SKĐS – Người bị viêm amidan nên chú ý đến những thực phẩm và đồ uống có tính chất dễ ăn uống hơn khi bị đau họng, khó nuốt…
Viêm amidan là tình trạng viêm nhiễm của amidan, một tổ chức giống như mô hình quả hạnh nhân nằm ở phía sau cổ họng. Viêm amidan có thể gây ra các triệu chứng như đau họng, sưng tấy, sốt, khó nuốt và sưng hạch cổ.
Theo ThS.BS Vũ Văn Tiến – Phòng khám đa khoa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cơ sở Cầu Giấy, bình thường, amidan có chức năng sinh kháng thể tham gia vào hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể, hoạt động mạnh ở trẻ em và sẽ giảm dần ở độ tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, khi viêm đi viêm lại nhiều lần và điều trị không triệt để, amidan lại trở thành ổ nhiễm khuẩn gây bệnh cho cơ thể và dễ dẫn đến các biến chứng, khiến cho người bệnh khó chịu.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn khi bị viêm amidan
ThS.BS Vũ Văn Tiến cho biết, vì hầu hết các trường hợp viêm amidan ở người lớn là do virus nên phương pháp điều trị là nghỉ ngơi và tự chăm sóc tại nhà. Các phương pháp tự chăm sóc thường được khuyến nghị bao gồm:
- Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt;
- Uống nhiều chất lỏng. Có thể uống trà thảo mộc với chanh và mật ong cũng tốt;
- Súc miệng bằng nước muối;
- Có thể dùng thuốc giảm đau hạ sốt thông thường để giảm đau và khó chịu;
- Ăn thức ăn mềm;
- Sử dụng viên ngậm giúp sát khuẩn và giảm đau họng.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi và giảm bớt các triệu chứng khi bị viêm amidan. Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ích cho người bệnh viêm amidan:
- Giảm đau họng: Các thực phẩm mềm như súp, cháo, sữa chua giúp làm dịu cơn đau họng và dễ nuốt hơn.
- Chống viêm: Các thực phẩm giàu chất chống viêm như trái cây, rau bina, mật ong, nghệ và gừng có thể giúp giảm viêm và sưng tấy.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Các thực phẩm giàu vitamin C và kẽm như cam, kiwi và thịt nạc giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống lại nhiễm trùng. Cùng với đó thời gian điều trị cũng được rút ngắn và ít phát sinh biến chứng hơn.
- Giữ cơ thể đủ nước: Uống nhiều nước lọc, nước trái cây và trà thảo mộc giúp giữ cho cơ thể đủ nước và ngăn ngừa mất nước.
2. Các dưỡng chất cần thiết cho người bị viêm amidan
2.1. Protein tốt cho người bệnh viêm amidan
Protein được xem là một trong những thành phần dinh dưỡng thiết yếu đối với cơ thể. Protein có nhiệm vụ hỗ trợ cải thiện cơ bắp, tăng cường sức khỏe và đem lại cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào.
Theo các nghiên cứu, người bị viêm nhiễm vi khuẩn, virus cần có chế độ ăn uống điều độ và chú ý bổ sung đủ lượng proetin cần thiết cho cơ thể tăng cường sức khỏe tốt, có khả năng chống chịu trước các tác nhân gây hại.
Trong quá trình điều trị viêm amidan, người bệnh nên ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm giàu protein nhưng dễ tiêu hóa như thịt gà, trứng, sữa, cá… và hạn chế sử dụng các món ăn như thịt nướng, thịt xông khói, các loại đồ ăn đóng hộp.
2.2. Vitamin C tăng sức đề kháng
Vitamin C là thành phần thiết yếu, đem lại nhiều lợi ích đối với hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Đặc biệt, loại vitamin này còn hỗ trợ điều trị viêm amidan hiệu quả nhờ khả năng tăng cường chức năng của các tế bào lympho, góp phần cải thiện hệ thống hô hấp.
