Hai đoạn thoại trong ‘Tam Quốc Diễn Nghĩa’ chấn động lòng người
Năm tháng thoi đưa, chỉ chớp mắt đã hơn mười năm trôi qua, thế nhưng hai đoạn thoại trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” vẫn như sấm bên tai, cho đến nay tôi vẫn ghi nhớ trong lòng.
“Tam Quốc Diễn Nghĩa” không giống với “Tam quốc chí”, nó không phải là sách sử, mà là một cuốn tiểu thuyết văn học do La Quán Trung, tiểu thuyết gia thời Nguyên mạt Minh sơ viết. Cuộc sống của học sinh sinh viên những năm thập niên 70, 80 thế kỷ trước là vô cùng buồn tẻ. Năm tháng thoi đưa, chỉ chớp mắt đã hơn mười năm trôi qua, thế nhưng hai đoạn thoại trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” vẫn như sấm bên tai, cho đến nay tôi vẫn ghi nhớ trong lòng.
Đoạn thoại thứ nhất là ở Hồi 19 của “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, đoạn Trương Liêu răn dạy Lã Bố: “Lã Bố thất phu! Chết thì chết, có gì phải sợ!”.
Đoạn thoại thứ hai là ở Hồi 66 của “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, đoạn Quan Vũ trả lời con trai Quan Bình: “Ta ở trong đám muôn gươm nghìn giáo, tên đạn bời bời, một ngựa tung hoành như vào chỗ không người, có sợ gì đàn chuột Giang Đông!”.
Một số người cho rằng những gì được mô tả trong sách “Tam quốc diễn nghĩa” không phải là sự thật lịch sử, thế là liền sinh lòng bài xích, cho rằng chỉ đọc “Tam quốc chí” mới có ý nghĩa. Tôi lại cho rằng việc nghiên cứu “Tam quốc chí”là công việc của các nhà sử học chuyên nghiên cứu về sự thật lịch sử, còn đối với đại chúng, chỉ cần có thể giúp người ta bỏ ác hành thiện, giáo hóa lòng người thì đều là sách hay và có ý nghĩa văn hóa.
Khảo nghiệm sinh tử ung dung không vội, Trương Văn Viễn thản nhiên thấy chết không sờn
Trong nhân thế, ngoại trừ sinh tử, hết thảy đều là việc nhỏ. Bởi vậy, dù cho đối với người tu hành mà nói, buông bỏ sinh tử cũng không phải là một chuyện dễ dàng. Tôi đã từng nhìn thấy một người tu hành lâu năm, vì không thực tu, thời gian dài mang bệnh nặng đau đớn khó chịu, vậy mà trước mặt mọi người vẫn hô to ba lần: “Tôi không sợ chết!”. Trong mắt của tôi, bà chẳng qua chỉ là tăng thêm cho mình lòng dũng cảm mà thôi. Bởi vì một người đã buông bỏ sinh tử, thì người đó hẳn tự có cảnh giới tinh thần và khí độ, nội tâm ung dung không vội, có lẽ không cần phải dùng đến phương thức này để thể hiện cảnh giới không sợ chết.
Trong Tam quốc có đông đảo anh hùng hào kiệt, nhưng người làm cho tâm tôi bội phục nhất, không phải là Quan Vân Trường rong ruổi sa trường, cũng không phải Gia Cát Lượng trí quan thiên hạ, mà chỉ là một võ tướng nhìn như rất bình thường. Có lẽ rất nhiều người còn chưa từng nghe nói qua một cái tên như thế, nhưng mà từ câu chữ mấy trăm trang giấy kia, đếm kỹ ra thì sinh mệnh tự do và phóng khoáng nhất, đối với tôi đó chính là Trương Liêu, tự Văn Viễn.
Trước khi đọc “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, tôi đã biết đến câu thành ngữ “thấy chết không sờn”, nhưng tôi vẫn chưa minh bạch rằng người “thấy chết không sờn” là có khí phách như thế nào. Cuối cùng, là lời nói và hành động của Trương Liêu tại lầu Bạch Môn đã giúp tôi hiểu chân ý của câu nói này.
Lã Bố chiến bại, trước khi bị xử tử nói với Tào Tháo rằng: “Ông không lo ngại ai bằng lo ngại tôi. Nay tôi đã chịu ông. Ông làm đại tướng, tôi làm phó tướng, việc thiên hạ khó gì không định nổi?”
Nhưng Tào Tháo lại hạ lệnh đem Lã Bố treo cổ chết. Khi thủ hạ của Lã Bố là Trương Liêu nhìn thấy Lã Bố xin tha mạng, quát to lên rằng: “Lã Bố thất phu! Chết thì chết, có gì phải sợ!”.
