Nghèo khó càng kiên trì, chớ đánh mất chí cao xa
Dân ca Việt Nam có câu hát rằng: “Mãi Thần lúc trước khổ bần, Trọng Yêm, Hàn Tín ra thân khó hèn”. Câu hát ấy kể về cuộc đời hàn vi của một bậc danh quan thời nhà Hán tên là Chu Mãi Thần.
Vào thời nhà Hán, ở quận Cối Kê có một Nho sinh nghèo tên là Chu Mãi Thần. Chu Mãi Thần chăm chỉ đèn sách, mặc dù đã đọc không ít thi thư nhưng gia cảnh vẫn mãi bần hàn, ngày ngày phải dựa vào nghề đốn củi mưu sinh.
Vợ Chu Mãi Thần là Thôi Thị không chịu được cảnh nghèo hèn, trong tâm vô cùng rầu rĩ, và ngày càng thêm coi thường chồng. Một lần, bà tức giận ném bó củi xuống đất rồi ngúng nguẩy bỏ đi, giọng đầy phẫn nộ, chỉ vào chồng mắng rằng: “Chàng đúng là đồ mọt sách, đồ mọt sách! Đến lúc nào mới có thể nở mày nở mặt được đây? Suốt cả ngày chàng chẳng làm gì chỉ ôm lấy chồng sách, thế có tác dụng gì? Ngay cả lúc chẻ củi chàng cũng đọc sách, chàng xem, chàng chẳng màng gì đến cái nhà này nữa rồi!”.
Chu Mãi Thần liền đặt gánh củi xuống, vừa xoa lưng cho vợ vừa cười hì hì: “Phu nhân à, đừng nổi nóng nữa mà! Tôi chỉ đang ôn lại các bài học thôi, chứ có làm gì nên tội? Khổng Tử nói: ‘Học mà thường xuyên ôn luyện, chẳng vui lắm sao?’”.
“Học à? Học đáng giá một cân gạo hay nửa cân mì?” – Thôi Thị hắng giọng nói.
“Chà, bán cái sự học cho bà thì chẳng đáng một xu, nhưng nếu bán cho đương kim hoàng thượng thì mới thực đáng tiền!” – Chu Mãi Thần trầm tĩnh đáp.
“Ô hay cái ông này, chàng ngày nào cũng ăn không đủ no mà còn mộng tưởng làm quan nữa à! Thôi đừng có mà mơ mộng hão huyền với tôi nữa!” – Thôi Thị lại càng nóng giận hơn.
“Phu nhân à, không thể lấy đấu mà đo biển nông sâu, cũng chẳng thể lấy tướng mạo mà phán xét một người. Khi thời điểm đến, bà sẽ phải phát ngán vì những thứ lụa là gấm vóc mặc trên người” – Chu Mãi Thần tự tin nói với vợ.
Thôi Thị thấy chồng đắc ý thì lại càng đùng đùng lửa giận: “Chu Mãi Thần! Tôi không có phúc khí đợi đến ngày ấy đâu, đừng bắt tôi phải vì chàng mà chết đói nữa! Từ rày về sau, nếu ngày nào chàng không gánh cho tôi đủ ba gánh củi đem bán thì tôi và chàng sẽ đoạn tuyệt từ đây, không còn vợ vợ chồng chồng chi nữa!”.
“Chuyện này… Chà, như thế tôi lấy đâu ra thời giờ mà đọc sách Thánh hiền đây?”, Chu Mãi Thần vẫn cười hề hề. “Phu nhân à, sau 50 tuổi tôi nhất định sẽ công thành danh toại, áo gấm về làng. Giờ tôi cũng hơn 40 tuổi rồi, bà đã cùng tôi trải qua bao nhiêu ngày gian khổ như thế, đợi sau này có thành tựu rồi tôi nhất định sẽ báo đáp bà”.
“Hứ, tôi chẳng thèm cái công danh hão của chàng. Từ nay về sau, chàng cứ việc đi con đường Dương Quan chói lọi rực rỡ của chàng, còn tôi đi cây cầu độc mộc của mình là đủ rồi!” – Thôi Thị càng nói càng tức anh ách, cảm thấy không thể tiếp tục chịu khổ cùng Chu Mãi Thần nữa liền bỏ về nhà cha mẹ.
