6 đạo làm người khắc cốt ghi tâm giúp thọ ích cả đời

untitled-3-2

Tục ngữ có câu rất hay rằng: Người già vô đức cả nhà gặp hoạ; con cháu bất hiếu, không có phúc báo, đàn ông không có chí, gia đạo chẳng hưng thịnh, phụ nữ không nhu thuận, xua đuổi hết tài lộc.

Người nhà phải tuyên dương truyền thống gia đình, cha mẹ phải lấy mình làm gương, vợ chồng phải lèo lái truyền thống gia đình, con cái phải kế thừa truyền thống gia đình, cháu chắt phải thuận theo truyền thống gia đình, anh chị em phải tranh đua gìn giữ truyền thống gia đình.

Có Đạo mới có Đức, vô đạo thì sẽ vô đức, có Đức mới có Phúc, vô đức thì không có phúc.

Đạo của người già

1.Người già là sao Thiên Đức của cả gia đình, lấy Đức làm gốc. “Đức” chịu trách nhiệm về sai sót của cả nhà, bình hoà sai sót của cả nhà.

Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!

2. Người già như tro tàn, ôn hoà không có hoả khí, ít nói, không càm ràm, không nói này nói nọ về những người trong gia đình, dẫn dắt con cháu phải luôn nhìn vào mặt tốt của nhau và bao dung mọi người trong gia đình.

3. Tri túc thường lạc (Biết đủ thường thấy vui), nuôi dưỡng thiên mệnh trong nhà, tuyên dương truyền thống gia đình, tán dương công đức cùa tổ tông, dưỡng dục con cháu phải biết nhớ ơn, biết cảm ơn và đền ơn.

4. Không được quản chuyện vụn vặt, không được quá vướng bận bởi con cháu, “Con cháu có phúc của con cháu.”

5. Việc của con cái không nên can thiệp, buông tay nhường lại vị trí cho thế hệ sau gánh vác gia đình, không được mãi ỷ vào tư cách của người già.

6. Trong nhà có vấn đề gì thì đầu tiên là do hành vi của người già vẫn còn thiếu sót, một là không làm tròn bổn phận, hai là làm việc thái quá.

7. Khi trong nhà xảy ra chuyện, người già nên biết hổ thẹn: Là người lớn tuổi tôi đây đã làm không tốt, thiếu đức nên dạy dỗ người nhà mình không tốt.

8. Người già làm thế nào mới có thể khiến cả nhà hưng vượng? Phải làm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức. Vừa có thể tích đức miễn tội, vừa có thể bồi đắp cây Đức cho con cháu, chở che cho con cháu.

9. Người già có đức là phong thuỷ tốt nhất, là phong thuỷ bậc nhất.

Đạo của người làm cha mẹ.

1. Trên phải biết kính trọng người già, dưới phải biết yêu thương trẻ nhỏ. Dùng lòng cảm ơn để hoàn thiện mọi việc, khiến gia đình trên dưới hoà thuận.

2. Tuyên dương công đức của tổ tiên, của người già với con cháu, làm tấm gương tận hiếu tôn kính người già, dùng lòng cảm ơn ân đức của thế hệ cha ông để dạy dỗ thế hệ sau.

3. Không tự ý sắp xếp công việc cho người già, các cụ thích làm gì thì để các cụ làm nấy, nhưng phải quan tâm nhiều tới người già, thường xuyên phải khuyên các cụ nghỉ ngơi nhiều hơn.

4. Cha mẹ là khởi nguồn của mối quan hệ đạo đức giữa con người, là đạo Âm dương, Âm là mẹ, Dương là cha. Âm dương hoà hợp vạn vật mới có thể sinh trưởng, Âm dương bất hoà, tinh thần thống khổ, không tâm đầu ý hợp thì đứa trẻ được sinh ra, tính cách nhất định là không tốt, hoặc con cái sẽ bị khiếm khuyết.

5. Trẻ nhỏ có khoẻ mạnh hay không liên quan rất lớn tới người mẹ, có trí huệ hay không liên quan rất lớn tới người cha, có phúc đức trang nghiêm hay không thì cần nhìn xem cha mẹ có thường hành sự đối đãi với mọi người bằng tấm lòng yêu thương, bằng sự hạnh phúc hay không.

6. Nếu con cái không nghe lời, không hiếu thuận, đầu tiên phải hỏi bản thân mình có hiếu thuận với người già hay không, có chỗ nào làm không đúng không. Trên không thừa nhận công đức của cha mẹ (người già), thì dưới sao có thể giáo dục con cái đến nơi đến chốn đây.

7. Không được oán hận con cái, càng không được đánh mắng con cái, bởi vì sự thành bại của con cái có liên quan tới việc tu tâm hành thiện của bản thân người làm cha làm mẹ. Thứ hai là phải suy xét xem phương pháp giáo dục con cái của mình phải chăng có chỗ nào chưa thoả đáng.

8. “Quản” chính là việc cha mẹ phóng túng tính cách bản thân, tìm những chỗ sai sót của con cái, làm trái với tính cách của con cái, cho nên càng quản càng không thể quản được. Bởi vì dùng sự nóng giận để quản con cái thì không những quản không tốt, ngược lại còn kích động hoả khí của con cái, gây nên rạn nứt, thậm chí có thể khiến cha con thù hận lẫn nhau, đây cũng là nguyên do cha mẹ không minh bạch về Đạo.

9. Con cái không cần quản, chỉ cần dựa vào việc cảm hoá đức hạnh. Hiểu được tính cách của nó, giúp nó chặt đi những cành cây nhỏ, lưu lại những cành cây lớn, không nuông, không chiều, không đánh, không mắng; khích lệ con cái nhiều hơn, khẳng định nhiều hơn, ít phê bình, không dụ dỗ chúng bằng vật chất.

Đạo vợ chồng

1. Cái gốc của việc xây dựng gia đình chính là tình yêu, không có tình yêu thì không thể xây dựng gia đình, tình yêu là điều kiện đầu tiên để tiến tới chuyện hôn sự.

2. Tình yêu rộng lớn vô điều kiện: Không quản người khác, không trói buộc bạn đời, cho bạn đời có quyền tự do.

3. Giữa vợ chồng biết bù trừ đắp đổi cho nhau, chứ không phải là oán hận nhau.

4. Vốn là việc của chồng, nhưng chồng quên mất không làm thì người vợ không được oán trách, mà cần chăm chỉ làm tốt việc đó; Ngược lại, người chồng cũng phải làm như vậy. Việc gì mà người bạn đời của mình không làm được thì tự mình bù đắp vào chỗ đó. Đây chính là việc đắp đổi cho nhau.

5. Sau khi lập gia đình, nếu người đàn ông không dẫn được người phụ nữ bước vào trong Đạo, không thể làm được việc trên hiếu kính cha mẹ, giữa yêu mến anh chị em ruột, dưới nhân từ với con cái, thì dẫu cho người ấy vô cùng tận hiếu thì người già cũng không thể yên lòng. Người phụ nữ khi kết hôn nếu không thể giúp chồng dựng lập uy đức, thì dù bản thân yêu kính cha mẹ, người già cũng không thể yên lòng.

6. Là chồng thì cần quan tâm chăm sóc cho cha mẹ vợ nhiều hơn, là vợ thì phải hiếu kính cha mẹ chồng nhiều hơn: Ví như khi mua đồ cho các cụ thì nên là con rể tự mình biếu cha mẹ vợ, con dâu tự mình biếu cha mẹ chồng.

7. Đàn ông có bổn phận của đàn ông, phụ nữ có bổn phận của phụ nữ, Âm dương đều tự có vị trí của mình. Đàn ông lấy cương chính làm gốc, phụ nữ lấy nhu hoà làm gốc, “Cương” là không tức giận, chính là hợp với chính đạo. “Nhu” thì tính mềm mại như nước, “Hoà” chính là phù hợp với Lý. Cho nên Cương chính chính là Nhu hoà, Nhu hoà chính là Cương chính, mặc dù danh từ gọi khác nhau, nhưng về tinh thần là như nhau.