Tào Tháo nghe xong tự mình rút kiếm đến giết Trương Liêu, Trương Liêu hoàn toàn không có vẻ sợ hãi, hô to Tào Tháo là quốc tặc, vươn cổ chờ chết. Nhưng Tào Tháo gặp được người có tài năng và nhân phẩm cao thượng, cuối cùng không giết, tự tay cởi trói cho Trương Liêu, cởi áo ra mặc cho Trương Liêu rồi mời ngồi lên ghế. Trương Liêu cảm phục ân tình, thế là đầu hàng, từ đó trở thành tướng lĩnh của Tào Tháo. Trường đoạn này cũng nói lên một đạo lý: Một người nếu có cốt khí, trong thời khắc mấu chốt có thể thấy chết không sờn, thì thường sẽ không chết, ngược lại vẫy đuôi xin tha mạng, thì hẳn phải chết là điều không còn nghi ngờ.
Một người dám buông bỏ sinh tử như Trương Liêu, đủ để cho phàm nhân nơi thế gian sinh lòng kính sợ. Về sau tôi đọc tiếp, thấy được Trương Liêu uy phong lẫm liệt uy chấn Tiêu Diêu Tân, đứng ở đầu bên kia Hợp Phì ngửa mặt lên trời thét lớn, đó là một trận đánh kinh thiên động địa, từ đây ông trở thành “thần linh” Giang Đông mà mọi người đều biết đến. “Nghe kỳ danh, trẻ con không dám khóc đêm”, có lẽ là tiểu thuyết quá khoa trương, nhưng ai có thể cảm nhận được cái đêm mưa máu gió tanh ấy, tám trăm thiết kỵ đã phá tan mấy vạn đại quân, tung hoành ngang dọc, trùng sát đột kích, ngoài ông ra còn có ai! Ngô chủ Tôn Quyền có hào kiệt cỡ nào, cũng suýt nữa thì mất mạng. Trong những năm tháng ồn ào náo động, Hợp Phì luôn là tuyến đầu Ngụy Ngô tranh bá, tại Đông Ngô, người hết lần này đến lần khác mạnh mẽ tiến công, một tướng quân mạnh hơn thiên quân vạn mã, chỉ có Trương Liêu mới là người có nội tâm kiên cố nhất trong trướng quân Tào. Trương Liêu là một trong số ít tướng lĩnh trong trướng Tào Tháo vừa có thể thống binh xuất chinh, lại có thể lâm trận chém giết.
Uy chấn Tiêu Dao Tân chỉ là một nốt nhạc nhỏ trong cuộc đời Trương Liêu, vận mệnh của ông trôi dạt khắp nơi, không ngừng thay đổi chúa công. Trải qua các đời chúa công Đinh Nguyên, Đổng Trác, Lã Bố, quanh co bất đắc dĩ, mãi đến cuối cùng quy hàng Tào Tháo, ông mới nhìn thấy giá trị của bản thân mình. Lã Bố cho dù có dũng mãnh như hổ, nhưng nhân cách và cảnh giới tinh thần của ông ta không cách nào so sánh với Trương Liêu. Trương Phi mỗi khi lâm trận đối địch, trước tiên phải mắng chửi Lã Bố là “gia nô ba họ”. Tuy nhiên, Trương Liêu, người đã bốn lần đổi chủ, lại không bị hậu thế bêu tiếng xấu nào. Trên thực tế, lòng trung thành được thể hiện nhiều hơn ở tầng bên trong, bên dưới bề mặt. Ông chưa bao giờ giống như Lã Bố lâm trận quay giáo, cho dù ở dưới trướng hôn quân vẫn tuân thủ nghiêm ngặt bổn phận của mình. Trên lầu Bạch Môn, khi đối mặt với người thắng trận là Tào Tháo với dáng vẻ uy nghiêm, ông vẫn có thể dũng cảm phỉ nhổ, không hề vì tính mạng của mình mà tỏ ra lo lắng. Võ công của ông không bằng Lã Bố, nhưng cảnh giới tinh thần thì Lã Bố khó mà sánh kịp.
Nhân sinh tại thế, cuối cùng khó tránh khỏi cái chết. Nhưng mà, một người có thể thản nhiên buông bỏ sinh tử, tất có ý chí và cảnh giới siêu phàm.
Đơn đao phó hội, vũ dũng trung thành, Quan Vân Trường hiển rõ bản sắc anh hùng
Thế gian ngoài những người tham sống sợ chết, phần lớn người đều có tâm sợ hãi tâm. Trong Hồi 21 của “Tam Quốc Diễn Nghĩa” – ‘Tào Tháo uống rượu luận anh hùng’, từng đánh giá Viên Thiệu như thế này: “Viên Thiệu ngoài mặt mạnh bạo, trong bụng nhút nhát, thích mưu mẹo mà không quyết đoán, làm việc lớn lại lo đến bản thân, thấy lợi nhỏ thì lại quên mình, không thể gọi là anh hùng được!”
