Chế độ ăn cho người bệnh viêm khớp dạng thấp
SKĐS – Một số loại thực phẩm giúp kiểm soát các triệu chứng viêm khớp dạng thấp cùng với các phương pháp điều trị y tế như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm và liệu pháp ức chế miễn dịch.
Viêm khớp dạng thấp có thể tấn công bất cứ ai ở mọi lứa tuổi. Viêm khớp dạng thấp khác với viêm xương khớp, là hiện tượng khớp bị mòn tự nhiên theo thời gian, còn viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch của chính cơ thể tấn công các khớp khiến sưng đau, cứng và viêm.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người viêm khớp dạng thấp
Thay đổi chế độ ăn uống là một cách mà những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nên lựa chọn để hỗ trợ sức khỏe. Một số thực phẩm chống viêm giúp làm giảm cơn đau, sưng tấy do viêm khớp dạng thấp.
Theo Bác sĩ Nguyễn Ngọc Định – Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, người mắc viêm khớp dạng thấp nên cân đối chế độ ăn hàng ngày, kiểm soát lượng calo. Nên ăn các món hấp, luộc thay vì chiên rán nhiều dầu mỡ.
Mặc dù chế độ ăn kiêng không chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng theo Tổ chức Viêm khớp, việc lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng với những thực phẩm phù hợp giúp kiểm soát tình trạng viêm tàn phá cơ thể, cung cấp chất dinh dưỡng mà cơ thể cần và giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Điều đó quan trọng vì trọng lượng dư thừa sẽ tăng thêm áp lực lên các khớp bị đau và có thể làm cho một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp kém hiệu quả hơn. Hơn nữa, mỡ trong cơ thể tạo ra các protein gọi là cytokine thúc đẩy quá trình viêm.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người bệnh viêm khớp dạng thấp
Vitamin D: Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vitamin D khiến dẫn đến nhiều biến chứng như loãng xương, nhiễm trùng… Vì vậy, nên ăn các thực phẩm chứa nhiều vitamin D như trứng, sữa, rong biển, dầu gan cá…
Acid béo Omega-3: Là chất kháng viêm tự nhiên, có tác dụng trung hòa các gốc tự do gây viêm và điều chỉnh phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Dưỡng chất này đã được chứng minh là có khả năng làm giảm tần suất, cường độ của các cơn đau khớp dạng thấp. Các thực phẩm giàu acid béo omega-3 như cá hồi, cá mòi, cá trích, cá ngừ, quả óc chó, dầu ô liu…
Chất xơ: Tiêu thụ chất xơ được chứng minh có khả năng giúp giảm viêm toàn thân, từ đó góp phần ngăn chặn sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp. Các nguồn chất xơ là các loại rau củ (bông cải xanh, rau muống, rau cải canh…), hạt (hạt lanh, hạt điều, hạt óc chó…), ngũ cốc nguyên hạt (lúa mạch, gạo lứt, ngô, khoai…).
Vitamin A, C, E, K: Là các vitamin có khả năng tiêu diệt mạnh mẽ các gốc tự do gây viêm cải thiện tình trạng sưng đau tại khớp. Các vitamin này có nhiều trong các loại rau củ (xà lách, ớt chuông, cà chua, cà rốt, dưa chuột, cải bó xôi…), trái cây (thanh long, bưởi, quýt, lê, táo…).
Chất chống oxy hóa: Sự mất cân bằng oxy hóa trong cơ thể chính là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh lý mạn tính, bao gồm viêm khớp dạng thấp. Trong khi đó, các chất chống oxy hóa như polyphenols, flavonoids, sulforaphane… lại có công dụng mạnh mẽ trong việc khôi phục lại cân bằng oxy hóa trong cơ thể, góp phần làm dịu tình trạng viêm nhiễm. Các nguồn giàu chất chống oxy hóa như rau lá xanh, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám…
Prebiotic và probiotic: Ăn nhiều thực phẩm chứa prebiotic và probiotic sẽ giúp ổn định hệ sinh đường ruột, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, làm giảm tình trạng sưng viêm khớp. Một số thực phẩm giàu prebiotic và probiotic bao gồm: sữa chua, giấm táo, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt.
