Kẻ xấu buông đao liền thành Phật, người tốt khổ nạn mới tu thành?
Vì sao kẻ xấu buông xuống đồ đao liền có thể thành Phật, còn người tốt lại phải trải qua tám mươi mốt nạn mới tu thành? Nói như vậy thì chẳng phải Thiên lý quá bất công hay sao?
Chú tiểu và anh đồ tể
Xưa kia ở Chiết Giang có một tòa tự viện, sống trong tự viện là hai vị hòa thượng một già, một trẻ. Hai sư đồ ngày ngày đều tụng kinh niệm Phật, bền chí tu hành.
Nằm trong khuôn viên nhà chùa còn có một cái ao nhỏ, trong ao có con ếch xanh. Mỗi buổi sáng sớm khi tiểu hòa thượng vừa bắt đầu đọc kinh thì con ếch kia cũng mở miệng, cất cao giọng hát: “Ộp ộp, ộp ộp…”
Lúc đầu chú tiểu cố nhẫn chịu, gắng hết sức bỏ ngoài tai tiếng ồm ộp khó nghe ấy. Nhưng ngày lại ngày đều bị ếch xanh can nhiễu, chú tiểu không sao tập trung được, dần dà không tránh khỏi có phần bực bội trong tâm. Cậu cho rằng con ếch làm ảnh hưởng đến việc niệm kinh, ngăn cản mình tu hành nên cũng bắt đầu khởi tâm oán hận. Cậu tự nhủ: “Ta nhất định phải làm gì đó, không thể tiếp tục như thế này mãi được!”
Hôm ấy, tiểu hòa thượng vừa mới mở sách niệm kinh thì ếch kia cũng ồm ộp hát vang như cố tình trêu ngươi vậy. Chú tiểu liền đặt quyển kinh xuống bàn rồi xắn quần, vén áo, nhảy xuống ao bắt lấy con ếch và giết đi. Lão hòa thượng biết chuyện, bèn gọi đệ tử đến trách phạt. Ông nói: “Con là người tu hành, Pháp lý đều đã học, cớ sao lại cố tình phạm sát giới? Con có biết đã tạo biết bao nghiệp rồi không? Phải hoàn trả sao đây?”
Lời giáo huấn của sư phụ như tảng đá đè nặng trong tâm khiến chú tiểu vô cùng ăn năn hối hận. Cậu buồn bã đến bên vách đá, nghĩ đến tội lỗi vừa qua cậu chỉ muốn tung người nhảy xuống. Nhưng nhảy xuống rồi thì chẳng phải sẽ thịt nát xương tan, đau đớn khôn cùng? Tiểu hòa thượng không biết nên làm sao cho phải, trong lòng đầy mâu thuẫn, bất giác òa lên khóc nức nở.
Đúng lúc ấy cậu nghe thấy bên tai có tiếng nói: “Này chú tiểu, làm sao chú khóc?”
Tiểu hòa thượng ngước mắt lên nhìn, thì ra người đồ tể vừa đi ngang qua đây. Cậu liền kể lại một lượt mọi chuyện. Người đồ tể nghe xong không khỏi sửng sốt, ông thầm nghĩ: “Cậu ta chỉ giết một con ếch mà phải nhảy xuống vách đá tạ tội, còn ta ngày nào cũng mổ lợn giết heo, há chẳng phải đã tạo nghiệp vô biên rồi sao?”
Nghĩ vậy, ông liền nói với tiểu hòa thượng: “Chú không cần phải nhảy xuống vực làm gì, so với chú thì nghiệp sát sinh của ta còn lớn hơn gấp ngàn vạn lần. Kẻ đáng phải nhảy xuống vách đá kia là ta, chứ không phải chú, hãy để ta thay chú nhảy xuống tạ tội vậy”.
Tiểu hòa thượng chưa kịp phản ứng đã thấy ông ta vứt bỏ con dao đồ tể trong tay rồi tung người nhảy xuống. Khi ông rơi xuống lưng chừng núi thì đột nhiên một đám mây lành từ thung lũng bay lên, trên mây có đóa hoa sen rực rỡ ánh vàng kim nâng người đồ tể thăng lên trời…
Truyện ngắn kể trên gợi chúng ta liên tưởng tới câu nói: “Buông bỏ đồ đao, lập địa thành Phật”. Vậy có thực là hễ “buông bỏ đồ đao” liền có thể “lập địa thành Phật” hay không?
Kẻ ác “buông bỏ đồ đao”…
Trong “Phật Tổ Thống Kỷ” có câu chuyện kể rằng: Vào thời nhà Đường, ở kinh đô Trường An có một người họ Kinh làm nghề bán thịt lợn. Thường ngày gian hàng của Kinh đồ tể rất đông khách, nhưng không hiểu sao gần đây số người đến mua thịt càng ngày càng thưa dần, cho đến một ngày gần như không còn ai đến mua nữa. Kinh đồ tể cảm thấy vô cùng kỳ quái, trong lòng khó tránh khỏi có phần thất vọng: Không bán được thịt thì những ngày sắp tới phải sống sao đây?
Anh ta liền cất công đi nghe ngóng, thì ra có một vị tăng nhân Pháp danh là Thiện Đạo vừa mới đến kinh thành để hoằng Pháp. Thiện Đạo đại sư tuyên giảng về nhân quả, khuyên mọi người hãy tu tâm dưỡng tính, quy chính cải tà, bỏ ác theo thiện, thường xuyên niệm Phật hiệu để mong được vãng sanh sang Tây phương Cực Lạc. Dần dần, dân chúng trong thành Trường An bắt đầu bỏ thịt, ăn chay, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng tụng kinh, niệm Phật không ngừng.
Kinh đồ tể cảm thấy rất phẫn nộ, liền cầm dao đi tìm Thiện Đạo đại sư.
Đại sư Thiện Đạo thấy Kinh đồ tể hằm hằm xách dao tới, biết rằng cơ duyên đắc độ đã chín muồi. Vậy nên ngài bèn từ bi khai thị cho Kinh đồ tể, khuyên anh ta buông bỏ chấp niệm, thành tâm niệm Phật, mau chóng vãng sinh sang Tây Phương Cực Lạc.
Sau đó, đại sư lại đưa tay ra và chỉ về phía tây, bỗng nhiên trên không trung hiện ra cảnh Phật quốc trang nghiêm thù thắng.
Kinh đồ tể ngước thấy cảnh tượng tráng lệ trên bầu trời thì sững sờ ngây dại rồi đột nhiên bừng tỉnh. Trong lòng anh trào dâng một khát khao mãnh liệt, anh sẵn sàng xả tận sinh tử để mong được vãng sinh vào đất Phật. Nghĩ rồi, anh liền trèo lên cây đại thụ cạnh đó, thành kính chắp hai tay rồi gieo mình xuống đất.
Chỉ trong khoảnh khắc, Đức Phật A Di Đà hiện thân đến tiếp dẫn người đồ tể. Nguyên thần của Kinh đồ tể xuất ra khỏi thể xác, theo Phật A Di Đà bay về phương Tây.
Đứa trẻ vô hại trở thành kẻ sát nhân máu lạnh
“Tạp A-hàm kinh” quyển thứ 38 cũng ghi chép một câu chuyện như sau:
Vào thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, một ngày ở nước Kiều Tát La (Kosala) bỗng xảy ra dị tượng trước nay chưa từng có: Tất cả các võ sĩ của tầng lớp quý tộc Sát Đế Lợi (Kshatriya) bỗng dưng rút kiếm như đang chuẩn bị chiến đấu với quân thù. Sau đó, không rõ vì lý do gì những thanh kiếm sắc bén kia lại đột nhiên sứt mẻ, bao kiếm nứt vỡ, lưỡi kiếm cũng thình lình gãy ra khỏi chuôi, rơi xuống la liệt trên mặt đất.
Cảnh tượng kỳ quái này khiến các võ sĩ hoảng sợ, ai cũng cảm thấy bất an trong lòng. Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) liền phái binh lính đi điều tra, nhưng không thấy có gì bất thường, ngoài việc một bé trai vừa mới chào đời ở làng Tát Na phía bắc thành Xá Vệ. Cậu bé sinh ra đúng vào ngày mang dị tượng, cha cậu vì muốn hóa giải điềm dữ nên đã đặt tên cho con trai là Ahiṃsaka, nghĩa là ‘đứa trẻ vô hại’.
Nhiều năm qua đi…
Một ngày kia Đức Phật đến nước Kiều Tát La. Những người chăn cừu, tiều phu và nông dân nhìn thấy Đức Phật liền nói với Ngài: “Thưa Thế tôn, xin Ngài hãy dừng chân, phía trước có một kẻ sát nhân máu lạnh tên là Angulimala, hắn ta vô cùng hung dữ đáng sợ, 999 người đi qua đây đều đã chết dưới tay hắn rồi”.
