Mục Kiền Liên, đệ tử đệ nhất thần thông của Phật Thích Ca Mâu Ni
Mục Kiền Liên, vị đệ tử có thần thông cao nhất của Thích Ca Mâu Ni, vì sao lại bị ném đá đến chết? Câu chuyện đằng sau Lễ Vu Lan là gì?
Nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta hôm nay là một nhân vật thần thông quảng đại. Người ta nói rằng ông từng một chân đạp xuống Trái Đất, một chân đạp lên Phạm Thiên (thế giới của Phật), khiến Trái Đất rung chuyển. Những người bình thường chúng ta đứng trước mặt ông chẳng khác gì những con kiến nhỏ. Tuy nhiên, vào ngày hôm đó, khi đi qua một con đèo nhỏ, ông đã bị ‘một đàn kiến’ dùng đá to đè chết. Đây không phải là câu chuyện hư cấu của một tiểu thuyết gia, cũng không phải là truyền thuyết đô thị, mà là một câu chuyện chân thực được ghi chép lại trong kinh Phật. Ông là Mục Kiền Liên, vị đệ tử thần thông số một của Thích Ca Mâu Ni.
Sáu đại thần thông
Mục Kiền Liên kiếp trước là một ngư phu sống gần biển, một hôm tiến vào thành dạo chơi, đụng phải một vị Phật độc giác. Phật độc giác là giác giả độc cư, ly khai khỏi xã hội nhân loại, nhờ tự tu hành mà tu thành Phật, không có sư phụ cũng không có đệ tử.
Vị Phật độc giác này thập phần uy nghi, Mục Kiền Liên kiếp trước vừa nhìn thấy liền sinh tâm tôn kính, thỉnh ngài đến nhà ăn tối. Phật độc giác rất mến chàng trai, nhưng đáng tiếc ông không giỏi thuyết pháp, nên không thể thu nạp chàng trai làm đồ đệ, chỉ có thể hiển thị thần thông của mình cho chàng ta. Sau khi ăn xong, Phật độc giác nhảy lên và lơ lửng trong không trung, tiến hoặc lùi, trái hoặc phải, lên xuống tự do. Mục Kiền Liên rất thích thú khi nhìn thấy cảnh tượng này, liền phát nguyện sẽ có thần thông trong kiếp sau.
Trong kiếp này, hai tháng sau khi Thích Ca Mâu Ni truyền pháp, Mục Kiền Liên và người bạn tốt Xá Lợi Phất đến thăm và bái Ngài làm thầy. Có thể do ước nguyện đã ấp ủ từ lâu trong kiếp trước, Mục Kiền Liên sau khi quy y bảy ngày đã xuất thần thông. Sau đó, thần thông xuất hiện càng ngày càng nhiều. Tương truyền ông có sáu loại thần thông gồm thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông, thần túc thông và lậu tận thông. Mắt ông nhìn thấy những nơi rất xa, có thể nhìn thấy những thế giới phi thường vi quan; Tai có thể nghe thấy âm thanh bất kể xa gần, thậm chí ngay cả âm thanh trong những không gian khác. Ông có thể dễ dàng biết người khác nghĩ gì, và cũng có thể nhìn thấy quá khứ và tương lai của mỗi người, nhân quả của kiếp trước và kiếp này. Công năng thần túc thông hoàn hảo của ông cho phép ông bay lượn trong không trung, tự do tự tại, xuyên núi nhập rừng, di chuyển tức thời. Trong số tất cả những công năng này, lậu tận thông là cảnh giới cao nhất. Nói đơn giản, chính là cảnh giới diệt tận phiền não, đắc được giải thoát, thoát ly luân hồi, tiến nhập đến quả vị La Hán.
Người ta nói rằng Mục Kiền Liên xuất hiện rất nhiều thần thông, nhưng ông không tùy tiện thể hiện, luôn âm thầm trợ thủ bên cạnh Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật Thích Ca Mâu Ni cũng rất quý mến ông. Khi đó, trong những người tu hành, thần thông có rất nhiều. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã lập ra một quy tắc cho họ, nói rằng các con không được phép tùy tiện triển thị nó cho công chúng. Nhưng Mục Kiền Liên là một ngoại lệ. Đức Phật chẳng những trước công chúng tán dương ông, nói rằng ông là thần thông đệ nhất, mà thỉnh thoảng khi giảng pháp còn cho phép ông triển thị một chút thần thông để chứng thực Phật pháp.
