Lịch sử

Học trò hỏi Khổng Tử: ‘Làm sao để bảo vệ mình?’. Khổng Tử trả lời: ‘Làm tốt 4 điểm này, trị cả 1 quốc gia còn được…

Khổng Tử là nhà tư tưởng Nho gia lỗi lạc, cả một đời ông luôn đề cao đạo đức và giá trị luân thường đạo lý trong xã hội. Từ Tam cương, Ngũ thường, cho tới quan điểm về quân tử hay bậc thánh nhân, các triết lý của ông đã đặt định cho nền văn hóa Nho học thịnh trị khắp Á Đông.

Khổng Tử cho rằng, làm người cần phải đạt được tiêu chuẩn của bậc quân tử: “Người quân tử sợ ba điều: Sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của thánh nhân. Kẻ tiểu nhân không biết mệnh trời, nên không sợ mà còn khinh nhờn bậc đại nhân, giễu cợt lời nói của thánh nhân. Người quân tử ung dung mà không kiêu căng, kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không ung dung”.

Với tư tưởng đề cao “Lễ nghĩa” và đạo đức tự nhiên của nhân loại, rằng bậc chính nhân quân tử cần phải đặt nhân nghĩa lên hàng đầu và đặt lợi ích của dân chúng cao hơn lợi ích bản thân, Khổng Tử đã để lại nhiều bài học sâu sắc cho hậu thế, dưới đây là bốn câu chuyện nhỏ trong số đó:

hoc tro gioi pic1 notzip
Khổng Tử đã để lại nhiều bài học sâu sắc cho hậu thế. Nguồn ảnh: nguyenuoc.

1. Người tiến cử hiền tài mới thực là người cao thượng

Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Bề tôi thời nay, theo thầy ai là người hiền lương nhất?”.

Để có cuộc sống bình an và hút nhiều tài lộc, hãy tham khảo các vật phẩm phong thủy thủ công của Hòn Ngọc nhé!

Khổng Tử nói: “Trong thời của thầy, khó biết được ai mới xứng là bề tôi hiền lương. Nhưng Bảo Thúc của nước Tề, Tử Bì của nước Trịnh trước đây, họ thật đúng là hiền thần”.

Tử Cống hỏi: “Chẳng phải nước Tề còn có Quản Trọng, nước Trịnh còn có Tử Sản hay sao?”.

Khổng Tử nói: “Con chỉ biết một mặt của sự việc. Thầy hỏi con, giữa người có thể cống hiến tâm lực của mình và người có thể đề cử bậc kỳ tài, rốt cuộc ai mới là hiền thần thật sự?”.

Tử Cống nói: “Người có thể đề cử nhân tài mới được tính là hiền thần thật sự”.

Khổng Tử nói: “Vậy chẳng phải đã quá rõ rồi sao? Thầy nghe nói Bảo Thúc đề cử Quản Trọng, Tử Bì tiến cử Tử Sản, chứ không hề nghe nói Quản Trọng, Tử Sản tiến cử một ai cả”.

2. Đến cả bản thân cũng quên, sao có thể làm người quân tử?

Ai Công nói với Khổng Tử: “Ta nghe được một việc hoang đường đến nực cười: Có người hay quên đến mức, khi chuyển nhà còn quên mất cả vợ mình. Ông nghĩ có thể có chuyện như vậy không?”.

Khổng Tử nói: “Đây nào đáng kể gì, tôi còn nghe nói rằng, thậm chí có người ngay cả bản thân mình cũng đều quên mất cả”.

Ai Công cảm thấy khó tin, hỏi: “Thật có chuyện như vậy sao?”.

Khổng Tử nói: “Xưa kia Hạ Kiệt thân là Thiên tử, nắm trong tay toàn bộ thiên hạ, lại quên mất đạo trị quốc mà tổ tiên truyền lại. Thế nên pháp lệnh bại hoại, tế tự bỏ bê, mỗi ngày chỉ biết uống rượu mua vui, loạn thần tặc tử cũng ra sức nịnh bợ, a dua theo Hạ Kiệt. Còn bề tôi trung thành, vì để tránh họa sát thân mà không thể làm gì khác ngoài việc ngậm miệng không nói. Cuối cùng, khắp thiên hạ đều dấy binh khởi loạn, Hạ Kiệt rơi vào cảnh nước vong bỏ mạng – Đây không phải là ngay đến bản thân mình cũng đều quên mất hay sao?”.

hoc tro cua khong tu
Khổng Tử nói: Đến cả bản thân cũng quên, sao có thể làm người quân tử? Ảnh dẫn theo sbs.com.au

3. Làm thế nào để bảo vệ mình?

Nhan Uyên phải đến nước Tống, trước khi đi xin thỉnh giáo Khổng Tử: “Thưa, phải làm sao mới có thể bảo vệ chính mình?”.

Khổng Tử nói: “Thầy nghĩ, bắt đầu từ đức hạnh của tự mình mà làm được bốn điểm: ‘Cung’, ‘Kính’, ‘Trung’, ‘Tín’ là đủ rồi. ‘Cung’ là thái độ thận trọng nghiêm túc với mọi việc, như vậy tai hoạ đương nhiên sẽ không giáng xuống; ‘Kính’ là tôn trọng lễ độ với người, như vậy ai ai cũng sẽ thân thiết gắn bó; ‘Trung’ là tận tâm tận lực đối với công việc mà mình tham gia, như vậy tự nhiên có thể chung sống hòa hợp với mọi người; ‘Tín’ là đã nói là làm, như vậy tự nhiên sẽ được người khác tín nhiệm.

