Blog
3 giấc mơ kỳ diệu dự báo về nguồn gốc và cuộc sống phi thường của Tả Tông Đường
Tả Tông Đường (1812-1885), là một danh tướng kiệt xuất, một trọng thần cuối triều Thanh và là nhân vật tiêu biểu của phong trào Dương Vụ. Ông cùng với Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương, và Trương Chi Động được xưng là “Vãn Thanh Tứ đại Danh thần”.
Tả Tông Đường đã lập được rất nhiều công trạng gắn với những giấc mơ được báo trước. Trong số những câu chuyện về Tả Tông Đường, có ba giấc mơ kỳ diệu, xin được giới thiệu ngắn gọn như sau.
Giấc mơ kỳ lạ khi sinh ra
Theo ghi chép của Tả Hiếu Đồng, con trai của Tả Tông Đường, trong “Tiên khảo sự lược”, vào ngày Tả Tông Đường ra đời, bà nội ông là bà Dương, đã gần 80 tuổi, mơ thấy một vị thần từ trên trời hạ xuống sân nhà, tự xưng là “Khiên Ngưu Tinh”.
Bà cụ giật mình tỉnh giấc, đúng lúc đó, tiếng khóc của một đứa trẻ vang lên từ phòng bên cạnh, một cậu bé mới được sinh ra. Cậu bé mới sinh này chính là Tả Tông Đường. Bà Dương hiểu rằng đứa trẻ này có nguồn gốc phi thường; dần dần câu chuyện Tả Tông Đường là “Khiên Ngưu Tinh hạ phàm” được lan truyền rộng rãi.
Giấc mơ báo trước về cuộc đời
Theo ghi chép của vị đại thần nổi tiếng cuối triều Thanh, Tiết Phúc Thành (1838-1894), trong “Dung Am bút ký” rằng, khi còn trẻ, Tả Tông Đường đã có một giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ, ông tham gia kỳ thi khoa cử, dù cảm thấy bài viết của mình khá tốt nhưng vẫn không thể đỗ tiến sĩ. Lúc đó, triều đình gặp nạn, cuộc nổi dậy và chiến tranh loạn lạc khắp nơi, vì thế ông quyết định từ bỏ văn chương để theo võ nghiệp. Sau đó, ông lập được nhiều chiến công, tự mình chống đỡ một phương, được phong tước năm bậc. Sau khi chiến đấu qua nhiều tỉnh, ông bất ngờ được điều động đến Tây Bắc để chiến đấu. Trong giấc mơ, Tả Tông Đường cảm thấy con đường về Tây Bắc đầy đá tảng và hiểm trở. Ông chỉ huy quân đội chiến đấu ở Tây Bắc, tung hoành vạn dặm, tiến sâu vào lãnh thổ, đánh bại kẻ địch, thu hồi đất đai, danh tiếng ngày càng lớn, được triều đình phong thưởng, vinh quang trở về quê nhà, rồi tỉnh giấc.
Khi tỉnh dậy, Tả Tông Đường biết rằng giấc mơ này không hề bình thường. Những lần thi khoa cử sau đó, ông đều không đỗ tiến sĩ, nên quyết định không thi nữa. Sau này, ông theo làm môn khách của Tuần phủ Hồ Nam Trương Lương Cơ và Lạc Bỉnh Chương, trở thành quân sư của họ, các kiến nghị của ông đều được chấp nhận. Sau đó, ông được đề cử trở thành Tuần phủ Chiết Giang, dẫn quân đánh chiếm Hàng Châu, đến Tây Hồ, ông phát hiện ra mọi thứ trước mắt đều là những gì đã thấy trong giấc mơ. Sau đó, ông tiếp tục chiến đấu khắp nơi, và mọi nơi ông đến đều trùng khớp với giấc mơ.
Khi chiến tranh bùng nổ ở Tân Cương, có người cho rằng Tân Cương quá xa, vận chuyển vật tư khó khăn, và phản đối việc xuất binh. Tả Tông Đường nhớ lại những tình huống trong giấc mơ về việc chiến đấu ở Tây Bắc, kiên quyết chống lại mọi ý kiến, dẫn quân xuất chinh và quả nhiên lập được công trạng to lớn.
