Kể từ khi Thương Hiệt tạo ra chữ Hán, thói quen viết chữ theo chiều dọc từ trên xuống dưới và từ phải qua trái đã trở thành quy ước chung; cho đến đầu thế kỷ XX, người ta mới viết chữ theo chiều ngang và từ trái qua phải. Vậy tại sao người Trung Quốc cổ đại lại viết chữ Hán theo chiều dọc?
Vào thời cổ đại, người Hoa Hạ không chỉ biết dùng mai rùa, xương động vật… để khắc chữ mà thẻ tre trúc và thẻ gỗ cũng được người cổ đại dùng để viết chữ, ghi chép. Cách này vốn được lưu hành từ thời Đông Chu đến thời Ngụy Tấn. Cũng có nơi ghi chép rằng, nó đã xuất hiện từ thời nhà Ân. Theo ghi chép hiện nay thì thẻ tre được xuất hiện sớm nhất vào thời Chiến quốc vì người ta đã tìm thấy chúng khi khai quật mộ Tăng Hầu Ất ở huyện Tùy, Hồ Bắc và muộn nhất là thời kỳ Ngụy Tấn.
Các chuyên gia đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến người Trung Quốc cổ đại viết chữ theo chiều dọc, từ phải qua trái và từ trên xuống dưới, và đó là:
1. Vật liệu viết chữ: thẻ tre
Trước khi phát minh ra giấy, người Trung Quốc viết chữ trên thẻ tre và thẻ gỗ. Chúng là những đoạn tre (gỗ) dài và hẹp, có thể xâu lại với nhau bằng dây thừng rồi cuộn thành một cuốn.
Chữ 册 (sách) chính là chữ tượng hình của những thẻ tre (gỗ) được xâu lại với nhau.
Xét từ đặc điểm chữ Hán và thói quen sinh lý của con người, do tay phải dùng để viết chữ, tay trái dùng để cầm thẻ nên thứ tự nét chữ tự nhiên là từ trên xuống dưới theo chiều dọc.
2. Phản ánh lễ nghi và sự tôn trọng lẽ phải
Ngày xưa chưa có bàn nên khi viết, người ta dùng tay trái cầm bó thẻ, tay phải viết từ trên xuống dưới dọc theo thẻ. Viết hết một thẻ thì gập thẻ đó sang bên phải và viết tiếp vào thẻ bên cạnh. Người ta viết lần lượt từ xa đến gần tay trái như vậy cho đến khi hết. Đây là nguyên nhân khiến cho cổ nhân viết theo hướng từ phải sang trái (đây là quy tắc viết trên thẻ tre). Còn khi mở cuốn sách thì thuận theo tự nhiên là tay phải nâng vật nặng dễ hơn nên tay phải sẽ cầm cuốn sách, tay trái để mở sách.
Chữ Hán được viết từ trên xuống dưới theo chiều dọc và xếp thứ tự từ phải sang trái, điều này cũng phản ánh tư tưởng và lễ nghi của người Trung Quốc cổ đại.
Thời xưa quan niệm rằng, trên là vua, cha mẹ và người chồng; phía dưới là quan, con và người vợ. Cho nên viết chữ cũng viết từ trên xuống dưới.
Quy ước viết chữ “chữ bên phải to hơn chữ bên trái” được cho là xuất phát từ câu: “Vô xuất kỳ hữu ” (được hiểu là không có gì hơn lẽ phải); người xưa tôn trọng lẽ phải cho nên trong một chữ, chữ bên phải được viết to hơn chữ bên trái. Khi sắp xếp thẻ để xâu thành sách, họ cũng sắp xếp từ bên phải trước.
3. Để thuận tiện
Thông thường, các thẻ tre sau khi được viết chữ mới đóng lại thành một cuốn. Không có vấn đề về việc lấy các thẻ tre (gỗ) mới ra để viết, nhưng sẽ có vấn đề về sắp xếp các thẻ tre sau khi viết xong. Tức là chúng phải theo thứ tự.
Thông thường, người ta dùng tay phải để viết chữ, phía tay trái tự nhiên sẽ là tay nhặt thẻ để viết tiếp. Vì chúng được sắp xếp bởi tay trái nên có lẽ người ta sắp xếp chúng sang bên trái sẽ thuận tiện hơn.
Trên đây là 3 nguyên nhân được cho là lý do người Trung Quốc cổ đại viết chữ Hán theo chiều dọc từ trên xuống dưới và xếp thứ tự từ phải qua trái.
Nguồn: Aboluowang.