Thu phục ngoại đạo
Khi Phật Thích Ca Mâu Ni truyền pháp, có rất nhiều pháp môn tu hành khác nhau đang lưu truyền. Các đồ môn Phật giáo gọi họ là ngoại đạo. Một hôm, Phật Thích Ca Mâu Ni nói với Mục Kiền Liên rằng, có một quốc gia lớn ở biên giới Ấn Độ đang phục tùng một ngoại đạo tên là Phạn Chí. Những kẻ ngoại đạo ấy đều luyện xuất ra được thần thông, có thể dời núi lấp biển, còn có thể phân thân biến hóa, nên người dân nước ấy rất tín phục. Sau đó, Phật đà hỏi ông liệu có thể đi thu phục họ, khiến tâm họ hướng về Phật pháp hay không.
Mục Kiền Liên nhận lệnh và đi. Khi đến đó, Mục Kiền Liên thấy nhiều người ngoại đạo đang ngồi quanh một ngọn núi, niệm niệm một câu, ngọn núi đó rung chuyển, mắt thấy nó sắp trồi lên khỏi mặt đất. Mục Kiền Liên liền bay lên đỉnh núi, nằm lơ lửng trên không trung, khiến ngọn núi không thể nhúc nhích.
Cho dù những người ngoại đạo đó có cố gắng thế nào, ngọn núi vẫn bất động. Rồi có người nhìn thấy Mục Kiền Liên lơ lửng trên không trung. Họ bắt đầu lớn tiếng quở trách: “Ngươi là ai? Gan cỡ nào mà dám ở đây làm càn! Ngọn núi này trở ngại giao thông, là quốc vương ra lệnh cho chúng ta dỡ bỏ nó đi. Ngươi hà cớ gì dám phản kháng vương mệnh, đè trụ núi này?”
Mục Kiều Liên mỉm cười và nói: “Ta đang treo lơ lửng trên không, nào có đè ngọn núi nào của các ngươi?”
Những người ngoại đạo này lại lần nữa phát lực, nhưng núi vẫn không nhúc nhích chút nào. Họ bắt đầu hoang mang, không biết phải làm gì mới được.
Lúc này, Mục Kiền Liên nói lớn: “Mọi người hãy chú ý, ngọn núi đã biến mất”. Lời vừa dứt, ngọn núi cao ngất đột nhiên biến mất. Một không gian rộng lớn hiện ra trước mắt.
Những người ngoại đạo mắt trừng khẩu ngai, lập tức quỳ xuống, bắt đầu lễ bái Mục Kiền Liên và nói: “Đại thần tiên từ đâu đến vậy? Ngài nếu không có đại trí đại huệ, đức hành cao thượng, khẳng định không thể làm được điều này. Xin hãy thu nạp chúng tôi làm đồ đệ, chỉ điểm cho chúng tôi”.
Mục Kiền Liên từ trên không trung chậm rãi hạ xuống, nói với mọi người: “Ta nói cho các ngươi biết, ta chẳng qua chỉ là một đệ tử, sư phụ của ta là Phật Thích Ca Mâu Ni. Các ngươi đều cùng ta đến quy y trước Phật đà, Phật đà từ bi, nhất định sẽ tiếp nhận các ngươi”.
Mọi người đều rất vui khi nghe điều này, hỏi Mục Kiềm Liên, “Giáo hóa của Phật đà lẽ nào còn tốt hơn của ngài?”
Mục Kiền Liên trịnh trọng trả lời: “Phật đà như biển cả, còn ta bất quá chỉ là một dòng sông nhỏ. Dòng sông làm sao sánh được với biển cả? Phật đà xuống thế gian thuyết pháp là cơ hội ngàn năm có một, các ngươi chỉ có quy y Phật đà mới có thể đắc độ”.
Sau khi nghe điều này, những người ngoại đạo Phạn Chí này vui vẻ rời đi cùng với Mục Kiều Liên.
