Con người chết rồi, có cách nào khiến người đó sống lại không? Đức Phật nói: Có thuốc chữa.
Cô gái có vẻ đẹp nội tâm
Thành Sa Ngõa Đề ở Ấn Độ cổ có một cô gái tên là Kiều Đáp Di, ai trông thấy cô cũng yêu thích. Cô thiện lương, chính trực, thấu hiểu lòng người, chịu khó chịu khổ, vui vẻ giúp người, và có trái tim thương yêu vô tư. Cô có nhiều mỹ đức như thế, nên thường được mọi người ca ngợi: “Vẻ đẹp của cô ấy ẩn chứa ở nội tâm chứ không phải vẻ bề ngoài”.
Đây tuy là câu khen ngợi, nhưng nghe có vẻ như là nói rằng Kiều Đáp Di không xinh đẹp. Quả đúng là như vậy, nhà Kiều Đáp Di rất nghèo, thiếu ăn thiếu mặc, sống rất gian nan, do đó thân thể cô rất gầy yếu, sắc mặt tiều tụy, do đó mọi người gọi cô là Kiều Đáp Di tiều tụy. Việc này khiến Kiều Đáp Di có chút tự ti, hơn nữa cô cũng lớn tuổi rồi, cô thường nghĩ: “Có chàng trai nào nguyện ý lấy mình – một cô gái vừa nghèo, tướng mạo vừa tầm thường làm vợ không?”.
Có một chàng trai anh tuấn, sâu sắc đã bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp nội tâm của Kiều Đạt Di, anh cảm thấy mình nhất định phải cưới cô về làm vợ thì cuộc đời mới tốt đẹp dễ chịu. Chàng trai này là một thương gia giàu có, đã gặp rất nhiều cô gái đẹp rồi, anh cảm thấy, cuộc sống thực sự tốt đẹp thì cần phải có cô gái có tâm hồn ấm áp tươi đẹp bầu bạn, như thế hạnh phúc mới lâu bền.
Chàng trai như thế này quả là thắp đèn đi tìm cũng khó thấy. Kiều Đáp Di giống như mơ, cưới chàng hoàng tử bạch mã, quả là câu chuyện hoàng tử và cô gái lọ lem.
Thế nhưng, sau khi kết hôn, cô gái không giống như cô lọ lem trong chuyện cổ tích rằng từ đó, họ sống một cuộc sống hạnh phúc. Cô sống rất gian nan, một ngày dài đằng đẵng như một năm. Không phải chồng cô thay lòng đổi dạ, mà là người nhà chồng giàu có, ai nấy đều coi thường cô, đều chê cười cô. Sự thù địch này khiến Kiều Đáp Di cảm thấy áp lực gấp bội, nhất là người chồng yêu thương cô bị kẹt giữa cha mẹ và vợ, rất khó xử. Việc này khiến Kiều Đáp Di càng buồn.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, Kiều Đáp Di đón nhận một khoảng thời gian hạnh phúc trong cuộc đời, cô sinh được một bé trai đáng yêu. Gia đình chồng thấy cô sinh ra người kế thừa cho gia tộc thì vui lắm, thái độ đối với cô cũng thay đổi. Điều này khiến Kiều Đáp Di như trút gánh nặng, cảm giác hạnh phúc từ trong tim dâng tràn, cô yêu con trai hơn hết thảy mọi thứ.
Cô gái điên
Thế nhưng, cảnh đẹp không kéo dài, hạnh phúc rất nhanh chóng tan thành mây khói.
Một ngày nọ, bé trai của Kiều Đáp Di vẫn nằm trong tã lót đột nhiên mắc bệnh, rất nhanh sau đó, bé rời khỏi thế gian. Việc này đối với Kiều Đáp Di mà nói, quả là tiếng sét giữa trời quang. Nhìn con trai đã ngừng thở, Kiều Đáp Di thống khổ phát điên. Nhưng cô lại sợ người nhà chồng coi thường mình. Trong đầu cô dường như nghe thấy họ nói: “Cô ta đâu có mệnh sinh được con trai”.
Những người khác trong thành dường như cũng đang bàn tán: “Kiều Đáp Di này nhất định là đã làm việc gì trái lương tâm rồi, thì mới có kết cục như thế này”.
Thậm chí, cô lo lắng chồng cô sẽ bỏ cô, đi tìm người khác tốt hơn.
Kiều Đáp Di suy nghĩ mông lung, dần dần cô mất lý trí, cô không thể nào chấp nhận được thực tế là con trai cô đã chết. Cô tin rằng, chỉ cần tìm được thuốc tốt cho con trai thì cậu bé sẽ sống lại.
Kiều Đáp Di bế thi thể con trai bỏ nhà ra đi. Cô đến từng nhà cầu xin: “Hãy cho con trai tôi thuốc chữa đi”.
