Vị cao nhân này là người duy nhất mà Hàn Tín bái phục và dùng lễ đối với sư phụ để tiếp đãi, sau khi chết được người đời tôn làm Thần
Về Hàn Tín, người đương thời thường gọi ông là “binh Tiên”. Hàn Tín là khai quốc công thần của nhà Hán, là vị tướng lĩnh nổi trội nhất cuối thời nhà Tần, đầu thời nhà Hán. Nếu nói đến tài năng quân sự thì chỉ có Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ là đứng ngang hàng với ông.
Sức mạnh của Hàn Tín không chỉ đến từ khả năng dụng binh như Thần, mà còn nhờ sự chỉ điểm của một vị cao nhân. Đó chính là Lý Tả Xa, người duy nhất mà Hàn Tín bái phục từ sâu thẳm tâm can, sau khi chết ông được phong Thần.
Lý Tả Xa là cháu trai của danh tướng Lý Mục nhà Triệu cuối thời Chiến Quốc, từ nhỏ đã đam mê binh pháp, các loại thư tịch mưu lược, khi trưởng thành trở thành mưu thần bên cạnh Triệu Vương, vì công lao to lớn mà được phong làm Quảng Vũ Quân. Khi Lưu Bang và Hạng Vũ tranh đoạt thiên hạ, Triệu Vương cảm thấy thế lực của Hạng Vũ tương đối lớn mạnh, cho nên đứng về phía ông. Lưu Bang phái Hàn Tín dẫn theo hơn vạn quân binh đánh đến nước Triệu, muốn một lần chiếm nước Triệu, tăng cường lực lượng chiến đấu với Hạng Vũ.
Năm 204 TCN, Lưu Bang sai Hàn Tín và Trương Nhĩ đưa mấy vạn quân vượt núi Thái Hành, đông tiến đánh Triệu, lúc này đang phụ thuộc nước Sở. Lý Tả Xa theo Thành An Quân Trần Dư tập trung binh lực ở cửa Tỉnh Hình, chiếm giữ địa hình có lợi, chuẩn bị cùng Hàn Tín quyết chiến. Lần này Hàn Tín chinh chiến xa, vì vậy lương thực không đủ để kéo dài thời gian, nếu như không tốc chiến tốc thắng, cuối cùng sẽ lâm vào tình cảnh vô cùng bị động, thậm chí toàn quân bị tiêu diệt. Lý Tả Xa hiểu rõ hoàn cảnh của quân Hán, ông đề cập đến sách lược “nghi thủ bất nghi công” (nên thủ không nên tiến công), ngoài ra còn muốn tự thân dẫn binh chặt đứt đường lương thảo của Hàn Tín.
Trần Dư quá khinh địch, cho rằng binh lực của bản thân nhiều hơn quân Hán, không hề kiêng kỵ Hàn Tín, kiên quyết từ chối kiến nghị của Lý Tả Xa. Thông qua suy tính cẩn thận trước sau, Hàn Tín quyết định phái một số tinh binh dẫn dụ quân chủ lực của nhà Triệu, sau đó nhân cơ hội này dẫn binh công đánh đại bản doanh của địch. Một trận có thể phá tan nòng cốt quân đội của nhà Triệu, thuận thế bắt sống Triệu Vương.
Sau khi phá thành, Hàn Tín ra lệnh cho binh sĩ dán cáo thị khắp thành, chỉ cần ai bắt sống được Lý Tả Xa sẽ ban thưởng ngàn lượng hoàng kim, hơn nữa còn đặc biệt nhấn mạnh không được làm tổn thương đến người này. Rất nhiều dũng phu đều cật lực tìm kiếm vì số tiền thưởng, Lý Tả Xa rất nhanh bị bắt đưa đến trước mặt Hàn Tín. Hàn Tín giữ đúng lời hứa ban thưởng ngàn lượng hoàng kim, rồi đích thân cởi trói cho Lý Tả Xa, dùng lễ đối với sư phụ để tiếp đãi, sau đó thỉnh giáo Lý Tả Xa phương lược bình định Yên – Tề.
Ban đầu Lý Tả Xa thà chết không nói một câu, nhưng thành ý của Hàn Tín đã làm ông cảm động, buông bỏ hận thù trong lòng, trở thành mưu sĩ mà Hàn Tín tin cậy nhất. Tả Xa cho rằng quân Hán mỏi mệt, gặp phải quân Yên – Tề kiên cường chống trả, thắng bại khó đoán. Không bằng xếp giáp dừng binh, vỗ về dân Triệu, phái người dùng binh uy khuyên hàng, Yên – Tề có thể bình định. Hàn Tín dùng kế của ông, Yên quả nhiên không đánh mà hàng.
Sau khi Lưu Bang đăng cơ Hoàng Đế, Hàn Tín công cao lấn chủ bị giáng chức xuống làm Hoài Âm Hầu. Dù vậy, kể từ đó Lưu Bang vẫn không yên tâm, triệu Lý Tả Xa vào kinh thành, để ông phụ tá cho thái tử Lưu Doanh. Sau khi Hàn Tín bị Lã Trĩ (tức Lã Hậu) hại chết, Lý Tả Xa vô cùng đau lòng, ông lựa chọn từ quan quy ẩn. Ông đã để lại một câu nói thế này: “Trí giả thiên lự, tất hữu nhất thất, ngu giả thiên lự, tất hữu nhất đắc” (Người thông minh suy tính ngàn lần cũng sẽ có một lần thất thủ, kẻ ngu dốt suy tính ngàn lần cũng sẽ có một lần đắc thủ).
Trong Liêu Trai chí dị – Bạc thần truyện thuật lại cố sự Tả Xa giáng mưa đá xuống huyện Chương Khâu, đầy cả khe ngòi nhưng không làm hư hại mùa màng. Trong dân gian ông rất có tiếng tăm, sau khi chết được tôn làm Bạc Thần (Thần mưa đá).
Lan Chi biên dịch
Nguồn: Soundofhope (Quách Hiểu)