Đức Phật đáp: “Không hề chi, không hề chi”.
Dứt lời, Ngài lại đi bộ dọc theo con đường, chẳng bao lâu đã thấy chắn ngang trước mặt là một thanh niên hung hãn, dữ dằn, tay lăm le thanh kiếm xông đến chỗ Phật Đà. Ngài biết rằng đây chính là Angulimala – cơn ác mộng của tiểu quốc Kiều Tát La.
Nhưng không rõ vì lý do gì Angulimala lại ngoan ngoãn nhường bước, không dám tấn công Phật Đà. Đức Phật vẫn ung dung bước về phía trước. Angulimala thấy vậy thì vô cùng tức giận, liền cầm kiếm chạy theo truy sát Phật Đà. Nhưng kỳ lạ chưa, dù có chạy như bay hắn vẫn không thể đuổi kịp bước chân chậm rãi của Đức Phật.
Chẳng mấy chốc, Angulimala hổn hển thở không ra hơi, toàn thân rã rời không thể chạy tiếp được. Hắn hét lên: “Dừng lại ngay cho ta! Chớ có chạy nữa!”
Đức Phật từ tốn đáp lại: “Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có anh không chịu dừng lại, vẫn cứ chạy đó thôi”.
Angulimala lại càng tức giận: “Cái đồ Samôn nhà ngươi, sao lại nói năng vô lý như vậy? Rõ ràng ta đuổi theo ngươi mãi không được, sao lại nói là ngươi đã dừng lại?”
Đức Phật biết thời cơ cứu độ Angulimala đã đến, Ngài liền nói:
“Điều ta bảo dừng lại, là dừng động binh đao, không còn đe dọa chúng sinh – nhưng anh thì vẫn không chịu dừng lại. Điều ta bảo dừng lại, là dừng bức bách sinh linh, không còn tạo nghiệp sát sinh – còn anh thì vẫn chưa chịu dừng tay. Điều ta nói dừng lại, là dừng tay đao kiếm, dừng đấu với trời – còn anh thì vẫn khổ sở tranh đấu. Anh tạo ác nghiệp cuồn cuộn mà đến nay vẫn chưa ngưng nghỉ. Ta nhìn thấu bản chất sinh mệnh nên đã buông bỏ hết thảy, còn anh thì vẫn mê trong thế gian, đắm chìm trong ngũ độc, mãi không chịu dừng tay”.
Phật Đà vừa dứt lời bỗng nghe thấy “keng” một tiếng, cây đao trong tay Angulimala rơi bộp xuống đất. Angulimala đột nhiên cảm thấy thanh tỉnh, nhận ra bản thân đã tạo tội nghiệp vô biên. Hụt hẫng, hối hận, ăn năn, sợ hãi… biết bao cảm xúc đan xen, trong lòng ngổn ngang trăm mối. Phịch! Angulimala quỳ xuống trước mặt Đức Phật, giọng nức nở nghẹn ngào:
“Thật đúng là trăm nghe không bằng một thấy, hôm nay con được gặp Thế Tôn mới biết quả nhiên danh bất hư truyền. May nhờ Thế Tôn khai thị con mới nhận ra bản thân đã tạo biết bao nhiêu ác nghiệp. Con cầu xin Thế Tôn hãy thu nhận con làm đệ tử, con nguyện sẽ theo Ngài xuất gia tu hành”.
Phật Đà dùng tuệ nhãn nhìn thấu cả quá khứ tương lai, Ngài biết rằng Angulimala chính là cậu bé Ahiṃsaka chào đời trong dị tượng năm ấy. Với lòng từ bi thương xót, Ngài mỉm cười gật đầu và đưa Angulimala về tịnh xá.
Vì sao “đứa trẻ vô hại” Ahiṃsaka năm xưa lại biến thành Angulimala – kẻ sát nhân “giết người không chớp mắt”?
Ahiṃsaka đã từng là cậu bé hiền lành và hiếu thảo. Lớn lên, cậu theo học một vị sư phụ Bà La Môn rất nổi tiếng trong vùng. Lúc này Ahiṃsaka đã là một chàng trai tuấn tú và cường tráng, đặc biệt có võ công thâm hậu, có thể bắt chim bay bằng tay không và đi nhanh hơn ngựa phi nước đại. Cậu ôn hòa nho nhã, vừa thông tuệ lại có đức hạnh, vậy nên cậu luôn được sư phụ và mọi người yêu mến.