Vitamin C góp phần sản xuất ra nhóm protein kháng thể interferon giúp ngăn chặn sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai vào cơ thể. Cụ thể, chỉ cần bổ sung khoảng 1000mg vitamin C mỗi ngày sẽ giúp làm giảm khoảng 50% triệu chứng của bệnh viêm mũi họng và các bệnh liên quan đến đường hô hấp khác.
Các loại thực phẩm giàu vitamin C bao gồm kiwi, dâu tây, chanh, cam, bưởi, ổi… Bạn có thể sử dụng để ăn trực tiếp hoặc sử dụng dưới dạng nước ép, sinh tố.
2.3. Vitamin E
Thực phẩm giàu vitamin E cũng là lựa chọn tốt cho người bị nhiễm trùng hô hấp nói chung và viêm amidan nói riêng. Lý do là vitamin E giúp phục hồi các mô tổn thương, giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm, giúp cải thiện triệu chứng đau rát cổ họng, sưng tấy do viêm amidan.
Vitamin E được tìm thấy trong các loại thực phẩm như hạt dẻ cười, quả bơ, bông cải xanh, rau chân vịt, súp lơ, đu đủ, rau bina…
2.4. Kẽm giảm viêm hiệu quả
Kẽm là thành phần tốt cho sức khỏe nói chung và hệ miễn dịch nói riêng. Nghiên cứu cho thấy, sử dụng thực phẩm giàu kẽm thường xuyên có thể giúp cơ thể cải thiện chức năng đề kháng thông qua việc thúc đẩy sản sinh tế bào lympho. Từ đây cơ thể sẽ xuất hiện kháng thể giúp hỗ trợ ức chế các bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp như cúm, cảm lạnh, viêm họng và đặc biệt là viêm amidan.
Để bổ sung đủ kẽm, bạn nên tăng cường ăn các loại thực phẩm như hạt bí, hàu, thịt bò, hạt điều, óc chó, rong biển, hạt kiều mạch, gan động vật,…
2.5. Nhóm thực phẩm kháng viêm
Virus và vi khuẩn gây viêm amidan có thể lây lan sang các cơ quan lân cận như vòm họng, thanh quản, VA và mô xoang. Vì vậy, việc bổ sung cho cơ thể khác loại thực phẩm có tính kháng viêm giữ vai trò vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn sang các bộ phận khác mà còn rút ngắn thời gian sử dụng thuốc, đảm bảo tối ưu hiệu quả trị bệnh.
- Nghệ: là loại dược liệu có vị cay, tính ấm, đặc biệt có tính kháng viêm cao giúp sát trùng, ức chế vi khuẩn. Để làm dịu họng bị đau do viêm amidan, người bệnh thử kết hợp uống tinh bột nghệ hoặc kết hợp sử dụng nghệ trong chế biến các món ăn hằng ngày.
- Mật ong: Mật ong có tính kháng khuẩn và vị ngọt ấm, dễ sử dụng và mang lại hiệu quả chống viêm cao. Người bệnh viêm amidan nên ngậm mật ong nguyên chất hoặc kết hợp mật ong với nhiều nguyên liệu khác như chanh, quất, lê, tía tô, để tăng cường hiệu quả trị bệnh.
- Gừng: Kết hợp với các phương pháp điều trị viêm amidan, người bệnh hãy sử dụng trà gừng, gừng mật ong hoặc kết hợp gừng tươi trong các món ăn hàng ngày.
3. Lưu ý về chế độ dinh dưỡng với bệnh nhân viêm amidan
3.1. Thực phẩm người bệnh viêm amidan nên ăn
Đau và sưng họng do viêm amidan có thể khiến việc nuốt trở nên khó khăn. Vậy những thực phẩm, đồ uống nào được khuyến khích cho người bị viêm amidan?
Thực phẩm mềm là lựa chọn tốt nhất. Chúng dễ nuốt và an toàn khi ăn, đồng thời làm giảm viêm và kích ứng ở cổ họng. Đồ uống ấm cũng ngăn ngừa hoặc giảm đau ở amidan.
