỳ Xích Bích.” Ý rằng, Công Cẩn anh tài thông đạt, tấm lòng trong sáng và có cách nhìn độc đáo; Con người trác tuyệt, làm nên trận Xích Bích diệu kỳ. Chu Du tuy tráng niên đã mất sớm, nhưng nước sông Trường Giang dẫu chảy cuồn cuộn, cũng không thể làm phai nhòa tư thế anh dũng oai hùng, “trong khi nói cười, thuyền địch đã tan thành mây khói” của Chu Lang năm nào.
Khải Minh biên tập
Nguồn: epochtime