“Phu nhân, phu nhân, bà nỡ lòng bỏ đi thật sao? Chà, bà đi rồi thì chớ hối hận đó!” – Chu Mãi Thần thấy vợ giận dỗi bỏ đi, trong tâm rất đau lòng nhưng không biết làm thế nào, chỉ có thể lắc đầu bất lực. Ông lặng ngồi xuống tảng đá bên đường, lấy trong ngực ra một quyển sách, không khỏi có chút thương cảm tự nhủ với lòng rằng: “Như thế này cũng tốt, cũng tốt. Từ giờ, ta càng có thời giờ tự do tự tại đọc sách rồi”.
Thôi Thị bỏ nhà đi, không lâu sau cũng tái giá. Một hôm nhân dịp tiết Thanh Minh, Thôi Thị cùng chồng đi tảo mộ. Khi đến khu mộ phần, bà nhìn thấy trong khu rừng cạnh nghĩa trang có một bóng người gầy gò vừa đốn củi vừa ngân nga: “Khổng Tử nói…”. Người ấy chặt củi là giả, mà đọc sách mới là thật, đốn cả nửa ngày mà vẫn chưa chặt đứt được một cành cây nhỏ. Thôi Thị không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là chồng cũ của mình – Chu Mãi Thần.
Lúc này bộ dạng Chu Mãi Thần trông lại càng nhếch nhác hơn xưa: tóc tai bù xù, râu dài luộm thuộm, quần áo rách nát, thân mình gầy rộc như que củi khô.
Thôi Thị nhớ lại tình phu thê trước kia, thấy chồng cũ như vậy trong tâm quả thực không đành lòng, bà vội vàng lấy ra một bát cơm canh cúng tổ tiên đưa cho Chu Mãi Thần.
Chu Mãi Thần bụng đói cồn cào, cảm kích nói một câu: “Sau này sẽ đền đáp!”, rồi ăn ngấu nghiến. Thôi Thị đứng bên cạnh vừa giận vừa thương, miệng chế giễu: “Chu Mãi Thần, sao hoàng đế mãi vẫn chưa đến mua cái sự học của chàng thế?”.
Chu Mãi Thần bình tĩnh đáp: “Điều này… vẫn chưa đến lúc, vận chưa chuyển, mệnh chưa thông, vẫn phải chờ xem sao đã”.
“Vậy à, chờ đến khi chàng có được vận may thì đừng quên cho tôi biết nhé!” – Thôi Thị mỉa mai một câu rồi quay đầu bỏ đi.
Vài năm sau, một người đồng hương là Nghiêm Trợ đã tiến cử Chu Mãi Thần với Hán Vũ Đế. Đến lúc này, một bụng thi thư của ông mới thực sự có đất dụng võ. Trước mặt Hán Vũ Đế, ông thuyết về “Xuân Thu”, luận về “Sở Từ” vô cùng trôi chảy, mạch lạc, lời nào cũng trí tuệ uyên bác. Ông còn hiến kế cho Hán Vũ Đế cách dẹp loạn Đông Việt quốc (thuộc tỉnh Phúc Kiến ngày nay). Sau khi cuộc phản loạn được dẹp yên, Hán Vũ Đế vô cùng hài lòng nói với Chu Mãi Thần: “Khanh vừa có tài lại có công, ta cho khanh về quê làm Thái thú quận Cối Kê”.
Chu Mãi Thần vô cùng cảm kích dập đầu tạ ân Hoàng đế, sau đó ông trở về Để quán (dinh phủ dành cho các chư hầu ở khi đến chầu thiên tử) chờ chiếu chỉ.
Thời gian đầu Chu Mãi Thần vừa mới đến Trường An, ông phải trải qua những tháng ngày vô cùng khốn khó, vừa phải ăn nhờ ở đậu ở nơi này, lại vừa phải nhận chu cấp từ những người canh giữ Để quán. Lần này phụng mệnh Hoàng đế làm Thái thú Cối Kê ông vẫn thản nhiên trầm tĩnh, không hề tỏ ra kiêu căng ngạo mạn. Vẫn khoác trên người bộ y phục cũ trước đây, Chu Mãi Thần cất thụ ấn Thái thú mà triều đình ban cho vào trong ngực áo, rồi đi bộ đến Để quán.