Vào địa ngục cứu mẹ
Mục Kiền Liên dù có thần thông quảng đại như vậy, nhưng nếu ông muốn mưu cầu chút lợi ích cho mình, dù chỉ là để báo hiếu cho mẹ, thì thần thông này cũng không linh nữa.
Hôm ấy, Mục Kiền Liên dạo chơi và đến bờ sông Hằng, trời đã tối, ông bèn ngồi xuống bờ sông nghỉ ngơi. Một lúc sau, rất nhiều ngạ quỷ đến bên bờ sông, muốn lấy nước để giải khát. Nhưng có một con quỷ diện mạo hung ác ở dưới nước, luôn xua đuổi họ bằng một thanh sắt trong tay, khiến họ không thể uống nước được. Khi lũ ngạ quỷ nhìn thấy Mục Kiền Liên, chúng biết rằng ông thần thông quảng đại, nên đến hỏi ông tại sao chúng phải chịu tội này.
Con quỷ đầu tiên hỏi: “Tôn giả! Tôi nghe nói rằng nước sông Hằng vừa ngọt vừa mát, tại sao quỷ không cho chúng tôi uống nước? Dù chỉ có thể nhấp một ngụm, nhưng nước đến miệng tôi vẫn sôi sục, giống như lục phủ ngũ tạng đều bị bỏng rồi. Tôi đã phạm tội gì để phải chịu khổ như thế này?”
Mục Kiền Liên dùng thần thông nhìn vào nhân quả ba đời của con quỷ này, sau đó bảo với nó: “Kiếp trước ngươi là một thầy bói. Khi ngươi xem tướng hung cát, ngươi nói lời giả thì nhiều, lời thật thì ít; để kiếm tiền, ngươi tùy tiện phán bừa, tuyên bố nhìn thấy rõ, thực ra là lừa dối, vì vậy mới có nghiệp báo như vậy”.
Con quỷ thứ hai hỏi: “Tôn giả! Tôi bụng to như cái vò, mà cổ họng lại nhỏ như cái kim, nhìn thấy sơn hào hải vị, mắt chỉ muốn ăn, nhưng ăn không được. Đây là loại nghiệp chướng sao?”
Mục Kiền Liên nói: “Kiếp trước ngươi làm quan đến tể tướng, nhưng không coi dân là chủ, trái lại dùng quyền uy ức hiếp người khác, cưỡng chiếm tiền bạc mồ hôi nước mắt của người ta để hưởng thụ riêng ngươi, mới có báo ứng thế này”.
Một con quỷ khác đến hỏi: “Tôn giả! Thân tôi đầy miệng lưỡi, máu thường xuyên trào ngược lên trên, đầu to như cái đấu, huyết mạch đều muốn vỡ, tính mạng tôi treo trên sợi tóc. Tôi không biết nó là nhân duyên gì?”
Mục Kiền Liên nói: “Kiếp trước của ngươi luôn thích đàm luận thị phi, ngồi lê đôi mách chuyện của người khác, lời nói ra đều không nghĩ đến người khác, luôn đem đến phiền phức cho người khác. Đó là lý do tại sao ngươi bị báo ứng như vậy”.
Mục Kiền Liên đã trả lời rất nhiều câu hỏi như thế này chỉ trong một đêm. Khi trời sắp sáng, lũ ngạ quỷ từ từ tản đi. Mục Kiền Liên đột nhiên nghĩ đến mẹ mình. Lúc đó mẹ ông đã qua đời. Mặc dù người xuất gia giảng lục căn thanh tịnh, nhưng trước khi ông xuất gia, mối quan hệ giữa mẹ và con trai rất tốt, Mục Kiền Liên trong tâm không tránh khỏi có một chút lo lắng, ông chỉ muốn xem mẹ mình bây giờ thế nào, có khỏe không.
Ai ngờ khi chứng kiến cảnh này, Mục Kiền Liên trong tâm đau nhói. Hóa ra mẹ ông cũng đã trở thành ngạ quỷ, đang chịu khổ trong địa ngục, bụng thì to tướng, mà cổ họng thì thắt nhỏ, không ăn uống gì được, gầy guộc chỉ còn da bọc xương. Mục Kiền Liên vội vàng gói một bát thức ăn, dùng thần thông bay vào địa ngục, mang đến cho mẹ.
