4 người đã “chơi khăm” nước Tần khiến Tần Vương tội nghiệp đã bị lừa 41 năm, Phạm Thư làm gì để giúp Tần Vương?
Phạm Thư là người nước Ngụy, bị vu oan thông đồng với nước Tề. Ông phải giả chết và bị ném vào nhà vệ sinh, cuối cùng trốn thoát khỏi nguy hiểm, rồi làm Tướng quốc nước Tần, cuối cùng giúp Tần Vương giải bao nỗi lo mà thân thoái viên mãn.
Trước khi Phạm thư đến Tần, môi trường của Tần quốc lúc đó rất khó để ông tiếp cận với vua Tần. Bởi vì khi đó công việc nội bộ của Tần quốc đều do Thái hậu và Tướng quốc Ngụy Nhiễm kiểm soát trong một thời gian dài.
Tần quốc khi đó còn có Hoa Dương Quân và Kinh Dương Quân, những người được gọi là “Tứ công tử” thời đó. Tuyên thái hậu là người nước Sở, tập đoàn Ngụy Nhiễm luôn phản đối chính sách trọng dụng nhân tài ở ngoại quốc.
Khi Phạm Thư trên đường đến Tần ông phải đổi họ tên thành Trương Lộc, bắt gặp Ngụy Nhiễm bèn trốn trong xe của Vương Kê, khi Ngụy Nhiễm hỏi Vương Kê: “Ông có mang những kẻ sĩ du thuyết của nước khác đến nước Tần không?”.
Vương Kê nói không có. Nguỵ Nhiễm nói thêm: “Nhóm người này chuyên khua môi múa mép, hôm nay nói thế này, ngày mai lại nói thế khác. Không thể tin được bọn họ, họ cũng là người vô dụng nhất, loại người này muôn ngàn lần không nên đến nước Tần”. Nguỵ Nhiễm cảnh cáo một chút, sau đó mới rời đi.
Phạm Thư từ trong xe thấy Nguỵ Nhiễm đã đi xa rồi, ông mới từ trong xe đi ra nói với Vương Kê: “Chỗ này không thế ở lại, hiện tại tôi phải nhanh chóng tìm một nơi để ẩn thân, Tướng quốc Nguỵ Nhiễm không thích kẻ sĩ du thuyết”. Vương Kê nói: “Anh không cần trốn nữa, ông ta đã đi rồi”.
Phạm Thư nói: “Tôi vừa mới ở trong xe lén nhìn người này, lòng trắng trong mắt nhiều hơn, trắng dã và ánh mắt hung ác, mắt nhìn xéo người, đặc điểm tính cách người này là: tính đa nghi mà hiểu việc chậm, cho nên ông ta đi rồi, lát sau nhất định sẽ phái người khám xét xe”.
Phạm Thư và Trịnh An Bình sau khi xuống xe, hai người nhanh chóng chạy đến một nơi để lẩn trốn. Quả nhiên xe đi không quá ba dặm nữa, thì phía sau một toán quân kéo tới nói phụng mệnh Tướng quốc nước Tần Nguỵ Nhiễm đến kiểm tra, xem rốt cuộc có người của nước chư hầu khác đến không, kiểm tra quanh xe một vòng, họ thấy không có bèn rời đi.
Trong tâm Vương Kê nghĩ, Trương Lộc người này quả thật là kẻ sĩ mưu trí hơn cả Ngụy Nhiễm, thế là ông đem Trương Lộc tức Phạm Thư đến đô thành Hàm Dương của nước Tần.
Tần Chiêu Vương chịu ảnh hưởng của Ngụy Nhiễm nên “ghét thiên hạ tranh luận và không tin gì cả”. Vì vậy, Phạm Thư ở lại Tần hai năm nhưng Tần vương vẫn không trọng dụng ông.
Phạm Thư thấy Ngụy Nhiễm đánh đất Cương Thọ của Tề để mở rộng phong ấp của riêng mình bèn viết thư cho vua Tần, nói rằng:
“Kẻ bề tôi gửi trọ là Trương Lộc dám dâng lời tâu này, tội thật đáng giết. Tôi nghe nói rằng minh quân trị nước, người có công thì thưởng, kẻ có tài thì cho làm quan, công to thì lộc hậu, tài cao thì chức trọng, cho nên kẻ bất tài không dám lạm chức mà người có tài không đến bị bỏ sót.