Canxi: Tương tự như vitamin D, sự thiếu hụt canxi cũng là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh. Điều này dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như loãng xương, khớp biến dạng, nhiễm trùng, bệnh tim mạch… Các thực phẩm chứa canxi như sữa, rong biển, các loại đậu, ngũ cốc…
Sắt: Người bệnh viêm khớp dạng thấp phải đối mặt với tình trạng thiếu sắt, khiến tình trạng viêm nhiễm lan rộng. Thiếu sắt gây thiếu máu, cản trở quá trình vận chuyển oxy và các chất chống viêm đến khu vực tổn thương. Bổ sung thực phẩm giàu sắt như thủy hải sản (cá thu, cá mòi, cá ngừ, sò, tôm…), các loại đậu, hạt.
3. Thực phẩm người bệnh viêm khớp dạng thấp nên ăn và nên tránh
Thực phẩm nên ăn
Dầu ô liu: Oleocanthal, một hợp chất được tìm thấy trong dầu ô liu nguyên chất có tác dụng ngăn chặn cơn đau tương tự như các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS), chẳng hạn như ibuprofen, khiến dầu ô liu trở thành một loại dầu rất tốt để sử dụng trong chế độ ăn uống người bệnh viêm khớp dạng thấp.
Trái cây có múi: Cam, bưởi, chanh rất giàu vitamin C và cũng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa chống viêm tốt, có lợi cho những người bị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, cam quýt có thể cản trở khả năng xử lý một số loại thuốc viêm khớp dạng thấp của cơ thể. Do đó, nếu đang dùng thuốc có thể bị ảnh hưởng bởi cam quýt, hỏi ý kiến bác sĩ để bổ sung vitamin C từ các nguồn khác như cà chua, ớt, dưa, dâu tây, kiwi hoặc khoai tây.
Nếu phải tránh dùng thuốc cùng với nước ép cam quýt thì nên uống nước trái cây họ cam quýt vào một thời điểm khác trong ngày.
Quả mọng: Quả việt quất, mâm xôi, dâu tây… có chứa các hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ, như proanthocyanin và acid ellagic, giúp chống viêm, giảm tổn thương tế bào.
Cà rốt: Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thiếu hụt vitamin A làm suy yếu khả năng kháng viêm và chống oxy hóa trong cơ thể. Cà rốt có khả năng cung cấp hàm lượng lớn beta-carotene (tiền chất của vitamin A).
Ngũ cốc nguyên hạt: Là nguồn cung cấp chất xơ và các chất dinh dưỡng quan trọng khác như selen, kali, magie tốt hơn so với ngũ cốc tinh chế. Ngoài ra, chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt cũng có liên quan đến việc kiểm soát cân nặng tốt hơn, giúp giảm đau và các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Gừng: Chứa các hợp chất có chức năng tương tự như thuốc chống viêm, chẳng hạn như aspirin và ibuprofen. Do đó tốt cho người viêm khớp dạng thấp.
Tỏi: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng tích cực của tỏi lên tình trạng viêm khớp dạng thấp.
Nghệ: Có chứa chất curcumin, một loại polyphenol tự nhiên có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Curcumin giúp cải thiện hiện tượng sưng khớp, cứng khớp buổi sáng ở người bệnh.
Các loại cá béo: Cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích, cá mòi… cũng là một nguồn omega-3 dồi dào, rất có lợi cho người bệnh viêm khớp nhờ một chất béo omega -3 có đặc tính kháng viêm, góp phần bảo vệ người bệnh khỏi nhiều biến chứng…
Dứa: Rất giàu vitamin C và enzyme bromelain có liên quan đến việc giảm đau, giảm sưng tấy ở cả bệnh viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp.