Người ghi chép lại câu chuyện này, Tiết Phúc Thành, cuối cùng cảm thán rằng: “Mỗi thành tựu, mỗi vinh quang của con người đều không thể thoát khỏi định mệnh, huống chi là những kỳ công vĩ đại như của Tả công!”
Giấc mơ gặp Thành Hoàng
Trên đường Tây chinh, khi đi qua một vùng ở Cam Túc, Tả Tông Đường nghe nói rằng có nhiều bầy sói hoang hại người và gia súc, khiến người dân ở đó rất khổ sở. Ông quyết định tiêu diệt mối họa từ sói. Do bầy sói thường di chuyển không cố định, binh lính vây bắt nhiều lần nhưng không thành công. Có người nảy sinh ý định rút lui và nói với Tả Tông Đường rằng, vấn đề sói hoang là do thần Thành Hoàng quản lý, con người không thể giải quyết được. Ý của họ là muốn Tả Tông Đường ngừng săn bắt bầy sói. Tả Tông Đường nói, nếu chuyện này thuộc quyền quản lý của thần Thành Hoàng, thì ông sẽ mời thần Thành Hoàng ra mặt.
Thế là, Tả Tông Đường dẫn quân đến miếu Thành Hoàng địa phương, lột áo mũ, trói tượng thần Thành Hoàng ra ngoài cổng, rồi nói với tượng Thần: “Bầy sói hoành hành, gây hại cho dân, ngài phải quản lý. Nếu ngài để chúng hại người, ta sẽ xử theo quân pháp, không khoan nhượng!”
Thực ra, Tả Tông Đường không tin vào Thần linh, chỉ là ông muốn làm cho binh sĩ thấy quyết tâm tiêu diệt sói của mình. Nhưng không ngờ đêm đó, ông mơ thấy Thần Thành Hoàng. Thần Thành Hoàng nói với ông rằng, bầy sói gây hại không phải do tôi quản lý, tôi cũng khổ sở vì chúng. Dù tôi không thể quản lý chúng, nhưng tôi biết hang ổ của chúng ở đâu.
Sau khi tỉnh dậy, Tả Tông Đường đi theo chỉ dẫn của thần Thành Hoàng, và quả nhiên tìm được hang sói, tiêu diệt chúng trong một trận. Từ đó, Tả Tông Đường biết rằng Thần linh là có thật, và không dám bất kính với Thần nữa.
Ba giấc mơ kỳ lạ gắn liền với cuộc đời của Tả Tông Đường này có ý nghĩa phi thường đối với người đương thời. Trong giấc mơ đầu tiên, bà nội của Tả Tông Đường thấy ông là sao Khiên Ngưu hạ phàm. Thực ra không chỉ mình Tả Tông Đường, mà nguyên thần của mọi người trên thế gian này đều đến từ Trời, chỉ là trải qua luân hồi ở nhân gian. Mong rằng mọi người đều có thể tỉnh táo, phân biệt thiện ác, tìm đường trở về.
Trong giấc mơ thứ hai, Tả Tông Đường khi còn trẻ đã thấy toàn bộ cuộc đời mình. Ai có thể ngờ rằng một thanh niên bình thường lúc đó lại lập được công lao lớn như vậy? Điều này cho thấy cuộc đời con người đều do Thần sắp đặt, đều có số mệnh.
Trong giấc mơ thứ ba, Tả Tông Đường, vốn không tin vào Thần, cuối cùng biết rõ Thần là có thật. Điều này cho thấy thuyết vô thần là sai lầm và sự tồn tại của Thần là không thể nghi ngờ. Và những điều khoa học chưa phát hiện ra không phải là không tồn tại, mà là cần được khám phá và nghiên cứu thêm.
Bảo Châu biên dịch
Nguồn: Secretchina (Trần Cương)