Tôi nay đợi mệnh ở hạ xá đã hơn một năm; nếu nhà vua cho tôi là có thể dùng được, xin cho tôi được chút thì giờ để giãi bày những điều tôi muốn nói; nhược bằng nhà vua cho tôi là vô dụng thì lưu tôi lại làm gì?
Quyền nói là ở tôi, quyền nghe là ở nhà vua, nếu tôi nói mà không đúng, thì bấy giờ sẽ xin chịu tội. Vậy chớ nên vì cớ khinh tôi mà khinh cả người tiến cử tôi vậy!”
Phạm Thư viết thư cho Tần Vương có mục đích là yêu cầu một cuộc gặp mặt với Tần vương. Vì không biết lòng vua Tần ra sao, nên trong thư ông không thể nói sâu hơn về quốc sự.
Trong thư của ông được chia thành bốn tầng ý nghĩa:
Tầng thứ nhất nói rằng minh quân phải có khả năng nhận ra nhân tài.
Tầng thứ hai cho thấy ông không dám lừa dối Tần vương.
Tầng nghĩa thứ ba: ông nói về bốn kho báu của Chu, Tống, Lương, Sở cũng bị bác bỏ bởi sự đánh giá sai lầm của thợ thủ công, ngụ ý rằng Phạm Thư có tài, nhưng chưa được Tần Vương đánh giá cao.
Tầng ý nghĩa thứ 4: Ông nói thẳng rằng: “Lời hay đến mức tôi không dám viết vào thư, kẻ nông cạn không xứng để nghe“, rất cần một cuộc gặp trực tiếp với Tần vương.
Vua Tần nghe vậy, bèn quyết định triệu Phạm Thư vào cung gặp mặt. Phạm Thư đến Ly cung chờ vua Tần, đến khi thấy tên hoạn giả hô là có vua đến, Phạm Thư nói: Nước Tần có vua sao, hay chỉ có Thái hậu với Nhương hầu. Khi Phạm Thư và tên hoạn giả đang cãi nhau thì vua Tần đến, Phạm Thư dùng lời lẽ nhún nhường.
Đoạn lời này bị Tần vương nghe thấy, Tần vương khi đó không giận, ông biết Phạm Thư nói lời như vậy khẳng định là có nguyên nhân. Ông bèn thỉnh Phạm Thư đến cung điện của mình, quỳ lâu thỉnh giáo.
Chúng ta biết rằng người xưa không có ghế đẩu hay băng ghế dài, những ghế này là sau thời Tống mới có. Ông quỳ trên đất hỏi Phạm Thư: “Ai da, gặp ông quả thật không dễ. Ông có điều gì chỉ bảo ta chăng?”.
Phạm Thư nói: “Dạ dạ”, ý là ‘được được’, đây là hư từ. Tần vương cứ chờ cứ chờ, Phạm Thư không nói lời nào.
Sau đó Tần vương lại hỏi: “Tiên sinh có thể chỉ dạy quả nhân không? Tiên sinh rốt cuộc muốn nói điều gì với ta?”. Phạm Thư chỉ nói ‘dạ dạ’ như trước, không nói gì thêm.
Sau đó Tần vương lại hỏi lần thứ ba, Phạm Thư cũng chỉ ‘dạ dạ’.
Con người Phạm Thư này rất hiểu tâm lý người ta, bởi vì khi đó ông đã nói một câu rất có hàm ý: “Lẽ nào nước Tần còn có quốc vương? Tôi chỉ nghe nói có Thái hậu và Tướng quốc”, hàm ý đằng sau câu này rất kích thích tâm hiếu kỳ của Tần vương.
Nhưng Phạm Thư khi đó có rất nhiều câu không thể nói ra, bởi vì thân phận của Phạm Thư khi đó là khách trọ quê người, là lưu lạc đến nơi này, sống ở nơi không có người thân thích, trước giờ chưa gặp cũng như chưa đàm luận với Tần vương.
Hai bên vẫn chưa có sự tin tưởng lẫn nhau, mà điều Phạm Thư nói đến lại liên quan đến người cậu của Tần vương – Tướng quốc Nguỵ Nhiễm.
Do đó Phạm Thư phải vô cùng cẩn thận, ông dùng cách trả lời ‘dạ dạ’ chứ không nói thêm. Ông đang đợi Tần vương hỏi ông vì sao ông không nói.