Thế nhưng, Ahiṃsaka không thể ngờ rằng chính vẻ anh tuấn mỹ mạo và tài năng kiệt xuất của mình lại đẩy cậu xuống vực sâu không đáy. Vợ của sư phụ là một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, nhưng lại lẳng lơ, lăng loàn. Ả ta để mắt đến Ahiṃsaka và muốn tìm cách quyến rũ cậu, và bi kịch đáng sợ cũng bắt đầu từ đây.
Một ngày, thừa lúc chồng vắng mặt, ả ta liền đến bên cậu học trò điển trai và đưa lời ong bướm. Nhưng Ahiṃsaka là chàng trai ngay thẳng, chính trực, không vì nữ sắc mà động lòng. Nào ngờ thái độ đúng mực của cậu lại khiến người phụ nữ kia thẹn quá hóa giận, ả ta liền tìm cách hãm hại Ahiṃsaka.
Lát sau sư phụ của Ahiṃsaka trở về, khi ông bước vào phòng ngủ thì cảnh tượng trước mắt khiến ông không khỏi sững sờ choáng váng: Thê tử đầu bù tóc rối, quần áo tả tơi đang treo cổ lên xà nhà tự vẫn! Ông vội vàng cởi dây và hỏi vợ vì sao lại tìm đến cái chết như vậy?
Nghe vợ nức nở kể lại, ông sục sôi căm giận đến mức nắm chặt cả hai tay:
“Á à! Thì ra là Ahiṃsaka! Ngươi là đệ tử của ta, cớ sao lại cả gan làm cái chuyện động trời này? Ta đã trân trọng ngươi như thế, dìu dắt ngươi như thế, sao ngươi dám ngang nhiên cưỡng bức vợ ta? Nỗi nhục này sao ta có thể nhẫn chịu cho được! Ahiṃsaka, nếu không giết nhà ngươi thì ta còn mặt mũi nào đối diện với kiều thê đây?”
Sư phụ hiểu rõ Ahiṃsaka là bậc anh hùng võ công cái thế, bách chiến bách thắng, không có ai xứng làm đối thủ, cho dù tập hợp cả năm trăm đệ tử thì cũng không thể địch lại được. Thế là sau một hồi suy nghĩ, cuối cùng ông nảy ra diệu kế “mượn gió bẻ măng”. Ông tự nhủ: Chỉ bằng cách lợi dụng đội quân hùng hậu của quốc vương mới mong lấy được mạng của Ahiṃsaka.
Về phần mình, Ahiṃsaka vô tư trở về phòng, nào đâu biết sư mẫu lại là kẻ lòng dạ thâm hiểm, ả ta đang rắp tâm làm hại cậu, còn sư phụ của cậu cũng hồ đồ đến mức tìm cách giết hại học trò.
Hôm sau, sư phụ gọi riêng Ahiṃsaka đến và nói với cậu rằng: “Ahiṃsaka, con là đệ tử mà ta ưng ý nhất, nay ta có một phương pháp bí truyền có thể giúp con sớm ngày đắc Đạo. Tuy nhiên phương pháp này rất bí mật, ta chỉ truyền riêng cho một mình con mà thôi”.
Ahiṃsaka cung kính đáp: “Cảm tạ ân điển của sư phụ, đệ tử xin được lĩnh giáo”.
Sư phụ tiếp tục nói: “Pháp môn này vô cùng đặc biệt, con hãy nghe cho rõ: Trước buổi trưa, con hãy cầm kiếm đứng ở giao lộ nơi ra vào cổng thành, hễ thấy ai liền giết, giết xong kẻ nào thì cắt một ngón tay của kẻ ấy, sau đó dùng sợi dây xuyên qua, làm thành chiếc vòng đeo lên cổ. Sau khi giết đủ một ngàn người, xuyên đủ một ngàn ngón tay thì con sẽ đắc Đạo, những người bị giết cũng sẽ được theo con lên Trời”.
Ahiṃsaka cảm thấy có điều đáng ngờ, liền hỏi lại thầy: “Giết một ngàn người sao có thể đắc Đạo thăng Thiên được? Đệ tử chưa bao giờ nghe nói đến chuyện này. Ở vương quốc chúng ta, tu hành chính là tịnh tu phạm hạnh, hành thiện tích đức. Nếu như giết người liền có thể đắc Đạo, há chẳng phải là làm trái với lời dạy của các bậc tiên cổ thánh hiền rồi sao?”
