Vì sao mỗi khi lâm nạn Đường Tăng chỉ biết gọi ‘Ngộ Không’?
“Chúa động nói:
– Nhà ngươi không biết. Ăn thịt hắn thì khó gì, chỉ ngại hai tên đồ đệ đến đây làm phiền thì không ổn. Hẵng trói hắn vào cột định phong ở vườn sau, đợi dăm ba ngày, không thấy hai tên kia đến gây sự, lúc ấy, một là người hắn sạch sẽ, hai là tránh được miệng tiếng, mặc chúng ta bung nấu, rán kho, tha hồ tùy ý đánh chén có thú hơn không?
Hổ tiên phong mừng lắm:
– Đại vương mưu kế sâu xa, nói chí lý lắm!
Rồi hắn gọi đàn em:
– Chúng bay đâu, mang nó đi!
Bảy tám tên lâu la đứng cạnh lôi Đường Tăng lại, lôi đi chẳng khác con quạ tha gà con. Đó thật là:
Khốn cùng Tam Tạng mong Hành Giả,
Hoạn nạn Đường Tăng nhớ Ngộ Năng.
Tam Tạng thầm kêu:
– Đồ đệ ơi, không biết các con hàng yêu bắt quái ở đâu, mà để thầy bị ma bắt thế này. Gặp nạn này biết bao giờ mới lại được gặp nhau. Trời ơi, các con mau đến sớm cứu thầy, nếu chậm, mạng thầy e khó toàn mất.
Tam Tạng vừa than thở, vừa nước mắt như mưa”.
(Trích Tây du ký* hồi thứ 20: “Núi Hoàng Phong, Đường Tăng gặp nạn/ Giữa rừng thẳm, Bát Giới lập công”)
Bạn đọc yêu mến Tây du ký hẳn còn nhớ, trên đường đi thỉnh kinh, mỗi lần Đường Tăng gặp nạn sa vào tay yêu quái, ông chẳng thể làm gì, chỉ biết rơi nước mắt gọi tên đồ đệ. Trong phim “Tây du ký” (1986), hai tiếng gọi thất thanh da diết “Ngộ Không…!” của Đường Tam Tạng đã trở thành dấu ấn khó phai trong lòng bao thế hệ khán giả. Thuở trẻ, tôi chỉ thấy Đường Tăng sao mà yếu đuối, “mang tiếng” là sư phụ mà pháp lực chẳng có gì, toàn dựa dẫm vào ba đồ đệ. Đến giờ đọc lại, mới chợt hiểu ra một tầng đạo lý bên trong, thầm cảm phục vị Thánh tăng của Đại Đường.
Ngũ vị nhất thể
Bạn đọc theo dõi loạt bài Giải mã Tây du ký đều biết, hành trình đi thỉnh kinh của Đường Tăng và bốn đồ đệ (tính cả Bạch Long Mã) thực ra chỉ là quá trình tu luyện của một người: “ngũ vị nhất thể”. Trong đó, Đường Tăng là thân thể, cũng là chủ nguyên thần của người tu luyện, Tôn Ngộ Không tượng trưng cho cái tâm, Trư Bát Giới là tình cảm và dục vọng, Sa hòa thượng là bản tính, và Bạch Long Mã là ý chí của con người. Người xưa thường nói “tâm viên ý mã” (tâm vượn ý ngựa) là như thế. Đường Tăng thu phục được Ngộ Không, Bạch Long Mã, Bát Giới và Sa Tăng, nghĩa là “thân, tâm, tình, tính, ý” – đoàn thể hoàn mỹ nhất này đã hợp thành, kiên định tu luyện. Nên hồi cuối cùng của tác phẩm “Về thẳng phương đông, Năm Thánh thành Phật” mới có thơ rằng:
“Một thể chân như lạc xuống trần,
Hợp hòa bốn tướng lại tu thân.
Ngũ hành sắc tướng không rồi tịch,
Trăm quái hư danh thấy chẳng bàn”.
Như vậy, việc Đường Tăng khi lâm nạn nhớ đến các đồ đệ của mình, một tầng hàm nghĩa chính là người tu luyện trong ma nạn có thể thanh tỉnh, giữ chính niệm nhắc nhở bản thân mình là người tu luyện, giữ vững tâm tính, một lòng một dạ kiên định ý chí tu luyện. Chỉ có như thế thì mới có thể không bị giả tướng thế gian mê hoặc, mới nhận được sự bảo hộ gia trì của Thần Phật.
Kỳ thực, sự kiện Đường Tăng sa vào tay yêu quái là biểu hiện tại không gian khác của một người tu luyện do buông thả bản thân mà xa rời chính đạo. Tu luyện yêu cầu thời thời khắc khắc giữ gìn tâm tính, diệt trừ mọi ý niệm không phù hợp với Pháp. Tây du ký có thơ rằng:
Tu thiền nhất định tốn công phu,
Ý mã tâm viên thảy diệt trừ.
Buộc chặt giữ bền sinh ngũ sắc,
Lỏng lơi dừng lại rớt tam đồ.
“Tam đồ” bị rớt, thì cần triệu hồi, ấy là con đường để quay về chính đạo vậy.
Pháp danh của ba đồ đệ
Bên cạnh đó, pháp danh của ba đồ đệ của Đường Tăng dường như cũng nói lên nhiều điều. Trong khổ nạn, Đường Tăng nhớ “Ngộ Không”, “Ngộ Năng” và “Ngộ Tĩnh”, phải chăng chính là nói trong khảo nghiệm người tu luyện nhất định cần phải “Ngộ”, chính là dựa vào ngộ tính mà lĩnh hội pháp lý, đề cao tầng thứ tâm tính, dựa vào ngộ mà viên mãn.