Ngược lại, trước khi Quan Vũ đơn đao phó hội từng nói một câu, đã thể hiện rõ bản sắc anh hùng. Trong Hồi 66 của “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Quan Bình can rằng: “Phụ thân sao lại đem tấm thân quý trọng như muôn lạng vàng, mà vào hang hùm sói làm vậy? Làm thế không phải là trọng công việc bá phụ đã uỷ thác cho cha”.
Vân Trường nói: “Ta ở trong đám muôn gươm nghìn giáo, tên đạn bời bời, một ngựa tung hoành như vào chỗ không người, có sợ gì bầy chuột Giang Đông!”
Mã Lương cũng can rằng: “Lỗ Túc tuy là người tử tế, nhưng đến lúc việc cấp, cũng phải sinh bụng khác, tướng quân chớ nên khinh thường mà đi”.
Vân Trường nói: “Xưa kia, đời Chiến quốc, người nước Triệu là Lạn Tương Như, sức trói gà không nổi, thế mà ở đám hội Hàm Trì còn coi vua tôi nhà Tần chẳng vào đâu. Huống chi ta có sức địch muôn người… Và ta đã trót hứa rồi, không nên sai hẹn”.
Quan Vũ là một trong những nhân vật anh hùng thiên cổ trong lịch sử Trung Quốc, ông gần như không chỉ nổi tiếng trong xã hội người Hoa, mà rất nhiều người Nhật Bản và Hàn Quốc cũng vô cùng tôn kính uy danh của ông. Người Hoa ở hải ngoại cũng đều kính ngưỡng tinh thần trung nghĩa của ông, bởi vậy rất nhiều Hoa kiều ở New York đến nay vẫn còn có thói quen bái Quan Công.
Quan Vũ không chỉ có võ nghệ siêu quần, “rượu ấm trảm Hoa Hùng”, trảm Nhan Lương, trừ Văn Sú đều chỉ bằng mấy chiêu. Ông can đảm hơn người, một mình cưỡi ngựa qua năm ải, trảm sáu tướng, vô cùng dũng mãnh. Hơn nữa, ông còn tinh thông binh pháp, khi ở Phàn Thành đối chọi với Ngụy quân, lợi dụng mưa to dìm nước bảy quân, bắt Vu Cấm, trảm Bàng Đức, uy chấn Hoa Hạ. Cho dù kết cục cuối cùng là chủ quan đánh mất Kinh Châu, thua chạy đến Mạch Thành, nhưng là từ nơi sâu xa tự có Thiên ý. Con người là vĩnh viễn không cách nào chiến thắng Thượng thiên. Nếu như nói thông điệp của Tam quốc chính là “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên” – an bài của Thượng thiên là không thể nào phá vỡ, dù là trí tuệ của Gia Cát Lượng hay Quan Vũ dũng mãnh phi thường, cũng không thể thắng được ý Trời. Bởi vậy, dẫu kết cục của Quan Vũ ra sao, vẫn không hề làm hỏng hình tượng anh hùng của ông trong lòng dân chúng.
Quan Vũ là mãnh tướng uy phong lẫm liệt, vũ dũng trung thành, cho nên sách sử từ cổ chí kim đều đánh giá rất cao đối với ông. “Quan vương miếu bia” của Phương Hiếu Nho thời nhà Minh viết: (Quan Vũ chết ) đến nay đã hơn nghìn năm, từ kẻ nghèo hèn, tiểu dân cho đến trẻ con, đều tôn kính kỳ danh, kính sợ uy danh của ngài, mãi mãi không quên.
Trong Hồi 76 của “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, sau khi mất Kinh Châu, Quan Vũ rút lui về Mạch Thành, lúc Gia Cát Cẩn đến đây chiêu hàng, ông đã nói những lời thể hiện rõ chí khí trung nghĩa phóng khoáng: “Ta là một kẻ võ phu ở Giải Lương, được nhờ chủ ta coi như anh em thủ túc, có lẽ đâu ta lại trái nghĩa mà theo hàng với người khác! Thành này mà phá, ta cùng lắm thì chết. Ngọc tuy đập vụn được, nhưng không sao đổi được sắc trắng; trúc đốt cháy được, nhưng không sao huỷ được gióng thẳng; thân người tuy chết, nhưng còn danh tiếng truyền mãi trong sử sách đời sau. Ngươi đừng nói làm chi cho phí lời, xin mời ra thành cho mau, ta muốn đánh nhau với Tôn Quyền một trận nữa!”
“Tam Quốc Diễn Nghĩa” là một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc, đã lưu lại một trang nổi bật trong lịch sử văn học Trung Quốc. Trong sách có rất nhiều danh ngôn đặc biệt sâu sắc khiến người đời suy ngẫm sâu xa, dù cho trải qua trăm ngàn năm, vẫn có thể đủ để khích lệ hậu nhân giữ vững đạo nghĩa và tiết tháo cao thượng.
Nguồn: ntdvn (Trung Nguyên)