Tiền tài cũng có định số? Câu chuyện từng khiến vị khai quốc công thần của Đại Đường kinh ngạc
Việc này khiến Uất Trì Kính Đức kinh ngạc đến mấy ngày. Thế rồi, ông lặng lẽ cho người tìm vị thư sinh, hỏi nguyên do mọi chuyện.
Uất Trì Kính Đức (năm 585 – năm 658) là khai quốc công thần của Đại Đường, là một trong 24 vị công thần được vẽ chân dung ở Lăng Yên Các. Ông là một vị tướng quân dũng mãnh, từng theo phò tá Tần Vương Lý Thế Dân bình định các thủ lĩnh địa phương xưng vương như Vương Thế Sung (xưng đế, quốc hiệu là Trịnh), Đậu Kiến Đức (tự xưng là Trường Lạc Vương), Lưu Hắc Thát (tự xưng là Hán Đông Vương), Từ Viên Lãng (tự xưng là Lỗ Vương). Ông lập được nhiều chiến công hiển hách cho Đại Đường. Năm Trinh Quán thứ nhất, Uất Trì Kính Đức được phong làm Ngô Quốc Công. Đến năm Trinh Quán thứ 11, ông được phong làm Ngạc Quốc Công.
Người đời sau ít biết những việc thời trẻ của Uất Trì Kính Đức. Tuy nhiên, một số tài liệu có ghi lại một câu chuyện truyền kỳ về vị khai quốc công thần này.
Những năm cuối đời nhà Tùy, ở vùng Thái Nguyên có một vị thư sinh gia cảnh bần cùng, phải dạy học để nuôi sống gia đình. Nhà của vị thư sinh rất gần kho của quan phủ.
Bởi vì quá nghèo, một ngày nọ, vị thư sinh bỗng nảy ra ý định, lén lút vào kho hàng của quan phủ. Nhìn thấy ở đó có mấy vạn quan tiền, vị thư sinh không kìm lòng được, muốn lấy một ít tiền để giải quyết khó khăn trước mắt.
Lúc này, đột nhiên có một người mặc áo giáp cầm thương xuất hiện, nói với vị thư sinh rằng: “Nếu anh cần tiền, có thể đến đến chỗ Uất Trì Công để xin một tấm thiệp để làm bằng chứng. Đây là tiền của Uất Trì Kính Đức đó”.
Khi đó Uất Trì Kính Đức chưa có tiếng tăm, cũng không nổi bật, được rất ít người biết đến. Vị thư sinh đã đi khắp nơi nghe ngóng nhưng vẫn không tìm được Uất Trì Công.
Một ngày nọ, vị thư sinh đến cửa hàng nghề rèn, bởi vì nghe nói ở đây có một thợ rèn tên là Uất Trì Kính Đức. Khi ấy Uất Trì Kính Đức đang để mình trần, tóc xõa làm việc.
Vị thư sinh không dám quấy rầy, đợi đến khi Uất Trì Kính Đức nghỉ ngơi, mới bước đến bái chào.
Uất Trì Kính Đức nhìn thấy người này hành đại lễ, cảm thấy rất tò mò, nên hỏi rằng: “Công tử, ngài đang làm gì vậy?”
Vị thư sinh chỉ đành nói rõ sự tình, rằng: “Nhà tôi rất nghèo khó, còn ngài lại giàu sang, cho nên tôi muốn mượn ngài 500 quan tiền, không biết có được không?”
Uất Trì Công nghe xong, lập tức tức giận nói: “Công tử, ngài xem tôi chỉ là một thợ rèn, làm sao có thể giàu có? Ngài đang làm nhục tôi phải không?”.
Vị thư sinh vẫn khăng khăng nói: “Nếu ngài thương xót tôi, chỉ cần cho tôi một mảnh giấy là được rồi. Sau này, ngài tự nhiên sẽ hiểu”.
Vị thư sinh nói như thật, khiến Uất Trì Công cũng không biết làm sao, đành để vị thư sinh viết một mảnh giấy rằng: “Hôm nay, cho người này mượn 500 quan tiền”.
Thư sinh còn viết thêm ngày tháng, cuối cùng Uất Trì Kính Đức ký tên. Vị thư sinh cảm ơn Uất Trì Công rồi cầm theo mảnh giấy ra đi.
Nhìn theo bóng lưng của vị thư sinh, Uất Trì Công và học trò vỗ tay cười lớn, cho rằng vị thư sinh này thật ngớ ngẩn.
Vị thư sinh nọ cầm theo mảnh giấy đến kho hàng, nhìn thấy người mặc áo giáp thì đưa mảnh giấy ra.
Người mặc áo giáp cười, nói rằng: “Được rồi”, rồi nói vị thư sinh buộc mảnh giấy trên xà nhà. Có bằng chứng này, người mặc áo giáp để vị thư sinh lấy tiền, nhưng chỉ cho lấy đúng 500 quan tiền.
Cuối thời nhà Tùy, thiên hạ đại loạn, anh hùng các nơi nổi dậy. Uất Trì Kính Đức tòng quân, tham gia thảo phạt quân nổi loạn, nổi tiếng dũng mãnh.
Sau khi Đại Đường thành lập, vào năm Vũ Đức thứ 3, Tần Vương Lý Thế Dân thảo phạt Lưu Võ Chu. Uất Trì Kính Đức đầu hàng nhà Đường. Từ đó về sau, ông luôn đi theo bên cạnh Lý Thế Dân, trung thành phò tá Tần Vương đánh đông dẹp bắc, lập nên nhiều chiến công hiển hách để thống nhất Đại Đường.
Khi Lý Thế Dân lên ngôi hoàng đế, Uất Trì Kính Đức tiếp tục phò tá vị vua anh minh, lập được công lao to lớn, trở thành một trong 24 vị công thần được thờ ở Lăng Yên Các.
Năm Trinh Quán thứ 17 (năm 643), Uất Trì Kính Đức dâng tấu xin về quê dưỡng già. Khi ông cởi giáp về quê, Hoàng đế Thái Tông đã ban thưởng hậu hĩnh, và tặng thêm cho ông một kho tiền vẫn còn niêm phong. Đó chính là kho quan phủ nằm ở Thái Nguyên.
Đến lúc mở kho để kiểm tra tiền của trong đó, so sánh đối chiếu sổ sách mới phát hiện thiếu 500 quan tiền. Uất Trì Công cho rằng quan giữ kho đã tham ô, định xử phạt người này. Bỗng nhiên ông phát hiện trên xà nhà có buộc một mảnh giấy, nên lấy xuống xem. Thì ra đó là mảnh giấy do vị thư sinh kia viết nhiều năm trước, lúc Uất Trì Công còn đang làm nghề thợ rèn.
Việc này khiến Uất Trì Kính Đức kinh ngạc đến mấy ngày. Thế rồi, ông lặng lẽ cho người tìm vị thư sinh, hỏi nguyên do mọi chuyện. Vị thư sinh kể lại đầu đuôi ngọn ngành câu chuyện năm đó. Thì ra tiền tài cũng có định số. Sau đó, Uất Trì Kính Đức ban thưởng cho vị thư sinh, và mang tiền tài trong kho chia cho bạn bè trước đây.
Nguồn: ntdvn