Con người gặp nhau trên thế gian, phần lớn là sau khi cách biệt trùng trùng
Những cuộc gặp gỡ trên thế gian này, vô luận là giàu hay nghèo, hoặc với thân phận ra sao, chẳng qua đều là cuộc hội ngộ sau một thời gian dài xa cách. Đằng sau cuộc hội ngộ là một chữ “duyên”. Có người vì để trả ơn, có người vì để đòi nợ, cũng có người tỉnh lại từ các ký ức trong các kiếp trước…
Cửu biệt trùng phùng, người đầy tớ nhớ được ba kiếp trước
Nhà Tôn Miễn ở huyện Khúc Ốc có một đứa trẻ con của đầy tớ trong nhà gọi là “tiểu gia nô”, cậu bé này đã lên sáu tuổi mà vẫn chưa biết nói. Một ngày nọ, khi mẫu thân của Tôn Miễn đang ngồi nghỉ ngơi trên bậc thềm thì cậu bé đột nhiên nhìn chăm chăm vào bà. Bà cảm thấy rất kỳ lạ bèn hỏi: “Ngươi sao vậy?”
Tiểu gia nô cười rồi nói: “Lão phu nhân, lúc nhỏ bà từng mặc một chiếc váy màu vàng và áo khoác màu trắng, còn từng nuôi một con sóc hoang. Bà vẫn còn nhớ chứ?”. Tôn mẫu đáp: “Vẫn nhớ!”
Những lời mà cậu bé tiểu gia nô này nói tiếp sau đó càng khiến người ta kinh ngạc. Cậu bé nói: “Con sóc hoang đó chính là kiếp trước của tôi. Sau khi chạy thoát, tôi đã nấp trong các khe hở giữa các viên ngói trên mái nhà, tôi đã nghe thấy tiếng khóc của phu nhân. Đến lúc gần tối, tôi mới đi vào khu vườn phía đông, trong vườn có một phần mộ cổ, tôi đã sống ở đó. Hai năm sau thì tôi bị thợ săn đánh chết. Theo lệ, sau khi chết phải đến gặp Diêm Vương. Diêm Vương nói: “Tội lỗi của ngươi, lần này sẽ đắc được thân người”.
Tiểu gia nô kể lại rằng, dưới sự phát xét của Diêm Vương, con sóc hoang được chuyển sinh đến huyện Hải Châu, làm con trai của một người ăn mày. Kiếp đó cậu ta vô cùng nghèo khổ, thường xuyên chịu đói chịu lạnh, đến năm 20 tuổi thì qua đời.
Sau khi qua đời, con trai người ăn mày lại đến địa phủ gặp Diêm Vương. Diêm Vương căn cứ theo phúc đức, sau đó cho phép cậu ta được chuyển sinh làm người. Diêm Vương nói: “Kiếp này cho ngươi được làm đầy tớ nhà giàu. Danh phận tuy không tốt nhưng cuộc đời không phải lo lắng và sợ hãi”.
Tiểu gia nô kể một mạch về các kiếp trước của mình. Tuy vẫn mang hình hài của một đứa trẻ, nhưng cậu lại nhớ hết sức rõ ràng về ký ức của các kiếp sống trước, lời nói không khác một người trưởng thành đã trải qua bao sóng gió cuộc đời. Cậu cảm thán mà rằng: “Nay tôi đã chuyển sinh ba lần, mà lão phu nhân vẫn bình an vô sự, tận hưởng phúc thọ, điều này chẳng đặc biệt lắm sao?”
Người đầy tớ nhỏ đã trải qua ba kiếp sống, chứng kiến vạn sự vạn vật trong nhân gian, cuối cùng lại tiếp nối tiền duyên với lão phu nhân. Đối với họ, cuộc gặp gỡ này là sự trùng phùng sau một thời gian dài xa cách.
Nhớ kiếp trước, thương xót sinh linh
Vào những năm Đại Hòa thời nhà Đường, Lý Đức Dụ giữ nhiệm vụ trấn phủ Chiết Tây. Vùng đó có một người tên là Lưu Tam Phục, tuy thuở nhỏ gia cảnh bần hàn nhưng lại rất siêng năng học tập, là một người có tài năng. Văn chương của Lưu Tam Phục rất xuất sắc, được Lý Đức Dụ rất ngưỡng mộ. Về sau, Lý Đức Dụ tiến cử Lưu Tam Phục đi ứng thí, quả nhiên Lưu Tam Phục đã đỗ đạt và vào triều làm quan, nhiều lần đảm nhiệm chức vụ thượng thư.
Lưu Tam Phục tự thuật rằng bản thân có thể nhớ rõ ký ức của ba đời trước. Theo lời ông kể, có một kiếp ông từng là một con ngựa. Ông nói: “Ngựa thường xuyên phải chịu khát, mỗi lúc từ xa trông thấy trạm dịch thì đều vui mừng hí vang. Nếu móng ngựa bị thương thì đến tâm cũng cảm thấy đau”.
Về sau, khi Lưu Tam Phục cưỡi ngựa, mỗi lúc đi ngang những con đường đầy cát và đá thì ông nhất định sẽ cho ngựa đi chậm lại, nhìn thấy trên đường có đá tảng thì ông sẽ xuống ngựa đi bộ. Nhà của ông không có bậc cửa vì sợ làm thương tổn đến móng ngựa.
Những ký ức đau khổ trong đời trước thường xuyên nhắc nhở ông trong kiếp này phải lấy lòng nhân ái để thiện đãi các sinh linh.
Ba lần chuyển sinh chỉ để đòi nợ
Năm Khang Hy thứ 14 (1676, năm Ất Mão), tại Đồng Thành có một vị tú tài tên là Diêu Đông Lãng. Ông có một cậu con trai mười tuổi mắc trọng bệnh sắp qua đời. Hai vợ chồng đau đớn nói rằng: “Con trai, con quả thật vô duyên vô cớ làm con trai của chúng ta chăng?”
Trong cơn nguy kịch, đứa con trai mười tuổi mở miệng nói chuyện, giọng nói đột nhiên chuyển thành giọng người phương Bắc, nói rằng:
“Tôi vốn là một tăng nhân trong một ngôi chùa nọ ở tỉnh Sơn Đông, bản thân tích lũy được 30 lượng bạc, nhưng lại bị sư huynh biết được, ông ấy đã đẩy tôi xuống nước. Tôi đã cầu cứu Quan Âm Bồ Tát, liền nghe thấy Bồ Tát nói rằng: ‘Mệnh của ngươi đã hết, nên phải chuyển sinh rồi’. Sau đó tôi chết đi. Dân chúng địa phương báo lên quan phủ, năm đó ông chính là huyện lệnh vùng đó. Sư huynh của tôi đã đem 30 lượng bạc kia biếu cho ông, thế nên vụ việc đó về sau bị lãng quên”.
“Tôi vì oan tình chưa được hóa giải nên đã chuyển sinh làm người em trai tên là Diêu Tung Thiệu đã qua đời của ông. Tôi đã theo ông hơn 20 năm mà vẫn không đòi được nợ, do đó sau khi chết tôi lại làm con trai của ông. Mười năm nay, món nợ 30 lượng bạc ông đã trả xong, tôi cũng phải rời đi rồi. Nhà ông có một cây trượng, tôi rất thích nó, có thể thiêu nó cùng với tôi, vừa đúng số nợ 30 lượng bạc. Sư huynh của tôi cũng vì đòi nợ mà đến, ông ấy đã chuyển sinh thành trưởng nữ của ông, được gả cho nhà họ Phan ở Lật Dương. Cô ấy hiện đang mang thai và sắp lâm bồn. Sau khi tôi chết đi sẽ đến chỗ cô ấy để đầu thai đòi nợ”.
Nói rồi người con trai qua đời.
Câu chuyện này thật khiến người ta thương cảm. Luân hồi ba kiếp chỉ vì đòi nợ. Có câu nói rằng: Cảnh giới không tốt là bởi vì trí huệ không đủ. Nếu tấm lòng rộng lớn như sông như biển, cho dù có đổ vào một thùng muối thì vị của nước cũng không vì vậy mà nhạt đi. Nếu lòng dạ hẹp hòi, dù chỉ cho vào một muỗng muối nhỏ cũng đủ khiến nước trở nên mặn chát.
Luân hồi chuyển kiếp trăm nghìn năm, mỗi người đều có những trải nghiệm nhân sinh phong phú. Nhìn lại những gì đã trải qua, phải chăng chúng ta nên thanh tỉnh, nên học cách quên đi hận thù, từ đó buông bỏ và khoan dung? Nếu có thể mỉm cười quên hết yêu hận tình thù, thì cũng có thể tránh được sự trói buộc không ngừng nghỉ của sinh tử luân hồi vậy.
Nguồn: epochtimesviet