Người mẹ nhìn thấy con trai cũng rất vui mừng, sợ người khác nhìn thấy không cho ăn, nên tay trái bưng bát cơm, tay phải bốc một nắm thức ăn, sốt ruột cho vào miệng… Không ngờ, đồ ăn trong tay lập tức biến thành than, không nuốt nổi. Mục Kiền Liên nhìn gương mặt hốc hác của mẹ mà nước mắt giàn giụa, không biết nên làm cách nào để cứu mẹ.
Nhưng may mắn thay, chẳng phải Phật đà đang tại thế ư? Phật đà thần thông quảng đại, biết đâu có biện pháp cứu mẹ? Mục Kiền Liên bay về quỳ trước Phật Thích Ca Mâu Ni, thỉnh cầu chỉ giáo.
Phật Thích Ca Mâu Ni đầy vẻ từ bi, Ngài nói với ông: “Mục Kiền Liên! Mẹ ngươi khi còn sống không tin nhân quả báo ứng, không những phỉ báng Phật, mà còn phỉ báng các tăng nhân, tham tâm rất trọng, tính khí nóng nảy, tâm địa bất thiện, chọc tức người khác, cho nên mới chịu quả báo cay đắng này. Mẹ con ngươi thâm tình, thần thông của ngươi bị tình thân che lấp, nhìn không thấy tội nghiệp của mẹ ngươi”.
Mục Kiền Liên quỳ xuống cầu xin Phật đà làm cách nào để giải thoát mẹ mình khỏi bể khổ.
Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Tội của mẹ ngươi đã ăn sâu vào gốc rễ, một mình ngươi cứu không nổi. Hiếu tâm của ngươi tuy cảm động thiên địa, nhưng cũng chỉ có thể nương nhờ vào uy lực của chư tăng thập phương mới có thể cứu vãn mẹ ngươi”.
Sau đó, Phật Thích Ca Mâu Ni dạy ông mỗi năm vào ngày 15 tháng 7 bày bữa cơm trăm vị thịnh soạn và hoa quả tươi cúng cho cha mẹ trong kiếp này và 7 kiếp trước đang trong khốn cảnh nơi thâm xứ, chính là có gì ngon đều mang ra, đặt trong một cái bồn lớn, cúng dưỡng thập phương tăng chúng, còn phải hành đại đức, như vậy mẹ ông mới có thể được giải thoát.
Tại sao lại chọn ngày 15 tháng 7? Bởi vì khi đó, Thích Ca Mâu Ni yêu cầu chư tăng hàng năm từ xuân đến hạ phải tiến hành “kết hạ an cư” trong ba tháng, trong thời gian này họ cùng nhau tụ tập chuyên tâm tu hành, không được ra khỏi tự viện, tương đương với một khóa tu tăng cường mùa hè. Và ngày 15 tháng 7 chính là ngày kết thúc khóa tu. Vào ngày đó, mọi người sẽ tập hợp lại với nhau để giao lưu tâm đắc của họ. Không ít tăng nhân chứng đắc quả vị sẽ chia sẻ về thể hội của họ trong cuộc họp, Phật đà rất vui khi nghe điều đó, vì vậy ngày hôm đó còn được gọi là “Phật hoan hỉ”, là một ngày vô cùng thù thắng.
Mục Kiền Liên rất vâng lời, chiểu theo lời Phật đà mà làm. Cuối cùng mẹ ông đã thoát khỏi thống khổ và thăng lên thiên giới. Mọi người nghe câu chuyện của ông, lần lượt làm theo, đến ngày 15 tháng 7, họ cúng dường các tăng nhân, cầu siêu cho cha mẹ đã khuất, báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Sau đó, nó dần dần phát triển thành một lễ hội gọi là Lễ Vu Lan, cùng với sự lưu truyền của Phật giáo, nó lan rộng ra nhiều quốc gia xung quanh. Câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ cũng đã trở thành một câu chuyện Phật gia nổi tiếng.
