Đó là năm 2017, khi đó tôi đã 72 tuổi.Thấy có hiện tượng bất thường, đi khám và được phát hiện tôi bị ung thư trực tràng. Việc tôi cần phải làm ngay là phải phẫu thuật để cắt U và hóa trị bổ trợ. Vì có người quen ở Hà Nội nên tôi cần điều trị ở đó, cách xa Hải Phòng – nơi tôi ở 100 Km.
Hoàn cảnh gia đình tôi khá neo đơn : chỉ có 2 vợ chồng già trên 70 tuổi ở với nhau ở Hải Phòng. Con cái đều ở xa : con dâu lớn bận đi theo để chăm sóc con đi du học ở nước ngoài, nên con trai lớn sống một mình ở Hà Nội.
Hai vợ chồng con trai bé lại sống ở phía Nam. Nên việc chữa bệnh hiểm nghèo của tôi chỉ còn trông vào hai người đàn ông thân thiết : ông chồng đã già trên 70 tuổi và cậu con trai cũng đã gần 50 tuổi .
Ngày tôi lên bàn mổ thì chỉ có 2 người đàn ông túc trực và chờ đợi để đưa tôi về phòng hậu phẫu. Không thể để nhà bỏ không qua đêm ở Hải Phòng nên chồng tôi cứ sáng sớm ra bến xe ô tô lên Hà Nôi và đến chiều tối lại ra bến xe về lại Hải Phòng.
Ban đêm trong phòng hậu phẫu cùng với tôi là người đàn ông thứ hai- cậu con trai . Hàng tuần lễ sau mổ là vậy, nhưng cả 2 người đàn ông của tôi đều đã làm được nên tôi rất yên tâm điều trị.
Mổ xong về nghỉ tại nhà ở Hải Phòng để chờ ngày đi hóa trị, thì việc ăn uống cơm nước cũng chỉ trông vào sự giúp đỡ của ông chồng già mà thôi.
Tôi được điều trị theo phác đồ FOLFOX nên hóa trị tất cả 12 chu kỳ : 5 ngày truyền hóa chất tại Bệnh viện, về nhà nghỉ 10 ngày. Cứ như vậy tất cả là 12 lần.
Đến ngày hẹn đi hóa trị : chồng xách hành lý đưa vợ đi từ sáng sớm lên Hà Nội. Tôi nhập viện xong thì chồng tôi lại ra xe về lại Hải Phòng để trông nhà.
Việc ăn uống trong 5 ngày nằm ở Bệnh viện để hóa trị thì được người đàn ông thứ hai-cậu con trai của tôi chăm lo : mẹ thích ăn cơm thì con trai nấu cơm với những món ăn mẹ thích.
Mẹ thích ăn món khác ở Hà Nội thì con trai đi mua. Miễn là đáp ứng được đầy đủ dưỡng chất để tôi yên tâm hóa trị. Hàng ngày cơm nước cho mẹ ăn tại bệnh viện , con trai tôi luôn được các bà bệnh nhân cùng Phòng bệnh khen :
“ con trai bà đảm đang chẳng kém gì con gái nhà người ta “ . Hết 5 ngày hóa trị, chồng tôi lại đi từ sáng sớm ở Hải Phòng lên để xách giúp tôi đồ đạc, ra xe bus, về kịp đến Hải Phòng lúc chiều tối.
Giữa chu kỳ hóa trị, tôi lại phải mổ lần thứ hai để nối lại ruột sau khi đeo hậu môn nhân tạo trong 4 tháng. Vẫn là 2 người đàn ông thân thiết của tôi lo cho tôi từ lúc mổ xong , nằm phòng hậu phẫu , cho đến khi ra về .
Ông chồng già thì sáng sớm từ Hải Phòng lên, đến tối lại ra xe bus về lại Hải Phòng. Cậu con trai thì lo từ bữa ăn đến giấc ngủ.Tất cả lại giống lần trước, trong một tuần lễ .
Mổ xong lần thứ hai, tôi lại hóa trị tiếp . Cứ lặp đi lặp lại như vậy , hết 6 tháng là tôi được xuất viện.
Sau khi điều trị, nghe theo lời các Bác sĩ khuyên, tôi thường tập thể dục : lúc thì đi bộ, khi thi đạp xe. Và trên con đường tập luyện, tôi luôn có một người đàn ông đồng hành cùng tôi , giúp tôi hăng hái trong tập luyện.
Đồng thời chia sẻ với tôi mọi công việc nhà để tôi có nhiều sức khỏe sau khi điều trị. Đó chính là ông chồng già của tôi.
Sáu năm đã qua, sức khỏe của tôi đã ổn định và rất tốt.Trong trí nhớ của tôi về những ngày đi chữa bệnh hiểm nghèo luôn là hình ảnh của 2 người đàn ông của tôi : một người đã già và một người còn trẻ.
Nhưng bên cạnh hình ảnh này là cả một tấm lòng yêu thương, chăm sóc tôi tận tình bất kể ngày, đêm , không quản khó khăn mệt nhọc. Nhờ đó mà tôi yên tâm chữa bệnh cũng như quyết tâm rèn luyện để sức khỏe ổn định và ngày một tốt hơn.
Được viết lại những câu chuyện trong những ngày đi chữa bệnh, tôi lại có dịp được chia sẻ với các bạn về những tấm lòng yêu thương của những người thân trong gia đình . Mà trong trường hợp của tôi lại chỉ là 2 người ĐÀN ÔNG nhưng có trái tim cũng đong đầy thương yêu , chịu thương, chịu khó, không kém gì những người Mẹ và những người Vợ đảm đang của các gia đình khác .
Viết đến đây tôi lại thấy lòng mình thêm ấm cúng và tự hào về những người ĐÀN ÔNG của tôi.
Người viết : Phạm Thị Lũng Hà