Những người canh giữ thấy Chu Mãi Thần, tưởng rằng ông đến xin ăn như trước kia, bèn bảo ông xuống nhà bếp. Các tiểu lại của Cối Kê đang tụ tập uống rượu trong phòng khách, vừa thấy Chu Mãi Thần thì khinh thường đến mức không thèm liếc mắt nhìn, vẫn cứ nâng chén chúc tụng như trước.
Chu Mãi Thần xuống phòng bếp ăn cùng với các lính canh như thường lệ. Trong bữa ăn, lính canh tình cờ thấy trong áo ông lộ ra sợi dây thao buộc ấn tín màu vàng. Họ rất hiếu kỳ, nhân lúc Chu Mãi Thần sơ ý, họ liền giật mạnh sợi dây ra, quả nhiên là chiếc ấn chương màu đỏ chót. Đám lính canh sửng sốt cầm ấn chương lên xem và kêu lên một tiếng, thì ra là quan ấn của Thái thú Cối Kê! Các linh canh nhìn chằm chằm Chu Mãi Thần, lắp ba lắp bắp nói: “Ngài… ngài đã lên làm Thái thú Cối Kê rồi sao?”. Chu Mãi Thần mỉm cười không nói, vẫn điềm nhiên ăn cơm như trước.
Lính canh vội vàng chạy vào phòng khách rồi hô lớn với những quan viên đang say sưa uống rượu: “Các vị đừng uống nữa, Thái thú Cối Kê đã đến rồi, còn không mau mau đi bái kiến ngài!”.
Những quan viên say túy lúy nghe thấy tiếng lính canh thì đều kinh ngạc, vội dồn dập hỏi: “Thái thú đến lúc nào vậy, sao các ngươi không sớm báo cho chúng tôi một tiếng?”.
Người lính canh đáp: “Tôi cũng vừa mới phát hiện ra thôi, các vị đoán xem Thái thú là ai? Chính là Chu Mãi Thần!”.
“Ha ha ha!” – các quan viên ôm bụng phá lên cười, tưởng rằng lính canh đang hù dọa mình. Họ hoàn toàn không tin rằng vị thư sinh nghèo từng nhiều lần đến xin ăn lại được lên làm Thái thú Cối Kê. Ai nấy đều giễu cợt: “Ngươi chớ ăn nói hồ đồ, Chu Mãi Thần dựa vào cái vẻ bần cùng mà có thể leo lên làm Thái thú Cối Kê sao?”.
Lính canh đáp: “Các vị không tin thì có thể tự mình đi xem, ngài ấy còn mang theo cả ấn chương Thái thú nữa đó”.
Một viên lại thường ngày vẫn coi thường Chu Mãi Thần liền xung phong lên trước: “Để tôi xem xem rốt cuộc là thật hay là giả!”
Dứt lời, viên lại đó liền chạy xuống nhà bếp. Chỉ một lát sau viên lại hoảng hốt chạy về báo: “Là thật, là thật đó! Chu Mãi Thần thực sự làm Thái thú Cối Kê rồi!”.
Các quan lại nghe xong sợ hãi đến mức tỉnh cả rượu, liền lục đục chỉnh lại quan phục, xếp thành hàng trước cửa nhà bếp, cung cung kính kính thưa rằng: “Chúng tiểu nhân tham kiến Thái thú đại nhân, không biết đại nhân giá đáo nên đã không nghênh đón kịp thời, mong đại nhân tha tội!”.
Chu Mãi Thần chậm rãi bước ra khỏi phòng bếp, đưa mắt nhìn các quan lại một lượt rồi trách rằng: “Triều đình phái các ngươi vào kinh thành làm việc, sao các ngươi lại có thể chơi bời nhậu nhẹt đến như vậy!”
Các quan lại đều cúi đầu sợ hãi không dám nói năng gì.