Mọi người đều trả lời cô rằng: “Thuốc có tác dụng gì đâu, đứa trẻ đã chết rồi”.
Nhưng Kiều Đáp Di không nghe, cô tiếp tục đi tìm thuốc, tin tưởng rằng con trai cô chỉ bị bệnh thôi. Rất nhiều người chê cười cô: “Cô gái này điên rồi”.
Không biết đã trải qua bao lâu, cuối cùng cô cũng gặp được một người hảo tâm, người này bảo cô hãy đi tìm một thầy thuốc tốt nhất.
Thầy thuốc tốt nhất chính là Phật Đà. Người hảo tâm nói với cô rằng: “Phật Đà nhất định sẽ biết chính xác thuốc giải”.
Kiều Đáp Di vội vàng đến Tinh xá Kỳ Viên tìm Phật Đà. Khi cô bé thi thể đứa trẻ tìm đến, Phật Đà đang ở đó, trong lòng Kiều Đáp Di bỗng cháy lên ngọn lửa hy vọng. Cô chạy đến trước mặt Phật Đà, cấp thiết khẩn cầu: “Đức Phật, xin Ngài hãy cho thuốc chữa cho con trai con”.
Phật Đà từ bi nhìn cô, ôn hòa trả lời rằng: “Ta biết có một loại thuốc có thể chữa được cho đứa trẻ, nhưng cô ắt phải tự mình đi tìm”.
Kiều Đáp Di hỏi: “Là thuốc gì?”
Câu trả lời của Phật Đà chấn động tất cả những người có mặt. Phật Đà nói: “Hạt rau cải”.
Kiều Đáp Di lại hỏi: “Con phải đi đâu để tìm những hạt rau cải này? Và cần phải như thế nào?”
Phật Đà trả lời rằng: “Cô chỉ cần đến nhà người mà chưa từng có người chết xin một ít về là được rồi”.
Kiều Đáp Di như chết đuối vớ được cọng rơm, cô lập tức vào thành tìm kiếm. Đến nhà thứ nhất, cô hỏi: “Nhà anh có hạt rau cải có thể cho tôi được không?”
Người đó nhiệt tình trả lời: “Có”.
Cô lại hỏi câu hỏi mà cô coi là không quan trọng: “Nhà anh đã từng có ai qua đời chưa?”
Người đó trả lời: “Đương nhiên là có”.
“Ôi” – Kiều Đáp Di thất vọng – “Hạt rau cải ở nhà người chưa từng có người chết thì mới có tác dụng”.
Người này than thở rằng: “Làm gì có nhà nào mà chưa từng có người chết”.
Kiều Đáp Di không cam lòng, cô lại lên đường tìm kiếm. Cô cứ đến từng nhà từng nhà hỏi, kết quả nhà nào cũng trả lời giống nhau. Có gia đình gần đây vừa mới mất người thân, có nhà thì mấy năm trước, có nhà thì mất phụ thân, nhà thì mất mẫu thân, mất con trai, hoặc con gái. Cô đi khắp cả tòa thành, vẫn không tìm được nhà nào chưa từng có người chết.
Mọi người bảo cô rằng: “Người chết còn nhiều hơn người sống”.
Dần dần, Kiều Đáp Di cũng bình tĩnh trở lại, cuối cùng cô chấp nhận sự thực là con trai cô đã lìa đời. Đến chập tối hôm đó, cô đã hoàn toàn thanh tỉnh rồi, cuối cùng cô ý thức được rằng không phải chỉ có cô mới phải chịu nỗi thống khổ mất người thân. Trải nghiệm trên đường tìm thuốc khiến cô nhìn rõ có sinh thì có tử, người sống như trong mộng, người chết như biển.
Như thế, Phật Đà đã chữa khỏi bệnh điên và sự hoang mang của cô, để cô chấp nhận chân tướng của thế gian. Kiều Đáp Di từ cơn điên và hoang mang đã thanh tỉnh trở lại, cô an táng thi thể con trai, sau đó cô quay lại tìm Phật Đà. Trên đường đi, những tình cảnh trong cuộc đời từng màn từng màn hiện lên trong đầu cô. Cô đã từng may mắn như thế, rồi lại bất hạnh như thế. Cuộc đời giống như băng rừng vượt suối, vượt qua một ngọn núi thì lại có ngọn núi khác, hạnh phúc trở nên càng xa vời vợi, lối thoát cuộc đời ở đâu?
Giải thoát
Khi gặp lại cô, Phật Đà hỏi cô có tìm được hạt rau cải không. Cô trả lời rằng: “Thưa Tôn giả, về hạt rau cải, con đã minh bạch rồi. Bây giờ xin Ngài cho con được xuất gia tu hành”.
