“Họa phúc vô môn”, một niệm thiện cải biến vận mệnh
Người xưa có câu: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu”, có nghĩa là họa phúc ở đời không phải do may mắn hay xui xẻo, mà bởi con người tu đức hay làm ác mà tự gặt hái kết quả. Vận mệnh ra sao do tâm niệm chúng ta quyết định.
Dưới đây là câu chuyện về một chàng trai sinh ra đã nghèo khó nhưng tính tình đôn hậu. Trong cảnh khốn cùng vẫn thương người gặp hoạ, không tham của phi nghĩa; nhờ đó mà tướng mạo thay đổi, vận mệnh được cải biến, làm quan phát đại tài.
Số mệnh nghèo khổ
Những năm đầu triều đại nhà Minh, tại kinh thành có một người tên Trịnh Hưng Nhi, là người hầu trong gia đình quan Thị lang họ Vương. Anh là người thật thà, chăm chỉ nên được chủ nhân đối xử rất tốt.
Vào một ngày nọ, có thầy tướng số khá nổi tiếng thời đó là Viên Thượng Bảo tới phủ họ Vương. Nhìn thấy anh người hầu này liền nói với Thị lang rằng, nếu giữ anh ta ở lại nhà thì sẽ mang tai họa cho gia đình. Bất lực không biết làm cách nào, Vương Thị lang đành phải cho Trịnh Hưng Nhi ra khỏi phủ, tự tìm kế mưu sinh.
Khi anh rời đi, tôi tớ trong gia đình không còn người để tị nạnh, gia đình vị lang trung quả thực bình an hơn.
Sau khi rời khỏi gia chủ, không nơi trú chân, Trịnh Hưng Nhi đành nương thân sống qua ngày trong một ngôi miếu cổ. Ngày nọ, Trịnh có việc ra ngoài, lúc trở về miếu, anh phát hiện trên tường có treo một cái bọc; mở ra xem thì thấy bên trong có 20 lạng bạc.
Đang vui mừng vì đột nhiên phát tài ngoài ý muốn thì bỗng anh trầm tư suy nghĩ: “Số mệnh của mình vốn đã định trước là nghèo khổ phải đi ở cho Vương lang trung. Vì có thể gây họa bất lợi cho gia chủ mà bị đuổi khỏi nhà, sao mình lại có phúc để dùng số tiền này chứ?
Hơn nữa chủ nhân của số tiền không chừng đang cần dùng đến, không cẩn thận để mất ở đây khéo còn liên quan tới tính mạng của nhiều người? Dù không có ai biết nhưng đây vẫn là việc làm tổn đức. Mình cứ đợi ở đây xem có ai đến thì trả lại họ”. Đoạn Trịnh Hưng Nhi ngồi đó đợi người để quên bạc.
Trong cảnh khó vẫn giữ được thiện niệm
Mãi cho tới ngày hôm sau mới có một người, bộ dạng phiền muộn chán nản tới ngôi miếu. Trịnh Hưng Nhi hỏi sự tình, ông ta thành thật trả lời. Ông vốn là quản gia trong gia đình của viên Chỉ huy sứ họ Trịnh tại phủ Hà Giang; phụng mệnh chủ nhân mang 20 lạng bạc tới kinh thành xử lý công việc, vì không cẩn thận để quên ở đây. Lúc quay lại đã không cánh mà bay.
Nghe đúng số bạc, Trịnh Hưng Nhi vui vẻ mang tiền giao trả cho người mất. Vị quản gia nhận được bạc, trong bụng như mở cờ, tỏ ý muốn biếu lại Trịnh Hưng Nhi một nửa để cảm tạ.
Trịnh Hưng Nhi từ chối: “Nếu tôi muốn lấy bạc của ông, thì tối hôm qua đã cầm đi rồi, cũng không cần phải đợi ở đây cả đêm.Đừng nghĩ xấu cho người khác như vậy”.
Nhìn cử chỉ lời nói, vị quản gia cảm nhận được đức hạnh của người này nên mời anh cùng theo mình về phủ, hy vọng có thể sắp xếp cho anh được một công việc gì đó. Vốn không nơi nương thân, Trịnh Hưng Nhi đồng ý theo vị quản gia về phủ.
Quan chỉ huy sứ nghe thuật lại câu chuyện thì lấy làm cảm kích. Ông rất hài lòng về đức hạnh của Trịnh Hưng Nhi. Lại thấy cậu thanh niên này tướng mạo trung hậu, độ lượng khoan hồng, đồng thời vì bản thân ông không có con cái nối dõi nên muốn nhận anh làm con nuôi. Ban đầu Trịnh không dám với cao, một mực từ chối. Chỉ huy sứ ôn tồn nói:
“Đức hạnh của cậu thực sự cao thượng như cổ nhân. Nếu ta mang tiền bạc ra cảm tạ thì người coi nhẹ tiền tài trọng nghĩa khí như cậu chắc chắn sẽ từ chối. Nếu không cảm tạ, chẳng phải ta sẽ thành người vong ơn bội nghĩa hay sao? Hơn nữa, ta và cậu còn cùng một họ, đó chẳng phải là duyên phận trời ban sao? Ta sợ người chịu thiệt là cậu đấy chứ? Cậu không nên khách khí như vậy”.
Sự việc quả thực không thể từ chối nên Trịnh Hưng Nhi đành phải đồng ý.
Tướng mạo thay đổi, vận mệnh cải biến
Sinh ra ở phương Bắc nên Trịnh vốn rất thích cưỡi ngựa, bắn tên. Anh lại được Chỉ huy sứ dốc công bồi dưỡng nên chẳng bao lâu sau đã được thăng chức làm quan võ dưới trướng của cha nuôi.
Vào một năm nọ, khi có công chuyện đi tới kinh thành, “nhìn cảnh cũ nhớ lại tình xưa”, Trịnh Hưng Nhi lại nhớ về công ơn năm xưa vị lang trung họ Vương đã thu nhận mình nên tìm tới thăm. Anh thay thường phục và tới hành lễ giống như thân phận người đầy tớ năm xưa.
Nhớ lại việc năm đó, quan Thị lang vừa kinh ngạc vừa xấu hổ và khó xử. Hai người cùng cười giễu cợt Viên Thượng Bảo (vị thầy tướng số), chê ông ta là kẻ hữu danh vô thực.
Khi hai người đang chuẩn bị ăn cơm, thì người hầu thông báo Viên Thượng Bảo tới bái kiến. Vương thị lang bàn với Trịnh Hưng Nhi chuẩn bị biến ông ta thành trò cười. Đợi khi ông ta tới, ngồi vào bàn thì Trịnh Hưng Nhi cung kính dâng trà. Viên Thượng Bảo ngạc nhiên và lấy làm kỳ lạ rằng vì sao người này lại ở đây hầu hạ trà nước.
Vương thị lang nói, đây chính là Trịnh Hưng Nhi năm xưa bị đuổi đi, nay anh ta không nơi dung thân nên lại trở về.
Viên Thượng Bảo cười nói: “Sao ông lại muốn lừa tôi? Người này tương lai tạm thời không nói tới, hiện giờ đã là quan võ, sao có thể là người hầu nhà ông?”. Rồi nói tiếp: “Trước đây tôi không xem sai, giờ cũng vậy. Người này âm đức sáng ngời, không phải vì cứu người, thì cũng là trả lại đồ vật quý giá cho người bị mất, nên số mạng hoàn toàn thay đổi. Xem ra anh là người có đức cao hơn người, nên mọi người muốn báo đáp. Đây cũng là nguyên nhân khiến anh có thể hiển lộ ra tướng mạo vinh hoa phú quý”.
Trịnh Hưng Nhi nghe xong phải thốt lên: “Ông quả thực liệu sự như thần”.
Anh hào hứng kể lại câu chuyện ở miếu năm xưa. Mọi người nghe xong hiểu ra, hóa ra Trịnh Hưng Nhi có thể thay đổi vận mệnh là nhờ từ chối của cải phi nghĩa, tích được âm đức. Về sau, Trịnh Hưng Nhi làm đến chức tướng quân, nhiều đời con cháu đều hiển đạt.
“Người vừa sinh một niệm, trời đất đã tỏ tường”, quả thực, con người chỉ cần trong lòng luôn lưu giữ thiện niệm thì dù chẳng truy cầu, trời đất đã sẵn có an bài tốt đẹp nhất. “Họa phúc vô môn”, cũng đều là từ suy nghĩ và hành động của chúng ta mà ra.
Nguồn: nguyenuoc