Lúc ấy, ngoài cửa dồn dập tiếng ngựa xe, thì ra là đoàn tùy tùng đến nghênh tiếp tân Thái thú về nhậm chức. Chu Mãi Thần ung dung sải bước ra khỏi Để quán và lên xe giữa đoàn tùy tùng, hướng thẳng đến quận Cối Kê.
Các quan viên Cối Kê nghe nói tân Thái thú sắp đến, liền vội vàng điều động dân chúng quét dọn các con đường mà đoàn xe sắp đi qua, đồng thời lệnh cho toàn bộ quan lại các huyện phải tập trung nghênh tiếp Thái thú suốt dọc đường. Thấy đoàn xe Thái thú từ xa, các cấp quan lại liền vội vàng bước lên quỳ bái dọc hai bên đường.
Chu Mãi Thần vinh dự trở về quê hương, ông mỉm cười chào những người đang nghênh tiếp đoàn xa giá. Đột nhiên, ông nhận ra trong đám đông dân chúng đang quét dọn bên đường là một gương mặt thân thuộc. “Đó chẳng phải là Thôi Thị vợ cũ của ta và chồng bà ấy sao?”.
Ông lập tức ra lệnh dừng xe, cho người gọi vợ chồng Thôi Thị đến trước mặt.
Ông hỏi: “Bà còn nhận ra tôi không?”.
Thôi Thị vừa ngẩng đầu lên liền choáng váng, thì ra tân Thái thú chính là người chồng cũ đã bị mình bỏ rơi! Bà đỏ ửng mặt mày, hổ thẹn cúi đầu không thốt lên lời.
Chu Mãi Thần nói: “Hồi ấy tôi từng nói với bà rằng sẽ có ngày tôi được nở mày nở mặt, bảo bà hãy đợi tôi nhưng bà nào có tin. Giờ thì bà thấy rồi đó!”.
Thôi Thị vẫn cúi đầu, mặt từ đỏ ửng chuyển sang trắng bệch, miệng ú ớ không nói được lời nào.
Chu Mãi Thần nghĩ: Giờ ta đã làm quan thì nên khoan dung đại lượng, không nên chấp nhặt với phụ nữ làm gì. Hơn nữa khi ta khốn khó bà ấy đã cùng ta chịu rất nhiều khổ cực, huống hồ là sau khi ly hôn, bà ấy còn cho ta bát cơm lúc đói khát. Nghĩ vậy, ông nói với Thôi Thị rằng: “Những việc quá khứ chúng ta bất tất phải nhắc lại làm gì, huống hồ hai ta đã từng là vợ chồng. Năm ấy tôi nói sẽ báo đáp bà, nay cuối cùng cũng có cơ hội rồi. Vậy mời hai người đi theo tôi về phủ”.
Thôi Thị cảm thấy hổ thẹn, không muốn đi nhưng vẫn buộc phải lên xe đến dinh phủ Thái thú. Chu Mãi Thần sắp xếp cho vợ chồng Thôi Thị ở hoa viên phía sau phủ và cung cấp cho họ đầy đủ đồ ăn thức uống, những lúc rảnh rỗi ông còn sắp xếp thời gian đến thăm họ như những người bạn cũ.
Ấy chính là:
Phát phấn độc thư tố học vấn
Gian nan khốn khổ ngọc nhữ thành
Thanh vân chi chí bất khả trụy
Tí dạ quá hậu thị thiên minh
Ký ngữ thiên hạ vi thê giả
Tạm thời bần cùng bất yếu khẩn
Trượng phu hữu chí đa chi trì
Thế thượng bất thiểu Chu Mãi Thần!
Tạm dịch:
Nỗ lực đọc sách học thi thư
Gian nan khổ cực ngọc tất thành
Kiên chí thanh vân lòng chẳng nhọc
Đêm qua rồi bừng ánh bình minh
Thiên hạ ai ơi người vợ tảo
Hôm nay nghèo khó sợ chi đâu
Trượng phu bền chí thêm gắng sức
Thế gian chẳng thiếu Mãi Thần Chu!
(Theo ghi chép trong “Hán Thư”)
Nguồn: ntdvn (Minh Tâm)