5 cách nhìn người kinh điển của cổ nhân vẫn lưu truyền nghìn năm
Lịch sử dài đằng đẵng, trải qua bao sóng gió thăng trầm. Cổ nhân đã đúc kết cho mình nhiều bài học quý báu trong cách nhìn việc, nhìn người qua bao đời đến nay vẫn còn hữu dụng.
Tục ngữ có câu: “Thức lâu mới biết đêm dài, chơi lâu mới biết là người cố nhân”. Trong vấn đề nhìn người, thì thuật xem tướng người là cần phải có thời gian để quan sát, kiểm chứng mới có thể đánh giá đúng bản chất của một người. Dùng thời gian để nhìn người chính là cách thức chuẩn xác nhất.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có đủ thời gian để hiểu rõ về ai đó. Đặc biệt trong kinh doanh, việc đánh giá người khác ngay từ cái nhìn đầu tiên là rất quan trọng, bởi nó sẽ quyết định thành bại của nhiều việc lớn.
Để nhìn người một cách chuẩn xác cần phải có một tri thức nhất định. Đây cũng là điều mà người xưa vẫn dày công nghiên cứu. Trong lịch xử xưa nay, những người nhờ trí tuệ, biệt nhãn nhìn người mà thành công, dựng nên cơ nghiệp quả là có không ít.
Ngược lại cũng có nhiều người vì không nhìn ra tâm địa của kẻ tiểu nhân mà mang hoạ vào mình. Tôn Tẫn vì tin nhầm Bàng Quyên mà bị hoạ tàn phế cả đời, Hàn Phi vì không nhìn ra tâm địa của Lý Tư mà bị hoạ sát thân… Những điển cố như thế này xưa nay không hiếm.
Vậy đâu là tinh hoa trong nghệ thuật nhìn người của cổ nhân?
1. Hỏi điều phải trái để xem chí hướng, giao việc để đánh giá chữ tín
Gia Cát Lượng (181-234) là nhà chính trị, quân sư kiệt xuất thời Tam Quốc. Cách dụng quân, nhìn người của ông được đúc kết lại trong mấy câu này.
Thứ nhất là: “Vấn chi dĩ thị phi nhi quan kì chí”, nghĩa là hỏi về điều phải lẽ trái để xem xét chí hướng của họ. Muốn trọng dụng một người, trước tiên phải biết được ý chí, lập trường của người ấy ra sao. Nếu như đối phương lẫn lộn giữa điều phải lẽ trái hoặc mơ hồ giữa cái đúng cái sai, lập lờ trắng đen thì quyết không thể giao phó trọng trách. Bởi lẽ con người này không vững vàng, không kiên định về lập trường, dễ đổi trắng thay đen và dễ phản trắc.
Chí hướng là động lực thúc đẩy con người tiến lên. Người không có chí hướng thì không thể làm nên việc lớn. Người không có chí hướng chẳng khác gì người đi đêm không có trăng sao, người đi biển không có ngọn hải đăng. Bởi vậy, biết rõ được chí hướng của con người thì sẽ đánh giá được ý chí của họ.
Thứ hai là: “Kì chi dĩ sự nhi quan kì tín”, tức là giao việc để xem lời hứa so với thực tế làm việc ra sao, từ đó đánh giá chữ “Tín” của họ. Gia Cát Lượng cho rằng: “Ngôn nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, tức là một người chỉ biết nói suông không đi đôi với việc làm là người không có chữ tín. Vì vậy, để nhìn ra một người có thành tín hay không thì chỉ cần xem họ làm việc như thế nào? Thực tế vẫn hơn hùng biện, nghe đối phương nói rồi còn cần phải quan sát đối phương làm, đây mới là cao minh.
2. Quan sát điệu bộ đối phương trong hoàn cảnh vui vẻ và sợ hãi
Lã Bất Vi (292-235 TCN) là tướng quốc nước Tần thời Chiến Quốc. Xuất thân là một thương gia nước Triệu, sau này ông được chọn giữ chức Thừa tướng cho nước Tần. Về cách nhìn người của mình, ông có chủ trương: “Hỉ chi dĩ nghiệm kì thủ”, tức là quan sát khi đối phương trong trạng thái vui vẻ để thấy được khả năng tiết chế của họ. Một người trong lúc vui vẻ, hoan hỉ có thể bộc lộ rõ nhiều điểm trong tính cách, nhìn vào có thể biết được hành vi có kiên chính hay không, họ có quá đắc ý mà không giữ được thái độ đúng mực hay không?
Một khía cạnh khác trong thuật nhìn người của Lã Bất Vi chính là: “Cụ chi dĩ nghiệm kì trì”, quan sát đối phương trong hoàn cảnh sợ hãi mới biết họ có thể kiên trì đến cùng không, có đủ dũng cảm gánh vác trách nhiệm hay không, có phải là anh hùng hay không thì trong lúc này mới thấy rõ.