8. Khi vợ chồng xô xát, một là đã trái với ơn trời đất ban cho, hai là trái với cái tình mà cha mẹ ban cho, ba là trái với nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp trong bản mệnh của mình. Làm trái với nhân duyên trong sinh mệnh của mình, thì sinh mệnh sẽ mất đi chỗ dựa được báo đáp ngay chính. Vợ chồng chia rẽ cũng chính là sự chia rẽ sinh mệnh.

9. Đạo vợ chồng chính là đạo Âm dương, chồng trọng nghĩa vợ nhu thuận, âm dương hài hoà, không chế ước lẫn nhau thì không chỉ không sinh bệnh, không lo chết yểu, mà còn có thể khiến gia đình bình ổn, con cháu hưng vượng. Cho nên, đàn ông phải hiểu đạo của người phụ nữ, phụ nữ phải hiểu đạo của người đàn ông, có như vậy gia đình mới hoà hợp yên vui.

Đạo của người chồng

1. Đàn ông nam tử hán đại trượng phu nói lời phải giữ lấy lời, nói một là một, nói hai là hai, nói được thì phải làm được.

2. Nếu không làm được thì đừng nói, nói lời không giữ lấy lời thì không còn sự tôn nghiêm.

3. Có tư tâm thì sẽ ngấm ngầm làm chuyện trái với lương tâm, khiến cả nhà phiền não, loại người này không phải là người đàn ông tốt.

4. “Cương” không chỉ là không đánh không mắng người khác, mà bị mắng cũng không đáp lại, không phản bác, không buồn phiền, bị mắng cũng không tức giận, như vậy mới được gọi là Cương. Dẫu đối mặt với việc thuận ý hay trái ý vẫn an nhiên tự tại, làm được như vậy chính là bậc đại trượng phu.

5. Đàn ông có 3 kiểu: nhược phu (người đàn ông nhu nhược), bạo phu (người đàn ông thô bạo) và trượng phu.

6. Bậc trượng phu dám dũng cảm gánh vác trách nhiệm của cả gia đình, dùng lý thu phục con người, nhìn thấy sai lầm của cả nhà thì ngược lại tự mình thấy hổ thẹn.

7. Là bậc trượng phu, phải định vị được vị trí của mình trong “Tam cương” (Ba điều then chốt), Tam Cương là chỉ Tính cương (Điều then chốt về tính cách), Tâm cương (Điều then chốt về tâm tính), Thân cương (Điều then chốt về sức khoẻ); không tức giận là Tính cương, không khởi dục vọng cá nhân là Tâm cương, không có những thói quen xấu là Thân cương. Tức giận thì Tính cương mất, mắng chửi người khác thì Tâm cương mất, đánh đập người khác thì Thân cương mất. “Cương” có nghĩa là cương lĩnh, phải dẫn dắt người phụ nữ vào trong Đạo, trên hiếu thuận với cha mẹ, giữa hoà hợp với chị em dâu, dưới nhân từ với con cái.

8. Đàn ông là trụ cột trong gia đình, phải hiểu đạo lý, phải có chí khí, dẫn dắt vợ mà không quản vợ.

9. Nếu đàn ông làm đến nơi đến chốn thì trong nhà ít vận hạn, nếu người đàn ông không làm đến nơi đến chốn thì trong nhà gặp nhiều tai ương.

Đạo của người vợ

1. Phụ nữ là mẹ của đất nước, là con gái trong gia đình, là vợ của người ta.

2. Phụ nữ phải nhu hoà, mỉm cười hiền hoà, dung hợp nhân duyên của mọi người trong gia đình.

3. Mềm mại ứng biến như nước, hoà hợp không tranh giành với vạn vật, luôn đặt mình nơi thấp nhất, chảy nơi chỗ trũng, thường nhận cái sai về mình, là bổn phận của người phụ nữ.

