Blog
6 câu chuyện giáo dục nhân cách cho con ‘kinh điển’: Cha mẹ tham khảo để dạy con nên người
Người xưa có câu “Dạy con từ thuở còn thơ”. Tuy nhiên, sự bận rộn trong cuộc sống hiện đại khiến cha mẹ thiếu sự quan tâm và dạy dỗ con một cách đúng đắn. Hy vọng 6 câu chuyện dạy con nhẹ nhàng dưới đây sẽ là một tham khảo hữu ích cho các bậc cha mẹ.
Dạy con sự trách nhiệm và đảm đang
Một gia đình có một cậu con trai 2 tuổi. Một hôm trong khi cậu con trai đang mải chơi không để ý, đầu va phải vào một góc bàn, vì đau quá nên cậu khóc òa lên. Người cha nghe tiếng con khóc liền đi lại phía cậu con trai và lớn tiếng hỏi: Cái bàn à, là ai đã đụng ngươi đau thế? Khóc lóc thương tâm thế kia?
Cậu con trai ngừng khóc, ngước mắt lên lưng tròng nhìn người cha. Người cha sờ sờ cái bàn và hỏi cậu con trai rằng: Là ai vậy, là ai đã đụng đau chiếc bàn?
Cậu con trai trả lời: “Là con cha ơi, là con đã đụng”.
Người cha đáp: “Ô là con đụng à, vậy còn không mau xin lỗi cái bàn đi con trai”.
Cậu con trai lau nước mắt, cúi mình, nói: “Xin lỗi cái bàn”.
Từ đó cậu con trai học được tính có trách nhiệm, không ăn vạ mỗi khi bị ngã hay bị đau nữa.
Các ông bà hay cha mẹ Việt khi thấy con ngã đau, khóc to thường dỗ cháu/con bằng hành động đánh vào đồ hay vật làm cháu/con đau và nói: “À, cái bàn này hư làm đau con (cháu) à, đánh chừa này…”. Điều này đã vô tình đã tạo cho trẻ sự ỷ lại, ăn vạ, đổ lỗi tại người khác chứ không phải mình. Cách dạy con trong câu chuyện trên của người cha rất hay, để trẻ hiểu là khi va chạm như thế cái bàn (người khác) cũng đau chứ không phải mình trẻ khóc.
Dạy con suy nghĩ kỹ trước khi hành động
Ngày cậu con trai lên 5 tuổi, người cha dẫn con đi qua một cây cầu trong lúc trời chập tối, dưới cây cầu nước trong xanh thấy rõ cả đáy, nước chảy xiết cuồn cuộn. Bỗng nhiễn, cậu con trai ngước lên nhìn cha bảo: “Cha ơi nước xanh quá, con muốn xuống bơi”.
Người cha sửng sốt đáp: “Được thôi, cha sẽ nhảy cùng con nhưng trước tiên chúng ta hãy về nhà thay đồ một chút đã nhé“.
Về nhà cậu con trai hí hửng thay đồ, xong xuôi cậu nhìn thấy một chậu nước nhỏ trong xanh trước mặt, ngơ ngác và không hiểu. Người cha ấy vậy liền bảo: “Con trai, xuống nước bơi cần phải vùi đầu vào nước. Bây giờ chúng ta hãy tập luyện trước một chút để xem con có thể vùi đầu vào bao lâu”.
Sau đó người cha hô to: “Bắt đầu” và nhìn đồng hồ. Cậu con trai vùi mặt vào nước với khí thế hiên ngang, nhưng chỉ được 10 giây đã không chịu nổi.
Cậu con trai luống cuống: “Cha ơi con sặc nước rồi, khó chịu thật cha ạ”.
Người cha nói: “Vậy một chút nữa khi nhảy xuống sống, hẳn sẽ khó chịu hơn gấp nhiều lần đấy con trai ạ!”
Cậu con trai liền nói: “Vậy cha ơi, mình không đi nữa được không?”
“Được thôi con trai”, lúc này người cha cười và đáp.
Từ đó cậu con trai đã học được tính cẩn thận, không làm việc theo cảm hứng mà có suy xét, cân nhắc, chuẩn bị chu đáo trước khi làm.
Dạy con vượt cám dỗ, kiểm soát ham muốn bản thân
Khi cậu con trai lên 6 tuổi, có phần ham đồ ăn ngon. Một buổi tối người cha đưa cậu đi học về, ngang qua một cửa hiệu Mc’s Donal, cậu con trai liền bảo: “Cha ơi, Mc’s Donal kìa, con muốn ăn”.
Người cha đáp: “Con muốn ăn à con trai”.
Cậu đáp: “Dạ con muốn ăn cha ơi”.
Người cha đáp: “Con trai à, thèm ăn mà muốn ăn liền ăn ngay người ta gọi là cẩu hùng (gấu chó), thèm ăn mà lại có thể không ăn người ta gọi là anh hùng. Vậy con muốn làm anh hùng hay cẩu hùng đây?”
Cậu con trai đáp ngay: “Đương nhiên là con muốn làm anh hùng”.
Cha cười đáp: “Tốt! Vậy anh hùng, khi muốn ăn Mc’s Donal ta sẽ làm thế nào đây?”.
Cậu kiên định đáp: “Có thể không ăn!”.
Người cha đáp: “Quá xuất sắc, vậy ta về thôi anh hùng!”
Mặc dù cậu con trai rất thèm nhưng cậu đã lắng nghe lời cha.
Từ đó cậu đã học được cách kiềm chế lại mọi cám dỗ, học được cái gì nên làm và không nên làm.
Dạy con sự lựa chọn và trả giá
Năm cậu con trai lên 8 tuổi, nghịch ngợm đánh nhau với bạn bè cùng lớp. Về đến nhà bầm tím khắp người khóc lóc la lớn. Người cha thấy vậy liền hỏi: “Con ấm ức không?”
Cậu con trai vừa khóc vừa đáp: “Con rất ấm ức”.
Cha lại hỏi: “Con tức không?”
Cậu lại khóc to hơn và bảo: “Dạ tức lắm cha”.
Cha lại hỏi tiếp: “Vậy con dự tính sẽ làm thế nào?”
Người cha không thấy con trả lời, lại hỏi tiếp: “Con cần cha làm gì cho con nào?”.
Lúc này cậu đáp: “Con muốn tìm một viên gạch, ngày mai con sẽ đập cậu ta từ phía sau cho thỏa tức cha ạ”.
Vậy mai cha sẽ chuẩn bị một viên gạch cho con, người cha bình tĩnh đáp và hỏi tiếp: “Thế con cần gì nữa không?”.
Cậu lại hung hãn đáp: “Con muốn 1 con dao, ngày mai con sẽ đâm cho hắn 1 nhát từ phía sau cha ạ”.
Người cha đáp: “Được, cái này chắc sẽ giúp con hả giận hơn, bây giờ cha sẽ đi chuẩn bị chút”.
Sau đó người cha lên lầu. Tầm 20 phút sau, ông bước xuống mang theo rất nhiều quần áo và chăn mền gối xuống. Cậu con trai ngạc nhiên, người cha hỏi tiếp: “Con trai, con đã quyết định xong chưa, con sẽ dùng gạch hay dao đây?”
Cậu con trai nghi hoặc: “Nhưng mà cha ơi, cha chuẩn bị nhiều quần áo và chăn mền làm gì thế ạ?”
Người cha thản nhiên đáp: “Là như này con trai ạ: Nếu như con dùng gạch đập hắn ta thì cảnh sát sẽ bắt chúng ta đi cải tạo ít nhất 1 tháng, ở đó không thể thiếu chăn mền được. Tuy nhiên nếu con dùng dao đâm hắn ta, hắn bị thương thì chúng ta sẽ có ít nhất 3 năm ở trong tù, ở đó không thể thiếu quần áo và chăn bông đồ đạc đủ cho cả 4 mùa. Vì con đã quyết định nên cha sẽ ủng hộ con”.
Cậu con trai sửng sờ: “Phải như vậy sao cha?”
Người cha đáp lại: “Chính là như vậy. Pháp luật đã quy định như vậy mà con trai”.
Cậu con trai tỏ vẻ lo lắng: “Cha ơi, vậy chúng ta không làm nữa”.
Người cha lại nói: “Con trai, không phải con rất căm phẫn hay sao?”
Cậu bình tĩnh đáp với cha: “Con không còn tức giận nữa rồi”.
Người cha cười tươi đáp: Tốt lắm con trai, cha ủng hộ con.
Từ đó cậu con trai học được cách lựa chọn phải trái và biết phải trả giá cho việc mình làm.
Dạy con sống có nguyên tắc và tuân thủ nguyên tắc
Năm cậu con trai lên 10 tuổi và bắt đầu như bao đứa trẻ khác là mê chơi game. Dù cho mẹ đã nhắc nhở nhiều lần nhưng cậu không chịu sửa đổi mà vẫn chứng nào tật nấy.
Người cha ra tay chỉ vào màn hình và nói: “Con trai, mỗi ngày con đều chơi cái này ư?”
Cậu gật đầu thừa nhận: “Vâng ạ!”
Người ta cảm thán rằng: “Mỗi lần sau khi chơi xong con cảm thấy thế nào?”
Cậu đáp: “Dạ khi chơi thì vui nhưng ngưng thì thấy mắt mờ mịt, trống trải, không còn hơi sức. Nhưng con không kiềm chế bản thân được. Con rất muốn chơi”.
Người cha đáp: “Được rồi, cha sẽ giúp con”.
Sau đó, người cha đi lấy một cây búa (chùy) và đưa cho con bảo: “Bây giờ con hãy đập cái máy tính đi”.
Lúc này cậu con trai ngẩn người ra: “Cha ơi, sao phải đập ạ?”
Người cha cứng rắn: “Đập đi, cha có thể không có máy tính, nhưng không thể không có con được”.
Con trai rơi nước mắt hối lỗi. Từ đó cậu hiểu được thế nào là sống cần có nguyên tắc và tuân theo điều đã đặt ra.
Dạy con biết quan tâm, hỏi thăm tới cha mẹ
Năm con trai lên 11 tuổi, cả cha và mẹ đều phải đi công tác xa thời gian dài, để cậu con trai cho bà nội chăm lo. Mỗi ngày 2 người đều gọi điện hỏi thăm mẹ già. Một ngày cha gọi cho con, cậu con trai nhận được điện thoại liền vui mừng la to: “Cha ơi, chào cha”.
Người cha đáp: “Chào con, bà nội đâu rồi, con gọi bà nội ra nghe điện thoại đi”.
Con trai hỏi: “Cha ơi, sao mỗi ngày cha chỉ gọi điện cho bà nội vậy ạ?”
Người cha đáp lại con: “Có gì lạ đâu con, bởi vì đó là mẹ của cha mà!”.
“Vậy còn con, con cũng rất nhớ cha mẹ mà?”, cậu con trai buồn đáp.
Người cha thanh thản đáp: “Vậy sao con không gọi điện để hỏi thăm mẹ?”
Cậu con trai hiểu ra và trả lời: “Dạ vâng thưa cha”.
Từ đó trở đi, mỗi khi vắng cha mẹ, cậu liền gọi điện hỏi thăm cha mẹ về chuyến đi, công việc… Đến nay cũng đã vài mươi năm rồi…
Nguồn: DKN