Tần vương sau này mới hỏi ông: “Tiên sinh lẽ nào cảm thấy con người ta quá ngu muội ngốc nghếch, không đủ để tiếp nhận dạy bảo của ngài?”.
Phạm Thư nói: “Thần không dám. Năm xưa Chu Văn Vương ở Vị Thuỷ mà gặp được Khương Tử Nha, chỉ đàm luận vài câu đã bái Khương Tử Nha làm thầy, sau này thành tựu công danh sự nghiệp, diệt được Trụ Vương, kiến lập nên 800 năm nhà Chu. Mà Tỷ Can là chú của Trụ Vương, khi ông can gián Trụ Vương, Trụ Vương không những không nghe mà còn giết Tỷ Can, moi quả tim ông ấy ra”.
Câu này Phạm Thư nói với Tần vương có ý nghĩa là: Những lời này của tôi không có quan hệ gì với hai người chúng ta; có người không phải là thân thích, như Chu Văn Vương tiếp kiến Khương Tử Nha, chỉ đôi câu của Khương Thượng là đủ để Văn Vương bái làm thầy, thành tựu bá nghiệp.
Còn như Tỷ Can là chú của Trụ Vương, nhưng ông nói gì Trụ Vương cũng không nghe, tuy rằng là thân thích nhưng không phải cái gì cũng nghe. Giống như con người tôi đây, là khách trọ quê người, sống nơi không người thân thích, mà lời nói ra lại có quan hệ đến tình ruột thịt của đại vương, cho nên tôi không dám sơ suất.
Phạm Thư nói: “Nếu lời tôi nói mà đại vương có thể dùng, có thể khiến nước Tần giàu mạnh, thì tôi chết cũng không đáng tiếc. Tôi chỉ sợ lời tôi nói, đại vương không những không dung nạp, lại còn đem giết tôi đi, như thế những biện sĩ (thuyết khách) và mưu sĩ trong thiên hạ vì điều này mà giẫm chân tại chỗ không thể tiến tiếp, như thế nước Tần thật sự gặp nguy”.
Những lời của Phạm Thư đã làm xúc động Tần vương. Tần vương nói với Phạm Thư: “Dù ngươi giảng thế nào, dù đụng chạm đến Thái hậu, mẫu thân ta, thậm chí đụng chạm đến cậu ta, nếu những lời ấy là trực ngôn, ta sẽ không trị tội ngươi”.
Lúc này Phạm Thư mới bắt đầu hiến kế cho Tần vương. Việc này là sự việc rất khó rất khó, không phải nói ra chủ ý là khó, mà là lấy chủ ý trình lên Tần vương, thuyết phục Tần vương nghe chủ ý của ông, đây mới là điều vô cùng vô cùng khó. Phạm Thư thông qua một loạt phương thức mới nhận được sự tín nhiệm của Tần vương.
Ông nói với Tần vương rằng: “Thần nghe nói hiện tại nước Tần muốn xuất binh tấn công vùng đất Cương Thọ, đây là một sai lầm vô cùng lớn, thần kể một câu chuyện ngài sẽ minh bạch thôi.
Năm xưa nước Nguỵ tấn công nước Trung Sơn, tuy rằng công hạ được Trung Sơn, nhưng nước Triệu lại ngăn cách Nguỵ và Trung Sơn, do đó không cách nào quản lý được Trung Sơn. Rất nhanh sau đó Trung Sơn phục quốc”.
Phạm Thư nói thêm: “Nước Tần hiện tại tác chiến tứ phương. Hôm nay đánh Sở, ngày mai đánh Tề, hôm kia đi đánh Nguỵ. Chúng ta tương đương với việc thù địch bốn phương. Điều này đối với Tần không có gì là tốt”.
Phạm Thư có nói một câu, trong “Sử ký” có ghi lại như sau: “Đại vương chi bằng viễn giao mà cận công, được một thốn đất là thốn đất của đại vương, được một xích đất là một xích đất của đại vương. Hôm nay sẽ nới lỏng nước xa, sau sẽ tấn công, chẳng phải là lấy dần thiên hạ ư”.