Dưới đây là một số loại thực phẩm nên ăn khi bị viêm amidan:
- Súp: Súp gà hoặc súp rau củ là lựa chọn tốt vì kết cấu mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa và giàu chất dinh dưỡng.
- Cháo: Cháo trắng hoặc cháo yến mạch là lựa chọn tốt cho người viêm amidan vì chúng dễ tiêu hóa và cung cấp năng lượng.
- Sữa chua nguyên chất: Sữa chua là nguồn cung cấp protein và canxi tốt, đồng thời chứa vi khuẩn có lợi giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa.
- Trái cây mềm: Trái cây mềm như chuối, bơ, dưa hấu dễ nuốt và chứa nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết.
- Rau mềm: Các loại rau nấu chín mềm như khoai tây, khoai lang, bí ngô, bông cải xanh và cà rốt cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ.
- Trứng: Trứng là nguồn protein tốt và dễ tiêu hóa.
- Thịt nạc: Thịt gà tây, gà hoặc cá nạc cung cấp protein và kẽm, giúp tăng cường hệ miễn dịch.
- Bánh mì trắng: Bánh mì trắng mềm và dễ nuốt.
Đồ uống mềm tốt cho bệnh viêm amidan bao gồm:
- Chất lỏng ấm như trà thảo dược, súp và nước ấm.
- Sinh tố trái cây mềm như chuối, bơ.
- Món tráng miệng gelatin.
- Nước dùng.
- Súp làm từ kem.
Tiêu thụ những thực phẩm và đồ uống này sẽ giúp bạn no lâu và đủ nước mà không làm tình trạng viêm amidan trở nên trầm trọng hơn.
3.2. Thực phẩm người bệnh viêm amidan cần tránh
Viêm amidan có thể gây đau họng và khó nuốt, vì vậy bạn nên tránh một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm nặng thêm các triệu chứng này. Người bệnh nên tránh các thực phẩm sau khi bị viêm amidan:
- Thực phẩm cay nóng: Thực phẩm cay nóng như bột ớt, hạt tiêu, nước sốt cay dễ kích thích cổ họng và làm cho các triệu chứng ở miệng và cổ họng tồi tệ hơn.
- Thực phẩm cứng và giòn: Thực phẩm cứng như khoai tây chiên, ngũ cốc, bánh quy giòn và các loại hạt gây khó chịu khi nuốt hoặc gây kích ứng amidan bị viêm và sưng tấy nhiều hơn.
- Thực phẩm chua: Thực phẩm chua như cam quýt và cà chua làm tăng acid trong dạ dày và làm cho đau họng tồi tệ hơn.
- Đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ: Việc thường xuyên sử dụng các món ăn chiên xào có quá nhiều dầu mỡ sẽ gây khó tiêu, trào ngược acid dạ dày. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ không tốt cho amidan và dễ gây các bệnh viêm đường hô hấp.
Một số đồ uống có thể gây kích ứng cổ họng bị đau và sưng. Hãy cân nhắc tránh những đồ uống này nếu bạn bị viêm amidan:
- Đồ uống có gas: Đồ uống có gas thường gây cảm giác đầy hơi và khó chịu.
- Caffeine: Caffeine dễ làm mất nước và khiến các triệu chứng tồi tệ hơn.
- Rượu: Rượu gây kích thích cổ họng và làm cho các triệu chứng khó chịu hơn. Rượu là chất lợi tiểu, tăng số lần bạn đi tiểu khiến cơ thể mất nước. Cơ thể có ít chất lỏng hơn khiến cổ họng bị khô và ngứa ngáy, gây khó chịu cho bệnh viêm amidan.
Người bị viêm amidan nên tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh và uống nhiều nước. Ngoài ra, cần nghỉ ngơi nhiều và tránh tiếp xúc với những người bị bệnh. Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc vì hút thuốc có thể khiến cổ họng bạn đỏ, khô và khó chịu. Từ đó viêm sưng amidan sẽ khó kiểm soát và dễ chuyển biến nặng hơn.
Xem thêm: