Khí chất cao quý được ẩn tàng sâu bên trong cốt cách của con người là thứ không thể mua được bằng tiền tài vật chất, bởi vì nó liên quan đến sự rèn giũa và dưỡng dục từ phía gia đình, cùng với quá trình dày công tu dưỡng của mỗi một cá nhân.
Trong thâm tâm của chúng ta có thể có mong muốn trở thành một người có địa vị cao sang, được mọi người tôn trọng kính nể. Từ xưa đến nay, người sở hữu nhiều của cải vật chất thường được coi là người giàu có, tức là có ‘phú’. Tuy nhiên họ cũng chưa chắc đã được xem là người có ‘quý’.
Nếu như phú được thể hiện ở con số của cải vật chất thì quý lại toát ra từ khí chất cao sang gắn liền với sự tôn nghiêm và đức hạnh của con người. Đây cũng là quan điểm mà người xưa nhìn nhận và phân định giới tuyến giữa phú và quý.
Người thực sự có khí chất cao quý thường hội tụ đầy đủ những phẩm chất sau:
1. Có đạo đức cao thượng
Người xưa thường nói: Hậu đức tải vật (đức dày chở vạn vật), nghĩa là chỉ cần một người có đức hạnh thì không có gì là không gánh vác nổi. Ngược lại mà xét, nếu một người không có một chút đức thì sẽ chẳng thể làm nên công trạng gì. Ở đây cổ nhân muốn nhắc nhở chúng ta rằng cần phải lấy khổ làm vui, chuẩn bị sẵn tâm lý chịu khổ, đồng thời cần biết suy nghĩ vì người khác nhiều hơn, như thế mới có thể đạt được thành tựu công danh sự nghiệp. Như vậy thì chẳng phải đức dày chính là tài phú của một người?
Trước tiên cần phải làm một người phúc hậu, rồi sau đó mới có thể nhận được sự tôn trọng của mọi người. Người có nhiều đức hạnh thường dùng sự độ lượng của mình để bao dung người khác. Một người nếu như muốn thành tựu công danh sự nghiệp thì nhất định phải có phong thái khoáng đạt và lòng khoan dung tuyệt vời, chỉ những ai có thể dung chứa được cả thiên hạ trong tâm thì ngược lại mới có thể được người thế gian dung nạp.
Những người có khí chất cao quý thật sự thường không hề theo đuổi quá mức sự phồn hoa, danh vọng, họ thường sống giản dị, trung thực, trở về với bản chất của mình. Chúng ta thường thấy rằng, những người có học thức càng cao, tu dưỡng đạo đức tốt thường càng hòa ái và niềm nở. Họ không để tâm đến quyền lực hay địa vị, trái lại, trước những hoàn cảnh đáng thương, lòng từ bi trong họ có thể đột nhiên trỗi dậy. Trong con mắt của họ, không có sự phân biệt về đẳng cấp giữa người với người. Đây không phải là cố ý biểu hiện ra như vậy, mà đó thực sự là một dạng khí chất cao quý.
Nếu như không có nền tảng về đạo đức, danh lợi đều là do may mắn mà đạt được, hoặc là dùng thủ đoạn cưỡng cầu mà được, điều này cũng giống như bông hoa được đặt trong bình, thiếu chất dinh dưỡng từ đất đai màu mỡ để phát triển, và nó sẽ nhanh chóng úa tàn.
2. Lương thiện
Một người sống trong căn nhà sang trọng, lái một chiếc xe hạng sang, thực ra cũng không có gì quá đặc biệt. Ngược lại, nếu có thể biểu lộ ra lòng tốt đối với một người xa lạ, đó mới là thước đo chuẩn mực của sự cao quý. Thật đáng tiếc vì nhiều người không hiểu điều này. Một số người mới bước chân vào giới thượng lưu, khi đến nhà hàng ăn uống, chỉ cần một chút không hài lòng là đã la hét với nhân viên phục vụ; còn có vị lãnh đạo bám cứng vào một lỗi lầm nhỏ bé của cấp dưới mà không chịu buông tha.
Trong cuộc sống, chúng ta không ít lần chứng kiến những tình huống như thế này. Để thấu hiểu một người nào đó, đừng nhìn vào cách mà họ đối xử với bạn, hãy để ý đến cách họ đối xử với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, hoặc những người xa lạ mà họ không có bất kỳ mối quan hệ lợi ích nào. Đó là lý do vì sao có những người trở nên giàu có chỉ trong một đêm, trên người mang toàn những món đồ hàng hiệu, nhưng những người xung quanh lại không cảm nhận được chút phong thái quý phái nào.