3. Hãy giao trọng trách cho người quân tử
Tư Mã Quang (1019–1086) là nhà sử học, học giả nổi tiếng, đồng thời là Thừa tướng dưới thời nhà Tống. Ông là tác giả của cuốn sử nổi tiếng “Tư trị thông giám”. Ông chủ trương: “Phàm thủ nhân chi thuật, cẩu bất đắc thánh nhân, quân tử nhi dữ chi”.
Phương pháp lựa chọn nhân tài của Tư Mã Quang chính là nếu tìm không được thánh nhân thì hãy giao trọng trách cho người quân tử. Bởi vì người quân tử sẽ dùng tài cán của mình vào việc thiện. Kẻ tiểu nhân sẽ luôn nghĩ cách dùng tài cán của mình vào việc ác.
Ông cũng cho rằng: “Kì đắc tiểu nhân, bất nhược đắc ngu nhân”. Người hiền nhân có tài thì đâu đâu cũng làm việc thiện cho người, còn tiểu nhân có tài thì thập ác bất xá, không điều ác nào từ. Người ngu thì dù cho có muốn làm điều ác đi nữa cũng lực bất tòng tâm vì trí tuệ không đủ, có thể bị người khác chế ngự. Còn tiểu nhân mà có tài thì có đủ mưu trí và năng lực để gây ra tai hoạ cho nhiều người.
4. Quan sát lúc người say rượu để hiểu thấu bản chất
Khương Tử Nha (1046 – 1015 TCN) là khai quốc công thần nhà Chu thế kỷ 12 TCN, đồng thời là quân chủ khai lập nước Tề, tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Cách nhìn người của ông cũng khá độc đáo: “Cáo chi dĩ nan, dĩ quan kì dũng”, tức là cho đối phương giải quyết một vấn đề hóc búa thì có thể thấy rõ được năng lực và dũng khí của họ.
Một biện pháp khác chính là: “Túy chi dĩ tửu, dĩ quan kì thái”, quan sát đối phương khi say rượu biểu hiện như thế nào? Có thể một người lúc bình thường thì cử chỉ nói năng đều rất cung khiêm lễ nghĩa, nhưng khi uống rượu vào say rồi thì lời nói ba hoa, thậm chí coi thường người khác. Loại người này tuyệt đối không nên tin dùng.
5. Chính tà xem mũi, thật giả xem môi
Tăng Quốc Phiên (1811-1872) tự là Bá Hàm, hiệu là Điều Sinh, người Tương Hương, tỉnh Hồ Nam, đỗ Tiến sĩ triều Đạo Quang, giữ chức vụ Thị lang các bộ Binh, Lễ, Lại, Hình. Ông cũng là một Nho gia lỗi lạc theo phái Đông Thành, một nhân vật tiêu biểu của địa chủ người Hán, sau được bổ nhiệm chức Nội các Học sĩ trong Triều đình Mãn Thanh.
Ông là tướng lĩnh chỉ huy Tương quân (đoàn quân được xây dựng nòng cốt từ trai tráng làng Tương Hương), cánh quân chủ lực trong cuộc chiến chống quân Thái Bình Thiên Quốc. Là một nhà nho, một nhà quân sự tài ba, Tăng Quốc Phiên nổi tiếng nhìn người chuẩn xác với nguyên tắc: “Tà chánh khán nhãn tị”, nghĩa là chính tà xem mũi, thật giả xem môi. Công danh xem khí chất phong độ, sự nghiệp xem tinh thần. Thọ yểu xem móng tay, phong ba xem gót chân. Nếu muốn hỏi trật tự nề nếp, đều trong lời nói mà xem.
Xem tướng mặt mà biết nội tâm, đây không phải là mê tín. Tinh thần, khí chất của con người đều thể hiện ra trong cử chỉ lời ăn tiếng nói. Con mắt là cửa sổ tâm hồn. Người có đôi mắt thần thái an định, có ánh mắt rực sáng thì nội tâm anh ta tràn đầy tự tin, có khí chất dũng cảm, vượt qua thử thách. Người ăn nói chân thành thì miệng vuông vắn tròn trịa, là người có chủ kiến khi gặp chuyện cấp bách, là người tạo được chỗ đứng vững chắc.
Muốn biết một người có thành danh hay không thì hãy xem trạng thái tinh thần của người đó. Nếu một người mà mỗi lời nói ra đều là lời chân thành từ đáy lòng, nói năng gọn ghẽ, súc tích, thì khi tư duy vấn đề cũng rất chặt chẽ logic. Đây gọi là: “Nhược yếu khán điều lí, toàn tại ngữ ngôn trung”.
Nếu muốn nhìn tầng thứ, cảnh giới của một người thì hoàn toàn có thể dựa vào ngôn từ của họ. Ở đây không phải là xem tướng người cũng không phải xem người có căn tu hay không mà là quan sát thần sắc. Tăng Quốc Phiên vô cùng coi trọng điều này, đồng thời xem nó là một trong “tứ đại phương diện” để nhìn người. Ông thường nói: “Cổ nhân dùng cách thức nghe lời nói chuyện rất hữu dụng“, nghĩa là quan sát hai người nói chuyện, chú ý lời nói của họ mà nhận biết đối phương có phải là người cao minh không?
Nguồn: dkn