Blog
4 vị Hoàng đế hiếu thảo nhất trong lịch sử
“Lấy Đạo trị thiên hạ” là một trong những tư tưởng cơ bản của các quân vương và thánh nhân hiền triết dùng để quy phục thiên hạ. Tư tưởng nho gia mà Trung Quốc thực hành từ xưa đến nay là: “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, nhận định rằng gia đình chính là cấu trúc cơ bản của xã hội, gia hòa thì quốc hòa, gia đình ổn định thì xã hội, quốc gia cũng ổn định theo.
Bởi vậy, từ thời xa xưa, việc giáo hóa bách tính muôn dân thường bắt đầu từ việc ‘tề gia’, tề gia chính là tuân thủ theo luân thường: Cha nhân nghĩa, mẹ nhân từ, huynh đệ yêu thương và cung kính lẫn nhau, con cái hiếu thuận với cha mẹ, gia đình nhờ vậy mà hòa thuận, ấm êm.
Khổng Tử thường nói với học trò của mình rằng: “Đế vương đời trước đều có đức hạnh cao thâm, nắm được đạo Trời cơ bản nhất, từ đó có thể khiến lòng dân thiên hạ được quy phục, nhân dân hòa thuận, không có hiềm khích lẫn nhau. Dù xuất thân là quyền quý hay cao sang, trên dưới đều phục tùng, không oán không hận. Các trò biết, đó là vì sao không?”, học trò đứng dậy và nói: “Trò không đủ thông minh lanh lợi, điều này trò không thông tỏ, thỉnh Thầy khai thị”.
Khổng Tử nói: “Đây chính là nhờ vào chữ Hiếu, đó chính là căn bản của mọi đức hạnh trong cuộc sống, đó cũng chính là cái gốc để giáo hóa chúng sinh”.
Khổng Tử vì sao lại coi trọng đức hạnh như vậy? Chữ ‘hiếu’ vì sao lại khởi được tác dụng lớn đến như thế? Bởi vì chữ ‘hiếu’ này phù hợp với ‘đạo’ và ‘đức’. Lão Tử giảng trong “Đạo Đức Kinh”: “Trọng tích đức tắc vô bất khắc” (có nghĩa là, người trọng đức thì không gì có thể không khắc chế được”.
Các bậc quân vương và vua chúa ngày xưa đều hiểu được đạo lý này, bởi vậy, họ luôn cố gắng nỗ lực trở thành những tấm gương về lòng hiếu thảo để quy phục muôn dân, thiên hạ thái bình.
Vào thời cổ đại, vua Nghiêu hạ lệnh cho thủ lĩnh bốn phương tiến cử một người có thể thuận theo Thiên ý và đảm nhận vị trí Thiên tử, các thủ lĩnh lần lượt tiến cử Ngu Thuấn và nói: “Ông là con trai của nhạc sư Cổ Tẩu. Phụ thân của ông bướng bỉnh và ngu ngốc, mẫu thân của ông thường phát ngôn tầm bậy, huynh đệ trong nhà thì kiêu ngạo và hung ác. Ngu Thuấn lại có thể chung sống hòa thuận với mọi người trong nhà nhờ ‘đạo Hiếu’ của mình, dùng sự cung kính và sự thiện lương của mình để xử lý các việc trong gia đình”.
Nghiêu đế cho rằng, Ngu Thuấn đã dùng sự cung kính hiếu thuận, lòng nhân hậu, sự thuần chính của mình để quản lý tốt những việc trong gia đình. Nghiêu đế đã gả 2 cô con gái của mình cho Ngu Thuấn, từ đó quan sát đức hạnh của ông.
Sau khi quan sát khả năng quản lý và phẩm đức của Ngu Thuấn, Nghiêu đế đã phong cho Ngu Thuấn một chức quan và dặn dò ông phát huy phẩm đức hiếu thảo và sự trong sạch của mình trong việc ‘tề gia’, từ đó giáo hóa bách tính muôn dân. Sau khi Ngu Thuấn lên ngôi, ông phong cho người phụ trách giáo hóa bách tính muôn dân dựa theo ‘luân thường, ngũ thường’, dặn dò các quan lại cần phải dùng đức hạnh, lòng khoan dung để giáo hóa nhân dân.
Khổng Tử đã từng viết ca ngợi Ngu Thuấn: “Thuấn đế quả thực là người con vô cùng hiếu thảo! Là một bậc Thánh nhân có đạo đức, là Thiên tử của Trời cao, giàu có khắp chốn, tận hưởng nhiều tông miếu, sẽ được con cháu yêu thương bảo vệ”. Chính là nói rằng, vua Thuấn là người có đức hạnh hiếu thảo, ắt sẽ có địa vị cao, quan to lộc hậu, danh tiếng lẫy lừng.
Ngu Thuấn có tấm lòng hiếu thảo làm cảm động Trời xanh, ngoài ông ra, trong lịch sử còn có những vị Hoàng đế nổi tiếng vì tấm lòng hiếu thảo của mình, từ đó đã tạo nên một thời thế thịnh vượng trong lịch sử.
Chu Văn Vương hết mực quan tâm đến sức khỏe của cha
Chu Văn Vương, họ Cơ, tên Xương, ông là hoàng đế triều Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông là cha của Chu Vũ Vương và Chu Công Đản. Chu Văn Vương là một vị hoàng đế rất hiếu thuận, theo Sử thư ghi lại: “Khi Chu Văn Vương còn là Thế tử, mỗi ngày ông đều đến trước cha để quỳ lạy cha 3 lần.
Khi gà vừa gáy, ông liền thức dậy và đến đứng trước phòng ngủ của cha mình, sau đó hỏi người hầu liệu cha của mình có khỏe không, sức khỏe có vấn đề gì không; mãi đến khi người hầu nói: “Khỏe” thì Văn Vương mới yên lòng, cảm thấy vui vẻ trong tâm.
Khi cha của ông sức khỏe không tốt, ông hạ lệnh cho người hầu chăm sóc cha sát sao. Văn Vương nghe tin cha ngã bệnh, sắc mặt liền u sầu, lo lắng, chân đứng không vững, phải chờ đến khi cha khỏe thì ông mới đi lại bình thường được.
Khi Chu Văn Vương dọn cơm cho cha, trước hết ông thường kiểm tra xem thức ăn nóng hay lạnh, món ăn đó có hợp với khẩu vị của cha không rồi mới dọn ra. Chu Văn Vương ngày nào cũng làm như thế, suốt một thời gian dài không chểnh mảng.
Khổng Tử ca ngợi Chu Vũ Vương là “Đạt Hiếu”
Chu Văn Vương là một đại thánh nhân, ông là một người vô cùng hiếu thuận, con trai thứ 2 của ông là Chu Vũ Vương, ông đã noi theo gương của cha mình, trở thành một người con vô cùng hiếu thuận.
Theo ghi chép trong “Cổ bát đức toàn thư”: Có một lần, khi cha của ông là Chu Văn Vương lâm bệnh, Chu Vũ Vương kề cạnh hầu hạ cha cả ngày, thậm chí không dám cởi áo mũ. Cha của ông ăn một bát cơm, ông mới nguyện ý ăn một bát cơm. Việc này kéo dài 12 ngày, cha của ông khỏi bệnh nên ông cũng yên lòng.
Sau đó, Văn Vương qua đời, Vũ Vương lên làm thái tử. Vào thời điểm này, Trụ vương của triều đại nhà Thương rất độc đoán và tất cả mọi người trong thiên hạ đều ghét bỏ ông ta. Do đó, Vũ Vương đã đánh dẹp Trụ vương, nắm được cả thiên hạ trong tay. Chu Vũ Vương cùng em trai là Chu Công Đản tiếp tục kế thừa tâm nguyện của cha, trị vì thiên hạ bằng lòng nhân từ.
Lòng hiếu thảo và nhân từ của Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương và Chu Công Đản đã khai sáng lịch sử 800 năm của triều đại nhà Chu.
Hoàng đế Khang Hy nổi tiếng vì đạo hiếu
Hoàng đế Khang Hy của triều đại nhà Thanh, lên ngôi năm 8 tuổi, trị vì 61 năm, thành tựu ‘Khang Càn thịnh thế’ trong lịch sử Đại Thanh, ông là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Khang Hy cả đời là người rất có đạo hiếu. Ông đối với bà nội và mẹ đều rất tôn kính, không những hàng ngày trước tiên là đến cung Từ Ninh để thăm hỏi, mà những lúc Thái hoàng thái hậu Hiếu Trang bị ốm, ông có mấy lần tự mình đi bộ tới đàn tế Trời cầu nguyện cho bà, nói rằng sẵn sàng lấy bớt tuổi thọ của mình để cho bà nội được sống lâu.
Sau khi Thái hoàng thái hậu qua đời, Khang Hy vô cùng đau buồn, ở mãi trong một căn phòng nhỏ ngoài cung Từ Ninh. Ngay cả lúc giao thừa, ngày hội ngày lễ, quần thần xin ông trở về cung, ông cũng không về. Sau khi trở về cung rồi ông vẫn mỗi ngày đến cung Từ Ninh, nhìn vật nhớ người. Khang Hy đã ban hành “16 điều Thánh dụ” nổi tiếng để làm chuẩn mực hành vi cho quan lại và dân chúng. Trong 16 điều đó thì Hiếu đạo là quan trọng.
Từ xưa đến nay, những người nắm giữ đất nước hầu hết đều trương bảng hiệu là lấy nhân nghĩa và hiếu đạo để trị vì thiên hạ, nhưng có mấy ai thực sự là “Nhân” và “Hiếu”? Nếu như miệng đầy lễ nghĩa liêm sỷ, mà trong lòng toàn rơm rác như kiểu vua Kiệt của nhà Hạ, vua Trụ của nhà Thương thì cái gọi là “Đức trị” đó chỉ là nói dối động Trời thôi.