Kỳ thực, nếu thật sự làm tốt bốn điểm này, thì cai trị cả một quốc gia còn làm được, huống hồ chỉ là bảo vệ mình thôi. Cho nên nói ‘không gần người bên cạnh, chỉ gần người xa mình’ – đây không phải là rất sai lầm sao? Không bắt đầu từ trong tâm mà chỉ làm những chuyện bề mặt, đây không phải là lẫn lộn đầu đuôi hay sao? Trước không đem sự tình nghĩ rõ ràng, đợi tới khi nước đến chân rồi mới khẩn trương, lúc này không phải là đã quá muộn màng rồi hay sao?”.

4. Trọng ngũ đức, trừ tứ ác

Tử Trương hỏi Khổng Tử: “Thưa, làm thế nào mới có thể quản lý tốt chính sự?”.

Khổng Tử nói: “Tôn trọng năm loại mỹ đức, trừ đi bốn loại ác xấu, như vậy đã có thể trị lý chính sự rồi”.

Tử Trương hỏi: “Năm loại mỹ đức ấy là gì vậy?”.

Khổng Tử nói: “Một là, bậc quân tử mang ân huệ cho người mà bản thân không phải hao tổn gì. Hai là, khiến người dân lao động mà không khiến họ oán hận. Ba là, theo đuổi nhân đức mà không ham muốn tài lợi. Bốn là, trang trọng chứ không ngạo mạn. Năm là, uy nghiêm chứ không hung hãn”.

Tử Trương nói: “Thế nào gọi là ban cho người dân ân huệ mà bản thân lại không hao tổn gì?”.

Khổng Tử nói: “Để mọi người đi làm những việc có lợi cho họ, đây không phải là có lợi cho người mà không phải móc ra hầu bao của mình ư? Chọn ra thời gian để người đi làm, chọn sự tình để người thực hiện, như vậy ai còn oán hận đây? Theo đuổi nhân đức sẽ được lòng nhân từ, còn có gì đáng để tham luyến đây? Người quân tử đối đãi với người, vô luận bao nhiêu, thế lực lớn hay nhỏ, cũng đều không thất lễ với họ, đây không phải là trang trọng mà không ngạo mạn ư? Người quân tử áo mũ chỉnh tề, mắt không ngó nghiêng, khiến người nhìn thấy liền sinh tâm kính sợ, đây há không phải là uy nghiêm mà không hung tợn ư?”.

Tử Trương hỏi: “Thưa, vậy bốn điều xấu ác là gì vậy?”.

Không Tử nói: “Không giáo hóa người ta mà đã giết hại, gọi là Ngược. Không nhắc nhở người ta mà đã yêu cầu thành công, gọi là Bạo. Không giám sát mà đưa ra kỳ hạn đột ngột, gọi là Tặc. Cho người ta tài vật nhưng lại tỏ lòng tiếc rẻ, gọi là Nhỏ Mọn”.

Khổng Tử nói thêm: “Không hiểu Thiên mệnh, thì không thể làm người quân tử. Không biết lễ nghi, thì không thể ứng xử việc đời. Không giỏi phân biệt lời nói của người khác, thì không thể thật sự hiểu được họ”.

***

Trải qua hơn 2000 năm, các tư tưởng của Nho gia vẫn lưu truyền qua ngàn đời, được hậu thế tán dương và ca ngợi. Rất nhiều vua chúa và quân vương trong thiên hạ, khi sống thì vinh hiển, khi chết chỉ còn lại một thứ danh hão huyền. Khổng Tử là một người áo vải nhưng lại được tôn vinh là bậc thầy của muôn đời, quả là bậc tài nhân xưa nay hiếm.

Thái Sử Công Tư Mã Thiên cũng từng ca ngợi Khổng Tử rằng: “Núi cao cúi phục, thiên nhiên cũng kính nể ngừng khoe sắc đẹp. Thiên hạ biết không đuổi kịp được ông nhưng luôn hướng theo ông! Từ bậc quân vương đến thường dân lúc đó đều ca ngợi ông. Tuy chỉ là người mặc áo vải nhưng ông đời đời được tôn vinh, những người học đều coi ông là thầy, có thể nói ông là bậc thánh hiền vậy!”.

Nguồn: ĐKN (Thiện Sinh)

Xem thêm

About Đào Thanh Mai

Với niềm đam mê mãnh liệt với phong thủy và các vật phẩm phong thủy thủ công, tôi luôn tin rằng không gian sống có thể được cải thiện để mang lại sự thịnh vượng và may mắn cho gia chủ. Tại Honngoc.vn, tôi không chỉ đơn thuần là người kinh doanh mà còn là người truyền tải những giá trị văn hóa và tâm linh thông qua từng sản phẩm. Mỗi vật phẩm phong thủy mà chúng tôi cung cấp đều được chế tác tỉ mỉ bởi các nghệ nhân tài hoa của Hải Phòng, chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc và năng lượng tích cực. Cùng với niềm đam mê phong thủy, tôi luôn tìm kiếm và chia sẻ những kiến thức quý báu về cách cải tạo không gian sống, giúp gia chủ không chỉ đón nhận tài lộc mà còn tạo dựng được sự hài hòa và bình an trong cuộc sống hàng ngày.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *