Người sống trên đời luôn có luật nhân quả chi phối. Tục ngữ có câu: “Nợ thì phải hoàn trả, đây là việc thiên kinh địa nghĩa”. Chỉ có điều, những thứ mà con người nợ khi sống trên đời không chỉ có tiền bạc mà còn có tình cảm. Mọi người thường nói rằng nợ ân tình khó trả. Tuy nhiên lại không ai nói rõ được vì sao khó trả.
Tài sản của một người có thể biểu hiện ở phương diện vật chất nhưng cũng có thể biểu hiện ở phương diện tinh thần. Ở góc độ vật chất thì chúng ta có thể nhìn được khá rõ ràng, tuy nhiên ở phương diện tinh thần lại tương đối khó thấy hơn. Bởi vì chỉ khi đối diện với nguy nan, tài phú tinh thần mới được biểu lộ ra. Duyên phận khiến mỗi người chúng ta gặp nhau, nợ nần làm người ta vướng víu. Sinh sống trong cõi hồng trần này, ai cũng không thể thoát được lưới tình rộng lớn.
Nếu nói thứ không ngừng thay đổi chính là thời gian thì thứ đã hình thành mà khó lòng thay đổi chính là nhân tính. Đời người ngắn ngủi mấy mươi năm, đi đến cuối cùng, dù thuận lợi hay trắc trở, mọi thứ cũng về không, đến khi kết thúc, không nợ nần gì nữa thì mới có thể rời đi thanh thản. Cho nên, người sống trên đời cần hiểu rõ, có những món nợ có thể trả hết, có những món nợ một khi đã mắc thì không thể trả đủ. Có một số khoản nợ trong đời không thể mắc, một khi mắc thì cả đời không thể trả, đặc biệt là 4 món nợ dưới đây.
Món nợ tình thân
Người xưa thường nói: “Trăm thiện hiếu đứng đầu”. Là một con người, ngay cả công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ cũng không báo thì người này hẳn là vô cùng ích kỷ.
Con người có tình cảm, có đạo đức thì mới biết thế nào là đúng mực. Nếu như mọi người đều dùng luật lệ để ước thúc, như vậy sẽ khiến cho xã hội này trở thành một mớ hỗn độn. Bởi vì luật lệ luôn không hoàn chỉnh. Mỗi người đứng ở góc độ khác nhau nhìn nhận luật lệ cũng không giống nhau, các điều khoản có trăm chỗ sơ hở. Kín không kẽ hở chỉ có tình cảm.
Huyết thống tình thân không phải là thứ đồ vật. Cha mẹ yêu thương con sẽ cho đi vô điều kiện mà không cần hồi báo. Sẽ thật nực cười nếu con cái yêu thương cha mẹ mà phải đặt lên bàn cân đong đếm.
Về tình cảm gia đình, trong cuốn “Thế giới con người” có một câu nói như thế này: “Trên đời này, thật sự chỉ có một số ít người mà bạn thực sự quan tâm và đồng thời họ cũng quan tâm đến bạn. Những người này chính là cả thế giới của bạn”. Thế giới này tưởng chừng rất rộng lớn nhưng chân chính thuộc về mỗi cá nhân lại rất nhỏ bé. Nếu như trong thế giới nhỏ của bản thân vẫn không minh bạch các khoản đã nợ, vậy thì quãng đời còn lại chúng ta sẽ sống trong sự bài xích của người xung quanh.
Chúng ta có thể nợ tiền nhưng không thể nợ tình thân. Chỉ những người không còn cơ hội trả nợ mới cảm nhận được nỗi thống khổ khi “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn báo đáp công ơn nuôi dưỡng mà cha mẹ chẳng còn”.
Món nợ tình yêu
Trên mạng có lưu truyền câu nói như vậy: “Bậc trí giả không nhập bể tình”. Nghia là người hiểu biết không rơi vào lưới tình. Rất nhiều người đã đồng cảm với câu nói này, bởi họ từng vì yêu mà tâm trí náo loạn, ‘đầu não’ rối bời và bị mắc kẹt trong hận thù. Đối với hầu hết mọi người, điều mà họ không bao giờ có thể quên trong cuộc đời này có lẽ chính là những tiếc nuối trong quá khứ.
Món nợ tình yêu luôn phức tạp và không bao giờ trả được. Đối với tình cảm trong quá khứ, một đao chặt đứt, quá mức tuyệt tình, quả thực khó có thể làm được. Món nợ tình yêu sẽ càng nợ càng nhiều, càng dây dưa càng vướng víu.