Lễ Vu Lan được lan truyền đến Trung Nguyên, kết hợp với các nhân tố của Đạo gia, trở thành tiết Trung Nguyên. Người ta nói rằng địa quan đại đế phụ trách quỷ giới vào ngày đó sẽ kiểm tra danh sách của nhân giới và quỷ giới. Mọi người sẽ mời các Đạo sĩ làm pháp sự, khẩn cầu địa quan đại đế tha thứ cho vong hồn của tổ tiên họ. Do vậy, ngày này là ngày liên quan đến báo ân. Về sau, người ta dần quên đi nguồn gốc ban đầu, gọi ngày 15 tháng 7 là lễ quỷ. Hôm nay chúng ta nói về nó, có thể coi như cải chính cái tên lễ quỷ.
Bị ném đá đến chết
Hậu thế có người nhận xét rằng, dù thần thông lớn đến đâu, cũng không thể thắng nổi nghiệp lực. Và câu nói này cũng được thể hiện chân thực trong chính cuộc đời của Mục Kiền Liên.
Một lần, trên đường hoằng dương Phật pháp, Mục Kiền Liên đi ngang qua chân núi Y Tư Xà Lê, bị một nhóm tu hành ngoại đạo nhìn thấy. Họ đã lên kế hoạch truy sát Mục Kiền Liên từ lâu. Hai lần đầu đều được Mục Kiền Liên dùng thần thông hóa giải, nhưng họ đến chết cũng không bỏ cuộc. Lần này họ đẩy một đống đá xuống núi. Đá rơi xuống như mưa, Mục Kiền Liên không thèm né tránh, cuối cùng đã bị đè chết.
Khi tin tức truyền đến Phật Thích Ca Mâu Ni, các đệ tử xung quanh nhìn nhau, đây có thể là sự thật sao? Mục Kiền Liên đệ nhất thần thông, mà bị người ta dùng đá ném đến chết sao?!
Đức Phật Thích Ca kể cho mọi người nghe một câu chuyện:
Mục Kiền Liên kiếp trước cũng là một người con hiếu thảo, chăm sóc cha mẹ mù lòa rất chu đáo. Đáng tiếc là sau khi kết hôn, vợ chàng rất không thích cha mẹ chàng, còn thường xuyên ghé tai chàng nói xấu cha mẹ. Gió thổi bên gối lâu ngày, Mục Kiền Liên kiếp trước bị vợ mê hoặc, trong lòng nảy sinh tà niệm, lập mưu để thoát khỏi cha mẹ.
Chàng đưa cha mẹ vào rừng và bắt đầu la hét: Đạo tặc đang đến! Đạo tặc đang đến! Sau đó, chàng đóng vai kẻ trộm và đánh cha mẹ mình bằng gậy. Cha mẹ chàng nhìn không thấy, cho rằng thật sự có đạo tặc đến, lo lắng cho an nguy của con trai, bắt đầu hô to: “Con trai, chạy mau, chạy mau!”
Có hai phiên bản kết thúc câu chuyện được lưu truyền. Một phiên bản tươi sáng hơn, nói rằng Mục Kiền Liên cảm động trước lòng tốt của cha mẹ, thức tỉnh lương tâm, cúi đầu trước cha mẹ thừa nhận mình đã đóng vai đạo tặc. Cha mẹ cuối cùng đã tha thứ cho chàng. Một phiên bản đen tối hơn nói rằng Mục Kiền Liên đã phớt lờ cha mẹ, âm thầm đánh đập họ, cuối cùng đánh chết họ.
Dù là phiên bản nào đi chăng nữa, dù Mục Kiền Liên kiếp trước chỉ mưu sát cha mẹ mình, thì đều đã tạo nghiệp. Vì vậy khi ông dùng thần thông nhìn thấy những người ngoại đạo vì nguyên nhân này mà truy sát ông, ông cũng không trốn nữa, an tâm nhận lấy kết cục bị đá đè chết.
Câu chuyện về Mục Kiền Liên xin kết thúc tại đây. Phật Thích Ca Mâu Ni còn có một nữ đệ tử, cũng là thần thông đệ nhất. Nhắc mới nhớ, vị nữ đệ tử này có uyên nguyên liên quan nhiều đến Mục Kiều Liên. Nếu bạn muốn nghe câu chuyện của cô ấy, hãy cho chúng tôi biết trong phần bình luận bên dưới.
Nguồn: DKN (Hương Thảo biên dịch)