Lúc này, Phật Đà đọc một bài kệ cho cô: “Khi trong tâm chấp trước tham ái, mê luyến không buông đối với con cái và vật nuôi. Cái chết sẽ đem họ đi, giống như nước lũ nuốt người dân đang ngủ say”.
Kiều Đáp Di trong tâm chấn động, bất giác nghĩ đến, những thứ mà con người tham cầu và yêu thương, chẳng qua chỉ là trăng đáy nước, là hoa trong gương, chúng đến, rồi lại đi. Tình cảm sâu đậm vô biên, hết thảy chấp trước đều chỉ là lưu giữ nỗi thống khổ và bất lực trong tâm một cách uổng công vô ích. Kiều Đáp Di bỗng chứng ngộ sơ quả, gia nhập tăng đoàn tỳ kheo ni.
Sau khi xuất gia, Kiều Đáp Di tinh tấn tu hành. Một đêm nọ, cô nhìn những đốm lửa bắn ra từ chiếc đèn dầu, bỗng lĩnh ngộ được rằng, giống như ngọn lửa, cháy rồi tắt không ngừng. Hết thảy chúng sinh thế gian cũng đều như thế. Có người sinh ra có người chết đi. Chỉ đạt đến cảnh giới niết bàn thì con người mới thoát khỏi sinh diệt.
Phật Đà cảm nhận được thời cơ cô khai ngộ đã chín, thế là Ngài tìm đến cô, và niệm một bài tụng ngắn cho cô:
Một người thọ trăm tuổi
Không thấy đạo cam lồ
Chẳng bằng sống một ngày
Được uống vị cam lồ.
Bài tụng nói rằng, con người dẫu sống trăm tuổi, nếu không lĩnh ngộ được chân lý, thì không bằng sống ngắn ngủi mà lại được nếm quả trí tuệ.
Lời của Phật Đà có lẽ là chỉ ra rằng, trải qua bao gian khó cuộc đời, được thấy chính Đạo, thể ngộ chân lý, thì đó mới là mục đích chân chính của sinh mệnh.
Nghe mấy lời này, Kiều Đáp Di lập tức đoạn trừ tất cả phiền não, chứng ngộ được cảnh giới La Hán.
Áo thô khổ hạnh đệ nhất
Trong kinh Phật “Tương ứng bộ”, có đoạn đối thoại giữa Kiều Đáp Di và Ma vương Ma La. Một ngày nọ, Ma La đến cán nhiễu cô tu thiền, đây là việc mà Ma La thích nhất. Ma La đã can nhiễu cô như thế nào?
Đương nhiên, Ma La sử dụng những sự tình khiến tâm trạng cô dễ dao động nhất. Ma La tính toán, năm xưa chẳng phải cô ấy bị mất con trai mà đau khổ phát điên đó sao. Thế là Ma La nói vào tai cô: “Cô đã mất đi con trai, tại sao lại một mình đau buồn ngồi ở đây. Một mình tiến vào nơi sâu thẳm trong rừng rậm, cô đang tìm người nào chăng?”
Kiều Đáp Di nghe thế, trong tâm thầm nghĩ: “Ô, ở nơi núi rừng sâu thẳm tịch mịch này, ai đang nói đó nhỉ?”
Cô lập tức ý thức được những việc làm của Ma La, hắn muốn khiến cô thống khổ và sợ hãi, khiến cô mất định lực. Thế là cô trả lời rằng: “Nỗi đau mất con đã trở thành dĩ vãng, ta không còn tìm kiếm sự an ủi của người khác nữa. Ta không đau buồn, cũng không sợ hãi. Ta cũng không sợ ngươi. Tất cả hỉ nộ đều đã cắt bỏ, hắc ám vô tận đã bị đánh tan, đã chiến thắng cái chết rồi. Ta ở trong cảnh giới vô lậu”.
Ma La vừa nghe liền than: “Ái chà, cô tỳ kheo ni này tâm bất động, không sợ ta chút nào”.
Ma La thể hội được nội tâm của Kiều Đáp Di đã không còn sơ hở để hắn có thể thừa cơ làm loạn nữa, bỗng chốc hắn như quả bóng xì hơi, bất lực bỏ đi.
Kiều Đáp Di từ một người mệnh khổ, đã trở thành một người tu hành vĩ đại, cô chịu khó chịu khổ, lấy khổ làm vui, lấy cuộc sống áo thô khổ hạnh làm vinh quang, tinh tấn tu hành. Vào thời đại Phật Thích Ca Mâu Ni, cô trở thành một tỳ kheo ni được Đức Phật ca ngợi là “Áo thô khổ hạnh đệ nhất”.
Nguồn: ntdvn (Trung Hòa biên dịch)