Trà xanh: Trà xanh có rất nhiều catechin làm gián đoạn quá trình kích hoạt các con đường viêm. Tác dụng của nó đối với bệnh viêm khớp dạng thấp đã được nghiên cứu từ lâu.
Các sản phẩm từ sữa ít béo: Sữa ít béo cung cấp protein chất lượng cao cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Bên cạnh đó, đây cũng là nguồn canxi, magie, vitamin D, K dồi dào, hỗ trợ người bệnh duy trì thể trạng khỏe mạnh. Ngoài sữa tươi ít béo, các sản phẩm khác như sữa chua không đường, sữa chua Hy Lạp…
Thực phẩm lên men: Đậu tương lên men, sữa chua, kefir… là nguồn thực phẩm giàu probiotic, giúp tăng cường hệ miễn dịch và kiểm soát các phản ứng viêm nhiễm trong cơ thể góp phần đảm bảo sức khỏe tổng thể cho người bệnh, đồng thời ổn định tình trạng sưng, đau khớp do viêm.
Thực phẩm nên tránh
Một số loại thực phẩm làm nặng thêm tình trạng viêm khớp dạng thấp. Do đó, người bệnh cần tránh một số loại thực phẩm bao gồm:
Thịt đỏ: Thịt bò, trâu, ngựa, cừu, dê… là thực phẩm làm tăng nguy cơ làm tăng các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Thịt đỏ dễ gây viêm, làm nặng thêm triệu chứng của một số bệnh như đái tháo đường, bệnh Alzheimer, ung thư… Trong thịt đỏ còn có chứa nhiều chất béo bão hòa có thể gây ra phản ứng viêm gây sưng đau ở các khớp.
Thưc phẩm chế biến sẵn: Thực phẩm đóng gói, thức ăn chế biến sẵn có chứa nhiều chất phụ gia, đường và chất bảo quản để hỗ trợ tăng thời gian sử dụng. Do đó, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn thường tăng khả năng gây viêm, thiếu dinh dưỡng và không lành mạnh cho sức khỏe.
Thực phẩm chiên, rán: Các loại thực phẩm này thường dễ hình thành các hợp chất có hại gây oxy hóa và viêm. Chế độ ăn uống nhiều thực phẩm chiên, rán làm tăng nguy cơ béo phì, gây viêm cũng như một số bệnh lý mạn tính khác.
Đường và bột tinh luyện: Lượng đường trong máu tăng đột biến sẽ khiến cơ thể sản sinh ra các hóa chất gây viêm gọi là cytokine, làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Những thực phẩm này cũng dễ gây tăng cân, gây căng thẳng cho khớp. Hạn chế đồ ăn nhẹ, đồ uống có đường, bánh mì, mì ống làm từ bột mì trắng và gạo trắng.
Hạn chế lượng muối sử dụng: Nhiều muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tăng khả năng nhiễm trùng và gây viêm. Lượng natri cao tăng nguy cơ gây viêm, làm tăng mức độ nghiêm trọng cho bệnh viêm khớp dạng thấp.
Phụ gia thực phẩm: Bột ngọt có thể gây ra các phản ứng viêm gây viêm nghiêm trọng dẫn đến viêm đau khớp dạng thấp và một số bệnh lý liên quan khác. Nên thay bột ngọt bằng đường mía hoặc các chất tạo ngọt tự nhiên khác.
Gluten: Gluten, một loại protein có trong ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch có thể góp phần gây viêm, nhất là đối với những người mắc chứng rối loạn tự miễn dịch như bệnh celiac hoặc viêm khớp dạng thấp.
Rượu bia: Uống quá nhiều rượu có thể khiến nồng độ protein phản ứng trong cơ thể tăng đột biến gây ra tình trạng viêm và bất lợi cho viêm khớp dạng thấp.
Xem thêm: