Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện được ghi chép lại, có liên quan đến việc những người đã phát lời thề nhưng không thực hiện được và phải chịu quả báo, câu chuyện dưới đây là một ví dụ điển hình.
Fujiwara no Toshiyuki là một nhà thơ, cũng là nhà thư pháp nổi tiếng của thời Heian (Bình An: 749 – 1185) Nhật Bản. Ông cũng là người rất quan tâm tới những kinh sách Phật giáo, tổng cộng số kinh Phật ông đã sao chép là hơn 200 cuốn.
Chép kinh Phật nhưng lại bị triệu hồi xuống địa ngục
Một ngày nọ, Fujiwara no Toshiyuki đột ngột qua đời, linh hồn của ông rời khỏi nhục thân. Một số âm sai có diện mạo đáng sợ đột nhiên xông đến, trói ông lại và dùng vũ lực để đưa ông đi.
Fujiwara kinh sợ hỏi: “Tôi rốt cuộc đã phạm lỗi lầm gì?”
Âm sai trả lời: “Chúng tôi cũng không biết, đây chỉ là mệnh lệnh. Ông đã từng chép qua kinh Phật chưa?”
Fujiwara trả lời: “Đã chép qua”.
Âm sai nói: “Ông vốn dĩ không nên bị đẩy xuống địa ngục, nhưng vì ông chép kinh nên mới triệu tập ông xuống đây”.
Sau đó, một vài người vội vã tiến về phía trước. Lúc này, hơn 200 binh sĩ mặc áo giáp sắt như ma cưỡi ngựa đi theo. Miệng họ phun ra lửa, mắt như tia chớp, Fujiwara kinh sợ đến mức gần như ngất đi.
Ông hỏi đám âm sai: “Những binh sĩ này là ai?“.
Âm sai trả lời: “Ông không biết sao? Đây chính là những người phó thác cho ông việc chép kinh, vốn dĩ họ hy vọng thông qua công đức chép kinh của ông mà có thể chuyển sinh đến một thế giới tốt đẹp, hoặc có thể đầu thai thành người. Nhưng khi chép kinh ông không tinh tấn, không kiêng ăn thịt, suy nghĩ lung tung, thậm chí đầu não của ông đầy những ý niệm dâm dục. Họ không chỉ không đắc được công đức, ngược lại còn chuyển sinh thành những kẻ có thân hình thô bạo. Họ thống hận ông, do đó kiện và mang ông đến địa ngục, yêu cầu bắt ông để trả thù”.
Fujiwara kinh hãi: “Vậy tôi sẽ bị xử lý như thế nào?”.
Âm sai nói: “Họ sẽ dùng kiếm để chém ông thành 200 mảnh, mỗi người một phần, mỗi phần đều có tim của ông, ông sẽ cảm thấy thống khổ cùng cực”.
Fujiwara hỏi trong đau khổ: “Vậy tôi làm thế nào có thể giải thoát?”
Âm sai trả lời: “Tôi không biết, cũng không có cách nào giúp được ông”.
Fujiwara tiếp tục đi về phía trước một cách không tự chủ, ông mơ hồ bước đến một con sông, nhưng thấy nước dưới sông lại đen như mực, Fujiwara hỏi âm sai: “Tại sao nước sông lại đen như vậy?”
Âm sai trả lời: “Đây đều là mực mà ông dùng để chép kinh và nó đã trở thành nước sông đang chảy”.
Fujiwara lại hỏi: “Vậy vì sao nước sông lại ôi thiu và bẩn thỉu như vậy?”
Âm sai trả lời: “Kinh văn được viết bởi tâm thanh tịnh đều được Thiên cung thu nạp, kinh văn được chép bởi những ý niệm bẩn thỉu ô uế sẽ bị hòa lẫn vào nước mưa, kết hợp với nhau hòa lẫn thành dòng sông dơ bẩn, ô nhiễm như vậy”.
Fujiwara kinh ngạc không thốt nên lời, ông khóc và nói với đám âm sai: “Làm thế nào tôi mới có thể được cứu? Bất kể như thế nào, xin hãy giúp tôi”.
Âm sai nói: “Ông quả thực rất đáng thương, nhưng tội nghiệp của ông quá sâu nặng, chúng tôi không thể giúp được”.
Lúc đó có người qua để thúc giục họ, rất nhanh sau đó, họ đã đến trước một cái cổng to lớn. Ở đó có rất nhiều người bị trói cả chân lẫn tay, có rất nhiều người bị xích chân, đông đến nỗi không còn chỗ để đứng.
Phát nguyện sám hối quay trở về nhân gian
200 binh sĩ đó nhìn Fujiwara với ánh mắt căm thù, mong muốn nghiền nát ông ta ngay lập tức. Fujiwara hoảng sợ không biết làm cách nào, ông lại hỏi đám âm sai một lần nữa: “Thật sự không còn cách nào nữa sao?”
Âm sai nói: “Ông chỉ có thể phát thề phải viết 4 bộ kinh thư (400 tập), sau đó xem xem thể nào”.
Do vậy, trước khi Fujiwara bước vào cánh cổng lớn, trong tâm ông thầm phát thề: “Từ nay về sau, tôi nhất định phải tiếp tục hoàn thành việc chép 4 bộ kinh thư, sám hối lỗi lầm”.
Một lúc sau, ông được đưa tới điện của Diêm Vương, một viên quan âm gian đến phía trước điện và hỏi: “Người này có phải là Fujiwara Toshiyuki không?”
Vị âm sai trả lời: “Đúng vậy”.
Vị quan lại hỏi: “Fujiwara, bổn quan hỏi ông, ông ở nhân gian tu thành được loại công đức nào không?”
Fujiwara đáp: “Tôi không có công đức gì, chỉ là từng được người ủy thác cho sao chép 200 cuốn kinh Phật”.
Vị quan nói: “Dương thọ của ông chưa hết, nhưng bởi vì ông chép kinh Phật với thân tâm dơ bẩn nên bị triệu hồi xuống đây, bây giờ sẽ giao ông cho những người này, để họ tự xử trí theo mong muốn”.
Fujiwara kinh hoàng sợ hãi, nói: “Tôi phát thề muốn viết 4 bộ kinh Phật, nhưng bây giờ mới viết được 2 bộ, nguyện vọng chưa thực hiện được liền triệu hồi tôi xuống, tôi không thể chuộc lại lỗi lầm”.
Vị viên quan nói: “Thì ra có chuyện như vậy, hãy mang sổ sách đến đây”.
Sổ sách lập tức được đưa tới, trong lúc Fujiwara lật sổ sách, ông thấy tất cả tội lỗi mình đã phạm đều được ghi vào sách, quả thực không có chút công đức nào. Nguyện vọng Fujiwara đưa ra trước khi vào cánh cổng – chép lại bốn bộ kinh Phật – đã được ghi lại ở cuối.
Viên quan xem xong, liền nói: “Nếu quả thực như vậy, ta sẽ cho ông một cơ hội nữa, ông có thể trở về thực hiện nguyện vọng của ông, nhưng ông nhất định phải thực sự làm được”.
Viên quan sau khi đưa ra quyết định, 200 binh sĩ đột nhiên cũng biến mất. Viên quan nhấn mạnh một lần nữa: “Sau khi trở về nhân gian, ông nhất định phải thực hiện lời thề của mình”
Sau đó Fujiwara đã được thả trở về.
Ý chí yếu đuối và không hoàn thành lời thề
Ở dương gian, trong khi vợ ông đang khóc lóc thảm thiết thì ông đã sống lại. Ông cảm thấy như mình vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ, mọi thứ trong giấc mơ đều hiển hiện ra trước mặt, ông nghĩ: “Lần này, tôi nhất định phải chép kinh Phật với tâm thanh tịnh”.
Fujiwara chuẩn bị giấy, bút, mực để chép kinh, nhưng thời gian trôi qua, ông trở nên mất tập trung, khống chế không vững chắc bản thân, đang chép kinh liền đột nhiên chạy ra ngoài, tìm thú vui để giải trí. Dần dần, ông quên lời mình đã thề dưới địa ngục, rất nhanh đến thời hạn, Fujiwara cuối cùng cũng qua đời.
Hơn một năm sau khi Fujiwara qua đời, nhà thơ Ki no Tomonori – nhà biên tập chính của tập thơ Kokin Wakashū, mơ thấy Fujiwara trong bộ dạng kỳ quái và đáng sợ, ông nói trong bi thương: “Bởi vì tôi đã thề chép bốn bộ kinh, mạng sống của tôi tạm thời được kéo dài và quay trở lại nhân gian, nhưng do ý chí yếu đuối và sự lười biếng không ngừng nghỉ, tôi đã không thực hiện được lời thề, cuối cùng bị trừng phạt và chết, hiện tại tôi đang phải chịu đựng nỗi thống khổ không gì sánh bằng”.
Ông nói tiếp: “Nếu ông đồng cảm với tôi, xin hãy tìm lại những bản thảo kinh thư mà tôi đã viết, mang lên nhờ các nhà sư ở đền Onjō-ji (một ngôi chùa Phật giáo ở Nhật Bản nằm dưới chân núi Hiei), nhờ họ chép giúp tôi 4 bộ kinh Phật và cúng dường”.
Nói xong, ông khóc thương tâm như một đứa trẻ. Nhà thơ Ki no Tomonori giật mình tỉnh giấc khi gặp cơn ác mộng, mồ hôi toát ra khắp người. Khi trời vừa sáng, ông tới tìm lại những tài liệu cũ của nhà thơ Fujiwara no Toshiyuki và mang lên chùa nhờ các tăng nhân cúng dường.
Vừa nhìn thấy nhà thơ Ki no Tomonori, các tăng nhân trong đền Onjō-ji bèn nói: “Tôi đang định sai người tới quý phủ mời ông, không ngờ ông lại tới thăm”.
Nhà thơ hỏi: “Xin hỏi có việc gì cần gặp tôi chăng?”.
Vị tăng nhân bèn đáp: “Đêm qua, tôi mơ thấy ông Fujiwara no Toshiyuki đã qua đời. Ông ấy nói rằng vì bản thân không hoàn thành thệ nguyện sao chép bốn bộ kinh Phật mà đang phải chịu muôn vàn thống khổ dưới địa ngục. Ông ấy nói nhờ ông mang những giấy tờ tài liệu cũ tới chỗ chúng tôi để chúng tôi giúp ông ấy hoàn thành thệ nguyện và cúng dường giúp ông ấy giảm bớt tội nghiệp”.
Sau khi nghe những lời này, ông Ki no Tomonori cũng thuật lại giấc mơ của mình, hai bên bùi ngùi xúc động thương cảm không nói lên lời. Tăng nhân nhận những tài liệu và giúp người đã khuất hoàn thành thệ nguyện.
Thời gian sau, linh hồn Fujiwara no Toshiyuki lại đồng thời xuất hiện trong giấc mơ của hai người và nói: “Cảm ơn các vị, tôi đã được thoát khỏi những tội khổ đau đớn nhờ công đức của hai người”.
Lúc này sắc mặt và tâm trạng của ông cũng trở nên rất tốt, ánh mắt sáng nên một niềm cảm ân vô hạn, khác hoàn toàn với lần trước.
Nguồn: ntdvn (Thiện Bảo biên dịch)