4. Phụ nữ nhiều chuyện thì đàn ông sẽ im lặng, phụ nữ không nhu thuận thì gia tài không vượng.

5. Không nên cứng nhắc thô bạo, không được nóng nảy, không được than vãn nhiều lời, lại càng không nên quản việc của đàn ông.

6. Phụ nữ cũng có 3 kiểu người: hãn phụ (người phụ nữ hung hãn), nhược phụ (Người phụ nữ nhu nhược), tức phụ (con dâu). Người phụ nữ cứng nhắc thô bạo, quản việc của đàn ông, áp chế người đàn ông về mặt tinh thần, nói năng như sấm chớp, được gọi là hãn phụ (Người phụ nữ hung hãn). Gia đình kiểu này âm thịnh dương suy, người chồng chưa già đã yếu, thậm chí còn chết yểu, con cái sinh ra cũng vô dụng.

Đạo mẹ chồng nàng dâu

1. Mẹ chồng nàng dâu trong gia đình đều là những người mang họ khác nhau mà tới cùng một gia đình, sống như mẹ và con gái.

2. Đạo nằm ở hai chữ Ân và Nghĩa, chung sống hoà thuận, có thể phụng dưỡng lúc cuối đời. Nếu trái với đạo thì mẹ chồng nàng dâu không hoà hợp, khiến việc nhà không hài hoà, tách ra ăn riêng ở riêng, gia đình chia rẽ, đạo nhà không hưng.

3. Mẹ chồng là người làm dâu nhiều năm được tôi luyện mà thành, đợi tới khi lấy dâu về nàng dâu lại trở thành mẹ chồng. Nàng dâu chính là cô gái trong nhà, hễ ra khỏi cửa là về nhà mẹ chồng, trở thành dâu con.

4. Mẹ chồng đến sớm hơn nên tỏ tường hết thảy mọi việc trong nhà; con dâu đến sau nên mọi việc trong nhà còn chưa hiểu rõ. Mẹ chồng cần dẫn dắt con dâu bước vào trong Đạo, đối xử với con dâu như với con gái, điều gì con dâu không biết thì bảo ban, chỉ dẫn con dâu, không nên gây khó dễ.

5. Con dâu vốn không phải do mẹ chồng sinh ra, nếu mẹ chồng không hiểu Đạo, không thi ân trước, nói về sở đoản của mình trước, hoặc ỷ lớn nạt bé, dùng sự tức giận quản con dâu, lời nói ra chỉ gieo mầm ác, thì con dâu đâu có thể nảy sinh tình cảm tốt đẹp với mẹ chồng?

6. Mỗi gia đình đều nên nghĩ rằng con gái của mình bước vào gia đình này thì nhà chồng cần yêu thương con dâu như con gái của mình. Nếu không làm được thì con dâu sẽ dùng phương thức như vậy để đối đãi với con dâu sau này của mình, tạo thành vòng tuần hoàn ác tính.

7. Làm con dâu thì nên hiếu kính với cha mẹ chồng như cha mẹ mình. Cổ nhân có câu rằng: Đời người có phụ mẫu đôi bên, nên phải đối xử công bằng với phụ mẫu đôi bên.

8. Không hiếu thuận với cha mẹ chồng, gieo nhân như vậy thì sau này khi con cái trưởng thành, nhất định cũng sẽ gặp quả báo là con cái không hiếu thuận với chính mình.

9. Gia đình hoà thuận vạn sự hưng, muốn được phu quý con hiền, thì phải hiếu kính cha mẹ, cuộc sống chắc chắn sẽ được phát đạt. Nếu không thì phú quý cũng chỉ mong manh như giọt sương mai giữa những bông hoa, vinh hoa cũng chỉ như sương mù lướt trên ngọn cỏ, đều không thể bền lâu. Học Đạo không phải là để yêu cầu người khác mà là để hoàn thiện chính bản thân mình!

 

 

Xem thêm
Chia sẻ bài viết: