Những người bạn đã gặp, những cuốn sách bạn đã đọc, những con đường bạn đã đi, chính là tương lai của bạn
Người ta thường nói rằng: “Chỉ mất 1 năm để học nói, nhưng mất cả đời để học cách im lặng”.
Có người bỏ ra hàng chục phút để to tiếng cãi cọ với người khác trong chợ vì mặc cả vài nghìn tiền rau. Có người dù bị hiểu lầm cũng vẫn tươi cười hớn hở, chẳng phân bua lấy một lời. Sự chênh lệch giữa hai kiểu người này không chỉ là vài câu nói, mà còn nằm ở tầm nhìn.
Khác nhau ngay ở tầm nhìn
Chúng ta luôn đưa ra phán xét về một sự vật, hiện tượng nào đó theo phạm vi tầm nhìn của mình. Lấy ví dụ điển hình nhất, nếu bạn nói với con ếch dưới đáy giếng rằng bầu trời rộng hơn kích thước miệng giếng gấp hàng tỷ tỷ lần, chắc chắn nó sẽ nghĩ bạn là kẻ nói dối, bởi vì tầm nhìn của nó chỉ được quyết định bởi miệng giếng đó mà thôi.
Khi chúng ta đứng ở tầng hai, chúng ta sẽ thấy đầy rác rưởi trên mặt đất. Nhưng nếu đứng từ tầng 22 nhìn xuống, chúng ta sẽ thu nhận toàn bộ phong cảnh lung linh của thành phố vào mắt mình. Độ cao khác nhau sẽ đem tới tầm nhìn và tâm thái khác nhau. Khi chúng ta đặt chân tới một độ cao mới, đạt tới cảnh giới càng rộng, đương nhiên sẽ tiếp nhận tầm nhìn và tâm thái càng lớn hơn.
Tuy con người không thể quyết định môi trường và điều kiện mà mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi vận mệnh tương lai bằng cách không ngừng phát triển, cải thiện bản thân và mở rộng tầm nhìn. Và trong quá trình đó, những cuốn sách bạn đọc, những con đường bạn đã đi qua, và những người mà bạn quen biết sẽ là nhân tố quan trọng, tạo ra sự thay đổi quyết định.
Những người đã gặp: Hãy biết ơn chân thành, nhưng phải biết chọn lọc
Trong sinh mệnh đời người, chúng ta sẽ gặp được rất nhiều người khác nhau. Hội ngộ chính là duyên, bởi vậy, chúng ta luôn biết ơn chân thành mỗi một mối quan hệ xuất hiện trong đời.
Hãy biết cảm ơn người thân, cảm ơn bạn bè, cảm ơn cả những người xa lạ từng quen và những người luôn mang tới nhiều phiền toái, đau khổ. Vì họ đã giúp chúng ta hiểu được vẻ đẹp của thế gian, học cách phân biệt giả – ác – xấu của nhân tính. Họ là khảo nghiệm giúp chúng ta ngày càng kiên cường, nâng đỡ mỗi người trưởng thành và khôn lớn hơn.
Khi gặp người bạn yêu, hãy học cách cho đi. Khi gặp người yêu mình yêu, hãy học cách hồi đáp. Khi gặp được người mình hận, hãy học cách thứ tha. Khi gặp người hận mình, hãy học cách xin lỗi.
Khi gặp người tôn trọng bạn, hãy học cách trân trọng. Khi gặp người mình tôn trọng, hãy học cách ngợi khen. Khi gặp người không hiểu bạn, hãy học cách trao đổi. Khi gặp được người bạn không rõ, hãy học cách thấu hiểu.
Đừng quên rằng, ngoài lòng biết ơn, chúng ta cũng phải cẩn trọng. Trong tương lai, chúng ta không cần phải mời quá nhiều người tham dự vào cuộc sống của riêng mình. Nếu không thể đi vào nội tâm thật sự, sự tồn tại của họ cũng chỉ chợt tới rồi lại chợt đi, không để lại chút giá trị thu hoạch nào. Hãy dành thời gian và năng lượng quý báu của bản thân cho những người thực sự quan tâm, thấu hiểu và chân thành. Giảm bớt những cuộc ăn chơi vô nghĩa, tránh xa những người đạo đức giả, bỏ ngoài tai những lời coi thường khinh khi, đó mới là tinh túy của việc chọn lọc bạn bè.
Những cuốn sách đã đọc: Thay đổi khí chất, lắng đọng tâm hồn
Cổ nhân từng nói: “Khí chất của con người, bởi vì trời sinh, rất khó thay đổi, duy chỉ có sách vở tri thức mới có thể làm điều đó”.
Nếu so sánh người có rèn luyện với người không rèn luyện chỉ trong một ngày, thậm chí là một tháng, thì khó có thể nhận ra bất cứ sự thay đổi nào. Nhưng chỉ cần kiên trì, nhìn lại 1 năm, 5 năm và 10 năm sau, trạng thái tinh thần và thể lực của cả hai đã cách biệt như trời với đất.
Đọc sách cũng giống như vậy. Giữa người chăm đọc và người không đọc, sự khác nhau sẽ tích lũy dần qua từng ngày, từng tháng, từng năm, cuối cùng tạo thành cách biệt một trời một vực.
Nhiều người cho rằng, bản thân mình đọc sách thật nhiều nhưng cứ đọc xong lại quên thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Thế nhưng, trên thực tế, từ khi còn bé, chúng ta cũng từng ăn rất nhiều món ăn mà bây giờ không thể nhớ nổi. Nhưng có thể khẳng định là, những món ăn đó đã trở thành một phần xương máu nằm trong cơ thể từ lâu. Một cuốn sách được đọc một cách nghiêm túc, cẩn thận sẽ trở thành một phần tâm hồn, kết tinh thành trí tuệ của bản thân.
Đọc sách không chỉ mang lại cho chúng ta thu hoạch lợi ích thiết thực, mà nó còn là một phương thức bồi bổ tinh thần, để chúng ta biết rằng, thế giới này không chỉ có vật chất, mà còn có đam mê, lý tưởng, còn có niềm tin để phấn đấu, không ngừng thay đổi chính mình.
Những con đường đã đi: Đọc vạn cuốn sách không bằng đi vạn dặm đường
Mỗi người có một con đường khác nhau. Mỗi con đường khác nhau lại thu hoạch được những phong cảnh khác nhau. Đọc sách mang tới cho chúng ta một thế giới nằm trong tưởng tượng, du lịch giữa hàng ngàn con chữ từ cổ chí kim, còn đi đường lại đem tới những trải nghiệm thực tế, tiếp nhận từng nhành cây ngọn cỏ, vạn vật của trời đất.
Trong suốt hành trình, chúng ta sẽ được tiếp xúc với rất nhiều sự vật, sự việc, từ đó thu nạp và mở mang kiến thức, thấu hiểu người khác và chính bản thân mình. Tầm nhìn mở rộng, tâm thái cũng sẽ trở nên rộng lớn, chúng ta càng có thể đối mặt với thế giới bằng một thái độ tốt hơn, mở rộng cái tâm và cái tầm khi nhìn đời xử thế.
Nhân gian không có phong cảnh nào tồn tại vĩnh hằng, cũng không có con người nào sống sót mãi mãi. Gặp được càng nhiều, chúng ta càng hiểu đạo lý “Có sinh ra, ắt có mất đi” để bình thản đối mặt với được mất ở đời, không bi quan khi gặp chuyện, không tức giận khi bỏ lỡ.
Có trải nghiệm mới chính là cuộc đời. Con đường càng đi càng dài, những hỉ nộ ái ố mà chúng ta hội ngộ trên hành trình đó cũng chính là một bài học quan trọng, là hành trang mà ta tích lũy, là kinh nghiệm mà ta gặt hái, là thu hoạch mà ta trân quý, để cùng nhau đồng hành tới cuối sinh mệnh.