Đến Địa phủ xem sổ thiện ác, hối hận sửa đổi lỗi lầm được tiêu trừ
Những ghi chép về trải nghiệm của một người còn sống vào nơi Âm tào Địa phủ đã hiển lộ cho người ta biết làm sao để tiêu trừ những việc xấu đã thực hiện? Giàu sang phú quý có thể do tích đức tạo thành nhưng lại không thể thay đổi. Những việc xấu đã làm trong đời, hiển lộ rõ từng chút một không cách nào che giấu được.
Lén thay đổi sổ công danh, công danh thực sự cũng chẳng có
Thời nhà Thanh, tại huyện Vĩnh Thành (thuộc địa phận Hà Nam) có một thư sinh họ Trương. Sau nhiều lần trượt khóa thi tú tài, chàng bèn mượn chỗ trú tạm ở chùa Thiên Tế, núi Mang Đãng (tên gọi chung của Mang Sơn và Đãng Sơn, nằm ở vùng đông bắc của huyện Vĩnh Thành, tỉnh Hà Nam) chuyên tâm đọc sách chuẩn bị ứng thí. Mỗi khi đọc sách mệt mỏi, chàng thường đi dạo dọc hành lang bên cạnh điện thờ để khôi phục tinh thần. Trương thư sinh nhìn thấy tượng Phán quan phía trước bảo tọa của Đông Nhạc Đại Đế vô cùng uy nghiêm, tráng lệ, chàng muốn đùa một chút, liền vỗ phía sau bức tượng nói: “Trên thế gian làm gì có ai như ông chứ! Ta với ông kết giao bằng hữu cùng nhau tâm sự được chứ?”
Đêm hôm đó, khi Trương thư sinh đang ngồi đọc sách một mình trong thiền đường, đột nhiên có tiếng gõ cửa, còn nghe người kia nói: “Người mà cậu muốn kết giao đã đến rồi đây”.
Trương thư sinh mở cửa tiếp đón, thấy người vừa đến kia giống hệt như bức tượng vị Phán quan ban ngày nhìn thấy. Chàng nhất thời vừa ngạc nhiên, nghi ngờ, lại vừa sợ hãi, nhưng vẫn mời người ấy vào phòng. Sau khi nói chuyện, lời nói ôn nhã, chuẩn mực của vị Phán quan vô cùng dễ chịu, khiến Trương thư sinh cảm thấy có thể kết giao với người bằng hữu thế này thật vui vẻ. Từ ngày hôm ấy trở đi, Phán quan đến vào lúc hoàng hôn, đến nửa đêm mới rời đi, việc này gần như đã trở thành thói quen.
Thời gian lâu dần, Trương thư sinh cũng thân hơn với người này. Chàng ta bèn giãi bày hết những phiền muộn của bản thân, nhiều năm đi thi không được như ý, không biết tiền đồ của mình nên bước thế nào, mong Phán quan giúp chàng kiểm tra sổ sách nơi Minh phủ.
Phán quan nhíu mày nói: “Cậu không có danh phận phú quý, đến danh tú tài cũng khó có được, làm sao đây!” Trương thư sinh buồn bã thương tâm, kiên quyết muốn Phán quan hãy nghĩ cách giúp chàng.
Phán quan nhìn Trương thư sinh rồi nói: “Được, để tôi nghĩ cách giúp cậu”.
Qua mấy đêm sau, Phán quan đến nói rằng: “Có cách rồi! Tại huyện nọ ở Sơn Đông có một người cùng tên với cậu, năm sau sẽ đến học. Tôi sẽ giúp đổi tráo quê quán của cậu với người ấy, [như vậy] cậu tạm thời có thể được như ý nguyện. Nhưng ngày tháng sau này, sự việc nhất định sẽ bị bại lộ, cậu phải cẩn thận!”
Từ đó về sau, Phán quan không hiện thân nữa. Trương thư sinh cũng quay về quê tham gia khảo thí. Kết quả hoàn toàn đúng với những gì Phán quan đã nói. Chàng ta thi đậu tú tài, và được nhập học cung đọc sách hơn 10 năm, nhưng quả nhiên không có thành quả gì hơn.
Vào một ngày kia, chàng ta bỗng nhiên mơ thấy Phán quan với bộ dạng hoảng loạn đến nói lời từ biệt. Phán quan nói: “Tôi vì giao tình với cậu nhất thời làm sai, lén thay đổi sổ công danh nên bị Thiên đế trừng phạt, sung làm lính thú. Lần này tôi đến đây là muốn nói lời vĩnh biệt với cậu!”
Sau khi tỉnh lại, Trương thư sinh trong lòng vô cùng buồn bã. Không lâu sau, chàng ta cũng vì thành tích thi cử thấp mà bị học cung đuổi học.
Ăn trộm một con gà của hàng xóm, Âm tào Địa phủ ghi chép rõ cả trọng lượng
Thời nhà Minh, tại khu vực Lưỡng Hồ có một người đọc sách, tâm địa rất chính trực. Vừa hay Điện thứ bảy của Địa phủ thiếu người, Ngọc Hoàng đại đế liền bảo chàng ta tạm thời đến đó làm việc. Cứ cách vài ngày, chàng ta phải đến xem xét các việc ở Âm gian, kiểm tra sổ sách.
Từ trong sổ ghi chép, chàng ta nhìn thấy nghiệp lực của mỗi người tạo ra là khác nhau, vì thế họ nhận được trừng phạt và phúc báo khác nhau. Mỗi lần chàng ta nhìn thấy có người tự bước vào núi đao biển lửa, liền gọi người xung quanh đến cứu. Kết quả là càng muốn cứu, người đó ngược lại càng tiến vào địa ngục nhanh hơn, vì thế không có cách nào để cứu được người đó.
Một ngày nọ, chàng nhìn thấy trên sổ có viết một dòng tội trạng của thê tử là ăn trộm một con gà của hàng xóm, tính cả lông gà tổng cộng nặng 1 cân 12 lạng. Vậy nên, chàng ta liền xé một góc trang này làm dấu. Sau khi về nhà, chàng ta liền hỏi thê tử có phải đã ăn trộm gà của hàng xóm không. Lúc đầu, thê tử của chàng vẫn còn chối cãi. Sau đó, chàng liền đem những điều mình thấy tại âm gian nói cho nàng ấy biết. [Lúc này] thê tử mới tự thú nói do gà của hàng xóm đã ăn lương thực mà nàng phơi, nên nàng ấy lỡ tay đánh con gà tử vong. Nàng ấy sợ người phụ nữ nhà hàng xóm sẽ mắng mình, nên chỉ đành giấu con gà đi trước, đến lúc này vẫn chưa có ai phát hiện.
Hai vợ chồng lấy con gà kia ra cân, không hơn không kém, vừa đúng 1 cân 12 lạng. Hai người họ rất kinh ngạc, ghi chép trên sổ sách không sai một li. Thế là, họ quy theo giá trên thị trường, mang theo với con gà không còn sống kia đem đến bồi thường cho hàng xóm.
Không lâu sau đó, chàng lại đến âm gian làm việc. Lúc chàng mở trang sách nọ ra xem lại, vết xé vẫn còn như cũ, nhưng tội trạng của thê tử đã biến mất không còn dấu vết.
Nguồn: epochtimesviet