Bài học từ câu chuyện Tăng Sâm giết người
Bạn thân mến, mỗi chúng ta đều yêu thích sự thật và không mong nhận được lời đồn ác ý. Nhưng cuộc sống luôn ngập tràn tin tức, những tin tức ấy đâu là thật, đâu là giả, đâu chỉ là lời đồn? Vào thời Xuân Thu hơn hai nghìn năm trước, mẹ của Tăng Tử cũng từng đối mặt với vấn đề thật giả lẫn lộn này.
Tăng Tử tên thật là Tăng Sâm, là một trong những học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử. Ông không chỉ có học vấn uyên bác, có tu dưỡng và phẩm hạnh cao thượng, mà đồng thời còn là một người con nổi tiếng về lòng hiếu thảo.
Một ngày khi Tăng Tử đi vắng, mẹ ông ở nhà một mình dệt vải. Tăng mẫu đang dệt, đang dệt, bỗng “rầm, rầm, rầm”, ai đó đang đập cửa nhà họ Tăng. “Tôi ra đây, tôi ra đây” – Tăng mẫu vừa nói vừa đứng dậy mở cửa.
Nhưng cửa còn chưa kịp mở, người bên ngoài đã hổn hển báo tin: “Chị à, tôi là Trương Tam bên hàng xóm đây. Chị đã biết gì chưa? Ngoài kia người ta đang ầm ĩ nói rằng con trai Tăng Sâm của chị đã giết người!”
Tăng Sâm hiếu thảo lại là kẻ sát nhân sao? Điều này nghe thật đáng sợ, nhưng cũng thật khó tin!
Đã bao giờ bạn đột nhiên nhận được tin xấu như vậy hay chưa? Ví dụ như có người tiết lộ với bạn rằng cô bạn thân nhất đang nói xấu sau lưng bạn, lúc này bạn sẽ phản ứng thế nào?
Vậy còn Tăng mẫu thì sao? Bà đột nhiên nhận được thông báo rằng con trai mình đã giết người, liệu bà có tin không? Có sợ hãi hay không?
Câu trả lời là không, ngược lại, bà vô cùng bình tĩnh đối diện với lời đồn. Vì sao Tăng mẫu lại bình tĩnh đến vậy?
Chúng ta hãy cùng lắng nghe phần tiếp theo của câu chuyện.
Tăng mẫu thầm nghĩ: “Con trai ta là người có phẩm đức, có tài năng, sao có thể giết người chứ? Ta hoàn toàn không tin!”
Nghĩ vậy, Tăng mẫu liền đáp lại lời hàng xóm: “Cảm ơn anh đã lo lắng cho tôi, nhưng tôi biết con trai tôi tuyệt đối không bao giờ làm cái việc thất đức ấy đâu”.
Sau đó, bà lại tiếp tục về phòng dệt vải.
Tăng mẫu tin tưởng vào đức hạnh của con trai, vậy nên khi đứng trước lời đồn bà vẫn khẳng định rằng con trai mình không hề sát nhân. Nếu đổi lại là bạn, liệu bạn có nghĩ như thế chăng: Bạn thân của tôi là người chính trực ngay thẳng, hai chúng tôi có điều gì bất mãn đều thẳng thắn góp ý cho nhau, cô ấy sao có thể nói xấu sau lưng tôi được?
Tăng mẫu cũng như vậy, vì thế bà không hề lo lắng mà tiếp tục về phòng điềm nhiên dệt vải. Nhưng bà còn chưa ngồi ấm chỗ thì lại có người đến báo tin. Vị khách này sốt sắng đến mức đứng ngay ngoài cửa sổ gọi Tăng mẫu: “Chị à, là tôi Lý Tứ đây mà. Chị đã nghe nói gì chưa? Con trai chị đã giết người rồi đó”.
Tăng mẫu vừa dệt vải vừa đáp lời hàng xóm: “Họ đều nói với tôi cả rồi, con trai tôi không sát nhân đâu”.
Mặc dù vậy, bà vẫn cảm thấy có phần nghi hoặc: “Sao hôm nay kỳ lạ thế nhỉ? Vì sao mọi người đều nói cùng một câu như vậy?”
Giả sử bạn luôn đặt niềm tin vào cô bạn thân, nhưng nếu đồng thời có hai người đến nói với bạn cùng một sự việc giống nhau, bạn sẽ thế nào? Bạn có cảm thấy kỳ lạ không? Tín tâm có vì thế mà dao động hay không? Mẹ của Tăng Tử cũng phải đối mặt với tình huống như thế.
Khi Tăng mẫu vẫn còn đang băn khoăn tự hỏi thì người hàng xóm thứ ba lại đến. Vị khách này có vẻ vội vã, tinh thần khẩn trương, anh ta vừa chạy vào cửa liền gọi ngay Tăng mẫu: “Chị à, khắp cả thôn đều đang xôn xao bàn tán, ai cũng nói Tăng Sâm đã giết người”.
Lần này, con thoi trên tay Tăng mẫu liền dừng lại.
Tăng mẫu bắt đầu bối rối, trống ngực đập liên hồi. Bà thầm nghĩ: “Giết người phải đền mạng, nếu quả thực có chuyện tày trời như thế thì phải làm sao đây…”
Bà càng nghĩ càng sợ hãi, càng sợ hãi thì lại càng khủng hoảng. Trong cơn khủng hoảng cực độ, bà cảm thấy đầu óc trống rỗng không còn suy tính được điều gì, con thoi trên tay cũng rơi bộp xuống đất. Tăng mẫu hoảng loạn như vậy là bởi vì bà bắt đầu tin rằng đứa con trai hiền lành của mình thực sự đã giết người.
Nếu liên tiếp ba người đều nói với bạn rằng cô bạn thân đang nói xấu về bạn sau lưng, liệu bạn có bị thuyết phục hay không? Rất có thể là như vậy.
Vậy thì, có phải Tăng Sâm đã giết người rồi không? Đúng vậy, có một kẻ sát nhân tên là Tăng Sâm, nhưng đó chỉ là người cùng tên, cùng họ, chứ không phải cậu con trai hiếu thảo nhà họ Tăng.
Người xưa có câu thành ngữ: “Chúng khẩu thước kim”, nghĩa là lời nói của số đông khiến vàng cũng tan chảy. Một sự việc không có thật, nhưng khi nhiều người cùng lan truyền sẽ dễ dàng khiến người ta tin là thật. Lúc đầu, Tăng mẫu dựa vào đức hạnh của con trai mà phán đoán, nên mới có thể kiên định lòng tin. Nhưng khi ba người hàng xóm đều đến nói cùng một câu, khẳng định cùng một sự việc, bà liền tin rằng con trai mình thật sự đã giết người. Cũng chính là nói: mọi người đều nói như thế, tin là như thế, nhưng không nhất định điều ấy là sự thật.
Tương tự như vậy, khi bạn bè đều nói rằng cô bạn thân đang nói xấu sau lưng bạn, bạn nên làm thế nào?
Chúng ta hãy thay đổi góc độ để suy nghĩ một chút: Nếu một ngày chính bản thân chúng ta là mục tiêu của lời đồn ác ý, bạn bè đều lan truyền rằng chúng ta đang nói xấu cô bạn thân sau lưng, vậy chúng ta hy vọng bạn thân sẽ làm gì? Bạn có mong cô bạn thân sẽ cởi mở chia sẻ trực tiếp với mình, để bạn có cơ hội giãi bày, làm rõ thị phi? Đặt mình vào vị trí người khác, chúng ta sẽ học được cách thấu hiểu và bao dung, phải vậy không?
Câu chuyện “Tăng Sâm giết người” nhắc nhở chúng ta rằng, trong cuộc sống mỗi người đều nên cẩn trọng lời ăn tiếng nói. Người xưa coi trọng việc “tu khẩu”, không tùy tiện lan truyền chuyện thị phi đàm tiếu, nếu không miệng lưỡi thế gian sẽ có cơ hội đổi trắng thay đen, thật giả khó phân, gây ra những tổn hại khôn lường.
(Câu chuyện trong chương trình “Cặp sách nhỏ của Tưởng Huệ Vân”)
Nguồn: ntdvn