Sa Tăng trước đây chỉ phạm lỗi nhỏ, tại sao phải bị giáng xuống trần gian?
Chắc hẳn mọi người đã nghe qua câu “sai một ly, đi một dặm” trong “Lễ Ký”, nhưng liệu có ai đã từng nghĩ rằng, thế nào là sai sót nhỏ nhặt lại dẫn đến những hậu quả lớn hay chưa? Từ những ví dụ về Sa Ngộ Tĩnh trong Tây Du Ký hay Quản Trọng trị quốc trong “Tân Ngũ Đại Sử” cùng những ví dụ khác, chúng ta sẽ thảo luận về vấn đề này.
Ví dụ, trong “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân, Sa Tăng ngày trước vốn giữ chức Quyển Liêm Đại tướng, coi việc trông rèm, trông sa giá cho Ngọc Đế. Năm xưa làm vỡ chén lưu ly ở Hội Bàn Đào trong lúc say rượu nên bị đày xuống sông Lưu Sa làm yêu quái. Vì thế mà Quan Thế Âm Bồ Tát đã cho Sa Tăng phò giá Đường Tăng để chuộc lại lỗi lầm năm xưa. Chắc chắn có người khi đọc đoạn này sẽ thắc mắc! Tại sao những vị Thần từ bi lại không thể tha thứ một sai lầm nhỏ nhặt như vậy? Đại tướng quân đâu phải cố ý phạm lỗi! Nếu kết hợp với thành ngữ “sai một ly, đi một dặm” có lẽ sẽ giúp mọi người có cái nhìn sâu sắc hơn.
Sa Tăng được Bồ Tát điểm hóa và đặt cho Pháp danh là Ngộ Tĩnh, đó chính là cơ duyên để Sa Tăng tìm lại bản tính thuần tịnh chân chính của mình. Nói cách khác, năm xưa khi Sa Tăng làm vỡ chén lưu ly chỉ là biểu hiện bề mặt, nguyên nhân thực sự là do bản tính lúc bấy giờ của Sa Tăng không còn phù hợp với tầng sở tại của ông, so với Pháp của tạo hóa đã có sự sai biệt nhỏ, nhưng đối ứng với tầng vũ trụ bên dưới thì lại lệch đi cả nghìn dặm. Nếu không kịp thời hạ giới quy chính, đắc Pháp tu bổ bản tính thuần tịnh, thì sẽ không có cách nào để bảo tồn vĩnh viễn tạo hóa mỹ hảo thuần tịnh của toàn bộ tầng Pháp đó.
Khi đại văn hào Âu Dương Tu của nhà Tống biên soạn “Tân Ngũ Đại Sử”, ông đã sử dụng 16 chữ “Lễ Nghĩa Liêm Sỉ, quốc chi tứ duy; tứ duy bất trương, quốc nãi diệt vong” của danh tướng Quản Trọng để tóm tắt những nền tảng căn bản trong việc trị quốc. Câu này có đại ý là Lễ – Nghĩa – Liêm – Sỉ là bốn loại kỷ cương duy trì quốc gia; nếu không phát huy bốn kỷ cương đó, quốc gia sẽ bị diệt vong.
Điều này cho thấy quốc gia giống như một cột trụ khổng lồ được gắn với bốn sợi dây lớn. Nếu một trong bốn sợi dây đứt đi, cột trụ sẽ bị nghiêng; nếu hai trong bốn sợi dây bị đứt, quốc gia có thể gặp nguy hiểm; nếu ba trong bốn sợi dây bị đứt, quốc gia có thể sụp đổ; nếu cả bốn sợi dây đều bị đứt, quốc gia tất sẽ diệt vong! Nghiêng vẫn có thể thẳng lại, khi gặp nguy hiểm vẫn có thể trở nên an toàn; khi đổ xuống thì vẫn có thể dựng đứng lên lại, nhưng nếu đã diệt vong rồi thì không còn cơ hội nào để tái tạo nữa!
Nhìn chung, quốc gia cũng giống như con người, được duy trì thông qua đạo đức. Nếu không chú trọng đến Lễ Nghĩa Liêm Sỉ, dù cho ngân khố quốc gia có dồi dào đến đâu, quân đội có hùng mạnh đến mấy thì cuối cùng cũng khó có thể trụ vững trong thiên hạ.
“Sai một ly, đi một dặm” xuất phát từ “Lễ Ký – Kinh Giải”, nguyên văn giảng rằng việc giáo hóa lễ nghi thời cổ đại tuy nhẹ như mưa phùn, nhưng vô hình trung có thể ngăn chặn oai phong tà khí, khiến thế nhân tự động tuân theo mỗi ngày mà không hề hay biết, xa rời tội ác. Đây chính là nguyên nhân vì sao các bậc quân vương thời trước luôn thúc đẩy việc giáo hóa lễ nghi.
Từ quan điểm này, “Chu Dịch” nói rằng quân tử khi bắt đầu bất cứ việc gì cũng phải hết sức thận trọng, vì một sai sót nhỏ có thể gây ra sai lầm to lớn. Nó thể hiện sự quan trọng của “Lễ” đối với con người, không chỉ là tầng bề mặt chúng ta nhìn thấy, mà còn là một biểu hiện tại thế gian của Pháp tạo ra vạn sự vạn vật trong vũ trụ.
Lan Chi biên dịch
Nguồn: Secretchina (Sơ Tân)