Nguyên nhân dẫn đến cái chết của “tứ đại mỹ nam” thời Trung Quốc cổ đại, có người chết vì quá đẹp (Phần 2)
Tiếp theo câu chuyện về tứ đại mỹ nam của thời Trung Quốc cổ đại trong phần 1, thì người thứ tư được kể đến là Tống Ngọc, chúng ta hãy cùng xem nguyên nhân cái chết của ông ấy thế nào ngay sau đây.
Tống Ngọc
Tống Ngọc, là nhà văn từ phú của nước Sở thời sau chiến quốc, tương truyền là học trò của nhà thơ số một Sở quốc Khuất Nguyên, đời sau thường gọi hai người là “Khuất Tống”. Cái gọi là những lời ám chỉ về “Hạ Lý Ba Nhân”, “Dương Xuân Bạch Tuyết” và “Khúc Cao Hòa Quả” đều nói về ông ta. Sách Sử ký viết: “Sau khi Khuất Nguyên qua đời, có Tống Ngọc, Đường Lặc, Cảnh Si Chi Đồ. Họ đều có tài ăn nói và nổi tiếng về văn xuôi, tuy nhiên họ đều noi theo Khuất Nguyên, cuối cùng không dám nói thẳng”. “Văn Tâm Điêu Long – Tạp Văn” nói: “Tống Ngọc có tài nhưng cũng không chạy theo xu hướng. Ông ấy đã tạo ra hình thức viết đối thoại, thể hiện phong thái của riêng mình, thể hiện khát vọng, đắm chìm trong cảm xúc và bày tỏ tấm lòng mình qua từng lời nói”.
Tống Ngọc là người như thế nào, chúng ta chỉ có thể nhìn sơ qua qua những bài viết đời sau được đề cập đến. Trong tiểu thuyết cổ đại và các tác phẩm văn học khác, vẻ đẹp của Tống Ngọc và vẻ ngoài của Phan An thường được dùng để miêu tả vẻ đẹp của đàn ông. Chúng ta có thể cảm nhận được Tống Ngọc khôi ngô tuấn tú như thế nào từ “Đăng Đồ Tử Hảo Sắc Phú” của Tống Ngọc.
So với các mỹ nam khác, cuộc đời của Tống Ngọc được xem là may mắn nhất nhưng chỉ là nhất trong tứ đại mỹ nam mà thôi, bởi nói đúng ra thì cuộc đời ông cũng lắm bi ai trắc trở. Vẻ đẹp của ông lưu truyền thiên cổ, nhưng vẻ đẹp ấy lại là một bí ẩn muôn đời, bởi lật tìm trong sử sách, thật khó tìm ra một bức họa nào họa lại chân dung ông còn lưu tới ngày nay. Tuy nhiên trong một số tác phẩm văn học của Trung Quốc, thì vẻ đẹp của ông còn ẩn chứa trong những câu chữ rằng, ông vừa có tướng mạo đẹp mã long lanh, lại bất chấp gia cảnh nghèo nàn mà rèn luyện cho mình tài văn thơ, ăn nói khéo léo, xoay chuyển cả tâm trí người khác.
Tống Ngọc rốt cuộc là thế nào? Người như Tống Ngọc – tài sắc vẹn toàn quả là hiếm trong xã hội thời xưa, đặc biệt là bất chấp cả xuất thân bần hàn của mình. Và ý thức được chuyện đó, cũng như là tìm cơ hội cho mình đổi đời, Tống Ngọc đã mưu cầu con đường chính trị bằng cách bỏ xứ mà lặn lội tới kinh thành Sở quốc rồi dần dần trở thành thị tòng văn học hầu hạ bên cạnh Sở Vương.
Tống Ngọc có lẽ là người duy nhất trong tứ đại mỹ nam không chết thảm, nhưng xem ra số phận của ông thật sự cũng không mấy tốt đẹp. Tài năng văn chương vượt trội và vẻ ngoài điển trai đã mang đến cho ông rất nhiều rắc rối, nên ông cũng bị người khác ghét bỏ và thậm chí bị vu khống. Tương truyền, tài năng của Tống Ngọc có thời từng được Sở Vương tán thưởng, nhưng vì biệt tài xảo ngôn của đại mỹ nam này vừa có lợi, vừa có hại, mà cái hại đó không hợp với chốn quan trường, nên cuối cùng, Tống Ngọc gần như là không còn cơ hội nào trong việc mưu cầu chính trị. Sau cùng, ông đã rời bỏ hoàng cung, trở về với chốn điền viên nơi quê nhà rồi qua đời trong sự tiếc nuối vô hạn.
Sen vàng biên tập
Theo nguồn: soundofhope