Khang Hy một lòng vì dân, nỗ lực làm việc nước, trong tất cả các việc trị nước, quản lý quan lại và dân chúng, quản lý việc trị thủy thì lời nói và việc làm đều đi đôi với nhau. Ông nhân đức như Trời, công lao như biển, danh thơm muôn thuở, rực rỡ ngàn thu! Ông thực sự đúng như lời người đời sau ca ngợi: “Đức cao Đạo trọng, dân chúng không thể nào quên!”.
Hán Văn đế nổi tiếng là vị Hoàng đế hiếu thuận, nhân từ
Hán Văn Đế họ Lưu tên Hằng, là con trai thứ 3 của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Hán Văn Đế tại vị 24 năm, coi trọng đức trị, phục hưng lễ nghi, yêu thương dân như con.
Văn Đế chú trọng phát triển nông nghiệp, đến thời gian gieo hạt ông đích thân dẫn đại thần đến vùng nông thôn cày ruộng, gieo hạt. Các hành động và biện pháp của ông đã khiến cho xã hội thời Tây Hán ổn định, nhân đinh hưng vượng, kinh tế được khôi phục và phát triển.
Tuy là hoàng đế, Hán Văn Đế vẫn vô cùng khiêm nhường, hơn nữa khi biết được mình sai liền sửa chữa. Trong thời gian tại vị, ông không xây cung thất mới, dùng tiền tiết kiệm xây cung điện để chăm sóc người già và trẻ mồ côi.
Bởi vì ông quản lý quốc gia có phương pháp nên đã trở thành một vị hoàng đế hiền minh trong lịch sử Trung Quốc, thế nên cùng với Hán Cảnh Đế, ông được lịch sử ca ngợi là “thời kỳ thịnh trị Văn Cảnh” (Văn Cảnh chi trị).
Hán Văn Đế không chỉ giỏi trị quốc, ông còn có thiên tính hiếu thuận. Việc đầu tiên mà ông làm mỗi khi thức dậy là đến chào hỏi mẹ, mỗi tối trước khi ngủ ông cũng đều đến vấn an mẹ.
Khi Hán Văn Đế vừa lên ngôi thì Bạc Thái hậu bị bệnh kéo dài 3 năm liền không dậy nổi. Dù là Hoàng đế, ông vẫn tận tâm dốc sức ở bên giường chăm sóc mẹ, không đêm nào ngủ tròn giấc. Có những hôm ở bên giường bệnh chăm sóc mẹ, sợ mẹ tỉnh dậy gọi mà không thấy nên ngay cả quần áo tọa triều, ông cũng không thay.
Mỗi khi thuốc được thái y sắc mang lên, Hán Văn Đế đều tự mình nếm thử trước xem thuốc có nóng không, có đắng quá không rồi ông mới mời mẹ uống.
Bạc Thái hậu thấy con trai vất vả, bèn nói: “Trong cung có nhiều người như vậy, họ đều có thể chăm sóc cho ta. Hoàng thượng không cần phải vất vả chăm sóc ta như vậy. Hơn nữa, bệnh của ta cũng không phải hai, ba ngày là khỏi ngay được.”
Hán Văn Đế nghe xong, liền quỳ xuống nói: “Nếu con không thể ở bên cạnh, tự thân chăm sóc mẫu thân thì đến lúc nào mới có cơ hội?”
Ba năm sau, Thái hậu rốt cuộc dần khỏi bệnh. Tất cả mọi người đều nói rằng đó là nhờ vào công chăm sóc phụng dưỡng của Hán Văn Đế. Cũng từ đó về sau, văn võ bá quan và dân chúng càng thêm kính yêu và noi theo Hoàng đế.
Dùng lời nói dạy bảo giáo hóa không thể khiến người ta tâm phục, duy chỉ có dùng chính hành động bản thân mình mới có thể thu phục giáo hóa một cách vô hình. Câu chuyện này đã nói rõ ràng rằng, chữ hiếu không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt sang hèn.
Chỉ cần có tâm, thì mỗi cá nhân đều có thể thực hiện được hết chức trách bổn phận, thực thi trọn vẹn đạo hiếu.
Trong suốt 23 năm trị vì của Hán Văn đế, ông mở lòng ban ân đức với khắp cả thiên hạ, trấn an chư hầu, ngoại tộc tứ phương hòa hợp. Trong thời gian trị vì của mình, ông luôn bảo trì đức tính siêng năng tiết kiệm, ăn mặc hết sức giản dị. Về phương diện chính trị, việc bãi bỏ nhục hình đã tạo bước đệm cho nhà Hán bước vào thời kỳ thịnh lượng, an định, bách tính an cư lạc nghiệp, quốc gia hưng thịnh phát đạt. Đây là “xã hội hài hòa” hiếm có trong lịch sử Trung Quốc.
Lan Hòa biên dịch
Nguồn: Epochtimes (Lâm Nghiên)