Vậy Đường Tăng cần ngộ ra những điều gì? Theo lý giải hạn hẹp của người viết, người tu luyện trong ma nạn đầu tiên cần ngộ ra là phải không chấp trước, buông bỏ mọi chấp trước (Ngộ Không), sau đó là ngộ ra năng lực phi thường sẵn có trong bản thân mình (Ngộ Năng), và cuối cùng là ngộ ra phải giữ tâm tĩnh như nước để soi chiếu vạn cảnh (Ngộ Tĩnh), thế thì sẽ nhìn thấu bản chất của sự vật sự việc, dùng cái tâm thanh tịnh không truy cầu và năng lực phi thường để vượt qua quan ải khảo nghiệm.
“Phật ở Linh Sơn lọ phải cầu”
Trong số ba đồ đệ thì Tôn Ngộ Không là đại sư huynh, là người có pháp lực cao nhất, cũng là người được Đường Tăng đặt nhiều hy vọng nhất. Ở hồi 75, khi bị ba ma vương cản lại ở thành Sư Đà, Tam Tạng đã chắp tay ngửa mặt lên trời khấn rằng:
Thỉnh cầu các vị thần tiên,
Lục đinh Lục giáp chư thiên mọi đàng.
Phù hộ đồ đệ họ Tôn,
Thần thông quảng đại vô biên phép màu!
Điều đó khiến Hành Giả tinh thần phấn chấn hẳn lên. Tôn Ngộ Không là biểu trưng cho cái tâm của Đường Tam Tạng. Trong hoạn nạn, Đường Tăng không oán Trời trách người, mà biết cầu cái tâm, tìm cái tâm, hướng vào trong tâm mà tu hành, đó chính là yếu chỉ của tu luyện! Người tu luyện không thể mãi hướng ngoại mà cầu, hướng ngoại mà tìm, thế thì sẽ lạc vào ma đạo. Chỉ có hướng nội tu tâm mới có thể nhận ra lỗi lầm chấp trước, mới có thể tịnh hoá bản thân, mới có thể công thành viên mãn.
Cho đến những ngày cuối cùng trên hành trình thỉnh kinh, ta vẫn thấy một Đường Tăng đôi khi còn lo sợ viển vông, mà Hành Giả đã muôn phần chín chắn. Kỳ thực, cái thân thể phàm tục của người tu luyện luôn phản ánh ra cảm xúc của người thường, nhưng cái tâm tu luyện thì đã trưởng thành rồi, phần Thần ấy có thể ước chế phần người. Hồi thứ 85 “Hành Giả đố kỵ lừa Bát Giới/ Ma vương bày mẹo bắt Đường Tăng” có đoạn:
“Ðang lúc vui vẻ, bỗng họ nhìn thấy một tòa núi cao chắn lối. Đường Tăng ghìm ngựa nói:
– Đồ đệ ơi, các con nhìn thế núi trước mặt cao vòi vọi thế kia, vậy phải cẩn thận nhé!
Hành Giả cười nói:
– Sư phụ yên tâm! Yên tâm! Con sẽ bảo vệ sư phụ vô sự!
Tam Tạng nói:
– Chớ nói vô sự! Ta thấy núi ấy sừng sững, hung khí bảng lảng, mây độc chập chờn, bất giác cảm thấy hoảng sợ, toàn thân tê dại, thần trí chẳng an.
Hành Giả cười nói:
– Sư phụ quên bản Đa Tâm Kinh của thiền sư Ô Sào rồi à?
Tam Tạng nói:
– Ta vẫn nhớ chứ.
Hành Giả nói:
– Sư phụ tuy nhớ, nhưng quên mất bốn câu tụng.
Tam Tạng hỏi:
– Bốn câu nào?
Hành Giả thưa:
– Bốn câu:
Phật ở Linh Sơn lọ phải cầu,
Linh Sơn tại tâm có xa nào.
Ai ai cũng có Linh Sơn tháp.
Chân tháp tu hành tốt biết bao!
Tam Tạng nói:
– Đồ đệ ơi, ta há không biết? Nếu cứ y theo bốn câu thơ ấy thì muôn kinh nghìn điển cũng chẳng bằng tu tâm à?
Hành Giả nói:
– Đúng rồi. Tâm lắng có mình riêng chiếu, tâm còn vạn cảnh đều trong, sơ suất lỡ lầm thành biếng nhác, nghìn đời muôn kiếp chẳng thành công, chỉ cần một tấm lòng thành, Lôi Âm ở ngay trước mặt. Cứ nhìn sư phụ hốt hốt hoảng hoảng, thần trí bất an, thì đạo lớn còn xa lắm và Lôi Âm cũng xa lắm! Sư phụ chớ nghi ngờ cứ đi theo con.
Tam Tạng nghe nói, tinh thần trở lại bình tĩnh, muôn nỗi lo lắng đều tiêu tan”.
“Muôn kinh nghìn điển cũng chẳng bằng tu tâm”, đây có lẽ là thông điệp xuyên suốt mà Tây du ký muốn nói cùng thiên thu vạn đại. Phật gia giảng “Phật tại tâm trung”, phải hướng vào cái tâm này mà tìm, mà tu, thì mới có thể tu thành. Chớ tưởng khấn bái tứ phương mà tiêu tai giải nạn, chớ mong xây chùa bắc cầu mà tu thành Phật thành Tiên, ấy chỉ là mò trăng đáy nước. Đường Tăng mỗi khi lâm nạn đều nhớ về ba đồ đệ, biết hướng tâm mà tu, kiên định tín niệm tu luyện, quả không hổ danh là bậc “Thần tăng”!
*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.
Nguồn: DKN (Thanh Ngọc)