Sư phụ làm ra vẻ thất vọng thở dài một tiếng: “Ôi, ngộ tính của con thật khiến ta thất vọng quá chừng. Nay con không muốn nghe lời sư phụ dạy, lại còn nghi ngờ cả sư phụ nữa sao?”
Ahiṃsaka trầm mặc không nói lời nào. Nỗi khổ tâm và mâu thuẫn giằng xé trong tâm, cậu không muốn làm kẻ sát nhân, nhưng cũng không thể làm trái lời dạy của thầy. Mặc dù không nguyện ý, nhưng cậu vẫn đành lòng đeo kiếm tới điểm giao lộ ngay trước lối vào cổng thành. Ngay khi cậu vừa xuất hiện ở cổng thành thì rất nhiều hung Thần và ác quỷ cùng đến cổ vũ trợ uy, khiến Ahiṃsaka trở nên bối rối, tâm trí u mê, dần dần vẻ mặt cũng trở nên hung ác và dữ tợn giống như quỷ Dạ Xoa vậy. Ahiṃsaka cảm nhận rõ nguồn năng lượng hắc ám chảy trong cơ thể, giúp cậu trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cậu bắt đầu giết tất cả những ai mình gặp trên đường.
Hai tay càng dính máu thì ý định giết người lại càng trở nên mạnh mẽ hơn. Ahiṃsaka nhìn thấy ai cũng giết, giết xong lại bôi máu nạn nhân lên cơ thể mình. Chẳng bao lâu sau tiếng xấu của Ahiṃsaka đã lan truyền khắp thành Xá Vệ và toàn bộ vương quốc Kiều Tát La.
Cũng từ đó, không còn ai dám đi qua giao lộ. Các cửa hàng trong thành phố đều đóng cửa, tất cả đàn ông, phụ nữ, người già và trẻ em đều lẩn trốn. Quốc vương hay tin, liền chiêu mộ các dũng sĩ và chiến binh dũng cảm nhất để thảo phạt Ahiṃsaka, nhưng không một ai dám liều mạng. Vì thế cả thành Xá Vệ bao trùm trong bầu không khí khủng bố và đáng sợ chưa từng thấy trước đây.
Vậy vì sao người ta lại gọi Ahiṃsaka là “Angulimala”? Bởi vì mỗi khi giết chết một người, Ahiṃsaka lại cắt ngón tay của nạn nhân và xâu thành vòng đeo lên cổ. Chữ “Angulimala” trong tiếng Phạn nghĩa là ‘vòng ngón tay’. Vì thế, dân chúng Kiều Tát La gọi cậu là Angulimala.
Đã gần đến giữa trưa, con đường vẫn rộng rãi bằng phẳng nhưng lại tịch không một bóng người, thậm chí cũng không có chim bay hay thú chạy. Lúc này trên chiếc vòng cổ mới chỉ có 999 ngón tay, Angulimala vẫn cần giết thêm một người nữa mới đủ con số một ngàn. Đúng lúc ấy, hắn nhìn thấy Đức Phật đang thong thả bước tới… Và câu chuyện tiếp theo diễn ra như thế nào thì chúng ta đều đã biết.
Sau khi trở thành đệ tử Phật môn, Ahiṃsaka đã chứng đắc quả vị A La Hán. Người đời sau nhắc đến câu chuyện này như một dẫn chứng cho câu nói: “Buông bỏ đồ đao, lập địa thành Phật”.
Bạn hãy thử nghĩ xem, nếu như buông bỏ đồ đao liền có thể thành Phật, vậy vì sao bậc cao tăng đại đức nhà Đường là Huyền Trang lại phải trải qua chín chín tám mươi mốt nạn? Vì sao người xấu chỉ cần buông bỏ con dao đồ tể liền có thể thành Phật, còn người tốt lại phải trải qua 81 khổ nạn? Nói như vậy, há chẳng phải kẻ ác dễ dàng trở thành Phật hơn người thiện hay sao?
Ngay lập tức sẽ “lập địa thành Phật”?
Có người cho rằng “buông bỏ đồ đao lập địa thành Phật” và “chín chín tám mươi mốt nạn thành Phật” là lý luận trong Phật học. Cũng có người cho rằng, hai chữ “đồ đao” không phải chỉ mang nghĩa hẹp là con dao đồ tể, mà rộng hơn, đó chính là chấp niệm của con người. Ý nghĩa thực sự của câu nói “buông bỏ đồ đao lập địa thành Phật” là buông bỏ vọng niệm, buông bỏ chấp trước, chỉ khi trừ dứt hẳn hết thảy chấp niệm mới có thể chân chính đắc được Phật quả.
“Buông bỏ đồ đao lập địa thành Phật” không phải là chỉ ám chỉ riêng những kẻ gây tội ác. Trong cuộc sống thường ngày, thứ có thể khiến người ta sinh ra phiền não và nghiệp chướng đều là nhân tâm. Bản chất của “đồ đao” là u mê vào tự ngã, là sự lạc lối của nhân tâm. Vì thế, nhân tâm mới là chướng ngại lớn nhất ngăn cản con người trở thành Phật. Nếu có thể buông xuống những “đồ đao” như vậy, hoàn toàn tẩy tịnh nhân tâm, buông hết mọi vọng niệm và chấp trước thì tự nhiên sẽ có thể “lập địa thành Phật”.
Quay trở lại với câu hỏi: Vì sao người tốt phải trải qua chín chín tám mươi mốt nạn mới có thể thành Phật? Vì sao những bậc chân tu như Đường Tăng lại phải kinh qua tám mươi mốt nạn mới có thể tu thành chính quả? Còn kẻ ác thì chỉ cần buông bỏ đồ đao liền có thể thành Phật? Chẳng lẽ người tốt lại không bằng kẻ ác, há chẳng phải Thiên lý quá bất công hay sao?
Kỳ thực, trong các giáo nghĩa nhà Phật hoàn toàn không có thuyết “buông bỏ đồ đao lập địa thành Phật” cũng như “chín chín tám mươi mốt nạn thành Phật”. Phía sau câu nói “buông bỏ đồ đao lập địa thành Phật” còn có một vế khác là “khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn” (biển khổ vô biên, quay đầu là bờ).
Trong cuốn sách lịch sử Mật tông “Ngũ Đăng Hội Nguyên” có câu chuyện kể về Quảng Ngạch. Quảng Ngạch là kẻ sát nhân đã từng làm rất nhiều việc xấu, về sau nhờ được Phật Đà điểm hóa, Quảng Ngạch đã quy chính cải tà, đắc được thiện quả.
Quảng Ngạch buông bỏ đồ đao và nói rằng bản thân mình cũng là một trong ngàn vị Phật. Thế Tôn ấn chứng cho điểm này, bởi vì hết thảy chúng sinh đều có Phật tính. “Buông bỏ đồ đao” chỉ là một cách nói ẩn dụ, hoàn toàn không phải là nói Quảng Ngạch buông bỏ đồ đao liền thật sự có thể thành Phật. Hai chữ “đồ đao” là ẩn dụ cho hết thảy chấp trước và nhân tâm của con người.
Nhìn chung, những kẻ sát nhân được Đức Phật hóa độ đều đã từng nhận được sự khai thị của Phật Đà, theo đó ăn năn hối lỗi, sau đó bước trên con đường tu hành. Trải qua quá trình tu tâm gian khổ, quy chính cải tà, hoàn trả hết nợ nghiệp, cuối cùng mới có thể đạt được thành tựu, chứng đắc quả vị của bản thân. Như thế, nào đâu có chuyện chuyển thân một cái liền có thể “lập địa thành Phật”?
Phật giáo giảng tam độc: “tham, sân, si”. Người buông bỏ nhân tâm, không bị tam độc mê hoặc thì tự nhiên sẽ hiển lộ Phật tính, trí huệ được thăng hoa, sau đó trải qua tu luyện mà đạt đến viên mãn.
Chúng sinh đều có Phật tính, dù là người bình thường hay kẻ ác thì đều có thể tu luyện, đều có thể tu thành.
Rất nhiều người tưởng rằng hễ tu thành Phật liền có thể phủi tay xóa bỏ tất cả nợ nghiệp. Kỳ thực, đây chỉ là ảo tưởng của người thường.
Phật giáo giảng nhân quả, thiện nhân đắc thiện quả, ác nhân đắc ác quả, cho dù đã tu thành Thần Tiên cũng không cách nào tránh khỏi nhân quả. Tôn giả Mục Kiền Liên dẫu thần thông quảng đại cũng không thể tránh khỏi nợ nghiệp. Hết thảy đều có tiền duyên hậu quả, muốn tu thành đều phải trả nghiệp, tu tâm, hoàn toàn không có chuyện kẻ xấu buông đồ đao liền thành Phật, còn người tốt lại phải chịu 81 khổ nạn mới tu thành.
Nguồn: ntdvn