Ý tứ rõ hơn là: Ngài chi bằng dùng biện pháp ‘viễn giao cận công’, giống như tằm ăn dâu vậy. Ngài ăn một thốn chính là một thốn đất của ngài, ăn một xích là một xích đất của ngài. Đối với nước gần như Hàn – Nguỵ, ngài phải tấn công bọn họ. Đối với nước xa như Tề – Sở, chúng ta nên kí kết hiệp ước đồng minh.
Những lời này của Phạm Thư khiến Tần vương vỗ tay tán thưởng, ông lập tức bái Phạm Thư làm Khách khanh. Từ đó trở đi, Tần vương sủng ái mến mộ Phạm Thư càng ngày càng sâu dày. Có quốc gia đại sự lúc nửa đêm, ông thường đến hỏi Phạm Thư, xin ông cho kế sách, Phạm Thư ‘bảo sao ông nghe vậy’
Sách lược ‘viễn giao cận công’ được đề xuất vào năm 270 TCN. Năm 266 TCN, mối quan hệ giữa Phạm Thư và Tần vương đã là thân mật không gián cách.
Có một hôm Phạm Thư nói với Tần vương: “Tuy rằng đại vương tín nhiệm thần như vậy, nhưng có một sự tình mà thần chưa nói với đại vương. Bởi vì nó quá nguy hiểm, cho nên thần đang đợi thời cơ. Nếu sự việc này không được giải quyết, sự an toàn của nước Tần sẽ không đảm bảo được”. Tần vương hỏi rốt cuộc đó là chuyện gì.
Phạm Thư nói: “Khi thần ở nước Tề, chỉ biết nước Tề có Mạnh Thường Quân, không biết có Tề vương. Tại nước Tần, thần chỉ nghe nói có Thái hậu, còn có Tướng quốc Nhương hầu Nguỵ Nhiễm, nghe nói có Hoa Dương Quân, Cao Lăng Quân, Kinh Dương Quân, chứ không nghe nói có Tần vương. Đây là nói rằng nền chính trị của nước Tần bị những đại thần này phân chia rồi lấy đi quá nhiều, quyền bính của đại vương còn quá ít.
Vương của quốc gia là gì? Nắm quyền sinh sát gọi là vương. Mà hiện nay Nhương hầu và Thái hậu nắm uy thế của nước Tần, xuất binh thì chư hầu sợ, mà giải giáp binh thì chư hầu mừng. Giáo huấn của lịch sử không thể không tiếp thu.
Năm đó Thôi Trữ nước Tề vì quyền lực quá lớn mà giết Tề Trang Công. Lý Đoái với quyền lực quá lớn ở nước Triệu đã giết quốc vương nước Triệu và Thái thượng hoàng Triệu vương phụ.
Hiện tại Nhương hầu và Thái hậu, họ đặt tai mắt bên cạnh đại vương. Thần thấy đại vương một mình đơn độc ở vương triều đã không chỉ một ngày, thần rất sợ sau này người thay đại vương trị vì thiên hạ không phải là con cháu ngài”.
Lúc đó Tần vương sợ đến kinh người, Tần vương đã làm vua 41 năm, ông biết rõ quyền lực của mình bị phân tán rất gay gắt, nhưng lần này khi Phạm Thư đề cập thì không những là vấn đề quyền lực của bản thân ông, mà còn là vấn đề kế thừa quyền lực sau này. Cho nên lần nhắc nhở này đã làm ông cảnh tỉnh, ông bèn hỏi Phạm Thư nên làm thế nào?
Tần vương cho rằng chỉ dựa vào vũ lực để bành trướng tương đương với việc thù địch bốn phương, là sự bội công bán (bỏ sức gấp đôi, mà thành quả có một nửa), mà điều Phạm Thư đề xuất là thông qua sách lược và phương thức ngoại giao để đạt được thắng lợi ngắn nhất, khái quát chính là bốn chữ: “Viễn giao cận công”. Với bốn chữ này, nước Hàn và nước Nguỵ là đối tượng tấn công đầu tiên của nước Tần.
Tần Chiêu Tương vương nghe lời của Phạm Thư, bèn phế bỏ thái hậu, cho thu tướng ấn của Nguỵ Nhiễm, bắt phải về ngay ấp phong, đuổi Hoa Dương quân, Cao Lăng quân, Kinh Dương quân ra ngoài quan ngoại. Sau đó vua Tần phong cho Phạm Thư làm thừa tướng, ban đất Ứng để làm ấp phong.
Nguyệt Hòa biên dịch
Theo kknews