Trên đường đời, càng có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm sống càng nhiều, càng đi sẽ càng tốt đẹp. Trên con đường tìm kiếm tình yêu, càng có nhiều trải nghiệm thì càng mất hy vọng, con đường phía trước càng đi càng gập ghềnh.
Sau khi mắc nợ tình yêu, dù trước là do giỏi thay đổi hay đó chỉ là chấp niệm thì đến lúc này cũng không còn trọng yếu nữa, không ai còn bận tâm đến nỗi khổ tâm năm xưa, những thứ mà họ nhắc đến sau này đều là những đau đớn mà món nợ mang lại.
Người sống trên đời chớ để bản thân mắc nợ tình yêu. Đào hoa quá nhiều sẽ khiến bản thân gặp kiếp nạn, thời gian đời người ngắn ngủi, chỉ đủ yêu một người mà thôi. Hư tình giả ý sẽ khiến người khó có được những kỷ niệm đẹp.
Món nợ ân tình
Chúng ta sẽ trải qua nhiều sự tình trong cuộc sống và gặp gỡ nhiều người. Mỗi trải nghiệm đều có niềm vui xen lẫn nỗi buồn, trong các cuộc gặp gỡ cũng có khi gặp được người tốt, cũng có khi gặp phải người xấu. Trên đường đời chúng ta cũng sẽ đối mặt với những khó khăn khác nhau, vượt qua được cũng có thể là do ý chí và sức mạnh của bản thân, cũng có thể là nhờ vào sự giúp đỡ của người khác.
Người sẵn sàng giúp đỡ khi chúng ta gặp khó khăn chính là ân nhân. Trên đời này không có yêu hay hận vô cớ, người sẵn lòng giúp đỡ đều có lý do nhất định, cũng có thể là bởi yêu mến, cũng có thể là bởi không nỡ, dù là xuất phát từ nguyên nhân nào, ở sâu trong nội tâm đều khao khát những nỗ lực bản thân bỏ ra sẽ nhận được sự tán thành cũng như sự báo ân.
Nợ nần có thể khiến chúng ta cảm thấy bất an. Chỉ có điều loại bất an này đến cũng không định rõ thời gian. Người thanh tỉnh sẽ cố gắng hết sức để báo đáp lòng tốt của người khác trong thời gian sớm nhất, còn người hồ đồ thường đợi đến khi cuộc đời đưa ra lời cảnh báo mới chợt nhận ra bản thân không còn thời gian, chỉ biết tiếc nuối những cơ hội đã bỏ lỡ. Cho nên, sống trên đời chớ nợ ân tình. Giúp đỡ người là tu dưỡng của đối phương còn báo ân người là phẩm chất của chính mình.
Món nợ đạo đức
Có những con đường một khi đã bước đi là không thể quay đầu. Mỗi người phải có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Người có thể nghèo nhưng không thể không có lương tâm. Có một số người trong vô tri mà đưa ra những lựa chọn sai lầm, khiến cho vết nhơ cuộc đời không thể nào xóa được.
Nghèo không có gì sai, nhưng vì muốn thoát nghèo mà làm trái lương tâm, coi thường đạo đức là một sai lầm lớn. Một niệm có thể đưa người lên thiên đường, một niệm cũng có thể lôi người xuống địa ngục, một niệm sai lầm cũng có thể thay đổi quỹ đạo của cả cuộc đời.
Bất luận là làm gì ở thời điểm nào cũng chớ vi phạm đạo đức. Nhất là người đã trên 50 tuổi. Làm một người bình thường trong sạch đã rất khó, sống qua mấy chục mùa xuân hạ thu đông, cảnh sắc cuộc đời sớm đã nhìn rõ, những năm tháng còn lại chẳng biết được bao lâu, điều này khiến người cũng phải đau lòng, cho nên đối mặt với những việc làm vi phạm đạo đức cần phải tỉnh táo.
Đạo đức là điểm mấu chốt để làm người, cũng là nguyên tắc đối nhân xử thế. Một khi thiếu nợ, dù là người khác có nhìn thấy hay không, nội tâm của bản thân nhất định phải minh bạch. Chúng ta cần biết rằng, những thống khổ không ngớt kia tìm đến, không phải bởi tác động từ thế giới bên ngoài mà là do tâm cảnh của chính mình sinh ra.
Không mắc nợ đạo đức là lời nhắn nhủ tốt nhất cho trái tim mỗi người chúng ta.