Không phải ai cũng có thể bảo trì sự lương thiện của mình trong mọi hoàn cảnh, những người hay cáu kỉnh với nhân viên phục vụ, trong công việc có thể họ luôn nở nụ cười thân thiện; hoặc những người ở trên mạng Internet chỉ cần một câu không hợp ý đã sử dụng những lời lẽ cay độc nhất để công kích người khác, nhưng trong cuộc sống có thể họ lại là người nhút nhát, tốt bụng.
Lòng tốt thực sự thấm vào xương tủy, đó là thiên tính của một người, cũng là cách mà họ được giáo dưỡng.
3. Giữ lời hứa
Không ai có thể thành tựu bản thân mà thiếu đi chữ tín, cũng không quốc gia nào có thể trở nên hùng mạnh khi không có sự tin tưởng từ các nước lân bang. Người xưa đã coi trọng việc giữ chữ tín như một trong những đức tính cốt lõi của con người. Nếu như không có sự tin tưởng, mọi công việc mà chúng ta làm đều trở nên không hoàn thiện. Mấu chốt của mọi mối quan hệ xã hội chính là sự tin tưởng lẫn nhau. Phải coi trọng việc nói và làm, đã hứa thì nhất định phải thực hiện.
Chữ tín thuộc về phạm trù đạo đức, mặc dù không thể cân đo đong đếm, không thể dùng giá trị để đo lường, nhưng lại có thể khiến một người trở nên không chút giá trị hoặc thậm chí thân bại danh liệt, cũng có thể khiến cho một người nổi tiếng được nhiều người mến mộ bị hủy hoại danh tiếng, rơi xuống vực sâu vạn trượng.
Người không giữ lời hứa, nhân cách của họ đã không còn chút giá trị, thậm chí còn bị người khác coi thường; còn những người sống trung thực và giữ chữ tín, thì nội tâm của họ thực sự cao quý, đáng để người khác ngưỡng mộ. Trong xã hội, nếu như không biết giữ chữ tín, chắc chắn sẽ không ai muốn kết giao với họ và càng không thể giành được sự tin tưởng của người khác.
4. Khiêm tốn
Sự khiêm tốn là trạng thái tốt nhất để tu dưỡng, là một cảnh giới trong cách làm người. Một người vào bất cứ thời điểm nào, cũng cần phải hiểu được giá trị của sự khiêm nhường, như người ta vẫn nói “khiêm nhường thì được lợi, kiêu ngạo thì gặp hại”.
Luôn giữ tinh thần khiêm nhường mới có thể học hỏi từ người khác và mới có thêm nhiều cơ hội để hoàn thiện bản thân. Những phô trương thái quá chỉ làm lộ rõ thêm sự thiếu hiểu biết của bản thân, tự hài lòng với chính mình ngay sau khi đạt được một chút thành tựu nhỏ bé, thậm chí khiến cho người đó dừng bước, mất đi tâm thái cầu tiến.
Càng là người có khí chất cao quý thì càng minh bạch được đạo lý “nhân ngoại hữu nhân”, từ đó càng trở nên khiêm nhường khi đối đãi với người xung quanh, nhìn nhận và học hỏi những điểm tốt của người khác.
5. Chính trực
Một người không nhất thiết phải trở thành vĩ nhân, nhưng hoàn toàn có thể là một người chính trực. Vậy chính trực là gì? “Chính” nghĩa là công chính, chính nghĩa, là không lệch lạc, không giả tạo, không phù phiếm, mà là sự ngay thẳng, trong sáng. Đó có thể là sống một cách thanh cao, hành xử một cách chính đáng, làm việc một cách đứng đắn, hoặc xử sự một cách chính trực và công bằng, vì thế nên mới có thể sống một cuộc đời thoải mái, tâm hồn không chút vướng bận.
6. Kiên trì
Trong cuộc sống, mọi người thường xuyên phải đối mặt với sự lựa chọn: “Liệu có nên tiếp tục kiên trì hay là bỏ cuộc?” Đây là câu hỏi thường khiến mọi người cảm thấy băn khoăn. Nếu là người có tính cách mềm yếu, có lẽ họ sẽ chọn cách bỏ cuộc và chấp nhận thất bại, hơn nữa còn tìm ra nhiều lý do để thuyết phục bản thân; còn với người tương đối kiên cường, họ nhất định sẽ lựa chọn kiên trì đến cùng, dù kết quả có thể là thất bại đi chăng nữa cũng không ngần ngại đối đầu với thử thách.