Thiện niệm xuất ra, đất trời vạn vật đều cảm động
Tướng do tâm sinh, mệnh do thiện ác xoay vần, mỗi một sự việc đều có khả năng chuyển biến, cốt yếu là ở suy nghĩ và hành động của mỗi người.
Điềm báo từ thiên tượng
Theo Sử Ký ghi chép, thời kỳ Xuân Thu, năm thứ 37 thời Tống Cảnh Công phát sinh thiên tượng ‘Huỳnh hoặc thủ tâm’ (hiện tượng sao Hỏa di chuyển đến gần 3 ngôi sao Tâm Túc và dừng lại một thời gian).
Đây được cho là điềm xấu, đại biểu cho binh đao loạn lạc, chết chóc tai ương… ám ảnh nhiều vương triều trong lịch sử Trung Quốc.
Đương thời, thiên tử nhà Chu phân chia cho mỗi chư hầu cai quản một vùng đất tương ứng với một ngôi sao, vừa hay sao Tâm lại ứng với Tống quốc, do Tống Cảnh Công làm vương chủ.
Thấy điềm báo từ thiên tượng, Tống Cảnh Công rất lo lắng. Ngày hôm sau khi lên triều, ông hỏi bá quan có biện pháp nào không thì ai nấy đều mặt mày ủ rũ, căng thẳng không thôi.
Ba lời thiện ý
Lúc này có vị chiêm tinh gia là Tử Vi bước lên thưa rằng, ‘Huỳnh Hoặc Thủ Tâm’ là hiện tượng tinh tượng xấu nhất, sao Tâm đối ứng với địa phận của Tống quốc điều đó có nghĩa là quân chủ có nguy hiểm đến sinh mệnh. Nhưng đại vương vẫn có thể tránh được tai họa này thông qua biện pháp làm lễ di thuật, đem cái họa này chuyển cả lên thân của tể tướng.
Tống Cảnh Công nghe xong lập tức đáp: “Không thể được, tể tướng là đại thần trụ cột quốc gia, như là cánh tay của ta, tương trợ toàn bộ hành động của cơ thể, ta làm sao có thể để ông ấy chịu nạn?”
Nghe vậy Tử Vi lại tâu lên một biện pháp khác, đó là đợi đến giờ ngọ 3 khắc của ngày này, Tống Cảnh Tông phải lên Linh đài tế trời, xin chuyển cái họa cho bách tính. Tống Cảnh Công nghe xong lòng lại càng buồn hơn đáp: “Khanh đùa cái gì vậy Tử Vi. Nếu bách tính đều chết cả rồi, ta còn làm quốc vương làm gì nữa? Hơn nữa thân là quốc vương thì cần phải dùng nhân ái để chăm lo cho bách tính trăm họ, ta sao có thể để bách tính chịu nạn?”
Tử Vi ngẫm nghĩ một hồi lại đáp: “Vậy thì không chuyển cho người khác nữa, chuyển thành thu hoạch mùa màng năm nay không tốt thì cũng có thể qua được cái nạn này”. Tống Cảnh Công nghe vậy lại càng tức giận nói: “Mùa màng thất thu, ắt có nạn đói, dân chúng lâm cảnh thê lương. Vì một mình quả nhân mà hại đến bách tính, ta sao có thể xứng làm vương chủ?
Khanh không cần nói nữa, tất cả tai họa đều do mình ta gánh chịu, chỉ cần cuộc sống của bách tính được tốt, quả nhân không tiếc một mạng, không cần các khanh nghĩ thêm biện pháp”.
Tử Vi nghe Tống Cảnh Công nói xong vô cùng cảm động lùi lại mấy bước cùng các đại thần bái tạ Tống Cảnh Công và nói: “Đại vương thà một mình chịu nạn cũng không chịu chuyển cái họa này cho thần dân, đức hạnh này nhất định sẽ thấu tỏ thiên đình, thượng đế không những sẽ miễn hoạ cho đại vương mà còn gia tăng thêm thọ lộc”.
Tống Cảnh Công thắc mắc làm sao Tử Vi biết được điều này. Tử Vi đáp rằng: “Trời tuy ở nơi chí cao nhưng lại có thể nghe được những âm thanh cực nhỏ nơi trần thế. Vừa rồi đại vương đã nói ra 3 lời thiện ý, cũng chính là 3 loại nhân ái của người làm vương. Có thể nói rằng vì có đức nên Trời cao ắt sẽ thưởng cho đại vương 3 điều.
Tối nay Huỳnh Hoặc sao ắt sẽ rời ra sao Tâm cách 3 xá (1 xá là 30 dặm), một xá có thể hành 7 sao, một sao ứng với một năm, ba bảy là hai mươi mốt, đại vương nhất định có thể kéo dài thêm 21 năm thọ mệnh. Tối nay đại vương có thể phái người quan sát thiên tượng, nếu như Hỏa tinh không rời đi, thần nguyện xin nhận tội chết”.
Thiện niệm cảm động trời xanh, hóa hung thành cát
Tối hôm ấy, thái sử quan cùng Tống Cảnh Công quan sát Hỏa tinh, phát hiện Hỏa tinh quả nhiên di chuyển 3 độ, rời khỏi phạm vi của sao Tâm đúng như lời Tử Vi nói.
Tống Cảnh Công sau đó đã tại vị 64 năm, thực thi chính trị nhân nghĩa, tôn kính lời dạy của Lão Tử và Khổng Tử, đích thân đi gặp 2 người này xin kế lược trị quốc, tôn lễ trọng đạo. Bách tính nhờ đó mà được an cư lập nghiệp, thiên hạ thái bình mãi một thời gian dài không phát sinh bất kể việc gì.
Cổ nhân có câu: “Đức năng thắng số”. Nghĩa là con người chỉ cần sống có đức thì số phận dù đã định nhưng vẫn có thể cải biến được. Cũng chính vì vậy mà mọi người cho rằng Tống Cảnh Công vì sinh thiện niệm, đức hạnh cảm động lòng trời nên ông và Tống quốc mới tránh được đại nạn.
Nguồn: tinhhoa